Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Hội đình Cổ Nhuế


Đình Cổ Nhuế hiện được xây trên một khu đất rộng tại thôn Hoàng, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội cách trung tâm Thủ đô 12 km về phía tây bắc. Đình còn có tên gọi là đình Chạ, hoặc đình Hoàng.
co-nhue.jpg

Chuyện xưa kể rằng, vào tháng Tám, mùa thu năm Đinh Mão, niên hiệu Thuận Thiên thứ 18 (1027) thời vua Lý Thái Tổ, hoàng tử Đông Chinh vương phụng chiếu vua cha đi dẹp giặc ở Văn Châu (Lạng Sơn). Khi qua vùng Cổ Nhuế, lúc ấy nhà cửa còn đơn sơ, dân cư còn thưa thớt. Khi đoàn  quân tới, dân làng đã đứng hai bên đường nghênh đón, và xin được tôn ngài làm thành hoàng để lâu dài thờ phụng. Thấy dân làng có tấm lòng thành ngưỡng mộ, Hoàng vương an ủi và ban cho một phần phẩm vật như: bánh dày, chè kho, bánh rán, là những thứ lương khô mà đoàn quân mang theo rồi từ biệt thúc quân lên đường chinh chiến.
Đến tháng Hai năm sau (Mậu Thìn 1028), Hoàng vương thắng trận trở về, dân làng lại ra đón rất thành kính.
Khi về đến Thăng Long, Hoàng vương tâu xin vua cha rằng: “Đội ơn uy linh của trời đất, quân đi đến đâu thắng đó. Phàm những nơi đi qua và trở về có người dân ra đón hai bên đường, gồm 82 xã, đều muốn xin hoàng nhi làm phúc thần địa phương”. Tất cả đã được vua cha chấp nhận. Dân làng Cổ Nhuế được vua xuống chiếu ban cho 1600 mẫu ruộng, và được miễn tô thuế.
Đến năm Thiên Thánh thứ hai, Hoàng vương có nhờ người tinh thông phong thuỷ tìm đất dựng chùa để thờ cúng. Khi tìm thấy đất đẹp ở vùng Cổ Nhuế, Hoàng vương cho xây dựng, nhưng thấy dân còn nghèo, nên nàng công chúa thứ tư con vua Lý, tên là Tả Minh Hiến, xin bỏ tiền riêng ra xây dựng theo khuôn mẫu định trước. Sau khi dựng xong, dân làng đã lên kinh thành xin được thờ công chúa ở bên tả, Hoàng vương đã chấp thuận.
Làng Cổ Nhuế còn có tên nôm là Kẻ Noi, là một vùng đất cổ, trải bao gió mưa biến đổi, cùng với thời gian, nhiều dấu cũ đã bị mai một. Nhưng căn cứ vào những bản sắc phong còn lại, thì đình được dựng từ thời vua Lê Cảnh Hưng (1745) và cho đến nay đã nhiều lần tu sửa.
Hiện vật trong đình hiện có: 17 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng đến thời Khải Định, một cuốn ngọc phả ghi chép về thành hoàng làng, bốn bức đại tự, một đôi câu đối sơn son thếp vàng ca ngợi công đức nhà Lý, ba ngai thờ, một kiệu bát cống có khắc chữ “Cảnh Hưng Giáp Thìn niên” (1784), một bộ sập thờ, một đôi voi đá, một quả chuông niên hiệu Thành Thái Kỷ Hợi (1899), ngoài ra còn có hai bộ tam sự, ba bát nhang lớn, và nhiều đồ sứ giá trị.
Trong quá trình phát triển nhiều đời, xã Cổ Nhuế ngày càng rộng thêm, nên trong xã còn có đình thôn Viên, nằm trong khu vực di tích gồm đền Bà Chúa, và chùa Anh Linh.
Đình thôn Viên, cũng thờ thành hoàng Đông Chinh vương, phu nhân của ngài và công chúa Tả Minh Hiến, cũng theo nghi thức tế lễ như đình Hoàng. Hiện vật trong đình có: hai bức hoành phi, bốn câu đối, ba đạo sắc phong, một cuốn ngọc phả, ba long ngai, ba bài vị chạm rồng, một quả chuông, một tấm bia được dựng từ thời Minh Mạng thứ 11 (1830) và nhiều đồ tế lễ, hầu hết có từ thế kỷ thứ XIX.
Công đức của thần, còn được ghi lại trên câu đối trong đình, mang giá trị lịch sử.
“Cổ Pháp thiệu cơ, Lý lệnh trụ lưỡng triều khai thế
Nhuệ Giang hiển tích, Việt phúc thần lịch đại bảo phong”
Dịch là:
(Cổ Pháp dựng cơ đồ, Lý lệnh trụ mở mang hai triều đại
Nhuệ Giang lưu dấu tích, thần Việt Nam được phong tặng các đời).
Ngoài hai ngôi đình, xã Cổ Nhuế còn có chùa Sùng Quang (chùa Cả), đền Bà Chúa, và chùa Am Linh (chùa Bé).
Chùa Sùng Quang được dựng khá sớm. Chùa do chính bà Tả Minh Hiền bỏ tiền ra xây dựng. Đến thời Cảnh Hưng (1740 - 1786) chùa được xây lại.
Chùa nằm trên một khu đất cao thoáng rộng, quanh chùa là nhữgn hàng cây rợp mát quanh năm xanh tốt, sớm chiều tiếng chuông thong thả ngân nga, đượm mùi thiền, nhắc nhở người dân luôn làm điều thiện, xây dựng cuộc sống yên vui. Chùa rất rộng, kiến trúc theo lối cổ, có tiền đường thờ Phật, hậu cung, nhà tổ và điện thờ Mẫu.
Trong chùa hiện có 54 pho tượng 15 bức hoành phi, 10 câu đối, nội dung ca ngợi công đức nhà Phật, rồi nghi môn, cửa võng, long đình và kiệu, hầu hết có từ thời Lê. Đồ đá trong chùa cũng rất phong phú, gồm 11 tấm bia, có tấm được dựng từ thời Cảnh Hưng, hai quả chuông đồng đúc năm Thành Thái (1892) và Duy Tân (1914) và nhiều đồ sứ giá trị.
Chùa Anh Linh cũng được xây dựng từ thời Trần, “Đại Việt sử ký toàn thư” và cuốn “Lịch sử Việt Nam” tập 1 có chép:
“Mùa đông (1266) vua Trần Thánh Tông xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần, đi chiêu tập dân lưu tán không sản nghiệp để khai hoang ruộng đất lập điền trang. Theo lệnh vua, công chúa Trần Khắc Hãn (con thứ tư vua Trần Nhân Tông), đã dời cung điện về vùng Cổ Nhuế tổ chức khẩn hoang. Bà đã cho dựng chùa Anh Linh để thờ Phật, cầu cho nước mạnh dân an. Do có nhiều công lao, nên sau khi bà mất, dân làng đã dựng đền Bà Chúa để muôn đời cúng lễ, nhớ ơn người đã dời chốn vàng son về nơi thôn dã, giúp đỡ dân lành”.
Chùa Anh Linh và đền Bà Chúa còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị nghệ thuật gồm: tượng Phật, hoành phi, sắc phong và nhiều đồ tế lễ có thứ thế kỷ thứ XIX. Trong quần thể di tích đền và chùa, còn có 16 tấm bia đá, có tấm được dựng từ thời Cảnh Trị (1664) và một quả chuông đồng đúc từ thời Tự Đức (1870).
Cổ Nhuế là một vùng đất có lịch sử lâu đời, lại nằm sát phía tây bắc kinh thành Thăng Long. Ngay từ thời Hai Bà Trưng (năm 40) đã là nơi hoạt động của nhiều tướng tài như: Quách Lãng, Đinh Bạc, Tĩnh Nương…chống quân xâm lược nhà Hán. Rồi trải bao biến thiên lịch sử xuyên suốt hàng ngàn năm, nhiều dấu cũ đã bị mai một theo thời gian, nhưng vùng đất Cổ Nhuế vẫn luôn phát triển, cùng cộng đồng dân tộc chống mọi quân xâm lược, dựng xây đất nước. Đến thời kháng chiến chống Pháp, xã Cổ Nhuế cũng là nơi hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng. Chùa Sùng Quang là một cơ sở nuôi giấu cán bộ của Đảng thời tiền khởi nghĩa. Hoà thượng Thích Thanh Lộc, vị cao tăng trụ trì chùa, đã tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945, được bầu làm chủ tịch lâm thời xã Cổ Nhuế.
Đi trong làng, trên con đường rộng rãi khang trang, từ đình Hoàng đến giữa làng là gặp chùa Sùng Quang, sát cổng chùa là nhà tám mái theo dáng long đình thật uy nghiêm lộng lẫy, chùa được xây sớm nhất từ thời vua Lý. Đi tiếp là đến đình thôn Viên sừng sững ngay bên trái với mái cong ngói cổ. Rồi đến đền Bà Chúa trong khuôn viên rộng rãi bóng cây bao trùm tạo vẻ trang nghiêm u tịch. Đến cây đa cổ thụ gần cuối làng, rẽ phải ra cánh đồng, một đoạn ngắn là chùa Anh Linh. Giữa một không gian thoáng đãng lộng gió, mái chùa uốn cong ẩn hiện sau những hàng cây thật thanh cao và thơ mộng, khuôn viên sân chùa thì cỏ cây hoa lá xanh tươi như gấm điểm. Nhìn ra cánh đồng, ngôi mộ bà Chúa mới được dân làng tôn tạo, mái cong dáng cổ, nổi bật lên giữa cánh đồng lúa xanh mát mắt. Những sớm mai, những chiều hoàng hôn, những buổi trăng lên, mộ  bà lung linh mờ ảo như mơ như thực. Giữa một vùng đất cổ đang đà đô thị hoá, thì những quần thể di tích đình, đền, chùa của vùng Cổ Nhuế thật là những viên ngọc quý, bởi có lịch sử từ gần ngàn năm nay.
Theo lệ cổ, hàng năm dân làng lại mở hội. Hội chính năm năm một lần, hội lẻ một năm một lần.
Vào ngày mồng 10 tháng Hai, ngày mà nhà thánh xuất quân đi đánh giặc Văn Châu năm xưa, hội chính diễn ra thật hoành tráng. Suốt từ ngày mồng 9, dân làng đã náo nức chuẩn bị, nhà nhà làm bánh, sắm sanh lễ vật. Ngay từ 10 giờ đêm hôm ấy, ngoài đình các bô lão đã làm lễ túc yết suốt đêm, ở trong đình đèn nhang khói hương sáng rực. Sáng hôm sau, 8 giờ dân làng làm lễ rước văn dâng lễ vật, ngoài hương hoa ngũ quả, lễ vật thật giản dị, chỉ là những thứ mà quân của ngài ngày xưa, những lần đi đánh giặc thường làm lương khô lót dạ, gọi là “độ nước lâm trận”, như chè kho, bánh dày, bánh rán. Rồi các dòng họ trong làng dâng mâm lễ. Lễ tế thần được diễn ra thật trang nghiêm thành kính. Tế xong, trong tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên vang dội, lễ rước thánh bắt đầu. Đội rước kiệu bát cống gồm hai tổng cờ, và tám trai làng tuổi đang xuân sắc, quần trắng, áo dài đỏ, thắt lưng xanh, đầu chit khăn nhiễu. Bên cạnh là kíp đổ quân túc trực đi kèm, cũng gồm tám trai làng, quần trắng, áo vàng, thắt lưng đỏ. Các cơ nào đội ấy chuẩn bị cùng dân làng và khách thập phương náo nức bước vào rước thánh.
Đi đầu đoàn rước là đội múa sư tử, múa bồng, trong tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập làm cho không khí lễ hội thêm náo nức. Tiếp đến là đội cờ thần ngũ sắc, cờ ngũ hành. Trong làng cờ phướn đỏ rực. Tiếp đến là tàn lọng, hoả bài, rồi phường bát âm. Tiếng sáo, tiếng đàn tấu lên những giai điệu cổ, làm cho lễ hội đầy những âm thanh rộn rã. Rồi đoàn khiêng kiệu bát cống rước thần đi dưới những tàn vàng lọng tía, trong tiếng trống khẩu giữ nhịp thật uy nghi tề chỉnh. Trên kiệu có cỗ ngai chạm khắc vàng son lộng lẫy, có mâm lễ vật và đèn nến hương hoa nghi ngút, tiếp sau là đoàn cụ ông, quần trắng, áp thụng xanh, đi hia và đội mũ tế. Rồi đến đoàn các cụ bà, quân đen khăn lụa, áo tứ thân, tiếp theo là đội tế nữ quan, quần trắng, áo dài vàng, khăn vàng. Đoàn đội mâm lễ vật gồm các cô gái tuổi mười tám đôi mươi, phục trang lộng lẫy, cô nào cô ấy mắt long lanh và đôi môi thắm đỏ. Rồi đến dân làng và khách thập phương nô nức kéo nhau theo đám rước. Đoàn rước đến đâu, người xem đông chật, tiếng nói tiếng cười hoà cùng tiếng trống tiếng nhạc thật vui. Đám rước đi từ đình Hoàng tới chùa Sùng Quang, qua đền Bà Chúa, đến cuối làng rẽ ra chùa Anh Linh. Đoàn rước đi đến đâu, cũng thấy nhân dân hai bên đường bày lễ vật đèn nhang tiếp nghênh và bái vọng. Nhìn từ xa, thấy cờ bay, lọng tía, hoả bài, binh khí, cờ phướn, như một con rồng ngũ sắc uốn lượn tựa như một bức tranh sơn mài rực rỡ. Đi hết lượt, lại rước thánh về đình Hoàng cũng giã…
Hết phần lễ, là phần hội. Tại sân đình, sân chùa, chỗ này diễn ra chơi cờ bỏi, chỗ kia người xúm đen xúm đỏ xem đánh cờ người, những cô gái xinh đẹp mặt tươi như hoa, được hoá thân thành tướng bà, tướng ông, sĩ đen, sĩ đỏ; tiến lui theo sự chỉ dẫn của người chơi cầm cờ lệnh, tiếng trống khẩu “tong tong” luôn thúc giục bên tai đối thủ. Một chỗ khác lại thấy người xem quây quần bên những đám hát đối. Những câu dân ca, hát ví bên nam bên nữ, hát đối nhau, cốt sao bên kia không đối được, mỗi khi bên nào bí, thì lại rộ lên tiếng vỗ tay reo hò vang dội; rồi hết xem chọi gà, người ta nô nức vào đền, vào chùa cầu tài cầu lộc. Nếu vào ngày hội chính, cuộc vui kéo dài tới 5 ngày. Hội tan, người ta lại mong mỏi chờ đến mùa xuân năm sau.
Theo đường lối chấn hưng văn hoáa của Đảng và Nhà nước, mọi giá trị tinh thần mang tính dân tộc đang được khơi dậy thì hội đình làng Cổ Nhuế, với những ngôi đình, ngôi đền, ngôi chùa có từ thời Lý, thời Trần, quả là một món quà quý lịch sử để lại, giữa mùa xuân đổi mới hôm nay.
Vietbao (Theo Lễ hội Thăng Long, Lê Trung Vũ (cb), NXB Hà Nội, 2001.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét