Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Đinh hương chữa khớp, xuất tinh sớm



Đinh hương là loại cây xanh mọc hoang trong rừng hoặc được trồng để thu hoạch hoa làm gia vị và làm thuốc trị nhiều bệnh, có tên khoa học Syzygium aromaticum (L) merr et Perry thuộc họ Sim (Myrtaceae). Tên thuốc Flos caryophylatac. Đinh hương có nguồn gốc từ Indonesia và Madagascar, còn trồng nhiều tại Zanzibar, Ấn Độ, Sirilanka...
Cây thường xanh có thể cao tới 10 – 20m, các lá hình bầu dục lớn, các hoa màu đỏ thẫm mọc thành cụm ở đầu cành. Các chổi hoa ban đầu có màu xanh nhạt, dần dần trở thành màu lục, về sau phát triển thành màu đỏ tươi cũng là khi hoa có thể thu hoạch. Các hoa được thu hoạch khi chúng dài chừng 1,5 – 2cm, bao gồm đài hoa dài, căng ra thành bốn lá đài hoa cùng bốn cánh hoa không nở tạo thành viên tròn nhỏ nằm ở trung tâm, do vậy khi phơi khô hoa trông giống cái đinh nhỏ mùi rất thơm, có lẽ vậy mà được đặt tên là đinh hương.
Bộ phận dùng là nụ hoa, nụ thơm chứa nhiều tinh dầu có màu hơi vàng nâu, có độ rắn là tốt. Đinh hương được sử dụng làm gia vị trong chế biến các thức ăn gần như trong mọi nền văn hóa ẩm thực. Trong nấu ăn đinh hương được dùng ở dạng nguyên vẹn hay nghiền thành bột và tạo mùi rất mạnh nên chỉ sử dụng ít cho mỗi lần chế biến các món ăn. Bởi vậy gia vị từ đinh hương được sử dụng phổ biến từ châu Á đến châu Âu. Song nó còn là nguyên liệu quan trọng được dùng trong sản xuất các loại hương liệu tại Trung Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt đinh hương còn được sử dụng làm thuốc ấm tỳ, vị, thận và bổ dương để trị liệu rất hay trong một số bệnh chứng.
Theo Đông y đinh hương có mùi thơm, vị cay, tính ôn, đi vào các kinh Phế, Tỳ, Vị và Thận. Có tác dụng giáng nghịch, ôn trung (ấm bụng), noãn thận (ấm thận), kích thích tiêu hóa. Chủ trị nấc cụt, hoắc loạn, thổ tả, đau bụng, răng lợi đau nhức... khi sử dụng chín có tác dụng chỉ huyết. Liều dùng trung bình từ 1 – 4g. Lưu ý khi dùng hoa đực (công đinh hương) thì bỏ đầu nụ. Nếu sử dụng hoa cái (mẫu đinh hương) thì bỏ thô bì.
Chú ý không dễ nhầm nụ đinh hương với hoa cây nụ đinh (Ludwigia prostrata Roxb) là loại bé hơn, không thơm, khi khô đầu nụ teo lại. Không dùng đinh hương phối hợp với uất kim (nghệ). Kỵ lửa hay chứng bệnh không thuộc hư hàn thì không nên dùng.
Trong y học hiện đại cũng nhận thấy đinh hương có tác dụng dược lý khá phong phú như có khả năng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn lỵ trực trùng, thương hàn, phó thương hàn, bạch hầu, than, E coly, tụ cầu vàng, chống viêm loét đường tiêu hóa, kích thích tiết dịch mật, dạ dày nên thúc đẩy tiêu hóa, giảm đau, chống viêm...
Để áp dụng và tham khảo, sau đây xin giới thiệu những phương thuốc trị liệu từ đinh hương.
* Trị chứng xuất tinh sớm: Đinh hương 20g, tế tân 20g, cho cả hai vị ngâm trong 100ml rượu trắng có 75% độ cồn trong nửa tháng là được. Lấy dung dịch này xoa lên đầu dương vật trước khi hành sự chừng vài phút.
* Trị bệnh khớp: Đinh hương 20g, long não 12g, cồn 90 độ 250ml, ngâm trong 7 ngày liền, lọc bỏ bã. Lấy bông thấm thuốc xoa bóp nơi khớp đau nhức, ngày 2 lần.
* Trị sưng đau chân răng: Lấy đinh hương và xuyên tiêu có lượng hai vị như nhau, tán bột mịn cùng ít băng phiến rồi trộn với mật ong để bôi hàng ngày nơi đau.
* Trị chứng viêm loét miệng: Lấy đinh hương 5g, tán bột mịn, rồi ngâm với nước sôi nguội sau 4 giờ thì dùng được. Dùng tăm bông chấm vào dung dịch này bôi vào nơi viêm.
* Trị hôi nách: Đinh hương 18g, hồng thăng đơn 27g, thạch cao 45g, tất cả tán thành bột thật mịn, sau đó cất trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày lấy một ít bôi vào hố nách, cần làm liền trong 5 ngày.
* Trị viêm xoang, hắt hơi sổ mũi: Lấy đinh hương bọc vào bông nút vào mũi.
* Viêm nhiễm đường hô hấp, viêm mũi, xoang: Lấy tinh dầu đinh hương, tinh dầu bạch đàn, menthol, trần bì, hạt mùi (ngò), natri carbonate, acid citric, tất cả trộn đều làm hoàn to. Mỗi lần lấy 2 – 3g để xông họng hoặc hòa vào nước ngậm và súc để các chất tinh dầu bốc hơi lên xoang, họng, mũi.
* Nấc, nôn do hư hàn: Dùng đinh hương, thị đế, nhân sâm, sinh khương, mỗi vị đều 9g, sắc lấy nước uống ngày 2 – 3 lần. Hoặc lấy đường trắng 250g, cho chút nước đun chảy nước. Gừng 30g giã nát. Đinh hương 5g cho vào đun bao giờ trở thành dạng keo sờ tay không dính là được. Tất cả đổ ra khay có thoa dầu lạc, đợi nguội cắt thành 50 miếng nhỏ. Mỗi ngày ăn một vài miếng sau bữa ăn cơm.
* Trị liệt ruột cơ năng: Đinh hương 30 – 60g, tán bột mịn trộn với rượu mạnh hoặc nước rồi đắp vào vùng rốn rộng chừng 6 – 8cm lấy băng dính đính giữ. Hoặc lấy đinh hương, mộc hương, nhục quế, xạ hương tán bột băng rịt vào rốn.
* Trị đi lỏng: Đinh hương 30g, xa tiền tử (sao) 20g, tất bạt 10g, hồ tiêu 5g, nhục quế 5g. Tất cả tán bột mịn rồi đựng trong lọ kín. Mỗi lần lấy 100mg bột hòa với nước đắp vào rốn băng rịt lại. Cứ 1 – 2 ngày thay thuốc 1 lần. Hoặc đinh hương 3g, sa nhân 6g, bạch truật 12g, tán bột. Mỗi lần uống 2 – 4g, ngày uống 2 – 3 lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét