Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Đình Lạc Giao


Đình làng của người Việt (Kinh) tự bao đời là nơi thờ thần Thành Hoàng (còn gọi là Thành Hoàng). Thần Thành Hoàng mang dấu ấn quá trình lịch sử, văn hóa của cư dân mỗi khi đến một vùng đất mới lập nghiệp. Theo bước chân của những thương nhân từ vùng Trung châu lên cao nguyên để trao đổi hàng hoá, làm công nhân đồn điền, làm đường, làm công chức ...

      Những người Việt đã đến BuônMaThuột rất sớm và ngôi đình đầu tiên ra đời vào năm 1928, mang tên Lạc Giao, mang theo tục thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ người lập làng, lập ấp, những người có công với quê hương đất nước đã hy sinh trên vùng đất mới.
      Năm 1932, Vua Bảo Đại đã ban sắc tứ phong cho Đào Duy Từ là Thần Hoàng của Đình Lạc Giao. Việc sắc phong Thần Hoàng cho đình làng Lạc Giao để khẳng định vùng đất thuộc về ' Hoàng triều cương thổ ', một khẳng định vô cùng quan trọng trong lúc đang có sự tranh giành ảnh hưởng của triều đình Huế và nước Pháp. Nhân vật được sắc phong Thần Hoàng là một danh nhân văn hóa, một tài năng lớn trong nhiều lĩnh vực : Chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế ... đặc biệt ông là người có công mở mang đất nước, xây dựng nên nhiều vùng đất mới.
      Đào Duy Từ quê ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thuở nhỏ thông minh, nổi tiếng thần đồng. Ông tìm vào phương Nam và đã có sự cống hiến to lớn trên đất Bình Định. Ông thông thạo nhiều lĩnh vực : Chính trị, quân sự, kinh tế ... , được truy tặng : 'Hiệp niên đồng đức công thần đặc tiến kim tứ vinh lộc đại phu'. Ông luôn được coi là người 'hữu khai tất tiên' (người đầu tiên có công mở nước), xứng đáng được người đời tôn vinh.
      Đình Lạc Giao hôm nay đã có nhà thờ tự, nhà tổ kiến trúc kiểu chữ môn như nhiều ngôi đình khác ở miền Trung. Ngoài việc thờ Thần Hoàng Đào Duy Từ, đình còn thờ người có công lập làng, dựng đình trong những năm đầu mở đất và thờ những người có công với đất nước, những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong công cuộc giành và giữ nền độc lập cho đất nước ở vùng giáp biên này. Hàng năm dân làng Lạc Giao tế lễ vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ và tổ chức giỗ cho trên 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn ở Buôn Ma Thuột khi Thực dân Pháp quay lại chiếm DakLak lần thứ hai, ngày 1-12-1945 (tức 27-10 năm Ất Dậu) và thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã bỏ mình tại nhà lao Buôn Ma Thuột.
       Hơn 70 năm đã trôi qua, Đình Lạc Giao có mặt song hành cùng với người Việt ở Cao nguyên DakLak, cùng gìn giữ truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, cùng chứng kiến những sự kiện có ý nghĩa của lịch sử đất nước mùa xuân năm 1975 - Kế tục lớp người đi trước, những thế hệ tiếp nối đã xây dựng và phát triển làng Lạc Giao xưa thành Thành phố BuônMaThuột hôm nay.
      Đình Lạc Giao - Đình làng người Việt ở thành phố BuônMaThuột với ý nghĩa là lời nguyền giao ước, giao kết, an cư lập nghiệp giữa đồng bào Kinh và đồng bào Thượng trong công cuộc xây dựng vùng đất mới. Ý nghĩa tốt đẹp này không chỉ bảo lưu được giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, mà còn có ý nghĩa cộng đồng, gắn kết những dân tộc đang sinh sống ở đây trong quá trình mở mang và xây dựng đất nước.

Đình trong khu vực Trung tâm của Thành phố

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét