Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Làm Mai, Lãnh Nợ,Gác Cu, Cầm Chầu

Chúng ta ai cũng hơn một lần đi coi hát bội ở đâu đó, có thể ở một rạp tại Cầu Muối, có thể ở đình làng, ở nhà võ ca, nhơn dịp cúng kỳ yên hay cúng đình.
Danh từ “ hát bội” hay “hát bộ” nhiều người vẫn chưa thống nhất cách gọi và có nhiều cách giải thích khác nhau. 
Nhưng đa số cho là “Hát bội”.
Theo tự điển “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của giải thích: “Bội” là ‘hơn” là “bằng hai”, và Hát Bội là “con hát, kẻ làm nghề ca hát” . 
Vậy ta có thể cho rằng “hát bội” do chữ “ bội” mà ra.
Bởi lẽ xem hát bội ai cũng thấy rằng từ cách vẽ mặt, điệu bộ, lời nói, cái gì cũng làm gia bội thêm, cường điệu thêm rất nhiều.
Ví dụ : mặt ông Trương Phi trong Tam Quốc, thì tô đen rất đậm, mày xết, râu rậm quá đáng, còn cử chỉ thì quá nóng nảy, hung hăng, lời nói thì quá tợn khác thường. 
Vậy nguồn gốc Hát Bội từ đâu ?
-Theo ông Đỗ Văn Rở thì ‘Hát Bội” là nghệ thuật có nguồn gốc dân tộc là chủ yếu, ảnh hưởng của Trung Quốc , của Chiêm Thành đến sân khấu cổ truyền Việt Nam là điều không thể phủ nhận . . . 
( Địa chí Văn Hóa Thành Phố HCM, tập III, nxb TPHCM 1998)
Đọc lịch sử ta thấy nói rằng năm 1283, tướng nhà Nguyên là Toa Đô sang xâm chiếm nước ta, bị tướng ta là Trần Hưng Đạo đánh đuổi, quân ta bắt sống được nhiều tù binh trong đó có tên biết múa hát là Lý Nguyên Cát. Vua Trần Nhân Tông hậu đãi và truyền Lý Nguyên Cát dạy cho người mình thêm về điệu hát bội.
Nên biết rằng người mình trước đó đã biết múa hát, có , “tuồng tích” rồi, ta chỉ học lối vẽ mặt, y trang, và các điệu múa của Trung Quốc mà thôi.
Điều này đã được chứng minh qua hình ảnh trên mặt trống đồng, ở đó có khắc hình người hóa trang, nhảy múa với vũ khí và chắc phải có ca hát nữa.
Thời kỳ Việt Nam độc lập vào thế kỷ thứ X, triều nhà Lý, nhà Trần nước ta phát triền rực rỡ về chánh trị, học hành, xã hội và hát bội chắc sẽ phát triển vào lúc này.
Như vậy “Hát bội” vốn của ta, sau này lấy thêm của Trung Quốc rồi sau này nữa là Chiêm Thành và Chân Lạp thời Đàng Trong của Chúa Nguyễn.
Thời nhà Lý thì hát bội ban đầu phát xuất tản mạn trong dân gian, cũng như Hát Chèo, chỉ là trò chơi ca múa tự phát. Khi hát bội vào đến cung đình thì có xiêm y rực rỡ, có nội dung hỉ, nộ, ái, ố, và tuồng tích rõ nét.
Cứ như thế hát bội ở nước ta phát triển song hành làm hai dòng: dân gian và cung đình, tương tác nhau, bổ sung nhau đưa nghệ thuật hát bội phát triển đến thời Hậu Lê.
Trồng trầu, trồng lộn với tiêu,
Con theo hát bội, mẹ liều con hư !
Tại sai có hiện tượng đó ? Tại sao “con hát” bị khinh miệt, coi rẻ đến mức xem họ là “xướng ca vô loại” ?
Cái thành kiến đó kéo dài đến ngày nay vẫn còn tồn tại ít nhiều trong dân gian. 
Đọc lại lịch sử, thấy rằng năm 1437 vua Lê Thái Tông (1437-1442) ra lịnh đuổi hát bội ra khỏi cung đình. Vua còn ra lệnh cấm quan lại, con cái nhà quan lấy đào hát làm thê thiếp.
Lý do nêu ra là “vì hát bội có hại đến việc giáo hóa” cho rằng hát bội có ý “bôi lọ người làm vua, làm quan” ( được ghi vào trong Bộ Lễ) 
Do đó hát bội bấy giờ chỉ còn tồn tại trong dân gian, và hoạt động không công khai.
Năm 1462 vua Lê Thánh Tông còn định ra lê cấm con nhà hát bội, tuồng, chèo, ả đào không được đi thi, và ông Đào Duy Từ nằm trong trường hợp này.
Đào Duy Từ (1572 -1634) vốn thông minh, giỏi thơ văn, binh thơ đồ trận, nhưng vì thân phụ ông là Đào Tá Hán xuất thân nghề ca hát, coi đội nữ nhạc, nên bản thân Đào Duy Từ bị cấm thi.
Phẩn chí, Đào Duy Từ trốn vào Nam phò Chúa Nguyễn, sau này thành đệ nhất khai quốc công thần thời Nguyễn Sơ.
Từ đó Hát bội theo chân Đào Duy Từ vào xứ Đàng Trong, và được nhà Nguyễn dùng làm lợi khi truyền bá tư tưởng trung quân sau năm 1802
Nghệ thuật hát bội do đó phát triển rất mạnh như chúng ta biết chỉ có ở Đàng Trong sau này ở Lục Tỉnh.




HÁT BỘI VÀO ĐÀNG TRONG

Bấy giờ dân ở Đàng Trong là ai ?
Xứ Đàng Trong bấy giờ ngoài dân thuộc các sắc tộc thiểu số, là người Việt bị tù tội lưu đày từ xứ Thanh Nghệ, là các người Việt bất mãn Chúa Trịnh trốn vào và còn lại là người Chàm địa phương.
Do sự phức tạp như thế nên khi vào Nam, Nguyễn Hoàng mang đoàn người từ quê hương mình ở đất Tống Sơn, cộng với quân lính ở Thanh Nghệ, cả vợ con theo để làm hậu thuẫn, nồng cốt cho mình trên vùng đất mới Đàng Trong.
Việc đầu tiên của Nguyễn Hoàng là quyết định “dời đổi phong tục”(Phan Khoang, lịch sử Đàng Trong, NXB Xuân Thu 1967) và đến khi Đào Duy Từ bị Hiến Ty Thanh Hóa không cho thi Hương, trốn chạy vào Nam, được người tiến cử với Chúa Sãi, Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635); Chúa dùng ông làm Nội Tán, từ đó Chúa tôi có ý phân ly Đàng Ngoài công khai: “nước nhà ta có bờ cõi riêng” (sách dẫn ở trên). 

Riêng về Hát Bội thì Đào Duy Từ đã đưa một số bà con Miền Ngoài vào phủ Hoài Nhơn ( Bình Định ) lập gánh hát, thu nhận một số người địa phương để dạy họ hát bội.
Đào Duy Từ cố ý dạy dân hát theo giọng địa phương, ca kéo dài ra làm cho khác lối ca ngắt câu “ví ư, í ư” như lối ca hát bội của Lê Trịnh ở Bắc. Do vậy, ta thấy sau này hát bội đã định hình ở Bình Định như là một trung tâm hát bội tiêu biểu của miền Trung; và đây lý do giúp chúng ta lý giải tại sao Bình Định phát triển môn nghệ thuật hát bội rất cao (dầu nghệ thuật và sân khấu khác miền Nam).
Hát chèo không có ở miền Trung và miền Nam vì chúa Nguyễn muốn phân ly, muốn có “một bờ cõi riêng” và Đào Duy Từ không cho hát chèo phát triển(?)
Sử cũng đã chép rằng Đào Duy Từ đã khuyên chúa Hy Tông bắt dân bỏ quần màu đen, mặc quần màu nâu, đàn bà bỏ áo tứ thân phơi bày cái yếm và thay bằng áo năm thân gài khuy; bỏ cách bao tóc mà bới tóc, bỏ váy thay bằng quần . . . 
Tâm lý đó khiến Đàng Trong thâu nhận “tích cực” văn hóa Chàm, đưa nhạc Chàm vào hát bội dầu nước 
Chàm là phiên thuộc và có nền văn hóa kém ta rất xa.
Rồi Nguyễn Hữu Dục cháu nội chúa Hiển Tông (1691-1725) lại cho chế ra đàn gọi là “Nam Cầm” dùng trong hát bội (không xài đờn Đàng Ngoài).
Hát bội chịu ảnh hưởng âm nhạc Chàm rồi Chân Lạp theo như Cụ Đỗ Văn Rỡ vào lúc nào ?
Theo “Việt Nam Sử Lược”, Trần Trọng Kim thì năm 1404 Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành bắt được nhiều hầu thiếp của vua Chiêm là Sạ Đẩu, đem về xây nhà riêng cho ở và truyền họ múa hát cho vua xem.
Âm nhạc Chiêm dần dà ảnh hưởng vào nhạc ta và mãi sao này đến thời kỳ Nam Bắc Triều, nhạc Chiêm ảnh huởng mạnh lên hát bội. 
Như vậy, hát bội Việt Nam chịu ảnh hưởng của Tàu qua các bản điệu khách (Khách trú - Tàu) nghe vui vui, sáng, huy hoàng; sau chịu ảnh hưởng Chàm : u buồn, uẩn ức, tâm tình thương cảm như điệu hơi Nam.
So với người Chàm thì người Tàu đã để lại những ảnh hưởng rõ nét hơn trong nghệ thuật hát bội xứ Đàng Trong thời bấy giờ.
Năm 1679 các tướng Minh, không hàng phục nhà Thanh, như Dương Địch Ngạn, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên dẫn theo trên 3000 quân chạy xuống phía Nam được chúa Nguyễn cho ở Mỹ Tho, Biên Hòa, sau này lập các làng Minh Hương.
Họ làm giàu nhờ làm ăn buôn bán, đến năm 1708 khi Mạc Cửu dâng 7 xã ở Hà Tiên cho Chúa, lập nên các bang hội, rước các đoàn hát Tiều, hát Quảng bên Tàu qua hát trong các dịp vui, dịp tết thì hát Tiều, hát Quảng bắt đầu ảnh hưởng đến sân khấu, nghệ thuật hát bội Việt Nam làm cho tánh chất Chàm mờ đi rất nhiều.
Chân Lạp thì từ năm 1658 đã là phiên trấn của chúa Nguyễn, đến 1698 thì Nguyễn Hữu Cảnh đặt nền móng cho Đông Phố, Gia Định, rồi đất Lục Tỉnh thuộc về chúa năm 1775.
Sự pha trộn 2 nền văn hóa Việt và Chân Lạp (Miên) bắt đầu từ đó. Người Miên không đông, nền kinh tế không mạnh, người Việt tuy thích các điệu ca múa Miên, nhưng không chịu ảnh hưởng văn hóa Chân Lạp. Do đó trong hát bội VN không thấy dấu vết của lối ca múa Miên. 
Xem như vậy hát bội từ miền Bắc theo chân các Chúa Nguyễn vào Đàng Trong được Đào Duy Từ cổ xúy, phát triển tạo nên một “trung tâm hát bội” ở đất Bình Định (Qui Nhơn) khác với Đàng Ngoài.
Đến khi lập xứ Gia Định thì hát bội lại phát triển với ít nhiều ảnh hưởng Tàu qua nghệ thuật hát Tiều, hát Quảng do người Minh Hương đưa vào, tạo nên một “trung tâm hát bội Gia Định” khác miền Trung, mà cực thịnh là thời ông Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn Gia Định.




HÁT BỘI VỚI TỔNG TRẤN LÊ VĂN DUYỆT

Nói hát bội Đàng Trong người ta thường nhắc đến Lê Văn Duyệt, thời ông làm Tổng Trấn Gia Định năm 1813. Lý do vì ông Lê Văn Duyệt là người vốn mê hát bội và đá gà từ thời hàn vi, chưa gặp Nguyễn Ánh, nên khi làm Tổng Trấn có lập ban hát bội và rạp hát bội.
Lê Văn Duyệt (1763-1832) gốc Quảng Ngãi, nội tổ ông vô Nam lập nghiệp ở Hòa Khánh Định Tường, đến thời thân sanh ông về Rạch Gầm, Mỹ Tho.
Thời Lê Văn Duyệt ngồi Tổng Trấn Gia Định thì Đàng Trong phát triển, dân Lục Tỉnh thanh bình, đời sống cao nên tạo cơ hội tốt cho hát bội bùng phát mạnh hơn trước.
Lê Văn Duyệt lập ban hát bội, lấy nghệ sĩ vốn là quân lính dưới trướng của mình. Người ta không hiểu tại sao ông không cho nữ giới vào ngành hát bội, nên các vai đào đều do kép thủ là vậy. Phải chăng vì có ẩn tật.
Sách còn ghi lại rằng lúc đó chưa gọi là gánh hát hay đoàn hát mà gọi là “Ban hát”
Người điều khiển ban hát của Lê Văn Duyệt là ông Đội Nhứt Chiêu, Ông Nhưng (thầy tuồng) là ông Nhưng Sắt.
Cái rạp hát bội thời Lê Văn Duyệt dựng ở ngoại thành Gia Định, ngày nay là khu trường Trung học Lê Quý Đôn, gần dinh Độc Lập cũ.
Kép hát bội như vậy đa phần là binh lính, được Lê Văn Duyệt tuyển sang và cũng có những người ở ban hát trong dân gian miền Lục Tỉnh, có tài, có nghề điêu luyện.
Sách cũng chép rằng Lê Văn Duyệt đã ra lịnh cấm đàn bà có mang thai vào trường hát (gạp hát).
Đối với Lê Văn Duyệt thì hát bội là thú vui như đá gà mà ông đã ham thích từ thuở hàn vi, và cũng là thú vui chung của người dân Lục Tỉnh xưa nay.
Nên sử còn ghi lại là nhiều lần Lê Văn Duyệt bị Nguyễn Ánh (lúc còn lưu lạc ở Đàng Trong) quở trách vì ham coi hát mà bỏ chầu, bỏ họp bàn việc binh. 
Thời làm Tổng Trấn, Lê Văn Duyệt thường hay “cầm chầu” để khen thưởng hay quở phạt kép hát bội. Cầm chầu lúc ấy khác với “cầm chầu” hát bội cúng đình sau nầy ở đất Lục Tỉnh thời Pháp thuộc. 
Ở đời có bốn cái ngu,
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.
Thuở đó, Lê Văn Duyệt cầm cái trống lịnh, gọi là “Cổ lịnh” là cái trống nhỏ, có cán để cầm (giống như trống trẻ con chơi ở Việt Nam, trống mà mấy chú Tàu gánh gánh rao nhuộm áo quần.)
Tay trái ông cầm trống, tay mặt cầm dùi, ông ngồi trên bộ ván gõ, ngồi xếp hai chân qua một bên theo bộ con cọp (nghề võ gọi là bộ hổ). Ông theo dõi hát bội từ câu nói, câu hát đến điệu bộ. Hát hay thì ông đánh trống để khen thưởng. Hát sai, hát cương thì ông gõ dùi vào thành trống nghe kêu lắc – cắc để khiển trách. Nghệ sĩ bị khiển trách thường bị đánh đòn nếu hát bậy, hát phạm thượng, xúc phạm đến vua, quan ! 
Hát bội xưa ( nay vẫn còn) nhứt là các ban hát cúng đình thường hay “hát cương” nghĩa là tuồng tích không đúng, không có ông Nhưng (thầy tuồng). Nghệ sĩ chỉ chú trọng nhiều vào điệu bộ; còn dân chúng phần đông không biết chữ Nho, không đọc truyện Tàu, không hiểu biết cốt truyện. Khán giả bình dân coi hát bội để thưởng thức ca, múa và nhứt là xem màu sắc lộng lẫy qua y trang và mặt mũi đào kép.
Ông Huỳnh Minh trong cuốn “Gia Định Xưa và Nay” có ghi lại một đoạn hát bội cương như : “Có lần, một kép hát thủ vai thủy thần (thần nước) cầm ngọn roi mà hát khách (điệu Tàu) biểu diễn như đang cỡi cá lý ngư vượt biển xuống Long Cung . . . Rồi giơ voi như thúc giục , kép hô, họ ! họ ! như đang giơ roi giục ngựa”
Lúc đó Lê Văn Duyệt đang “cầm chầu” bèn khua tang trống (đánh thành trống ) để phạt kép hát sai ! Kép hát cương giật mình lanh trí bèn hát tiếp :
“Tưởng rằng ô mã, nào dè lý ngư”.
Do đó Tả quân thích thú khen hay và không phạt !
Hát bội được Lê Văn Duyệt chăm sóc nên phát triển thịnh hành đến Lục Tỉnh, cùng lúc ấy các vua Nguyễn từ Gia Long đến đời Tự Đức đều có ý nâng đỡ, cổ xúy hát bội như là phương cách giáo dục lòng trung quân, trung thành với nhà Nguyễn sau khi dẹp xong nhà Tây Sơn và vua Lê Chúa Trịnh ở Bắc.
Từ thời Nguyễn Hoàng (1558-1603) vào Nam, suốt 9 đời Chúa, đến Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần (1765-1776) Nho giáo không phát triển, các Chúa đề cao Phật giáo và tránh nhắc đến việc trung quân vì bản thân các Chúa đã là loạn thần so với vua Lê rồi (!)
Hát bội được dịp phát triền, sau này đặc biệt ở Gia Định cũng nằm trong tâm ý của Gia Long, nhằm kêu gọi người dân trung thành với mình qua các nhơn vật gọi là hảo hớn (hảo Hán, người Hán tốt).
Nghĩa là xem trung quân, tôn quân là căn bản, nền tảng của đạo đức, như đạo Nho thánh hiền đã dạy.
Đạo Nho không dạy thần dân trung với Nước (quốc gia), mà trung với vua bởi vua là Nước.
Dân chúng không đọc sách thánh hiền được thì học qua các tuồng hát bội để căm ghét kẻ phản vua, phản chúa, ca ngợi mẫu người “hảo hớn”, trung thành với vua.
Cộng vào đó ở Đàng Trong có các ban hát bội của người Minh Hương, những người phản Thanh phục Minh rất ăn ý, hợp với tinh thần của các vua Nguyễn bấy giờ. Hát Tiều, hát Quảng của người Minh Hương như chấp cánh cho hát bội Việt Nam, bước đầu là nghệ thuật rồi sau này là nội dung tuồng tích Tàu.
Đó là lý do tại sao trong các buổi trình diễn hát bội xưa, nhứt là các buổi hát đình, hát cúng kỳ yên rất trang trọng về nghi lễ.
Mở đầu là “lễ khấu bái” : đào kép phải ra lạy vua dầu không có vua xem, các ông phụ trách đình càng mặc khăn áo chỉnh tề ngồi nhận ‘lễ khấu bái”. Kết thúc buổi hát, mổi đêm, đào kép phải ra hát chúc thọ vua và triều đình trước mặt ban Hội Tề đại diện cho làng.
Hát bội Việt Nam được dùng trong ấn ý đó và vì lúc đó không được phép nói ra nên tới nay ít được người biết là vậy.
Sau khi Lê Văn Duyệt chết (1832), đến vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi, Minh Mạng bãi bỏ chế độ Tổng Trấn, thành lập chế độ trực trị, rồi đến Pháp vào chiếm nước ta.
Hát bội ở Saigon Lục Tỉnh lúc nầy như rắn mất đầu, tản mát trong dân gian. Các sĩ phu, các nhà nho soạn tuồng tích hát bội, như thể hiện tinh thần trung quân (yêu nước) trong đó có ông Bùi Hữu Nghĩa soạn tuống Kim Thạch Kỳ Duyên năm 1835.





HÁT BỘI DƯỚI MẮT ÔNG TRƯƠNG VĨNH KÝ

Văn hóa Tây Phương được các giáo sĩ Gia Tô truyền bá khi Tây đến chiếm Lục Tỉnh, làm cho một số “trí thức” bắt đầu theo Tây, còn dân chúng thì chạy theo cái mới, cái lạ như chớp bóng, kịch và cải lương sau này.
Trong bài soạn cho học sinh trường Hậu Bổ năm 1886 (trường đào tạo quan tham biện, chủ quận Tây). Trương Vĩnh Ký có viết :
“Nam lý, Bắc thơ, Huế hò” ý nói người Lục Tỉnh hát lý thì chuyên và hay hơn người Trung và Bắc.
Ông tiếp : “Hát thì hoặc hát bội, hát nhà trò, hát phường chèo là để cho người ta coi chơi vui, và nhắc tích xưa, với đủ hạng sang nghèo khó, giàu. Có cái hay cái dở, tốt xấu, ngụ ý khuyên răn người đời, hoặc hát đưa em, hát xẩm, hát chèo ghe, hát huê tình”
Xem ra như vậy, hát bội đến thời Tây có phát triển về lượng nhưng về phẩm thì sa sút. Hát bội được nhà nước Pháp dùng như là trò mua vui như lời ông Trương Vĩnh Ký.

Ở nhà quê, hát bội chủ yếu là cúng đình, cúng thần . . .và là thú vui chơi của các hương chức hội tề địa phương, và cũng là thú giải trí duy nhứt của người dân quê bấy giờ.
Ở trong miền Nam xưa mỗi làng thường có một ngôi đình thờ thần và nhiều ngôi miếu (miểu) thờ thánh.
Mỗi năm Đình cũng như Miếu tổ chức cúng lễ hai lần mà dân gian nói là “Xuân Thu nhị kỳ” .
-Một vào mùa xuân gọi là cúng “kỳ yên” hay “cầu an”.
Cầu an là cầu cái gì ?
Cầu an là cầu quốc thới dân an, dân chúng làm ăn phát đạt, mọi nhà hạnh phúc không đau ốm, cầu an ở đình là cầu cho thiên thời – địa lợi- nhơn hòa. Cầu trời đất qua vị thần mà dân làng cho là hộ mạng cho làng mình.
-Hai là vào mùa Thu gọi là cúng lễ báo ơn thần làng, một hình thức như cúng giỗ của gia đình.
Nên Xuân Thu nhị kỳ gọi là “ Xuân Cầu”, ‘Thu Báo” là vậy.
Trong hai kỳ cúng đình thì cúng mùa xuân là lớn nhứt và náo nhiệt nhứt, bởi vài dịp xuân, sau khi ăn Tết xong, nông dân vừa thu hoạch, nên có dịp ăn chơi.
Khi cúng đình ngoài nghi lễ cúng bái còn bắt buộc phải rước hát bội về hát trước cúng thần, sau cho dân chúng coi chơi.
Hát bội cúng đình xưa được tổ chức rất trịnh trọng và nghiêm trang lắm. Xuất hát bội đầu tiên gọi hát khai chầu, các xuất sau thì chủ yếu là giúp vui mà thôi.
Hát xuất khai chầu thường diễn ra vào giữa đêm giờ Tý (khoảng 1 giờ khuya) chờ lúc nước dưới sông “đứng”, nghĩa là nước sông hết “ròng” bắt đầu “lớn”. 
Giữa đêm là thời điểm trời đất yên tỉnh. Nước lớn, biểu thị cho sự phát triển, phát tài.
Ban Hương Chức trong làng cử ra một vị ‘chấp sự” đứng ra làm lễ khai chầu, người nầy phải là người hiền đức, gia đình trọn vẹn, hạnh phúc.
Lễ khai chầu cử hành trước bàn thờ thần. Sau khi làm xong nghi lễ cúng thần, ông chấp sự, thường là ông hương cả, dùng chiếc khăn điều (khăn đỏ) lau mặt trống chầu 3 lần rồi lau 2 cái dùi trống 3 lần.
Hương Chức, dân chúng đứng quanh chờ đợi hồi hộp cái giờ khai trống chầu. 
Chấp sự bắt đầu khai chầu bằng 3 hồi trống liên thanh, tiếp theo ban nhạc lễ trổi lên ba hồi, chín chập.
Chấp sự hai tay cầm 2 dùi trống chấp trước ngực, đứng thẳng người nghiêm nghi chờ ban nhạc lễ chấm dứt; bèn “thỉnh thần” ra xem hát. Lúc đó ban nhạc hát bội bắt đầu trổi lên tiếp bản nhạc lễ.
Ông chấp sự đở 2 dùi trống quay về khán giả chào mọi người, rồi quay vào sân khấu chào đào kép và ngồi xuống trước cái trống chầu để cầm chầu đêm hát. 
Ban nhạc hát bội trổi tiếp để khán giả chú ý tập trung. Đây là nghi thức của hát chầu cúng Đình ngày xưa.
Nay nói qua về cái trống chầu một chút. 



Ta biết nhạc hát bội là loại nhạc lễ như nhạc ở chùa, nhạc đám ma, nhưng cái trống chầu không nằm trong giàn nhạc lễ hát bội.
Thuở xưa trong hoàng thành Huế có một rạp hát bội gọi là Duyệt Thị Đường, nơi trình diễn hát bội cho vua coi (cũng có quan lại được vua cho phép vào coi)
Hồi đó trước sân khấu có 3 cái trống chầu. Trống chính giữa dành cho vua, bên mặt cho quan Thượng Thư Bộ Lễ, bên trái dành cho khách mời của vua.
Sau này chỉ còn có một cái trống chầu nên người cầm chầu xem như là đại diện thần quyền, dầu không còn vua nữa.
Trống chầu là loại trống lớn như trống treo trong trường làng ngày xưa; có hai mặt đánh. Nhưng trống chầu không treo, không gác trên bệ mà để trên cái giá có 3 chân chéo. Trống chầu chỉ sử dụng một mặt trên của trống mà thôi, dầu trống có hai mặt.
Cái trống chầu nguyên thủy biểu thị cho quyền lực nhà vua, sau này mang ý nghĩa vui chơi, đình đám.
Nên tục ngữ có câu :
“Nghe trống chầu cái đầu láng mướt”
nói lên cái không khí rộn ràng, náo nức ăn diện của các cô, các bà sửa soạn đi coi hát cúng đình.

Cầm chầu là một nghệ thuật, bắt buộc người cầm chầu phải thông hiểu tuồng tích, nghệ thuật để thưởng phạt đào kép trước bàn dân thiên hạ. Cầm chầu xem ra rất khó, không làm sao vừa lòng mọi người và luôn bị chê trách. Thế mới nói :
“ Ở đời có bốn cai ngu 
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”
‘Cầm chầu” là một nét đặc thù trong sân khấu hát bội Miền Nam.
Nay thì hát bội và cầm chầu chỉ còn lại trong ký ức của chúng ta mà thôi !
Nam Sơn Trần Văn Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét