Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ

Qua chợ Hàm Giang, rẻ phải rời quốc lộ 54, xe chúng tôi bon bon trên gần chục cây số đường nhựa phẳng lì xuyên qua cánh đồng mía bạt ngàn thay cho cung đường đầy những ổ trâu, ổ gà, mù mịt bụi đỏ trước đây. Trẻ em hai bên đường thập thò qua khung cửa nhỏ ngóng theo xe và những người khách lạ. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về làng chiếu cà Hom - Bến Bạ là nụ cười thân thiện của những cô thôn nữ và cơ man những lát: Lát ron trải thảm xanh rì ngã mình dậy sóng theo từng cơn gió dưới chân ruộng đang vào mùa thu hoạch; lát được cột chặt thành những bó lớn trên xe đẩy dọc đường; lát chẻ ra thành sợi nhỏ trắng có, xanh - đỏ - vàng có… nằm phơi nắng trên những khoảng sân, những vuông đất trống, rồi tràn cả ra dọc theo hai bên vệ đường… Cả Cà Hom - Bến Bạ như bức tranh xuân khổng lồ đầy màu sắc và tràn ngập những chuỗi cười giòn tan của mấy cô gái Khmer xinh tươi, duyên dáng.
Theo sự hướng dẫn của anh Trầm Phương - người từng nhiều năm làm Bí thư Đảng bộ xã Hàm Giang - chúng tôi tìm về nhà bà Ngô Thị Pho, một nghệ nhân thực sự sống chết với làng chiếu này. Bên khung dệt, bà lần hồi kể cho khách đường xa mà cứ thì thầm như ôn lại với chính mình những thăng trầm của làng nghề, gắn với số phận của mấy thế hệ phụ nữ vùng Cà Hom - Bến Bạ ven sông Hậu.
Sự xuất hiện của nghề dệt chiếu ở Cà Hom - Bến Bạ kể ra như một sự tình cờ khi mấy phụ nữ địa phương trong chuyến đi thăm họ hàng tận đất mũi Cà Mau học lóm được. Trở về, họ nhờ cánh đàn ông làm khung căng sợi, rồi ra biền cắt lát, chẻ nhỏ phơi khô, dệt thử. Những chiếc chiếu đầu tiên thô ráp, vụng về ấy chỉ cốt sao cho đỡ tốn tiền ra mua chiếu chợ. Rồi nghề dạy nghề, những chiếc chiếu sau trông vừa mắt hơn, sờ mịn tay hơn. rồi từ một vài khung lẻ tẻ ban đầu lan ra cả vùng Cà Hom - Bến Bạ. Mẹ truyền nghề cho con. Con giữ lấy và cố cho mình, cho con gái mình vài bí quyết riêng. Nhờ vậy, từ những chiếc chiếu thô ráp ban đầu, qua ba, bốn thế hệ, chiếu Cà Hom -Bến Bạ tạo được uy tín trên thương trường các tỉnh Nam bộ với các chủng loại chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ… Nhiều phụ nữ làng chiếu hôm nay trở thành nghệ nhân trong nghề được gần xa biết đến như bà Ngô Thị Pho, Mã Thị Dứt… mà sản phẩm của họ là những đôi chiếu cao cấp, giá thành lên đến vài trăm ngàn đồng và chỉ sản xuất theo sự đặt hàng của khách hạng sang và, dĩ nhiên, khó tính.

2.
Từ chỗ tự sản tự tiêu khi ra đời vào thập niên 1920, chiếu Cà Hom Bến Bạ chuyển sang sản xuất hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường vào những năm 1940 và phát triển mạnh mẽ vào thập niên 1960, lúc đó, ghe thương hồ theo dòng sông Hậu vào Bến Bạ nằm chờ, mặc dù đã có toa đặt hàng trước. Trên đường bộ, mỗi ngày có hàng chục xe đạp bán chiếu rong từ Cà Hom tỏa đi các huyện, các tỉnh. Ở thị trường Cần Thơ, Vĩnh Long… chiếu Cà Hom - Bến Bạ có giá cao hơn 40 – 50%, thậm chí đến 70% so với chiếu Cà Mau cùng chủng loại mà vẫn không đủ bán. Hai ấp Cà Hom, Bến Bạ nhà nào cũng có đôi ba khung dệt, nhộn nhịp hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm. Đến thập niên 1970, sự xuất hiện tràn ngập của chiếu nylon làm cho làng chiếu truyền thống này một phen điêu đứng. Nhưng rồi những khiếm khuyết không khắc phục được của mặt hàng thời trang này như không rút được mồ hôi, độ nóng cao… nhanh chóng bộc lộ đã trả lại cho chiếu Cà Hom - Bến Bạ vị trí xứng đáng vốn có của nó trong lòng người tiêu dùng.
Hiện nay, làng chiếu truyền thống này có qui mô bao trùm hai ấp Cà Hom và Bến Bạ của xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, với gần 500 khung dệt, giải quyết được khoảng ngàn lao động thường xuyên lúc nông nhàn. Đó là chưa kể một đội quân không nhỏ cung cấp các dịch vụ cần thiết cho nghề làm chiếu từ trồng và thu hoạch lát, chẻ phơi, vận chuyển, nhuộm màu lát đến tiêu thụ ra thị trường.
Với một khung dệt trong nhà, hai lao động nữ vừa bảo đảm các công việc không tên từ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, con cái, heo gà… tối thiểu cũng dệt được một đôi chiếu có kích thước 1,6 x 2 mét trong một ngày. Người giỏi có thể dệt được chừng đôi rưỡi hoặc hai đôi. Giá bán sỉ cho thương lái khoảng 80.000 đồng, trong khi giá đến tay người tiêu dùng khoảng 120 – 140.000 đồng. Trừ các chi phí, mỗi đôi chiếu, người sản xuất kiếm được khoảng 50.000 đồng. Con số này, thoạt nhìn, có vẻ khiêm tốn. Mà quả xưa nay, trong hơn 80 năm tồn tại làng chiếu, chưa gia đình nào ở Cà Hom - Bến Bạ giàu lên chỉ với nghề làm chiếu. Có điều, đây là công việc của lao động nông nhàn, lao động phụ tạo ra nguồn thu nhập ổn định để xoay xài thường bữa trong nhà và đầu tư cho ruộng lúa, rẫy mía. Bà Mã Thị Dứt làm cho chúng tôi bài toán khá đơn giản: Với một công (1000 thước vuông) đất trồng lát, thu hoạch ba đợt trong năm, đủ cho một khung dệt hoạt động xuyên suốt, gia đình chị có được nguồn thu khoảng 20 – 25 triệu đồng mỗi năm. Số tiền này đủ để có mức sống khá rộng rãi ở nông thôn cộng với tiền phân, tiền thuốc cho chục công mía. Nhờ vậy, mấy năm qua, dù giá mía khi trên trời khi dưới đất, gia đình chị vẫn có cuộc sống ổn định, đủ sức để chờ đợi những vụ mía vừa trúng mùa vừa trúng giá. Đó là chưa kể với gần 500 khung dệt và những công việc dịch vụ của nó cuốn hút mọi người, giúp cho vùng Cà Hom - Bến Bạ, theo lời anh Trầm Phương, không có chỗ cho các tệ nạn xã hội, các thói hư tật xấu chen chân.

3.
Gần 500 khung dệt, mỗi ngày làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ đưa vào thị trường 1.000 – 1.200 đôi chiếu, thu về cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, cái khó của người làm nghề là không phải lúc nào sản phẩm làm ra cũng tiêu thụ được ngay và thu tiền về nhanh chóng. Sản phẩm bị ứ đọng hoặc phải bán chịu, bán chậm trả là ngay tức khắc đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ. Đó là chưa kể những tháng mưa dầm, lát nguyên liệu không phơi phóng được, cộng với sức mua trên thị trường cũng chậm đi khiến cho làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ nhiều khi phải treo khung, ngưng hoạt động.
Giúp người dân làng nghề có thêm nguồn vốn và bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm làm ra với giá gần hơn với giá trị thực của nó trên thị trường không phải là việc làm dễ dàng. Từ thập niên 1990, huyện Trà Cú và xã Hàm Giang tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để Hợp tác xã Dệt chiếu Hàm Giang ra đời, tạo ra đầu mối trong giao dịch nhằm nâng cao sức cạnh tranh của chiếu Cà Hom - Bến Bạ. Thêm vào đó, phải kể đến tấm lòng và công sức của một doanh nhân rất thành đạt của quê hương Hàm Giang - ông Trầm Bê - trong việc quảng bá sản phẩm, chiếu Cà Hom - Bến Bạ, nhất là những mặt hàng chiếu cao cấp đang được thị trường tiêu thụ quan tâm mạnh mẽ hơn. Song song đó, người dân làng chiếu cũng tự thân vận động, chuyển sang sản xuất những mặt hàng mới như thảm lót sàn, thảm ốp tường… xuất khẩu sang các nước châu Âu. Đây là những tín hiệu mới, tuy không phải là không khả quan, nhưng vẫn mang tính tình thế khiến cho nghề chiếu và đời sống của người dân làng chiếu truyền thống Cà Hom - Bến Bạ vẫn trong tình cảnh trồi sụt thất thường.
Cần lắm sự quan tâm thiết thực hơn nữa của Nhà nước và các cơ quan chức năng để ổn định và phát triển làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ cũng như các làng nghề thủ công truyền thống khác trên đất Trà Vinh.

TRẦN DŨNG
Nguồn: travinh.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét