Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

LÀNG GỐM HƯƠNG CANH

Làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nằm ngay bên đường quốc lộ số 2. Nghề gốm ở đây có từ lâu đời. Tương truyền sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương triều đình Lê - Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Văn Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghịêp và đem người đến dạy dân làng nghề cang chĩnh. Cuộc sống đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc, lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm.
      Làng gốm Hương Canh chuyên làm vại, chĩnh, chậu, lọ, tiểu sành. Gốm Hương Canh xưa nay rất được ưa chuộng. Người ta bảo nhau "xứ móng cái, vại Hương Canh".
     Gốm Hương Canh chống được sự thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong.
.
Gốm Hương Canh từng đi vào thơ Tố Hữu

 
"Ai về mua vại Hương Canh

   Ai lên mình gửi cho anh với nàng"
       Không chỉ có nghề gốm cổ truyền, Hương Canh còn có ba ngôi đình nổi tiếng về kiến trúc, mỹ thuật dân gian cùng với những dấu tích vật chất, văn hoá, một làng cổ điển hình sứ Đoài xưa. Lễ hội "Kéo song", "đố chữ", đặc sắc ở đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, đông vui tấp nập mỗi độ xuân về.
Tổ nghề gốm Hương Canh
Xưa nay dân làng Hương Canh mỗi khi kể về ông tổ nghề gốm cổ truyền của vùng mình, vẫn thường nhắc đến hai vị: một là cụ Đỗ Quang, hai là cụ Đào Nồi (còn gọi là ông Nồi hay Nồi Hầu)...“Truyền thuyết Hùng Vương” (Hội VHNT Vĩnh Phú xuất bản 1981) trang 106, 107 có truyện ông Nồi. Truyện rằng: ở làn Hương Canh, xã Tam Canh (nay thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) có một gia đình nghèo, chuyên sống bằng nghề nặn nồi niêu. Hai ông bà hiếm hoi sinh được một mụn con trai, đặt tên là Nồi. Nồi càng lớn, càng thông minh, lại giỏi vẽ, giỏi vật, được An Dương Vương cho làm tướng cai quản quân sĩ Âu Lạc. Ông Nồi kết hôn với cô gái mồ côi làng Chiêm Trạch gần kinh đô Cổ Loa, sinh được 2 trai, đặt tên là Đống và Vực. Ba cha con ông Nồi đã nhiều lần làm cho quân xâm lược Triệu Đà thất điên bát đảo. Khi thấy Triệu Đà dùng kế hiểm, cho con trai là Trọng Thuỷ sang cầu hôn với công chúa Mỵ Châu, ba cha con ông vào triều can ngăn, vua Thục không nghe. Ông Nồi cùng hai con xin từ chức về Chiêm Trạch làm ruộng, nặn nồi. Quân Triệu chiếm được Loa Thành, Triệu Đà sai người dụ ba cha con ông ra làm quan. Thấy ông không nghe, Triệu Đà cho quân bao vây Chiêm Trạch. Cả nhà ông phá vây, chạy về quê cũ Hương Canh. Giặc bao vây Hương Canh, ông quay về Chiêm Trạch, lúc ấy là nửa đêm, dân làng đã đóng chặt cổng. Giặc đuổi tới nơi, vợ chồng ông rút dao tự vẫn. Đống và Vực chạy đến nơi, thấy cha mẹ đã chết, cũng tự tử theo. Dân làng chôn cất họ ở khu gò rìa làng. Về sau, mọi người gọi đấy là “Gò Thánh Hoá”. Nhân dân hai thôn Ngọc Chi và Vĩnh Thanh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) đã lập đền thờ và ở Hương Canh nhân dân cũng lập đền thờ cúng ba bố con ông Nồi.

“Truyền thuyết các vị thần Hà Nội”(Nhà xuất bản Văn hoá – thông năm 1994) trang 50, 51 kể lại: Xưa có một người quê Hương Canh (Vĩnh Phúc) làm nghề nặn nồi niêu. Hai vợ chồng nhà ấy sinh được một cậu con trai đặt tên là Nồi…

Trong cuốn “Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề” do Giáo sư Trần Quốc Vượng và PTS Đỗ Thị Hảo biên soạn (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc-1996) ở mục Nghề Gốm, trang 92, 93, 94 có ghi:

Đào Nồi con ông Đào Hoằng, vốn gốc người Tuyên Quang, ông tổ 4 đời đã chuyển cư về làng Hương Canh (Vĩnh Phúc) lập nghiệp bằng nghề nặn nồi niêu. Nối được nghiệp nhà, Đào Nồi nổi tiếng khắp vùng là người thợ lỗi lạc, tài hoa. Ông lấy vợ họ Dương, người làng Chiêm Trạch (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) cũng là thợ làm nồi khá giỏi giang. Vợ chồng sinh được 2 con đặt tên là Đống và Vực. Đào Nồi không những giỏi nghề mà còn tinh thông võ nghệ, được Thục An Dương Vương cho làm quan, ban tước Hầu, nên còn gọi là Nồi Hầu. Triệu Đà diệt được Vua Thục, đem quân vây làng Chiêm Trạch bắt Nồi Hầu, Gia đình ông chạy về quê cũ Hương Canh. Giặc vây làng Canh, ông lại đưa vợ con quay về Chiêm Trạch. Cổng làng chưa kịp mở, giặc đã tới. Vợ chồng ông rút dao tự sát, hai người con trai cũng chết theo. Dân làng thương tiếc, kính phục, chôn cất gia đình ông ở một khu gò, gọi là mộ Thánh hoá (thuộc thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh). Đồng thời lập đền thờ để nhớ ơn người vừa là tổ nghề vừa có khí tiết, không đội trời chung với kẻ thù xâm lược.

Làng Hương Canh thuộc xã Tam Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vốn có nghề làm vại, làm tiểu sành… từ rất lâu đời. Dân gian kể rằng: Ngày xưa có ba ông thợ rất giỏi nghề gốm. Họ rất thân thiết với nhau và cũng rất gắn bó với nghề, muốn con cháu đời sau nối được nghiệp cha ông, các ông bèn chia nhau đi: Một người về Thanh Hoá, một người về Bắc Ninh, và một người về Hương Canh. Cụ tổ ở Hương Canh tên là Đỗ Quang. Hành trạng cụ không được lưu truyền nhưng đền thờ và tượng vẫn còn (hiện ở giữa xóm Cang). Đền không biết xây từ bao giờ nhưng vào năm Cảnh Hưng (vua Lê Hiển Tông 1740-1786) đã được tu bổ khang trang. Hàng năm dân làng tổ chức giỗ tổ vào ngày mồng 6 tháng Giêng, ngày mất của tổ nghề.

Tiến hành khảo sát vùng xóm Cang (cũ), cán bộ khảo cổ đã phát hiện ở độ sâu 2 mét có nhiều mảnh gốm cổ, bao gồm: mũi ngói, chế phẩm của vại, nồi, vung… (theo tài liệu của Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn).

Như vậy, từ truyền thuyết dân gian, đến ngôi đền thờ tổ nghề và các di chỉ khảo cổ, ta có thể khẳng định nghề gốm Hương Canh đã có từ lâu đời, và ở Hương Canh có đến 2 ông tổ nghề gốm: ông Đào Nồi, hay Nồi Hầu là ông tổ nghề gốm nồi niêu, ông Đỗ Quang là ông tổ nghề gốm chum, vại. Ở Hương Canh đã từng có ngôi đền thờ ông tổ nghề Đào Nồi - Nồi Hầu hay không, theo chúng tôi cũng không quan trọng lắm, miễn là cho đến nay ông vẫn tồn tại trong tâm thức người dân Hương Canh cùng với những huyền thoại về người thợ nặn tài hoa và có khí tiết anh hùng.

Một số ai đó cứ cố chứng minh rằng ở Hương Canh không có Đào Nồi - ông Nồi - Nồi Hầu, tưởng cũng nên nhìn rộng ra các vùng gốm khác trong cả nước. Thực tế qua khảo cổ học cho thấy, không phải làng gốm nào ra đời cũng phát triển và mở rộng lên mãi. Nhiều khu gò gốm nổi tiếng hiện chỉ còn là phế tích. Những thế hệ con cháu của họ sau này không còn biết nghề gốm ở ngay trên quê hương mình nữa, có chăng chỉ là ký ức (ví như nghề nặn nồi niêu không còn thấy ở Hương Canh, mà chỉ còn thấy chum, vại, tiểu… rồi gạch, ngói?).

Nhưng có điều này là sự khẳng định chắc chắn: Ở Hương Canh, nghề gốm cổ truyền phát triển kéo dài nhiều thế kỷ nổi tiếng khắp nơi, ăn sâu vào tiềm thức người dân. Mặt hàng truyền thống ở Hương Canh rất đa dạng, phong phú: vại, chum, lon, nồi, ấm… và tiểu sành. Gốm Hương Canh phát triển không theo hướng đồ sứ mà theo hướng sành hoá, với kiểu dáng đẹp, độ nung cao, đanh và không thấm nước, nhằm phục vụ những nhu cầu thiết yếu nơi dân dã (Nguồn: Bùi Đăng Sinh –VHTT tháng 12.2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét