Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Làng miến Cự Đà "nhuộm màu vàng óng" sang Thu


Chúng tôi về làng cổ Cự Đà, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) vào một ngày giữa Thu. Đang tầm buổi trưa, "nắng tháng tám rám trái bưởi" mà đường làng vẫn đông và chật chội vì những chiếc xe cải tiến chở miến, những tấm phên, những thanh tre bắc lên để phơi miến.

Cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi luôn miệng tấm tắc: "Làng miến vào mùa rồi có khác, tấp nập, rộn rã suốt cả trưa nắng."

Làng Cự Đà nổi tiếng với nghề làm miến và nghề làm tương truyền thống. Có gần 400 hộ dân đang sống nhờ vào hai nghề này.

Làm miến quanh năm nhưng cứ vào độ mùa Thu, khi mùa cưới hỏi bắt đầu và các đại lý, các chợ, siêu thị cũng rục rịch chẩn bị hàng cho dịp năm hết, Tết đến, nhu cầu làm các các món cỗ cổ truyền tăng lên là thời điểm cả làng miến Cự Đà lại "tăng tốc," hối hả vào mùa.

Theo nhiều bậc cao niên ở Cự Đà, nghề làm miến từ dong riềng (hay còn gọi là củ đót) ở Cự Đà đã có từ "dăm bảy chục năm" trở lại đây. Sợi miến Cự Đà có đặc điểm rất dễ nhận là thường có màu vàng óng hoặc trắng mịn; khi nấu lên có vị thơm ngon, giòn và dai rất vừa miệng. Đặc biệt, sợi miến không bị nở trương hay nát vỡ khi người nội trợ nào "lỡ tay" nấu hơi lâu trên bếp.

Muốn có được sợi miến nhỏ, đều, nhìn là biết được “ra lò” từ Cự Đà chứ không phải từ vùng nào khác, người Cự Đà chọn loại củ dong riềng ngon, đem xay thành bột. Bột dong sau đó được ngâm với nước và lọc để chọn lấy phần tinh bột, rồi được đánh lên. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín. Bột chín mang hòa với bột đã lọc, với tỷ lệ 1/10 tạo nên hỗn hợp. Tiếp đó, bột được tráng thành bánh, hấp chín và đem phơi nắng. Sau khi khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và tiếp tục đem phơi cho thật khô.

Bác Trịnh Thị Hồng - một người đã hàng chục năm gắn bó với nghề làm miến ở Cự Đà cho biết, để có sợi miến ngon, ở mỗi công đoạn người làm miến phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. Ngay như ở khâu phơi bánh trước khi cắt thành từng sợi miến cũng đòi hỏi người phơi phải thật khéo để trải cho tấm bánh miến được căng rộng, đều trên tấm phên rộng, bởi như vậy thì tấm bánh miến mới khô đều và dễ cắt thành từng sợi miến nhỏ. Khi đã khô đến một mức độ nhất định, bánh miến sẽ được máy cắt nhỏ thành từng sợi dài, nhỏ rồi lại được đem... phơi tiếp ngoài nắng.

Túc tắc làm miến quanh năm, bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp và làm tương nhưng cứ vào những tháng cuối năm, cả làng Cự Đà lại sôi động hẳn lên bởi nhà nhà làm miến, người người đến mua miến.

Theo anh Bùi Văn An, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, mỗi ngày, Cự Đà có khoảng 15 đến 18 tấn miến thành phẩm được xuất xưởng rồi tỏa đi khắp các chợ lớn, chợ nhỏ của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đất nước.

Vào những tháng cuối năm, mùa cưới, lễ hội, Tết cổ truyền thì mỗi ngày phải có 19-25 tấn miến Cự Đà được "ra lò." Thời điểm ấy, cả làng Cự Đà như được nhuộm vàng óng bởi những phên, những dây phơi miến.

Tìm về với Cự Đà vào những ngày nắng đẹp, không chỉ có những thương lái đến cất hàng mà còn có cả những nghệ sỹ nhiếp ảnh, khách du lịch... Họ tìm đến Cự Đà để lưu lại những khoảnh khắc đẹp tuyệt vời của những bức mành được làm bằng sợi miến óng vàng đang dệt nên nắng mới buông trải trên những dây phơi, giá đỡ bên tường, trong sân những ngôi nhà cổ có tuổi đời cả trăm năm./.
Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét