Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ Cưới Người Khmer Sóc Trăng Xưa và Nay

Đối với người Khmer, gia đình là một thành tố cấu thành của phum sóc và có phạm vi thân tộc rất rộng nên hôn nhân không chỉ là việc hệ trọng của một đời người mà còn là vấn đề có ý nghĩa rất lớn với cấu trúc thân tộc trong phum sóc.Những hình thức hôn nhân giữa các anh em họ cũng như hiện tượng hôn nhân anh em chồng và chị em vợ đã làm cho sự liên kết, quan hệ thân thuộc giữa các thành viên trong phum sóc thuộc về cả 2 phía cha và mẹ. Nguyên tắc này cũng có mối quan hệ về tình cảm, kinh tế giữa họ với nhau, ngoài ra còn nhằm bảo về tài sản gia đình khỏi thất thoát ra ngoài.

Hình thái cư trú sau hôn nhân của người Khmer là do tính chất của gia đình quy định. Đặc điểm phổ biến của họ là cư trú bên vợ. Nghĩa là chàng, rể khi ra ở riêng, thì cất nhà ở gần cha mẹ vợ trong cùng một phum sóc. Quá trình đó lập lại từ thế hệ này sang thế hệ khác đưa đến tình trạng thành viên trong một phum sóc thường là bà con của nhau. Ngày nay, hình thái cư trú bên nhà vợ sau hôn nhân không còn phổ biến nữa; đôi vợ chồng mới cưới có quyền tự lựa chọn nơi cư trú hoặc bên vợ hoặc ben chồng tùy theo sự ưa thích, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế của cha mệ đôi bên. Điều này phản ánh mối quan hệ thân tộc không hẳn là mẫu hệ hay phụ hệ của người Khmer, đồng thời nó còn mở rộng mối quan hêgiữa cá nhân, gia đình với cộng đồng xã hội. Các cá nhân, gia đình không còn chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, dòng họ, thân tộc và phum sóc như trước đây, mà đã có thể mở rộng việc giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của gia đình và địa phương.

Các phần sau đây sẽ giới thiệu đám cưới xưa và nay của người Khmer Sóc Trăng. Nhưng trước khi đi sâu tìm hiểu phần này, chúng ta cũng nên biết qua về nguồn gốc của lễ cưới.

Trong tất cả các sinh vật sống trên trái đất này, chỉ có loài người ( dù sống trong xã hội nào) mới có hôn nhân và biết chủ động hôn phối còn các loài động vật chỉ biết chỉ biết ngẫu hợp. Điều này chắc ai cũng nhìn nhận. Chúng ta luôn trân trọng hôn nhân và hôn nhân phải được tiến hành theo nghi lễ cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh xã hôi của mỗi dân tộc.

Ngay trong thời kỳ sơ khai, loài người đã có nghi thức phối ngẫu (cho dù rất thô sơ) bằng sự trao tặng những phẩm vật cho nhau. Sự việc này còn lưu dấu trong đời sống những sắc dân thiểu số ở trong những cánh rừng rậm xa xôi hoang hoang dã hay hay trên những hòn đảo hoang vu. Đó là những vật phẩn hôn lễ như da thú rừng, ngà voi.... được người con trai trao tặng người con gái để cầu hôn. 

Ngày nay, hôn nhân thường được đánh dấu bằng lễ cưới. Ở người Khmer, lễ cưới chiếm một vị trí quan trong trong nghi lễ vòng đời và là yếu tố bảo lưu sắc thái văn hóa dân tộc.

Theo thư tịch cổ còn lưu giữ ở một số chùa, lễ cưới Khmer có nguồn gốc từ truyền thuyết "Pras Thôn và Neang Neak". Truyện kể rằng: ngày xưa, ở xứ Kôk Th'lôk có một vị hoàng tử tên Pras Thôn không những khôi ngô tuấn tú mà còn giỏi kiếm cung. Chàng thường đi săn bắn và du sơn ngoạn thủy.

Lúc bấy giờ, ở một bãi biển nọ cảnh vật hữu tình, biển lặng sóng yên, là nơi mà Neang Neak - công chúa thủy tề, thường hay lên chơi với bọn tỳ nữ. Một hôm, nàng tình cờ gặp Pras Thôn đang đi du ngoạn, hai người vừa mới gặp đã đem lòng yêu nhau. Pras Thôn đề nghị lấy nàng làm vợ nhưng nàng nói: 

- Xin chàng cùng với thiếp đi xuống Long Cung ra mắt phụ vương, nếu cha thiếp không phản đối, chúng ta sẽ thành thân.

Pras Thôn còn e ngại:

- Nhưng ta là người trần gian, làm sao đi xuống Long Cung được?

Neang Neak quả quyết:

- Chàng chớ ngại, thiếp sẽ đưa chàng xuống.

Nói xong, không chờ Pras Thôn trả lời, nàng liền đưa vạt áo của mình cho Pras Thôn nắm lấy và dùng phép thuật rẽ nước, đưa Pras Thôn xuống biển. Khi gặp vua cha, nàng nói rằng: "do duyên tiền định, Trời mới xui khiến 2 người gặp nhau rồi yêu nhau..." Vừa thấy Pras Thôn, vua Thủy Tề đã có cảm tình nên vừa nghe con nói xong, ngài đã ưng thuận. Sau đó ngài liền cho mở yến tiệc, làm lễ buộc chỉ cổ tay, chúc mừng đôi trẻ trăm năm hạnh phúc.

Tháng sau, Pras Thôn xin phép vua Thủy Tề đưa Neang Neak trở về giang sơn Kôk Th'lôk; tại đây, triều đình lại mở yến tiệc, làm lễ buộc tay 2 người một lần nữa, đồng thời nhà vua lại làm lễ nhường ngôi báu lại cho Pras Thôn. Từ đó 2 người sống vui vầy, hạnh phúc bên nhau đến trọn đời.

Dựa vào tích truyện này, xưa nay, lễ cưới người Khmer bắt buộc trai giá yêu nhau, sau này thành vợ thành chồng phải qua nghi thức buộc chỉ cổ tay và chú rể phải nắm vạt áo cô dâu khi đứng dậy bước vào buồng tân hôn, biểu hiện tình nghĩa vợ chồng nồng thắm như Pras Thôn nắm áo Neang Neak khi đi xuống Long Cung. 

Ngày xưa, mọi việc sắp xếp tổ chức lễ cưới là do đàn gái phụ trách vì theo chế dộ mẫu hệ, người con gái phải đi hỏi người con trai. Do đó, tục truyền rằng, phụ nữ muốn chấm dứt tập quán này nên đã thách đố nam giới đắp núi, đào ao, ai thua thì phải đi hỏi cưới. Do sự mưu trí và lanh lợi của người phụ nữ mà trong cuộc thi nào nam giới cũng thua cuộc nên phải đi hỏi vợ. Dưới đây là một trong những truyện kể dân gian Khmer về chuyện đắp núi, đào ao đó.

Ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất khô cằn, cây lúa, hoa màu không nảy nở, phát triển được, làm cho người thủ lĩnh vùng này phải đau đầu nghĩ cách làm sao cho có nước để dân trong vùng sử dụng. Cùng lúc ấy, ở địa phương lại có vụ tranh cãi quyết liệt; đó là chuyện phái nữ nữ không chịu đứng ra cưới hỏi phái nam nữa. Thoe phái nữ thì chuyện phái nữ đi cưới phái nam là vô lý và phải chịu tốn kém mọi chi phí lễ lạc. Nhân cơ hội này, người thủ lĩnh mới nghĩ ra một phương cách, đó là mở ra cuộc thi đào ao giữa 2 bên nam và nữ, bên nào thua cuộc thì từ đó về sau phải đứng ra lo liệu mọi việc cưới xin. Thế là tất cả đàn ông, đàn bà trong vùng họp lại thành 2 nhóm. Mỗi nhóm đào một cái ao, nhóm của phái nào đào nhanh và sâu hơn sẽ được phái kia cưới hỏi. Thời gian giao ước để đào ao là từ khi mặt trời lặn cho đến khi sao mai mọc.

Hôm ấy, khi mặt trời vừa tắt, hai bên nam - nữ chua thành 2 nhóm: nhóm nam sẽ đào một cái ao ở phía Tây, nhóm nữ sẽ đào một cái ao ở phía Đông. Tất cả đều ra sức đào ao cật lực, kẻ đào người gánh không ngơi nghỉ. Đến nữa đêm, bà Om - người chỉ huy bên phái nữ, nảy ra một kế đánh lừa phái nam. Bà cho người đốn 1 cây tre thật dài, đem dựng lên trên một gò đất cao ở hướng Đông. Trên đọt tre có treo một cái đèn lồng, bên trong đốt cây đèn dầu, ở xa trông giống như một ngôi sao. Lúc bấy giờ, ao bên nam đào đã khá sâu, mọi người bắt đầu thấm mệt, lại thêm chủ quan cho rằng cánh mình khỏe hơn, phái nữ không thể nào đào kịp. Vừa lúc đó, lại thấy ngọn đèn xuất hiện ở phương Đông, lầm tưởng là Sao Mai đã mọc, trời sắp sáng nên mọi người kéo nhau về nhà nghỉ. Trong khi đó, bên nữ vẫn tiếp tục công việc một cách cần mẫn cho đến khi Sao Mai mọc thật sự mới chịu nghỉ tay. Kết quả là ao của phái nữ lớn hơn, sâu hơn và bên nam thua cuộc. Từ đó, nam giới phải thực hiện cam kết cam kết là phải đi hỏi cưới phái nữ.

Cha mẹ nào nuôi con khôn lớn thì cũng muốn cho con cái sớm thành gia thất. Thông thường mỗi người chỉ được cưới một lần trong đời. Cho nên, cưới hỏi là việc trọng đại của cả đời người. Tục ngữ Khmer có câu: "Th'vơ srê mơl s'mau, tuc đăc cônh chau mơl phau sanh-đal" (làm ruộng xem cỏ, cưới gả con gái phải xem tông đường", nghĩa là làm ruộng có năm có thể mùa màng thất bát nhưng năm sau sẽ trúng, còn việc dựng vợ gã chồng mà sai trái rồi thì thất bại suốt cả đời. Thông thường người, người muốn cưới vợ cho con, trước hết người ta xem người con gái đó có phẩm hạnh hay không rồi mới tìm hiểu về dòng họ, ngày tháng năm sanh của đôi trẻ sau đó mới tổ chức lễ cưới. Nếu lễ cưới được chuẩn bị chu đáo và tổ chức đầy đủ nghi lễ thì tình cảm trọn đời của đôi trẻ sẽ khó phai mờ. Hơn nữa, hôn lễ, hôn lễ không chỉ là niềm vui sướng, hạn phúc của đôi vợ chồng mới mà còn là niềm hãnh diện của cả gia đình 2 bên. Vì rằng gia đình nào cũng muốn con cái mình nên gia thất trong khuôn khổ đạo hạnh, có tổ chức và quy củ, nề nếp. Vì lẽ đó, ở người Khmer ngày xưa, lễ cưới diễn ra với nhiều nghi thức cầu kỳ, rườm rà. Nhưng dù ở bất cứ thời đại nào, xưa cũng như nay, lễ cưới đều diễn ra 2 giai đoạn: lễ cưới và lễ hỏi.
1. Lễ Hỏi (Pithi s'đây đanh-đâng)Nam nữ muốn thành vợ chồng phải qua lễ cưới hỏi. Hồi xưa, quan hệ xã hội khắt khe bởi hàng rào đạo đức phong kiến, nam nữ không có điều kiện tìm hiểu, lựa chọn nhau nên toàn bộ việc cưới vợ, lấy chồng đều do người lớn định đoạt qua trung gian người mai mối (Neak che châu). Đây là giai đoạn khá quan trọng, có những nghi thức dành riêng cho nó, người Khmer gọi là "pithi che châu" (ngi thức mai mối).

1.1. Pithi che chau (nghi thức mai mối)

Trước đây, mai mối đóng một vai trò quan trọng, người làm mai có thể coi như là con thoi nối liền hai họ muốn nối kết tình thông gia với nhau. Nhiệm vụ của người mai mối là đem tin tức đã thâu lượm chung quanh vấn đề nết na, ăn ở, sắc vóc, tài nghệ riêng tư của người con gái để trình báo lại cho nhà trai. Khi người con gái được họ nhà trai chấm điểm và muốn bước tới cầu hôn cho con trai mình thì phải nhờ người mai mối thay mặt đi ngỏ lời với nhà gái.

Người mai mối này, xưa kia, là người môi giới chuyên nghiệp, chuyên sống nhờ tiền thưởng của 2 họ nhà trai và nhà gái. Thông thường, người ta chọn mai mối là người đàn bà lớn tuổi, có uy tín, giỏi giang trong làm ăn, ăn nói hoạt bát, tính tình vui vẻ, có tài thuyết phục người khác, phải là người "một kèo một cột" (một vợ, một chồng) và đông con. Bà là người liên lạc giữa hai nhà và luôn vun đắp cho cuộc hôn nhân được vuông tròn.

Sau đây, tôi xin ghi lại một trường hợp mai mối, do bà Thạch Thị Phanh - người chuyên làm mai trên 30 năm, năm nay đã 92 tuổi (2005), ở ấp Tập Rèn, xã Thới An Hội, Kế Sách kể lại:

Khi bà được sự ủy thác của nhà trai đến nhà gái, trước là thăm chơi, sau là để thăm dò ý tứ cha mẹ nhà gái. Thật ra, họ nhà trai đã "chấm điểm" cô gái và cũng đã có ý muốn tiến tới hôn nhân. Nhưng theo tục lệ, vẫn phải nhờ đến bà mai. Bà này chịu khó nói đi nói lại nhiều lần, vừa ngỏ ý. vừa thuyết phục cha mẹ nhà gái. Nếu nhà gái đồng ý, bà mại đi lại bàn bạc với 2 gia đình để ấn định ngày giờ làm lễ hỏi. Theo phong tục, bà mai phải đến họ nhà gái 3 lần.

* Lần 1: Hỏi Thăm Sức khỏe và Cho Biết Ý Định

Nhà trai chuẩn bị trầu cau, thuốc hút và mời bà mai đến cho biết rõ ý định của mình. Sau đó bà mai đưa trầu cau sang nhà gái. Trước khi qua, bà mai phải cho nhà gái hay trước để nhà gái chủ động tìm người có tài ứng xử để đối đáp với bà mai. Sau khi được nhà gái mời vào nhà, bà mai đem trầu cau ra mời và cho biết ý định của mình bằng lời nói "bóng gió":

- Ông bà A (cha mẹ nhà trai) nhớ ông bà lắm, rất muốn đến thăm; không biết ý ông bà ra sao?

Họ nhà gái trả lời:

- Tùy ông bà A. nhưng nếu ông bà A muốn đến thăm gia đình chúng tôi vào lúc này, chúng tôi rất ngại. Chưa đến lúc ông bà A đến thăm.

* Lần thứ 2: Thăm dò nhà gái

Cũng mang theo trầu cau, thuốc hút, nhưng lần này có thêm bánh và ít trái cây; bà mai cũng lựa lời nói bóng gió:

- Ông bà A chưa thể đến được, nhưng nhờ tôi đến thưa với ông bà rằng "ông muốn thuê ruộng của ông bà để gieo giống lúa mới, nhằm được giống lúa tốt; vì nghe nói ruộng của ông bà rất phì nhiêu", ý của ông bà ra sao? (Người Khmer quan niệm rằng, lấy vợ lấy chồng là sự lựa chọn giống và việc dựng vợ gả chồng không có gì khác hơn là chọn giống mới đem về gieo ở mảnh đất của mình).

Họ nhà gái trả lời:

Thật tình mà nói, đồng ruộng nhà tôi phì nhiêu thật và đã có nhiều người đến hỏi thuê, song chúng tôi chưa hứa. Riêng với ông bà A, để chúng tôi bàn kỹ lại xem, chúng tôi sẽ trả lời với bà sau.

* Lần 3: Xin ngày tháng năm sanh của người con gái

Cũng ngần ấy lễ vật, bà mai đến họ nhà gái và đi thẳng vào vấn đề:

- Lần trước ông bà nói rằng ông bà sẽ bàn kỹ lại. có nên cho ông bà A thuê ruộng hay không? Nay xin ông bà cho biết ý kiến.

Nhà gái vui vẻ trả lời:

- Bà đã chịu khó đến đây hai, ba lượt. Thôi thì tôi xin nói ngay với bà rằng "con đường để người ta đi, cây thang để người ta leo" như tục ngữ thường nói. Vậy xin bà nói lại với ông A rằng, chúng tôi đồng ý.

Sau đó bà mai mới hỏi ngày, tháng, năm sanh của cô gái và được ghi nhớ kỹ để về báo lại cho ông A biết để nhờ ông Môha xem tuổi tác cho đôi trẻ.

Xem tuổi ở đây là so tuổi cầm tinh, con gì mở mỗi người, tính theo hệ can chi của Phật lịch. Đã có không ít trường hợp mà nhiều đôi lứa hợp nhau về tình cảm, trình độ văn hóa, sức khỏe nhưng đành chia tay vì "tinh" của 2 người khi đặt bên nhau thì xung khắc. Cũng như người Việt, người Khmer chon 12 con vật cho 12 con giáp. Tuy nhiên, trong 12 con giáp này, con mèo được thay bằng con thỏ và con trâu được thay bằng con bò.

Các ông Môha xem tuổi, bói toán đều dựa vào "Ch'băp Trây Phêt", đó là sách bói toán, ghi những luật lệ quy định tuổi tác cô dâu, chú rể tương lai. Nếu ngày xấu thì chọn giờ, chọn tháng. Không ai dám làm lễ cưới mà không xem tuổi tác, sợ có điều gì xui xẻo, tai họa xảy ra sau này. Ch'băp Trây Phêt có mục tính tuổi xung khắc và tuổi hợp nhau của nam và nữ.

Ví dụ: Tuổi dần hợp với tuổi Ngọ, tuổi Tuất hợp với tuổi Dậu. Tuổi Tỵ khắc với tuổi Ngọ, tuổi Dậu xung khắc với tuổi Thìn.

Sau khi được bà mai cho biết là họ nhà gái đã đồng ý, xem tuổi tác cũng hợp nhau, nhà trai đến xin ý kiến ông Môha chọn ngày tốt để làm lễ hỏi.

Người Khmer quan niệm rằng, trong một năm, có những ngày tháng tốt để tổ chức những nghi lễ như: lễ cưới, lễ động thổ xây cất nhà cửa. Trong xã hội người Khmer, ngày tháng, giờ khắc luôn được coi trọng. Mỗi khi làm việc gì trọng đại đều phải mời thầy coi ngày, coi giờ. Trong lễ cưới cũng vậy, phải nhờ ông Môha xem ngày, giờ rồi mới dám tiến hành các nghi lễ. Hơn nữa, các tháng của lịch người Khmer đều được ứng với những điềm may mắn hoặc tai họa. Qua tìm hiểu tư liệu Khmer cổ và phỏng vấn các ông Môha, các thầy cúng, quan niệm về ngày tháng, giờ khắc tốt xấu trong quan niệm người Khmer như sau:

- Tháng Misakê (tháng giêng) : thuận về làm ăn.
- Tháng Bôs ( tháng 2): có tiền bac.
- Tháng Meak Thôm (tháng 3): nhiều lúa gạo.
- Tháng Phol-kun (tháng 4): có người giúp đỡ.
- Tháng Chêt (tháng 5): xui xẻo, chết chóc.
- Tháng Pisak ( tháng 6): được danh lợi, tài sản.
- Tháng Chês ( tháng 7): hay đau ốm.
- Tháng Asath ( tháng 8): tội lỗi.
- Tháng Srap (tháng 9): hay gây hấn.
- Tháng Photro-bêth ( tháng 10): phát tài.
- Tháng Sêch (tháng 11): hưng thịnh.
- Tháng Kađât (tháng 12): tai họa.

Xin xem thêm Cách Dùng Lịch Của Người Khmer và Ý Nghĩa Của Từng Tháng Trong Năm.

Như vậy lễ cưới thường được tổ chức vào tháng giêng, tháng hai, tháng ba. Đó cũng là mùa cưới của người Khmer. Riêng tháng bảy, tháng tám, tháng 9 là tháng xấu, là 3 tháng nhập hạ của sư sãi nên người Khmer rất kỵ cưới hỏi trong 3 tháng này. Tiếp theo sẽ là giai đoạn hỏi cưới

Spoiler

1.2 Pithi Si S'la ( Nghi thức ăn trầu cau)Cũng như nghi thức mai mối, nghi thức Pithi si s'la cũng được tiến hành gồm 3 bước. Bước 1 gọi là "si s'la đok", bước 2 gọi là "si s'la kan-sênh" và bước 3 là "si s'la banh-chop peak". Ba nghi thức này gọi chung là nghi thức ăn trầu cau. Bởi vì người Khmer cũng quan niệm "miếng trầu là đầu câu chuyện" và còn hơn thế nữa, trầu cau còn là biểu tượng của tình nghĩa nồng thấm, có nguồn gốc từ truyện cổ tích Khmer "Trầu cau và đá vôi" (xin xem ở phần sau).

1.2.1 Si s'la dok (ăn trầu cau)

Có thể hiểu "si s'la dok" giống như lễ dạm ngõ của người Việt. Để đến giai đoạn "si s'la dok", phải qua giai đoạn mai mối. Tức là cha mẹ nhà gái đã đồng ý và đôi trai gái cũng hợp lòng nhau. Cũng có thể xem đây là cơi trầu đầu của nhà trai chính thức đặt vấn đề hôn nhân với nhà gái.

Trong nghi thức này, nhà trai phải thông báo cho nhà gái biết ngày giờ bà mai đến để nhà gái chuẩn bị và phải tìm 2 người nữa (thường là thân nhân bên nhà trai), đồng thời chuẩn bị một ít lễ vật như trầu cau, rượu, thuốc hút, bánh trái và một cặp đèn cầy ( ở người Khmer, đèn cầy là lễ vật không thể thiếu mỗi khi đi mời thầy hoặc ở trong đám lễ) cùng với bà mai bên nhà gái. Riêng nhà gái cũng phải dọn dẹp nhà cửa tươm tất, mời vài bà con thân thuộc tới dự.

Cũng như lần trước, bà mai trổ tài thuyết phục, nhưng nội dung lần này có khác, họ đi sâu vào vấn đề hỏi cưới:

- Lần trước, tôi đã nói gần nói xa để ông bà hiểu được ý định của ông bà A. Nay tôi được ông bà A ủy thác đến xin hỏi cưới con gái ông bà, nếu ông bà bằng lòng, chúng tôi sẽ đến hỏi cưới.

Nhà gái đáp:

- Chúng tôi rất cần có bà con gần xa, để khi lỡ bước có nơi nghỉ chân. Nhưng bà đến hỏi con gái chúng tôi, chúng tôi còn ngại lắm vì con chúng tôi còn non dại và rất vụn về chuyện bếp núc, sợ ông A chê cười.

Bà mai nói:

- Về điều này, xin ông bà chớ lo, vì ông A không quá khó khăn như ông bà tưởng. Điều quan trọng là 2 đứa chúng nó thương yêu nhau, biết lo cho nhau sau này.

- Bà nói như vậy là tôi yên tâm rồi, nhưng để việc cưới hỏi được xuôi chèo mát mái, chúng tôi cần biết những quy định cưới hỏi của ông Môha, vì ông là người am hiểu nghi lễ cưới.

1.2.2 Si s'la kanh-sênh (ăn trầu cau lần 2)

Thời trước, con trai con gái đến tuổi trưởng thành thường bắt đầu ăn trầu cau, cho nên, mỗi khi đi đâu xa hay đi ra đồng thường gói trầu cau theo ăn bằng cách lấy ít trầu, cau, vôi sống gói trong khăn. Khi thì cột trên đầu gọi là "s'la dok", khi thì cột ở thắt lưng gọi là 's'la kanh-seng". Si s'la dok hay si s'la kanh-seng" đều là ăn trầu. Đây là thành ngữ khmer, có nguồn gốc từ truyện kể dân gian sau đây:

Ngày xưa có 2 người tên Sóc và Sau ở làng gần nhau. Một hôm, 2 người vào rừng tìm củi cho vợ nằm lửa. Đến gần trưa, ông Sóc ra bên bờ suối ăn cơm. Cùng lúc ấy, ông sau cũng ra bên bờ suối bên kia giở cơm ra ăn. Ông Sau lên tiếng hỏi:

- Này anh, anh đang làm gì bên đó?

Ông Sóc trả lời:

- Tôi tìm củi về cho vợ nằm lửa. Còn anh?

Ông Sau ngẫm nghĩ: anh ta cũng đi tìm củi về cho vợ nằm lửa như mình. Thật sự là trùng hợp! Vậy ta phải làm quen với anh ta. Nghĩ vậy anh ta liền hỏi:

- Làm thế nào để chúng ta qua lại được để nói chuyện đây?

Nhìn quanh quẩn, ông Sóc trả lời:

- Anh hãy đốn cây kia cho ngã làm cầu bắt qua dòng suối, lúc đó chúng ta sẽ qua lại nói chuyện dễ dàng.

Ông Sau liền làm theo. Chẳng mấy chốc, thân cây ngã nằm dài, vắt qua dòng suối sâu, làm thành chiếc cầu cho 2 người qua lại. Từ đó người Khmer có câu thành ngữ "chon s'pean mêtrây" có nghĩa là "cây cầu kết tình thông gia" (đây là câu thành ngữ dùng trong cưới hỏi). Sau khi đốn cây làm cầu, 2 người qua lại tay bắt mặt mừng, ông Sóc nói:

- Vợ chúng ta đều sắp sanh nở. Tôi đề nghị với anh, nếu sau này, vợ anh sanh con trai, vợ tôi sanh con gái, chúng ta làm sui gia.

Chẳng do dự, ông Sau liền gật đầu đồng ý. Ông Sóc vui mừng lấy trầu cau gói trong khăn, quấn ở thắt lưng ra tiếp bạn:

- Ở giữa rừng thế này, không có gì để làm tin. Chỉ có chút cau trầu này mời anh cùng ăn để làm tin.

Từ truyện kể này mới có nghi lễ ăn trầu gói trong khăn "si s'la kanh-seng". Đây là nghi lễ ăn trầu lần 2 của nghi lễ hỏi. Trong nghi thức này, họ nhà trai sang nhà gái với một số quyến thuộc chọn lọc, từ 4 - 6 người. Đặc biệt là sẽ có ông Môha đi cùng. Lễ vật bắt buộc phải có là "thon rôn" ( cái ô đựng trầu) đựng trầu đã têm sẵn và một tờ giấy trắng ghi rõ ngày tháng tổ chức lễ cưới, một cặp rượu, một cặp trà, 2 hộp bánh và một ít trái cây.

Vào lễ, ông Môha bưng "thon rôn" và mời cha mẹ 2 bên ăn trầu, đồng thời không quên mời đại diện nhà gái mở tờ giấy ra đọc to lên cho mọi người nghe. Xong, ông Môha trịnh trong tuyên bố "Tôi xin tuyên bố, từ đây, 2 gia đình đã chính thức đặt quan hệ thông gia!" Với lễ thức này, mọi việc sơ giao của 2 gia đình đã được ông Môha sắp đặt xong. Sau đó họ nhà gái có thể tỏ thân tình bằng cách mời mọi người ăn cơm thân mật. Nhà trai sẽ tiến tới nghi thức cuối cùng của lễ hỏi, đó là "Si s'la banh-chop peak" (ăn trầu đính ước".
1.2.3 Si s,la banh-chop peak (lễ ăn trầu đính ước)

Si s,la banh-chop peak có nơi gọi là lễ "lơn môha". Lần này, nhà trai đem theo chú rể đến trình diện với nhà gái; bên nhà gái cũng đưa cô dâu r chào hỏi bà con nhà trai.
Ngòai ra, trong lễ ăn trầu đính ước, nhà trai còn mời nhiều bà con họ hàng thân thuộc cùng một số bạn bè sang nhà gái; đồng thời cũng mang theo nhiều lễ vật như rượu, thịt, bánh trái...đặc biệt là lễ vật riêng tặng cho người con gái là con dâu tương lai, đánh dấu sự vui mừng của 2 trẻ sắp được làm lễ thành hôn. Kỷ vật cho người con gái thường là quần áo, chiếc nhẫn hoặc đôi bông tai. Nếu nhà nghèo, tuy theo hòan cảnh nhưng cũng phải có gì đó để cho cô dâu vui lòng.
Bên nhà gái cũng mời họ hàng đến dự, có làm mâm cơm để cúng tổ tiên và đãi khách. Mỗi bên gia đình tham gia lễ ăn trầu đích ước có 5 người. Bên nhà trai gồm ông Môha, nà mai, cha hoặc mẹ, 2 người lớn tuổi trong thân tộc. Thành phần bên nhà gái có: cha hoặc mẹ, 1 người lớn tuổi hiểu biết lễ nghi cưới (người này đã tham gia trong lễ mai mối) và 3 người trong họ.
Chiếu được trải ra trên bộ ngựa gõ đặt giữa nhà, trên đó có "thon rôn". Đại diện nhà gái ngồi thành hàng theo hướng Đông - tây, còn đại diện nhà trai thì ngồi đối diện. Nhà gái dọn 2 mâm cơm lên để trước mặt mọi người. Vào lễ, ông Môha thắp nhang đèn rồi bưng thon rôn (khay trầu) mời mọi người cùng ăn trầu đính ước mà khấn rằng: "Hôm nay là ngày lành tháng tốt, ngày thắng lợi, chúng tôi gả con gái tên Thị rây lấy chồng tên Thạch Khmau. Chúng tôi xin cúng thỉnh tổ tiên đến chứng giám lễ ăn trầu đính ước. Gia chủ kính dâng lễ vật này để tạ ơn quý ngài và thỉnh quý ngài chúc mừng cho đôi bạn trẻ thành hôn". Khấn xong, gia đình đôi bên cùng ăn trầu đính ước. Tục lệ này bắt nguồn từ chuyện kể dân gian: (Tiếp theo phần trước của câu chuyện kể trên).
Nửa tháng sau, vợ ông Sóc đã sanh con trai, còn vợ ông Sau sanh con gái. Một hôm, ông Sóc kể lại với vợ về câu chuyện mình vào rừng đốn củi và đã gặp ông Sau, hai người đã hứa gả con với nhau. Ông Sóc nói:
- Ngay con mình đã cứng cấp rồi, tôi định đi thăm ông sau nhắc lại chuyện ăn trầu hôm nào.
Nghe qua bà vợ cũng đồng ý và còn dặn dò ông chồng;
-Nếu như vậy mình hãy đem theo rượu, thịt, bánh trái, trước hết là cúng tổ tiên bên đó, sau nữa là Si s,la banh-chop peak (ăn trầu đính ước).
Thế là ông Sóc và ông Sau lại một lần nữa ănt rầu cau để khẳng định lời mình đã hứa nên từ đó có tục lệ ăn trầu đính ước.
Xong nhà trai tặng đồ kỷ niệm cho cô dâu và một số tiền mặt gọi là "chuônh chum-nuônh" (quà biếu), có nơi còn gọi là "brăc s,nop tưc đos" (tiền sửa) trước sự chứng kiến của hai họ. Số tiền "chum-nuônh" nhiều hay ít tùy hòan cảnh nhà trai. và số tiền ấy phải trao tận tay người mẹ cô gái, biểu hiện sự ghi nhớ ơn nuôi dưỡng cô. Nếu bà mẹ cô gái đã mất thì số tiền đó mới trao cho người cha, nhưng phải hứa là để làm phước, cầu siêu, cầu phước cho người mẹ. Sau đó ông Môha xin nhà gái cho biết việc xây cất nhà cửa, trước mắt là để làm nơi tổ chức lễ cưới, sau đó là để khi ra ở riêng, vợ chồng mới cò nhà để ở.
Sau lễ ăn trầu đính ước, nhà trai nhắc lại ngày tổ chức đám cưới và cùng nhau bàn bạc về số lượng khách, số lượng mâm (mọi chi phí trong tiệc cưới), nghĩa là mọi vấn đề vật chất, thời gian, nội dung, hình thức lễ cưới. Sau bước Si s,la banh-chop peak, chú rể tương lai phải ở lại phục vụ bên nhà gái, làm mọi công việc cho đến ngày tổ chức lễ cưới. Việc làm này có mục đích: chủ rể có siêng năng hay không và cũng để thăm dó tánh nết chú rể tương lai có đúng như lời catụng của bà mai không. Trong thời gian này, cô dâu chú rể tương lai không được ngủ chung. Nếu như chú rể lười biếng hoặc có thái độ hỗn hào với gia đình vợ, có thể đám cưới không thành. Nhưng thông thường thì chú rể nào cũng giữ ý tứ.
Đến đây, lễ cưới được xem là đã đi được nửa đọan đường, nếu sau này có biến cố xảy ra không thể tiến hành lễ cưới được, đôi trai gái có thể ăn ở với nhau như hai vợ chồng mà không sợ bị dư luận dị nghị. Thường thì d8ám cưới sau đám hỏi chỉ khỏang 3 đến 4 tháng. Ít có trường hợp làm lễ cưới ngay vì nhà gái sợ bị dị nghị; nhưng cũng không để quá lâi vì "cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lạu ngày lắm kẻ dèm pha".


Spoiler

2. PITHI APEA PIPEA (LỄ CƯỚI)

Xưa nay, lễ cưới người Khmer dù giàu hay nghèo, tổ chức lớn hay nhỏ đều diễn ra ở bên nhà gái trong vòng 3 ngày: ngày Chôl rôn, ngày monkol-ka và ngày Sampas ph,tưm/
Trước hoặc trong ngày Chôl rôn (ngày vào đám), nhà trai phải nhờ sự giúp đỡ (mướn) của các ông sau đây:

* Ông Môha:

Có thể nói, lễ cưới cổ truyền Khmer là một hệ thống các nghi lễ. tất cả các nghi lễ đó chỉ nhằm mục đích đem lại hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. nó bao gồm nhiều lễ thức, chứa đựng nhiều sinh họat văn hóa có giá trị tinh thần, nó chung cách khác, thực chất nó là một chính thể văn hóa dân gian mà ông Môha là người tổ chức thực hiện.

Vậy thì ông Môha là người như thế nào? “Môha” tiếng Khmer là to lớn, vĩ đại. ông Môha là người nắm giữ và rất thành thạo văn hóa dân gian, trong đó hàm chứa nhiều lọai hình văn học nghệ thuật, thuộc nhiều thành tố văn hóa dân gian như: tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, lễ hội. Do đó, có thể xem ông Môha như là một kho tàng lưu giữ, truyền tải những nội dung văn hóa truyền thống thông qua họat động tín ngưỡng và thực hành nghi lễ cá nhân bản thân ông.

Thường thì ông Môha xuất thân từ Acha, một người tu hành lâu năm, am hiểu giáo lý, kinh sách, thủ tục lễ bái của đạo Phật. Sau này hòan tục trở về đời thường, ông được mọi người kính trọng và thường được mời đến hướng dẫn các lễ nghi. Nên mọi người xem ông là người trí thức dân gian, là thành phần ưu tú nhất trong cộng đồng. Ngòai ra, ông Môha còn phải biết múa các điệu múa trong tín ngưỡng; biết xem tuổi, bói tóan. Nhưng trên thực tế, hiếm có ông Môha giỏi tòan diện như vậy. nên trong lễ cưới, người ta phải mời thêm hai ông Môha (Môha tếp, Môha monh-trây), đôi khi còn phải mời thêm ông Acha và ông Pealea.

Cũng như các gia đình khác, gia đình ông Môha cũng thực hiện mọi lễ nghi. Ông coi việc làm “môha” như là làm phước, có người đến mời thì ông mới đi. Mỗi khi đi như vậy, ông không đòi hỏi gì cả, tự chủ lễ đưa hay biếu cái gì thì ông nhận cái đó. Thường thì xong lễ, ông được biếu cái đầu heo, chai rượu nếp. Ngày nay mỗi lễ cưới, chủ lễ tra ông Môha từ 250 đến 300 đồng, nhưng đáp lại ông phải cột tay cô dâu chú rể từ 50 đến 100 đồng.

* Ông Pealea.
Người tu lâu năm đã hòant ục, biết xem lá số tử vi, ngày giờ tổ chức các nghi thức. Thực chất ông Pealea là người không kém phần quan trọng.

* Ông Acha.
Người tu lâu năm, thông hiểu giáo lý, chuyên lo các nghi thức tôn giáo.

* Các nhạc công và người biết hát, gọi chung là dàn nhạc cưới gồm 1 cái trống cổ bồng, 1 cái đàn cò (tro sô) 1 trô chche, 1 cái đàn thập lục (khưm) 1 cặp gõ (krap) và 1 cái chapây đon veng (đàn cán dài).

* Người trang điểm cô dâu.
Đồng thời phải đi mượn 9hay thuê) một số vật lễ dùng cho đám cưới như: thon rôn (cái khay đựng trầu cau, thuốc hút); thanh kiếm (hay đao)…
Sau đó, đại diện nhà trai đến nhà gái để bàn giao căn nhà mà nhà gái yêu cầu trong lễ ăn trầu đính ước.

2.1 Ngày thứ 1: Ngày Chôl rôn (ngày vào đám)
Pithi Hau prôlưng (lễ gọi hồn)
Sáng ra, bên nhà gái làm 2 mâm cơm cúng tổ tiên, để báo cáo và xin phép tổ tiên cho cán gái lấy chồng. Trong 2 mâm cơm, ngòai thịt, rượu, bánh trái đặc biệt còn có một đĩa “bai prô-lưng) dành riêng dùng để cúng gói hồn. Đó là một nắm cơm được gói trong lá chuối, có hình dạng như bánh ít, có dán giấy đỏ, trên đỉnh cắm một bông vạn thọ. Trong đĩa có 3 quả chuối chính và một sợi chỉ hồng.
Sau khi cúng tổ tiên xong, ông Môha làm lễ gọi hồn vía. Người Khmer cổ tin rằng, mỗi con người nam cũng như nữ đều có 7 hồn 9 vía. Các hồn vía ở chung một thể xác. Nhưng có lúc vì một lý do nào đó mà hồn vía rời khỏi thể xác đi chu du phiêu bạt ở chốn khác, như lạc ở chốn rừng sâu hay xuống xuối, sông sâu bị con ma nào bắt giam. Lễ này nhằm gọi hồn vía về nhập xác bằng cách, sau khi đọc thần chú, ông Môha lấy chỉ buộc cổ tay cô dâu, nhằm giữ hồn vía không bỏ xác mà đi nữa, để cô dâu có đủ sáng suốt, không bịnh họan độc ngột, khi tiến hành lễ cưới.
Lúc đó, trang trí phòng cưới ở bên nhà trai. Họ tập trung lực lượng thanh niên qua bên nhà gái cất rạp (son rôn), dựng bàn trời (rean Têvôđa), trang trí phòng cưới đặc biệt có dựng thêm bàn thờ tổ tiên. Thông thường, trong nhà của nguời Khmr chỉ có bàn thờ phật; đến khi tổ chức đám cuới mới lập thêm bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ này là một cái bàn dùng để thờ tổ tiên ông bà, được đặt gian bên sát vách ngăn giữa gian nhà ngòai và nhà trong. Trên bàn thờ có bài trí các lễ vật như: nhang đèn, bánh trái, rượu; mỗi thứ phải đủ đôi và đặc biệt là cặp “num Kh’nhây” to tướng. Đó là lọai bánh biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi, được làm bằng bột nếp với hột gà, có hình dáng giống như củ gừng nên người Khmer gọi là num Kh’nhây (bánh gừng). Sau khi được chiến đã chín với mỡ heo hoặc dầu ăn, bánh được rắc lên một lớp đường cát trắng trong lấp lánh dưới ánh đèn. Người ta cũng làm bánh gừng lọai nhỏ để tiếp khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét