Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ hội các dân tộc ít người ở Tay Ninh


Ở Tây Ninh, bên cạnh dân tộc Việt chiếm đại đa số, còn có các dân tộc ít người sống quần cư rải rác ở nhiều nơi, đó là các dân tộc Khơme, Chăm, Stiêng, Hoa... Do đó, đan xen với những lễ hội dân gian của người Việt, ở Tây Ninh còn có những lễ hội dân gian của các dân tộc ít người.
Về người Chăm hiện quần cư tại một khu vực của Thị xã Tây Ninh  theo đạo Hồi giáo, cho nên những sinh hoạt, hội lễ... của nhóm người này đều rập theo những khuôn mẫu của tôn giáo này. Lễ hội Ramađa của người Chăm hồi giáo ở Tây Ninh hàng năm là một sinh hoạt văn hóa quan trọng.
Tại Thị xã Tây Ninh, trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc địa phận phường II, có hai ngôi miếu thờ của người Hoa, thường được dân gian gọi là chùa Ông (đối tượng thờ chính là Quan Thánh Đế Quân) và chùa Bà (đối tượng thờ chính là Thiên Hậu Thánh mẫu). Đây là các ngôi chùa thuộc ban Quảng Đông và ban Triều Châu. Ngoài ra, tại khu vực Gò Dầu (thuộc thị trấn Gò Dầu) còn có một miếu thờ Thiên Hậu thánh mẫu có tên là Thanh An Quán. Tại các miếu thờ này, hàng năm vào các ngày lễ hội lớn, đông đảo các người Hoa về dự lễ hội rất tưng bừng, với lễ vật, nhang đèn đầy ắp. Cảnh tượng các miếu thờ của người Hoa trong những ngày này thật là náo nhiệt kẻ thắp nhang khấn vái, người kính lễ lạy, kẻ xin xâm đoán vận mệnh, người hóa vàng cầu xin...
Các thời điểm lễ hội
Ngày 13 tháng giêng âm lịch: Vía Quan Thánh đế quân
Ngày 20 tháng ba âm lịch: Vía khai sanh Thánh mẫu.
Ngày 23 tháng ba âm lịch: Vía Thiên Hậu thánh mẫu.
Ngày 18 tháng tư âm lịch: Vía Kim Hoa thánh mẫu.
Ngày 7 tháng năm âm lịch: Vía Long Mẫu nương nương
Ngày 13 tháng năm âm lịch: Vía Quan Bình.
Ngày 15 tháng tám âm lịch: Vía Phúc Đức chính thần 
Trong các ngày lễ hội này, ngày vía Quan thánh đế quân (vào 13 tháng giêng âm lịch) và ngày vía Thiên hậu thánh mẫu (vào 23 tháng ba âm lịch) là 2 ngày lễ hội lớn nhất của các miếu thờ này.
Riêng dân tộc Khơme có các lễ hội
Lễ vào năm mới (Chon – chơ nam – thơ mây)
 Lễ này là một lễ hội dân gian lớn nhất của người Khơme, lễ được tiến hành vào những ngày 14, 15, và 16 tháng 4 dương lịch. Trong dịp này, người Khơme tổ chức lễ cúng ông bà tại nhà và sau đó vào chùa cúng Phật vào buổi tối. Mọi người đều trang hoàng lại nhà cửa, xóm làng, ai cũng trang phục những bộ đồ áo mới... Gặp nhau luôn chúc tụng những lời tốt đẹp. Tối đến mọi người tề tựu đến ngôi chùa để múa Lâm Thôn và hát với nhau bên dàn nhạc cổ truyền ngay trước sân chùa. Đêm nào cũng vậy, múa hát vui chơi, ăn uống ca hát, múa nhảy mãi đến nửa đêm. Riêng vào đêm chót của lễ vào năm mới, bên cạnh tục tắm Phật, tắm cho trẻ con với ý hướng muốn một năm mới đầy sự tốt đẹp, người Khơme còn có tục tạt nước vào mọi người khắp trên đường đi, tạo thành một sắc thái khá đặc thù và vui nhộn.

Lễ Đôn Ta

Lễ Đôn Ta tức là lễ xá tội vong nhân, diễn ra vào các ngày 27, 28, 29, 30, tháng 8 âm lịch hàng năm. Trong dịp này, người Khơme Thạnh Tân (Hòa Thành) cũng tổ chức lễ cúng tại nhà ban ngày và đến chùa cúng vào ban tối. Sau các lễ cúng, mọi người quây quần trước chùa múa, hát Lâm Thôn với nhau rất vui vẻ. Sau ngày mùng một tháng chín âm lịch mọi thành viên của người Khơme Thạnh Tân cùng nhau làm một cái bè chuối, trên có đặt bánh tét, gạo, muối... Rồi mang ra bỏ xuống suối cho trôi đi, gọi là Lễ Đưa Rước, với niềm tin rằng bao nhiêu vong hồn sẽ theo đó mà đi, không khuấy nhiễu nhân dân trong ấp nữa.
Lễ Cúng Trăng (Ok ang bok)
 Lễ này diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm và đều tổ chức lễ cúng trăng tại ngôi chùa chung. Sau đó có tục đúc cốm dẹp cho trẻ con để bói hậu sự. Cuối cùng là chương trình múa hát LâmThôn ngay trước sân chùa, với sự tham gia của tất cả mọi người, suốt từ lúc lễ cúng xong cho đến sáng.
Ngoài ra, người Khơme ở Thạnh Tân (Hòa Thành) còn hai lễ hội nhỏ hơn vào ngày rằm tháng giêng và rằm tháng tư âm lịch, tổ chức trong nội nhật với phần nghi lễ cúng đêm tại chùa và phần hội là múa, hát Lâm Thôn trước sân chùa. Thỉnh thoảng, còn có dâng y (Ka thanh) diễn ra trong thời điểm hai tháng 10 và 11 âm lịch. Dịp này, bên cạnh nghi lễ dâng áo cà sa tại chùa, còn có hoạt động múa hát Lâm Thôn diễn ra trước sân chùa sau đó.
Ở Tây Ninh còn có dân tộc Stiêng, nhưng hầu hết dân tộc một phần theo đạo Cao Đài, một phần khác sinh hoạt theo người Khơme, nên hầu như không có lễ hội dân gian nào đặc thù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét