Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ Hội Chùa Am Vãi .

Mời quý thầy và các bạn tìm hiều lịch sử ,tóm tắt về ngôi Chùa cổ ở vùng núi Lục Ngạn này nhé !.
Vài nét về chùa Am Vãi 






Lễ hội chùa Am Vãi ở thôn Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được khôi phục trở lại trong thời gian gần đây cũng nằm trong xu thế chung đó. Nó đáp ứng được phần nào sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân trong làng, trong xã và khu vực lân cận, đồng thời góp phần bảo tồn một di tích lịch sử văn hoá ở địa phương.



Chùa Am Vãi là tên nôm mà nhân dân trong vùng thường gọi. Trong sách Đại Nam nhất thống chí và Lục Nam địa chí (thời nhà Nguyễn) gọi là Am Ni tự. Chùa Am Vãi nằm trên đỉnh núi Am Vãi, thuộc vòng cung Yên Tử. Tên chùa được gọi theo tên của dãy núi này. 



Dưới thời Lý- Trần (thế kỉ XI- thế kỉ XIII), thời kì phát triển cực thịnh của đạo Phật ở Việt Nam, các vua Trần sau khi truyền ngôi cho con đã xuống tóc đi tu và lập ra thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo nước ta. Các vua Trần đã lấy dãy núi Yên Tử (ngọn cao nhất với độ cao là 1.068m so với mực nước biển), để dựng lên thiền, viện, chùa, am, nghiên cứu Phật Pháp và đào tạo tăng đồ, tụng kinh giảng đạo, tu luyện tại đó.

Suốt mấy thế kỉ, hàng loạt chùa tháp được xây dựng trên vòng cung Yên Tử. Ba vị tổ sư của thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đã đào tạo hàng ngàn tăng đồ rồi cử đi trụ trì ở nhiều ngôi chùa trên toàn quốc, trong đó có các ngôi chùa thuộc dãy núi Yên Tử.
Chùa Am Vãi (Am Ni tự ) cũng là một trong những ngôi chùa nằm trong hệ thống chùa tháp được xây dựng trong thời Lý- Trần, có quy mô lớn và có nhiều khả năng là nơi toạ thiền, tụng kinh khấn Phật của các nhà sư.

Theo truyền tích của địa phương kể lại: “Chùa Am Vãi ban đầu là một ngôi chùa nhỏ do một vị sư trụ trì, ở đây có một hang tiền, một hang gạo do mái đá tạo thành, mỗi ngày hai hang này chỉ chảy đủ gạo, tiền cho một vị sư chi dùng trong một ngày mà không chảy nhiều hơn.

Đến một ngày nhà sư có khách đến thăm, vị sư trụ trì bèn khơi cho tiền và gạo chảy đủ cho hai người ăn. Việc làm của nhà sư đã làm cho hang tiền và hang gạo không còn linh thiêng nữa, từ đó trở đi hang tiền không xuất tiền ra nữa và hang gạo cũng ngừng chảy. Vì thế sư không trụ trì được nữa và chùa trở nên vắng sư rồi hoang phế”.

Truyền tích này cho biết rằng: Có một thời đã lâu lắm rồi, có thể là trước thời Trần, nơi đây đã có các sư tu hành theo lối khổ hạnh với biểu tượng Phật là dấu bàn chân trên đá( vì ở gần hang tiền và hang gạo có khu đá in dấu một bàn chân lớn). 




Lối tu hành này đến thời Trần thì chấm dứt. Vì từ thời Trần trở về sau, đạo Phật xâm nhập dần xuống làng xã chứ không ở trên núi cao cảnh đẹp nữa.

Đến thời nhà Lê, chùa Am Vãi vẫn tồn tại và còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, hai ngôi tháp bằng đá (Tháp đá liên hoa) còn lại cho đến ngày hôm nay đều được dựng vào thời nhà Lê, chứng tỏ là vào thời đó ngôi chùa vẫn còn khá sầm uất. Mặc dù theo dân gian truyền lại chùa có tên gọi như hiện nay là vì các vị sư tu luyện ở đây đều được các già, các vãi cung cấp lương thực để sinh sống, mà không có ruộng tư điền để cấy trồng.


Mặc dù đã có thời kì phát triển, hưng thịnh nhưng cho đến thời nhà Nguyễn, vì nhiều lí do khách quan khác nhau ngôi chùa này đã bị hư hỏng nặng chỉ còn lại phế tích. Nguyên nhân làm cho ngôi chùa này bị bỏ hoang phế trong một thời gian dài được giải thích bằng một truyền tích như sau:


“Vốn dĩ Am Vãi nằm ở sườn phía bắc của dãy núi, bên kia đường phân thuỷ của núi. Do đó xưa kia do dân ở xã Nghĩa Hồ trông nom quản lí. Vì một lí do nào đó, dân ở làng Biềng và dân xã Nghĩa Hồ tranh giành nhau quyền trông nom hương đèn trên chùa. Hai bên giành nhau mãi không thôi, bèn đưa lên quan xử. Quan ra điều kiện như sau: Quan sẽ ngủ lại chùa để nghe tiếng gà gáy, nếu nghe thấy gà làng nào gáy trước thì chùa sẽ thuộc về quyền quản lí của làng ấy. Dân làng Biềng mang gà đến gần chùa rồi cho gà thức giấc gáy vang núi rừng trước gà của xã Nghĩa Hồ. Thế là quan cho làng Biềng thắng kiện được quyền trông nom chùa”.


Tình trạng này làm cho việc quản lí chùa thêm khó khăn. Nhất là khi hai làng Nam Điện và Biềng lại dựng thêm hai ngôi chùa riêng để thờ Thành Hoàng làng. Chùa Hàm Long (Nam Điện), chùa Phúc Nghiêm (Biềng), hai ngôi chùa này ở gần dân hơn đã góp phần giải quyết vấn đề văn hoá, tâm linh trong làng, xã khiến vai trò của chùa Am Vãi bị suy giảm. Hơn nữa do ở cách xa khu dân cư khoảng từ 6- 7 km đường rừng núi, đi lại rất khó khăn, cho nên trong một thời gian dài chùa không được sự trông nom thờ cúng.





Từ năm 1990 trở lại đây, do trong làng xẩy ra nhiều biến động không tốt (nhiều người chết trẻ không rõ nguyên nhân) gây nên một tâm lí hoang mang lo lắng cho người dân. Nhiều người trong làng đã nghĩ hay bởi tại ngôi chùa cổ xưa, vốn đã là nơi gắn bó với sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của dân làng từ rất lâu mà đến nay không được trông nom. Dân gian ta đã có câu: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", nghĩ như vậy nên người dân thôn Biềng cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã Nam Dương đã cùng nhau họp bàn góp công, của và sức lực để tu bổ lại chùa trên cơ sở nền chùa cũ còn lại. Và đến năm 1998 ngôi chùa mới đã được hoàn thành theo đúng tâm nguyện của người dân nơi đây. Kể từ đó dân trong làng cứ vào hai ngày mùng 2 và mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm lại tưng bừng mở hội.



Lễ hội đã thu hút được sự quan tâm không những chỉ của người dân địa phương mà còn cả khách thập phương ở nhiều vùng lân cận. Đi lễ chùa mỗi người theo đuổi một mục đích riêng không ai giống ai, nhưng đều tụ hội chung về nơi cửa Phật mong Đức Phật phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình.


Đặc biệt đối với những đôi vợ chồng hiếm con hoặc mong muốn có một cậu quý tử để nối dõi tông đường thì việc đi lễ chùa Am Vãi có ý nghĩa rất lớn đối với họ. "Cầu được ước thấy", đã có nhiều cặp vợ chồng khi đi lễ chùa trở về thì ước vọng của họ đã trở thành hiện thực. "Tiếng lành đồn xa", càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng như thế đến đây hơn, họ cũng mong mình sẽ được sự may mắn như thế. 




Điều đặc biệt nữa của ngôi chùa còn phải kể đến giếng khơi ở bên cạnh chùa. Giếng không sâu nhưng có một điều lạ kì là không bao giờ cạn bất kể mùa nào và số lượng người sử dụng là bao nhiêu. Không chỉ có những ngày lễ hội mà ngay cả những ngày bình thường trong năm ai lên chùa cũng đều cố uống cho được một ngụm nước mát lành của giếng. Sau khi uống xong mọi người đều có cảm giác sảng khoái dễ chịu và thấy mình được thảnh thơi hơn, mọi lo toan trong cuộc sống thường nhật dường như được trút bỏ một phần nào. Và như vậy, đã từ rất lâu rồi nhân dân trong vùng coi đây là một chiếc giếng quý, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tâm linh của họ.







Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã tin vào sự linh thiêng và mầu nhiệm của chùa Am Vãi, tin vào sự may mắn mà chùa mang lại cho dân làng. Sự linh thiêng của chùa được nhân dân hai làng Biềng và Nam Điện gắn liền với sinh hoạt hằng ngày, nhất là mỗi khi làng xẩy ra những sự cố lớn, trong tâm thức mỗi người lại hướng lên dãy núi cao nhất nơi có chùa Am Vãi, một công trình kiến trúc cổ, có từ ngàn đời xưa, được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc khá hoàn chỉnh.



Những năm gần đây, cùng với việc ngôi chùa Am Vãi được phục dựng trở lại, đời sống vật chất của nhân dân trong làng cũng được cải thiện và nâng cao rõ rệt, số người chết trẻ không rõ nguyên nhân cũng không còn như trước nữa, đặc biệt là lớp trẻ ngày càng thi đỗ vào đại học nhiều hơn với một tỉ lệ cao mà trước đó ít thấy. Những việc xảy ra trùng hợp như thế đã khiến cho nhân dân quanh vùng càng tin vào sự linh thiêng của ngôi chùa. Người dân đến chùa ngày một nhiều hơn, thường xuyên hơn, nhất là các dịp lễ hội, ngày mùng một, mười rằm.

Lễ hội chùa được tổ chức hằng năm đã trở thành điểm đến, nơi trở về của những người con xa quê, đi học, đi làm, lấy chồng xa xứ, trở thành sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại. Lễ hội chùa Am Vãi được tổ chức hằng năm đã trở thành một hoạt động văn hoá tín ngưỡng không thể thiếu được của người dân quanh vùng và cần được bảo tồn và phát huy.

Di tích chùa Am Vãi toạ lạc ở trên một địa thế đẹp gắn liền với phong cảnh núi rừng tự nhiên, núi cao cảnh đẹp đã tạo nên một thắng cảnh có tiềm năng văn hoá lâu dài ở Lục Ngạn nói riêng, của tỉnh Bắc Giang nói chung. Do vậy, nó cần được tiếp tục tôn tạo, tu bổ, phục hồi cùng với các di tích khác nằm trong quần thể danh thắng này nhằm ngày càng phục vụ tốt hơn cho sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và tham quan du lịch của nhân dân địa phương và du khách thập phương

Theo: Nghiên cứu Tôn giáo
__________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét