Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ hội “chùa Ông Bổn” của người Hoa ở Bình Dương

T.X.G

Nếu như phổ biến và rõ nét nhất trong dòng chảy lễ hội truyền thống người Việt ở Bình Dương là lễ hội cúng đình kỳ yên (cầu an), Thì lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa sống trên đất Bình Dương lại đặc trưng với 2 dòng chính: Đó là lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu cung của 4 bang người Hoa và lễ Ông Bổn của dòng Phước Kiến.
Cùng với người Việt, người S’tiêng... cộng đồng người Hoa ở Bình Dương có một vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Người Hoa sống trên đất Bình Dương chủ yếu gồm có 4 bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ. Nhằm mục đích đoàn kết hữu nghị, phát triển kinh tế và văn hóa, tất cả ngưởi Hoa đều thống nhất có một tổ chức là “Hội người Hoa”.
Là những lưu dân đi tìm đất sống, do đó tín ngưỡng của họ đã sớm trở thành một nhu cầu quan trọng trong đời sống của người Hoa. Đó chính là một trong những chỗ dựa lớn lao về tinh thần, giúp họ trụ vững và phát triển. Cũng chính vì lẽ đó mà tín ngưỡng của người Hoa rất đa dạng và phong phú về nhiều mặt. Nhưng có lẽ, tín ngưỡng nổi bật nhất của cộng đồng người Hoa trên đất Bình Dương chính là tín ngưỡng thờ cúng trong cộng đồng với 2 lễ hội đặc trưng là lễ hội Thiên Hậu Cung (chùa Bà) và miếu Ông Bổn (chùa Ông Bổn). Mặc dù không mang tính chất rộng rãi như lễ hội Chùa BàThiên Hậu, nhưng lễ hội chùa Ông Bổn cũng thể hiện nét tín ngưỡngtiêu biểu, gắn liền với những ngành nghề chính của người Hoa. Đây cũng được coi là một trong những lễ hội quan trọng trong năm của người Hoa.
Hiện tại ở Bình Dương có 5 ngôi miếu Ông Bổn (mà dân quen gọi là chùa). Đó là chùa Ông Bổn Chánh Nghĩa (Phước An miếu), miếu Ông Bổn Bà Lụa, miếu Ông Bổn chợ Búng, Miếu Ông Bổn Lái Thiêu và miếu Ông Bổn Tân Phước Khánh (Tân Phước Khánh Nghĩa đường) của họ Lý, họ Vương dòng Phước Kiến.
Lễ hội miếu Ông Bổn được luân phiên diễn ra với phạm vi hẹp hơn miếu Bà Thiên Hậu. Tuy nhiên, lễ hội miếu Ông gắn liền với những người làm nghề lò chén, họ coi trọng nơi nhập cư, họ lập chùa lấy tên vị thần đất (Ông Bổn) nói chung và thờ các vị thánh nhân phù hộ nghề nghiệp cho họ.
Đối với người Hoa, Ông Bổn có nghĩa là “Ông tổ”, “Bổn” có nghĩa là gốc. Ông Bổn chỉ là một biểu tượng, không phải là một nhân vật cụ thể. Đa số người Hoa đều quan niệm rằng “Ông Bổn” là “Phước Đức Chánh Thần”. Tuy nhiên mỗi bang người Hoa đều có những quan niệm và tín ngưỡng riêng về Ông Bổn. Người Hoa (gốc Phúc Kiến) ở Chợ Lớn đã cụ thể hóa là Châu Đạt Quan - Một vị quan đời Nguyên. Người Hoa gốc Triều Châu, Hải Nam ở miền Tây Nam bộ lại cụ thể hóa là Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hòa - Người đời Minh. Người Triều Châu (ở Hội An) cụ thể hóa là Phục Ba Tướng quân Mã Viện. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn cho Ông Bổn của họ là Thần Thổ Địa… nhưng những người Hoa họ Vương gốc Phúc Kiến ở Bình Dương cho rằng Ông Bổn của họ là Huyền Thiên Thượng Đế và họ Lý (gốc Triều Châu) cho Ông Bổn của họ chính là Ông tổ họ Lý.
Huyền Thiên Thượng Đế là một vị thần do Thượng Đế phân thân còn gọi là Chơn Võ (Chân Vũ). Trấn Vũ là vị thần ở núi Võ Đang. Bên cạnh Huyền Thiên Thượng Đế, họ Vương còn thờ: Quan Âm Bồ Tát (người Phúc Kiến tôn thờ nhiều thần), Na Tra Thái Tử, Nam Triều Đại Đế.
Họ Vương thì tôn thờ các vị thần trên, trong khi đó họ Lý ở Bình Dương lại thờ Ông Bổn là thủy tổ các họ: Lực, Chu, Quách, Tiêu , Triệu, Lý và Châu. Đây cũng chính là biểu tượng. Họ cũng thờ Phước Đức Chánh thần mà họ gọi đó là Ông Địa, tức là thần đất đai ở địa phương. Có thể kể đến các cung điện thờ Ông Bổn của họ Vương ở Bình Dương như: Phước Võ điện- phường Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một (xây dựng năm1885); Ngọc Hư Cung- thị trấn Lái Thiêu (xây dựng khoảng 1971); Phước Thọ Đường - xã Hưng Định, Thuận An; Phước Nghĩa Đường - Tân Phước Khánh, Tân Uyên.
Họ Lý có một ngôi miếi thờ Ông Bổn là Phước An Miếu ở Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một ( xây dựng năm 1980). Miếu này do họ Lý xây dựng, ngoài thờ Ông tổ của bảy họ như trên, còn là từ đường họ Lý, nên còn gọi là Lý Thị Gia Miễu.
Cũng giống như các đền Miếu của người Việt, các miếu thờ Ông Bổn đều tích hợp đa thần như Trương Thiên Sư (Trương Đạo Lăng - đời Hán), Bao Công (đời Tống), Cảnh Chủ Tôn Vương, Linh Từ Tôn Vương, Cửu Thiên Huyền Nữ….
Lễ hội các đền miếu thờ Ông Bổn ở Bình Dương mang nội dung cúng tổ nghề gốm, tập trung chủ yếu người Hoa ở địa phương và các nơi khác. Lễ hội này của người Hoa ở Bình Dương còn mang tính chất tín ngưỡng phúc thần, bảo hộ cuộc sống và việc làm ăn của cộng đồng người Hoa trên đất Bình Dương.
Theo tục lệ tín ngưỡng của người Hoa, các vị thần Huyền Thiên Thượng Đế, Quan Âm Bồ Tát, Na Tra Thái Tử và Nam Triều Đại Đế vốn không được thờ cố định ở một địa phương mà được luân phiên ở các miếu thờ ở Thủ Dầu Một, Búng, Lái Thiêu, Tân Phước Khánh rước về thờ trong một năm và lễ hội được tổ chức vào ngày 25-2. Và như vậy, theo tục lệ phải cách bốn năm mới có lễ hội một lần. Chương trình lễ hội bao gồm có các nghi thức cúng tế theo Đạo giáo do các thầy pháp chuyên nghiệp đảm trách. Kế đó là lễ rước kiệu các vị thần, kéo dài suốt đêm với hàng chục cây số bao quanh khu vực dân cư, không khí hết sức tưng bừng, náo nhiệt và hoành tráng. Trong lễ hội còn có hát Hồ Quảng, múa cù, múa lân sư rồng, đặc biệt là múa hẩu thu hút đông đảo người xem.
Cóthể nói lễ hội miếu Ông Bổn ở Bình Dương tuy là Lễ hội mang đặc trưng của một dòng họ, một nghề nghiệp, một bang khác nhau, song nó đã thu hút được một cộng đồng cư dân người Hoa và cả người Việt cùng tham gia hưởng ứng và trở thành những ngày lễ hội quan trọng trong năm, trong đời sống tâm linh của người Hoa ở Bình Dương nói chung và người Việt nói riêng.
Lễ hội miếu Ông Bổn cùng với lễ hội miếu Bà Thiên Hậu của người Hoa và một số lễ hội cúng tế của người Việt đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân gian, trở thành những hoạt động chính trong các hoạt động văn hóa lễ hội diễn ra trong năm của cư dân Bình Dương nói chung và của cả khu vực Nam bộ nói riêng, góp phần đặc sắc vào nền văn hóa đầy màu sắc của Việt Nam.
T.X.G
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sơ khảo về tín ngưỡng, lễ hội dân gian và truyền thống tỉnh Bình Dương. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Dương tháng 5-1998.
2. Người Hoa ở Nam bộ. PGS.TS Phan An, Nhà xuất bản Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh, 2005.
3. Miền Đông Nam bộ lịch sử và phát triển Bán nguyệt san Xưa và nay, Nhà xuất bản TP.HCM,2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét