Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ hội của đạo Cao Đài


Đất Tây Ninh vốn là nơi khởi phát và là Thánh địa của đạo Cao Đài. Hàng năm, trong đạo Cao Đài có 2 ngày lễ lớn đó là ngày vía Đức Chí Tôn vào mùng 8 tháng giêng âm lịch và lễ hội Diêu Trì Thánh Mẫu vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Mặc dù là lễ hội của tôn giáo, nhưng những ngày này đã trở thành một ngày hội của dân chúng vùng Tây Ninh và các tỉnh Nam Bộ bởi lẽ phần nhiều người dân Tây Ninh là tín đồ của Đạo Cao Đài. Những ngày lễ trọng này không chỉ có tín đồ đạo Cao Đài và dân chúng Tây Ninh, mà các tín đồ Cao Đài và du khách ở Nam Bộ cũng kéo về dự hội lễ. Có những người mang theo cả gia đình, thuê xe đem theo chăn chiếu đến trước lễ một hai hôm. Những ngày này  trong Tòa Thánh người đông như nêm, chen chân không lọt.
Lễ vía Đức Chí Tôn và Hội yến Diêu trì Thánh mẫu được tổ chức ở các thánh thất Cao Đài và đền thờ Phật mẫu. Vào những ngày này, các thánh thất, đền thờ được dọn dẹp sạch sẽ, quét vôi, chưng đèn kết hoa trông thật rực rỡ. Tuy nhiên, lễ hội lớn nhất và đông người đến dự được tổ chức tại Tòa thánh Tây Ninh. Ở đây từ các nơi đổ về dọn dẹp, trang hoàng đền thánh và đền thờ Phật mẫu, các nghệ nhân trong đạo bắt tay vào việc chưng quả phẩm. Đấy là việc dùng hoa quả, lá cây để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật khéo léo với hình dáng rồng, phượng, quy, phụng... Nhiều nghệ nhân còn thiết kế cả các thiết bị điện cơ làm cho đầu cánh chim cử động hoặc thân rồng uốn khúc, nước chảy róc rách trong các động tiên... Các nghệ nhân của mỗi địa phương cố gắng thể hiện nét độc đáo, mỹ thuật của mình trong cách chưng quả phẩm rất hấp dẫn người xem.
Bên cạnh những nghi thức dâng hương, cúng lễ, đọc kinh theo tập tục của đạo Cao Đài, trong những ngày lễ vía Đức Chí Tôn và Hội yến Diêu Trì, các nghệ nhân dân gian tổ chức các cuộc biểu diễn nghệ thuật múa hát, đưa rước. Đáng chú ý là nghệ thuật múa Tứ Linh, bao gồm múa rồng nhang, múa lân (gồm ngọc kỳ lân và long mã), quy, phượng trong các cuộc lễ như trong đám rước (gọi là "Cộ". Nghệ thuật múa tứ linh của đạo Cao Đài có nguồn gốc ở Bắc và Trung bộ được cải biến chút ít cho phù hợp với tín ngưỡng của đạo Cao Đài.
Trong lễ hội của đạo Cao Đài, các nghệ nhân còn biểu diễn võ thuật với nhiều thế võ dân tộc như các thế quyền cước hoặc sử dụng các loại binh khí. Những nhân vật đóng vai Tề Thiên Đại Thánh và các đồ đệ khi biểu diễn múa tứ linh tiến đến trước đền thánh, đền Phật mẫu thường biểu diễn võ thuật, và các điệu múa được biểu diễn trong tiếng nhạc của ban nhạc lễ và tiếng ca của ban đồng nhi Tòa thánh.
Ngoài ra, trong lễ hội tôn giáo Cao Đài, các điệu múa của các dân tộc Stiêng, Khơme cũng được các nghệ nhân kết hợp biểu diễn, Dàn nhạc của Tòa thánh sử dụng loại trống xà dăm của người Khơme (đội trống Tần nhơn) để biểu diễn các điệu nhạc chào mừng trong lễ rước cô tiên.
Lễ vía Đức Chí Tôn và Hội yến Diêu trì của đạo Cao Đài được tổ chức ở Tòa thánh và các thánh thất, đền thờ trong toàn tỉnh Tây Ninh đã cuốn hút đông đảo người xem cùng với các sinh hoạt văn hóa vừa mang tính tôn giáo vừa mang tính truyền thống dân gian, quả thực là những ngày lễ hội dân gian lớn trong tỉnh Tây Ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét