Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Lễ hội đền Lảnh Giang dùng nghệ thuật đương đại


Hàng năm cứ vào dịp đầu tháng 6 (âm lịch), người dân thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên ( Hà Nam) lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội đền Lảnh Giang - một lễ hội có truyền thống hàng nghìn năm nay của người dân vùng sông nước chốn Sơn Nam này. 

Lễ hội năm nay (khai hội ngày 23/7) được tổ chức với quy mô lớn hơn, hoành tráng hơn, đặc biệt Ban tổ chức sẽ dùng nghệ thuật đương đại vào diễn trình nghi lễ hầu thánh như: video art, performance art cùng âm nhạc dồn dập, kỳ ảo.

Ngôi đền ngàn tuổi
Từ thị trấn Đồng Văn, theo Quốc lộ 38 đi 8km là đến ngã ba thị trấn Hoà Mạc, rẽ trái đi 5km là đến chân cầu Yên Lệnh, ngược bờ đê sông Hồng 2km là tới đền Lảnh Giang.

Đền còn có tên gọi là Lảnh Giang linh từ, toạ lạc tại thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (Hà Nam) bên bờ hữu ngạn sông Hồng, sát cạnh chân đê nối với các tỉnh Hưng Yên, Hà Tây (nay là Hà Nội), Nam Định nên rất thuận tiện cho giao lưu bằng đường thuỷ và đường bộ.

Đền Lảnh Giang thờ 3 vị tướng thời Hùng Duệ Vương. Căn cứ vào cuốn thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (Sự tích ra đời của một vị thuỷ thần triều vua Hùng) cùng sắc phong câu đối thì ba vị tướng này đều là con của Bát Hải Long Vương và nàng Quý.

Khi giặc phương bắc kéo tới bao vây bờ cõi đánh chiếm nước ta, định cướp ngôi báu của Hùng Duệ Vương thì ba ông đã giúp vua Hùng đánh tan giặc, giữ yên bờ cõi giang sơn.

Cùng với việc thờ ba vị tướng thời Hùng, đền Lảnh Giang còn thờ Tiên Dung công chúa, con gái vua Hùng và thờ Chử Đồng Tử, một trong bốn vị thần bất tử của dân tộc.

Đền Lảnh Giang là một công trình kiến trúc có quy mô mang đậm nét phong cách cổ truyền của dân tộc, theo sử sách ghi lại thì đền được xây dựng từ thời Lý.

Tổng thể kiến trúc gồm ba toà với 14 gian lớn nhỏ làm theo kiểu chữ Công. Hai bên có nhà khách, mặt bằng nội công ngoại quốc. Đặc biệt toà Trung đường làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong.

Nhờ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa đục, chạm, gọt, tỉa tạo nên các mảng trạm khắc với các đề tài tứ linh (Long, Ly ,Quy, Phượng) cổ kính trang nghiêm và thanh thoát sinh động.

Lễ hội hàng năm mở cửa vào các ngày từ mồng 2 đến 5/6 và ngày 20/8 (âm lịch). Theo tục lệ xưa, ngày mồng 2 nhân dân địa phương tổ chức chồng kiệu, kéo cờ thần trước cửa đền, những ngày sau là công việc chuẩn bị cho tế lễ. Từ ngày 2 - 4 là chính tế, ngày 5 lễ tạ, hạ cờ.

Đồ tế thường là cỗ chay, lợn đen, rượu, hoa quả, bánh trái… Ngoài các nghi lễ như tế lễ, rước thánh còn có phần hội hết sức phong phú như múa rồng, múa lân, chiếu chèo sân đình, hát chầu văn, võ vật, đấu cờ người...

Những nét “chấm phá” mới 

Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho biết: "Năm nay với chủ trương phục dựng lễ hội với quy mô hoành tráng, dự án “nâng cấp lễ hội đền Lảnh Giang” đã được Viện nghiên cứu phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam, Ủy ban Nhân dân huyện Duy Tiên, với chính quyền địa phương cùng thực hiện.

Dựa vào tư liệu, huyền tích để tái hiện lại lễ hội với một quy mô lớn hơn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đương đại, cùng người dân địa phương, nhưng về nguyên tắc vẫn không đi lệch tinh thần của lễ hội truyền thống. Đặc biệt một nét độc đáo của lễ hội năm nay là có sự kết hợp giữa nghi thức truyền thống với các yếu tố của nghệ thuật đương đại như DJ, video art, body art...

Ngoài ra, lễ hội năm nay sẽ đặc biệt quan tâm đến màn diễn xướng dân gian hầu Thánh (hát Văn) để tái hiện huyền tích vị Thánh đền Lảnh Giang. Đây cũng chính là nét văn hoá đặc sắc của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ mà sắp tới rất có thể sẽ được nghiên cứu để xếp vào danh sách đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại.

Cùng với các hoạt động truyền thống, lễ hội năm nay còn một hoạt động khá độc đáo là sẽ có các hoạ sĩ đương đại tham gia vào việc vẽ hoạ tiết lên người những chàng trai trình diễn và có tới 20 người được vẽ thay nhau đóng vai các vị thần trong huyền tích.

Lễ hội diễn ra trong ba ngày ba đêm tại sân chính của đền, một sân khấu lớn rộng 138m² với hình dạng bàn thờ hai tầng, được đặt trên hồ nước, phía sau là màn hình vừa làm phông nền, vừa trình chiếu các video về thuỷ phủ của hoạ sỹ Phương Vũ Mạnh.

Tầng trên sân khấu là bàn thờ cúng ngai của ba vị thánh Tam Giang theo truyền thuyết của làng. Tiếp đến là một sân khấu nhỏ, nơi sẽ diễn ra các màn diễn xướng hầu Thánh. Huyền tích về vị Thánh Tam Giang sẽ được xuất hiện trong ánh sáng, âm thanh mờ ảo, hình tượng những ông rắn khổng lồ nứt ra từ bọc trứng rồi trở thành những chàng trai vạm vỡ oai nghiêm.

Tiến sỹ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam) cho biết: "Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng những yếu tố nghệ thuật đương đại vì lễ hội dân gian từ ngàn xưa đến này không đóng kín trong một hình thức cố định mà nó có sự thay đổi theo chiều dài phát triển của lịch sử, nói cách khác nó có yếu tố “mở”.

Tiến sỹ nói thêm: "Lễ hội đền Lảnh Giang được dàn dựng, để hướng tới khán giả của cuộc sống hôm nay. Sử dụng yếu tố mới sẽ tạo cho khán giả thấy được sức hút riêng của đời sống đương đại nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống của lễ hội".

Ông Phạm Văn Hậu, Thủ nhang đồng đền, thành viên ban tổ chức lễ hội cũng khẳng định: “Việc đưa các yếu tố đương đại vào lễ hội không ảnh hưởng gì đến các giá trị văn hoá vốn có hàng nghìn năm nay của đền. Các hoạt động chính của lễ hội vẫn do trống, nhị, sáo, kèn... và người dân địa phương làm chủ, còn âm thanh, ánh sáng “đương đại” chỉ có tác dụng phụ làm tăng thêm sự ly kỳ, kịch tính, hấp dẫn cho màn diễn xướng mà thôi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét