Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ Hội Đền Thanh Nhàn


Đền Thanh Nhàn thờ Phù Đổng Thiên Vương còn có tên gọi là đền Tam Tổng vì có ba tổng phục vụ lễ hội và thờ cúng. Đền Thanh Nhàn được xây dựng trên quả đồi cao, quang cảnh thoáng rộng, nên thơ thuộc địa phận thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn
Thờ:            Phù Đổng Thiên Vương
Địa điểm:    Thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn
Chính hội:   6 tháng Giêng
Đặc điểm:   Rước chín làng
.Đền Thanh Nhàn tương truyền là nơi ngày xưa Thánh Gióng trên đường đi đánh giặc Ân qua đây nghỉ ngơi lấy thêm quân trong làng. Theo thần tích (năm 1574) và truyền thuyết dân gian địa phương thì trước khi đến Sóc Sơn. Gióng còn đi qua Nhạn Tái và ghé vào làng Khốn. Lúc bấy giờ trời nắng to, Gióng gặp bọn trẻ chăn trâu nói chuyện và mượn nón xuống khe múc nước uống. Gióng hỏi bọn trẻ:
- Làng này tên gọi là gì?
Bọn trẻ đáp:
- Kẻ Khốn
- Mát thế này sao gọi là Khốn? Các em hãy về bảo với các cụ già đổi tên là Mát đi.
Sau câu chuyện ấy, làng Khốn được đổi tên là Kẻ Mát và mang tên “Thanh Nhàn” và từ ngày ấy người ta tin rằng hễ cứ giao cho trẻ chăn trâu cầu đảo thì bao giờ trời cũng mưa. Hai bên bờ khe làng Thanh Nhàn hiện còn chi chit nhiều vết hằn trên đá. Nhân dân đồn rằng đó là dấu chân người và dấu chân ngựa của ông Gióng.
Sử sách cũ biết đền Thanh Nhàn được xây dựng từ thế kỉ XVI. Tất cả khu di tích đền và chùa có đến hàng trăm gian nhà, nhưng đến năm 1947 thực dân Pháp đã phá huỷ ngôi đền rất nặng nề. Sau này nhân dân tu sửa lại và hiện nay đền có bốn cung được sắp xếp theo kiểu chữ tam gồm: cung tiền tế, cung đệ tam, cung đệ nhị và cung đệ nhất. Cả bốn cung đều nằm trên một nền đất theo thế cao lên của quả đồi. Ba cung đệ nhị, đệ tam và tiền tế cùng có ba gian, hai dĩ, gian chính giữa rộng. Các vì kèo của ba cung đều làm theo kiểu kèo suốt quá giang gối cột có tiền kẻ, hậu bảy bào trơn đóng bén, kiểu thức đơn giản.
Ngay từ khi mới xây dựng đền thì tượng Đức Thánh bằng đồng đã được đúc. Pho tượng được đúc liền với án gốc thành một thể thống nhất, án ngồi có kích thước cao 0,4m, rộng 0,6cm, dài 1m. Quanh hai đầu án có trang trí hoa văn cúc dây trổ thủng. Pho tượng cao 2,05m, nang vai là 0,72m dưới nếp áo ngang là 1,30m và từ sau ra trước là 1,05m . Trọng lượng pho tượng khoảng 2,5 tấn kể cả án ngồi.
So sánh với các pho tượng đồng khác ở Hà Nội như: tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh cao 3,7m, nặng 4 tấn được đúc năm 1667; tượng Trấn Vũ ở Linh Cự, Gia Lâm cao 3,8m, nặng hơn bốn tấn được đúc năm 1788, thì tượng Phù Đổng ở đền Thanh Nhàn là một trong những pho tượng có trọng lượng lớn, có niên đại đúc sớm trong các pho tượng đồng lớn ở Hà Nội.
Ngoài tượng Phù Đổng bằng đồng, ở đến Thanh Nhàn còn có đôi ngựa hồng, bạch cũng được đúc bằng đồng. Theo bia Long Đức 6 (1634) thì đôi ngựa này được đúc năm 1595. Ngựa cao 1,95m, nặng chừng 1 tấn. So với các đình, đền, chùa khác ở  trong nước thì ở đây mới thấy xuất hiện ngựa hồng.
Ngoài tượng Phù Đổng và đôi ngựa bằng đồng thì ở đền Thanh Nhàn còn có một số hiện vật khác có giá trị như: hai quan vệ sĩ giám mã bằng gỗ, hai đôi rồng đá Hậu Lê (một đôi mây hoá rồng, một đôi rồng yên ngựa) – theo tấm bia dựng năm Long Đức 1634 thì đôi rồng này được dựng năm 1629. Một quyển thần tích viết năm Hồng Phúc nguyên niên (1574) do Nguyễn Bính soạn thảo. Bảy đạo sắc phong, trong đạo cổ nhất làm năm Chính Hòa thứ 4 (1683). Một quyển hương ước của địa phương, một bát hương đá, tám đôi câu đối…Ngoài những di vật đồ thờ có trong đền ra thì ở đền Thanh Nhàn còn có: “Hòn đá vết chân người, ngựa”.
Hòn đá cuội to có một chân người và một vết lõm chân ngựa được đặt dưới gốc cây lộc vừng. Tương truyền Thánh Gióng đã quỳ vào hòn đá cúi xuống sông Nguyệt Đức uống nước. Hiện nay dân gian vẫn chiêm bái, tín vọng.
Tục truyền từ khi có ngôi đền hàng năm nhân dân trong tổng tổ chức lễ hội ngày 6 tháng Giêng.
Trước khi lễ hội diễn ra khoảng một tháng thì công tác tổ chức đã được chuẩn bị. Ban tổ chức gồm ba thôn sở tại và các làng khác thuộc ba tổng là Xây, Cổ Bái, Linh Cầm, Thắng Hữu, Hiền Lương, Gia Thượng…
Mỗi nơi có một cụ trong ban tổ chức để đôn đốc nghi lễ của thôn mình. Lễ rước đã được quy định, chiều ngày 5 tháng Giêng dân sở tại được rước trước. Kiệu rước của dân sở tại gồm.: Oản quả, hương hoa. Tiếp theo đến sáng mồng 6 gồm các thôn: Cổ Bái, Hiền Lương, Linh Cầm, Thạch Lỗi được rước lễ. Sáng ngày mồng 7 các thông Gia Thượng, Xây rước lễ.
Thường các đám rước được bố trí như sau: đi trước là cờ, trống kèn, siêu đao, bát bửu, sau đó đến kiệu, tiếp là các cụ mặc quần thâm, khăn xếp áo the. Và sau cùng đoàn rước là các đoàn thể và quần chúng nhân dân.
Khi các đoàn rước vào trong đền làm lễ thì ở ngoài sân các hoạt động của lễ hội cũng đồng thời diễn ra như chơi cờ tướng, vật tự do, cầu lông, bóng chuyền …
Cả một quả đồi rộng mà hôm nay đông kín người. Trẻ con chạy tung tăng mua quà, người lớn xem đấu vật, không khí ngày hội thật tươi vui náo nhiệt.
Hàng năm lễ hội đền Thanh Nhàn được mở, nó gợi cho nhân dân nhớ về cội nguồn, về truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta. Đây là một món ăn tinh thần của nhân dân địa phương và cũng là một nét đẹp văn hoá cần được giữ gìn và phát huy.
Nguồn tin: Theo Lễ hội Thăng Long, Lê Trung Vũ (cb), NXB Hà Nội, 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét