Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ hội đình

Những cư dân người Việt đến khai khẩn vùng đất Tây Ninh từ những thế kỷ xa xưa đã tụ tập lại thành những làng, xóm, thôn, ấp. Phần nhiều các làng xóm có một ngôi đình làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Đình làng thờ Thành Hoàng của làng, còn gọi là Thành Hoàng bổn cảnh. Trong năm, dân làng tổ chức nhiều ngày lễ ở đình. Những ngày lễ ở đình, với sự tham dự của đông đảo dân làng, có nhiều nội dung phong phú, trước là thể hiện tấm lòng của người dân đối với công ơn khai phá cơ nghiệp của bậc tiền nhân, nay đã là bậc thần thánh. Tiếp đó, là mọi người cầu khấn cho quốc thái dân an "Phong đăng hòa cốc", cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Các đình làng Tây Ninh còn có một số hội riêng của từng đình, từng làng. Một số lễ hội đã mất, nhưng cũng còn một số ít khác được duy trì như lễ Miếu, thờ cúng vào ngày vía các vị thánh được thờ ở các miếu trong sân đình, hoặc các lễ nghi mang tính chất nông nghiệp như lễ Hạ Điền cúng Thần Nông lúc xuống giống lúa, Lễ Cầu Bông cúng thần Nông lúc lúa làm đồng trổ bông, Lễ Thương Điền, cúng khi vào mùa gặt. Ở đình Hiệp Ninh (thị xã Tây Ninh) Lễ Cầu Bông được tổ chức rất lớn gần như lễ Kỳ Yên, cũng có rước sắc thần, có lễ Hiến Sinh, nhưng chỉ diễn ra trong nội nhật. Lễ Cầu Bông ở đình Long Thành (Hòa Thành) cũng tổ chức long trọng và dân làng đến làm lễ rất đông
 Lễ hội Đình  bảo lưu nhiều yếu tố cổ truyền và dân gian, một sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân Tây Ninh mà đa số là nông dân của những làng xóm xa xưa. Trong những ngày hội hè đình đám ấy người dân Tây Ninh đã thể hiện được bản chất văn hóa tốt đẹp của mình là sự biết ơn những bậc tổ tiên có công khai phá giang sơn gấm vóc và hơn hết là xiết chặt hơn nữa tính cộng đồng của các thành viên trong làng xóm. 
 Lễ Kỳ Yên (Vốn là "Cầu An")
Là lễ hội lớn nhất hàng năm của các lễ hội đình ở Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Lễ Kỳ Yên do dân trong làng tổ chức, cùng đóng góp vật lực tiền của, và có ban quý tế của đình do dân làng bầu ra để điều hành công việc. Lễ Kỳ Yên ở các đình tổ chức vào các ngày khác nhau tùy theo luật lệ riêng của mỗi đình nhưng thường vào những tháng đầu năm hoặc cuối năm. Như đình Hiệp Ninh,  Lễ Kỳ Yên vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, đình Thái Bình vào ngày 16 tháng 11, đình Gia Lộc vào ngày 14, 15, 16 tháng 3... Lễ hội đình của mỗi đình làng ở Tây Ninh có ít nhiều khác biệt nhau trong nghi thức cúng tế. Tuy nhiên về cơ bản, lễ hội đình ở Tây Ninh diễn ra theo một số nghi thức giống nhau.

Lễ Khởi Đầu

Lễ này mang tính chất khởi đầu để chính thức đi vào ngày lễ hội Kỳ Yên và được tổ chức trước Lễ Kỳ Yên một hôm, có mặt đầy đủ Ban Hội Hương của đình. Tham dự lễ còn có một số tu sĩ Phật Giáo, và một bàn thờ Phật được thiết lập tại đình. Trong khi nhà sư đọc kinh cầu nguyện thì Ban Hội Hương của đình quỳ trước bàn thờ Phật, cúi lạy theo những hiệu lệnh. Riêng đình Gia Lộc ở Trảng Bàng, lễ khởi đầu có sự tham dự của 3 tôn giáo ở địa phương là đạo Phật, Thiên Chúa và đạo Cao Đài.

 Lễ Thỉnh Sắc Thần

Không phải ngôi đình nào ở Tây Ninh cũng được phong sắc thần, hoặc còn giữ được sắc thần. Ở Tây Ninh hiện chỉ còn đình Gia Lộc, đình Hiệp Ninh còn giữ được sắc thần. Vì vậy các đình này tổ chức lễ rước sắc thần rất long trọng từ nơi cất giữ sắc thần về đình. Tham dự đoàn rước có Ban Hội Hương, các bô lão trong làng, có dàn nhạc ngũ âm, đoàn múa lân các thanh niên khiêng kiệu, vác lọng, vác cờ, lễ bộ... Diễn ra rất náo nhiệt vui vẻ. Toàn dân làng cũng tham dự lễ rước.
Lễ Túc Yết
 Lễ Túc Yết còn gọi là Lễ Yết, hương chức trong làng tề tựu lại đình để ra mắt thần và xin phép thần tổ chức lễ. Theo lệ xưa, lễ Túc Yết được tổ chức vào lúc nửa đêm, nhưng hiện nay nhiều đình ở Tây Ninh chuyển sang ban ngày, buổi sáng. Lễ Túc Yết quy tụ toàn bộ Ban Hội Hương đình và phân nhau túc trực lo việc thờ thần trong các ngày hội đình. Lễ vật cúng thần trong lễ Túc Yết gồm một  con heo, nhiều mâm xôi, bánh trái, hương hoa, đèn nến. Lễ cử hành trong tiếng nhạc lễ ngũ âm và sự phục dịch của các lễ sinh. Trong Lễ Túc Yết có các nghi tiết như: Kiểm soát lễ vật, rửa tay, dâng trà, đốt văn tế... Ở những đình lớn hơn cũng có tổ chức mời các đoàn hát bội, có thêm tiết mục các cô đào hài tham dự hát hô chúc tụng như lễ tế ở đình Gia Lộc. Trường hợp một số đình có cúng heo cho thần gọi là lễ "Thỉnh Sanh" ngay trước bàn thờ thần trong chính điện. Lễ này do Ban Hội Hương đình thực hiện bằng cách người ta đổ rượu vào miệng một con heo sống màu đen tuyền được nuôi riêng để cúng thần, sau đó họ thọc tiết heo ngay ở trước bàn thờ thần. Một ít máu và lòng heo đựng trong cái chén nhỏ đem chôn ngay dưới bàn thờ thần nông ở trước sân đình.

 Lễ Xây Chầu, Đại Bội và Hát Bội

 Cứ theo lệ 3 năm một lần, những làng khá giả ở Tây Ninh, đều tiến hành tổ chức lễ xây chầu, Đại bội và Hát bội. Lễ này tiếp liền sau lễ Túc Yết. Lễ này xây chầu do một vị chấp sự có uy tín, rành nghi lễ thực hiện; Người cúng lễ đọc những lời cầu nguyện sự tốt lành cho mùa vụ, sức khỏe của toàn dân làng. Văn đọc theo nhịp trống của người chủ tế. Lễ Đại Bội thực tế là những màn trình diễn hát múa do các nghệ nhân hát bội đảm trách. Ý nghĩa những điệu múa là diễn lại quá trình hình thành vũ điệu theo quan niệm nhân gian. Nội dung những lời hát cũng là những lời cầu chúc an khang thịnh vượng cho muôn vật, muôn loài, và cho dân làng. Chấm dứt lễ Đại Bội là tiết mục "Gia quan tấn tước" do một nghệ nhân hát bội hóa trang giống ông Địa, diễn tả việc Thiên Tử (Nhà vua) sắc phong chức tước, vị thứ cho linh thần của làng, và chúc cho những người làng có dịp thăng quan tiến chức. Trong khi lễ đại cử cầm chầu ngồi cạnh gióng tiếng trống để bình phẩm, khen ngợi các nghệ nhân đang diễn. Vị chấp sự này cũng sẽ cầm chầu cho buổi hát bội tiếp nối ngay sau đó. Đề tài các vở diễn là ca ngợi sự trung, hiếu, tiết, nghĩa dựa theo các câu chuyện truyền thuyết hoặc lịch sử. Đình Thạnh Phước (Gò Dầu), Gia Lộc (Trảng Bàng) là những ngôi đình có tập tục hát bội với qui mô lớn diễn ra trong suốt ngày lễ kỳ yên, thu hút đông đảo bà con dân làng và từ nhiều nơi khác về tham dự.
Lễ Đoàn Cả (Có nơi gọi là Lễ Đàn Cả):
Đây là nghi thức chính trong Lễ Kỳ Yên ở đình làng. Lễ được thực hiện vào ngày thứ 2 trong Lễ Hội đình. Lễ Đoàn Cả tổ chức với các nghi thức gần giống như Lễ Túc Yết với các lễ vật có phần phong phú hơn và không khí nghiêm trang, náo nức hơn khi hành lễ. Khác với lễ Túc Yết, các bài văn tế trong khi thực hiện lễ Đoàn Cả không đọc là "Nghinh Thẩn", mà phải đọc là "Tạ Thần". Trong ngày lễ Đoàn Cả, số lượng người trong và ngoài làng đến dự rất đông, thắp hương khắp các bàn thờ trong chính điện, ngoài sân đình. So với những đình làng ở Nam Bộ, nhiều đình làng ở Tây Ninh còn giữ được các sinh hoạt trong lễ Đoàn cả khá nề nếp.

Lễ Tôn Vương - Hồi Chầu

 Sau 3 vở tuồng cũng là 3 đêm hát bội phục vụ ngày lễ Kỳ Yên, gánh hát bội và Ban Hội Hương đình phải tổ chức lễ Tôn Vương - Hồi Chầu vào đêm chót khoảng gần kết thúc buổi biểu diễn. Theo đó, vở tuồng hát bội khi đến đoạn đưa nhân vật Hoàng Tử lên ngôi Vua, thì toàn bộ nghệ sĩ đoàn hát tiến lên trước bàn thờ thờ ở chính điện để làm lễ Tôn Vương. Người đại diện cho Ban Hội Hương, nhận ấn kiếm từ ngay người chủ trò đoàn hát, kính cẩn đặt lên bàn thờ thần và nói lời chúc tụng tốt đẹp, rồi mọi người lần lượt đến lạy trước bàn thờ thần. Lễ Tôn Vương kết thúc các nghệ sĩ trở lại sân khấu, diễn tiếp phần vỡ tuồng còn lại. Lễ Hồi Chầu diễn ngay sau lễ khi vở tuồng kết thúc với 12 tiếng trống chia làm 3 hồi, người chấp sự lãnh nhiệm vụ cầm chầu, ngõ lời cảm ơn các nghệ sĩ, bà con dâng làng đến tham dự hội đình, cầu chúc mọi người sức khỏe, an khang.

Lễ Hồi Sắc

Sắc thần được lưu lại đình trong suốt thời gian hội đình và sau 3 ngày lại đưa trả về nơi cất giữ. Lễ hội sắc là lễ tiễn đưa sắc thần về chỗ cũ được tổ chức khá long trọng, có đám rước gồm ban Hội hương đình và bà con dân làng theo đi cùng ban nhạc ăn bận lễ phục theo sau kiệu để hộp sắc thần. Đình Hiệp Ninh và đình Gia Lộc tổ chức lễ Hồi Sắc Thần khá quy cũ, tôn nghiêm
Lễ Đưa Khách
Song song với lễ Hồi Sắc, thì lễ đưa khách được tổ chức ngay tại sân đình. Một số người trong Ban Hội Hương và các lễ sính lo việc điều hành và tham gia tế lễ. Lễ Đưa Khách, thực tế là đưa các oan hồn, uổng tử, và cả những người đã khuất về hội dự đình làng, nay đã xong, đi ra khỏi đình, khỏi làng, tránh những hậu hoạn, bất hạnh cho dân làng. Lễ vật trong lễ Đưa Khách thường phải có "Tam Sênh" (Thịt, trứng, cơm), giấy tiền vàng bạc, vàng mã... và đôi khi có bè chuối, bên trên để hình nhân có thịt đầu heo. Những năm trong làng có hoạn nạn, tai ương, thì lễ Đưa khách phải có thầy Pháp đến làm lễ, bắt quyết, yếm bùa... Sau khi cúng xong, lễ vật được phân phác cho trẻ em chăn trâu, trẻ con trong làng, hoặc đem ở ngã 3 đường, bè chuối thả trôi sông... và, Lễ Kỳ Yên của hội đình làng năm chấm dứt, dân làng ra về vui vẻ hẹn lại mùa hội năm sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét