Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ miếu


Tây Ninh là vùng đất của tín ngưỡng dân gian rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là việc thờ cúng ở các miếu (dân gian quen gọi là Miễu). Nhiều ngôi Miếu khá khang trang như Linh Sơn Thánh Mẫu, Thiên Hậu Miếu và đa số các vị thần thờ ở các Miếu lại là nữ thần như Ngũ Hành nương nương, Chúa Xứ nương, Thủy Long Thành Nữ... Những Miếu thờ này hàng năm có nhiều ngày cúng lễ và cũng thu hút đông đảo khách thập phương, và trong một góc độ nào đó đây cũng là một dạng của lễ hội dân gian. Trong số những ngày lễ ở các miếu, đặc biệt có một ngày cúng lễ lớn nhất, đó là ngày "Vía", vào ngày này miếu là nơi tụ hội của đông người, và nhiều nghi thức lễ được tiến hành.
 Lễ hội ở Tây Ninh tuy không qui mô nhưng khá đặc sắc, nhưng về bản chất hội lễ ở các miếu là những dịp hội hè, tế lễ để gặp gỡ vui chơi trong cuộc sống vốn nhiều vất vả khó khăn. Nó thể hiện khát vọng một cuộc sống no đủ , bình an, hạnh phúc của người bình dân.  Một nét đặc sắc khác thu hút nhiều người tham dự hội lễ ở các miếu là những lễ nghi mang màu sắc nghệ thuật dân gian như các điệu múa, âm nhạc...  

Lễ Khai Tràng

Là một nghi thức lễ mang tính chất bắt đầu cho những ngày lễ hội vào dịp ngày Vía của thần thánh được thờ ở miếu. Trong lễ Khai Tràng có lễ dâng hương cáo yết thần, dàn nhạc ngũ âm chơi các bản nhạc lễ trong suốt thời gian dâng hương. Dàn nhạc dân tộc với kèn, trống nhị... này cũng sẽ túc trực để tấu nhạc cho các nghi lễ trong suốt thời gian hội hè.

Lễ Chầu Mời, Thỉnh Tổ

 Lễ được tổ chức đúng vào ngày Vía theo tập tục của mỗi miếu. Nghi thức chào mời, thỉnh tổ được tiến hành liên tục suốt ngày hôm lễ vía. Một người trong bộ phận chủ xướng hội lễ để đứng trước bàn thờ thần hát các bài ca tụng công đức của vị thần được thờ cúng ở miếu, và xin được cung kính rước vị thần đó về dự lễ. Bài hát được dàn nhạc phụ họa theo, hình thức hát này được dân gian gọi là hát Bóng Rỗi.

Lễ Dâng Bông, Dâng Mâm

Nghi thức dâng bông, dâng mâm mang tính chất dâng hiến lên vị thần các lễ vật được cúng. Những nghi thức này do các vũ công tài nghệ thực hiện, họ vốn là các bà, cô bóng chuyên nghiệp. Trong nghi thức dâng bông, vũ công để trên đầu một tộ bông vạn thọ (Có khi là dâng bông cúc hay bông trang) và múa theo nhịp đàn, trống của dàn nhạc lễ, và cuối cùng cung kính dâng tộ bông lên bàn thờ chính để cúng thần. Động tác dâng bông được thực hiện 3 lần trong lễ cúng thần nghi thức dâng mâm được tiến hành tiếp sau nghi thức dâng bông, một vũ công vốn là bà hay cô bóng đãm trách múa, áo quần màu sắc sặc sỡ, phấn son xanh đỏ, trên tay cầm 1 cái mâm thao, trên mâm thao có đính một ngôi tháp nhỏ bằng giấy ngũ sắc. Cũng theo tiếng nhạc, tiếng đàn, tiếng trống, của ban nhạc lễ, vũ công biểu diễn các điệu múa dâng mâm một cách tài ba, điêu luyện. Nét đặc sắc của vũ điệu dâng mâm là sự khéo léo của vũ công trong cách đặt mâm lên mọi chỗ trên thân hình, khi trên đầu, trên cằm, trên mũi, trên vai, trên lưng và cả trên bàn chân... Lúc thì nâng ở đáy mâm, lúc ở vành mâm hay đỡ bằng một cái que nhỏ như người làm xiếc. Sau khi biểu diễn nhiều lần với nhiều động tác kỹ thuật độc đáo, vũ công dâng mâm ngũ sắc lên bàn thờ để cúng.

Hát Chặp Địa Nàng

Đây là một màn biểu diễn tuồng hài hước trước bàn thờ thần và dân gian gọi là hát Chặp Địa Nàng. Hai diễn viên, môt đóng vai ông Địa, một đóng vai Nàng tức nàng tiên, những người này thường được tuyển chọn từ nghệ nhân của các đoàn hát bội đảm trách. Nội dung thể hiện một cốt truyện kể lại một ông Địa dẫn một nàng tiên ở thượng giới xuống trần đi tìm một mặt nước để đào giếng. Hai người vừa nói chuyện đùa giỡn với nhau khiến người xem đùa vui thích thú. Nét thú vị của Hát Chặp Địa Nàng là tính hài hước dân gian được lồng trong câu chuyện giữa ông Địa và Nàng Tiên, và phê phán các lễ giáo của hội phong kiến. Hát Chặp Địa Nàng, tùy theo tục lệ của mỗi miếu và diễn vào trước lễ dâng bông, nơi để dành diễn sau cùng. Đây là màn diễn vừa có tính chất nghi lễ vừa có tính chất nghệ thuật dân gian thu hút đông đảo người tham dự cùng với những tiếng cười sảng khoái, vui vẻ.

Lễ Phát Lộc, An Vị

Đây là lễ kết thúc thời gian lễ hội các miếu. Ban tổ chức hội lễ, hoặc quản lý miếu sẽ phân phát những gói giấy đỏ trong đó đựng trầu cau và một tiền gọi là lấy lộc cho một số người tham dự lễ hội. Nghi thức này có tính chất tượng trưng cho sự ban phát lộc tài của thánh thần cho các con công đệ tử, cho những người đến cầu khấn van vái thần ở miếu. Cuối cùng là lễ thiêu chiếc tháp ngũ sắc trên mâm vàng dâng lên thần, cùng với một hồi trống dài chấm dứt lễ hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét