Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ đưa linh


Lễ đưa linh, còn được gọi theo dân gian là lễ “Đánh phá quàn” trong quá khứ đã tồn tại ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Tây Ninh, riêng vùng Trảng Bàng là nơi lễ này được tổ chức khá bài bản và ngày nay vẫn còn ít nhiều trong năm.
Lễ đánh phá quàn là một nghi thức thực hiện trước linh cửu người chết cũng như lúc đưa tang nhằm đánh phá tà ma, yêu quái không cho chúng xâm phạm quan tài người chết trước lúc đưa ra khỏi nhà. Một số người giải thích cách khác về lễ đánh phá quàn, là từ sự tích Chàng Lía. Chàng Lía vốn người ở Truông Mây tỉnh Bình Định, là một tướng cướp nổi tiếng, nhưng cũng lại là người con hiếu thảo. Nghe tin mẹ chết chàng cùng đồng đảng về nhà thờ tang. Nào ngờ bọn quan lại địa phương biết được, mai phục sẵn bắt sống chàng nộp thưởng. Chàng Lía cùng các bạn cùng nhau đánh tan quan quân và rước quan tài mẹ lên núi chôn cất.
Diễn trình lễ đánh phá quàn như sau: Một người đóng vai chàng Lía, gọi là Cai Tẩu, bước đến phía trước quan tài vừa múa võ, vừa hát những lời thống thiết tả nổi lòng của người đi xa trở về nghe tin mẹ (hoặc cha) mất vô cùng đau xót. Đồng thời lúc này dàn nhạc lễ dạo khúc bi ai. Sau đó Cai Tẩu chích khăn tang, lạy quan tài rồi múa dâng rượu và hát những lời cảm ơn bà con hàng xóm đã giúp lo việc ma chay khi người con trai đi xa chưa kịp trở về, múa dâng rượu vừa dứt thì tiếp liền lễ động quan, cùng lúc những đạo tì khác đóng vai bộ hạ của chàng Lía nhảy vào đánh tan tác, ma quỷ bỏ chạy. Những người khiêng hòm xúm lại đưa quan tài ra khỏi nhà giữa hai hàng đạo sĩ đứng bảo vệ ngăn ma quỷ...
Một số nhà khá giả, tiếp theo nghi lễ đánh phá quàn là nghi lễ đưa linh với trò diễn "Tề thiên đánh động”. Theo đó những đạo tì sẽ đóng vai thầy trò Đường Tam tạng, nổi bậc với vai Tề Thiên Đại Thánh theo yểm trợ quan tài trên đường đến huyệt mộ. Những đạo tì đóng vai ma quỷ sẽ phục dọc đường, mỗi khi ma quỷ xuất hiện, Tề Thiên lại cùng Trư Bát Giới, Sa tăng múa binh khi đánh tan ma quỷ trong khúc nhạc hùng tráng.
Lễ đánh phá quàn tuy là một nghi thức diễn ra trong đám tang, nhưng thu hút đông đảo người tham dự với những sinh hoạt văn hóa dân gian như múa, hát, nhạc, võ thuật... Cũng qua lễ thức này ghi dấu của nguồn gốc một bộ phận cư dân Tây Ninh vốn từ miền Trung đến lập nghiệp từ những thế kỷ trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét