Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Ly kỳ trà "cưới" mắm

Có lẽ, trong lịch sử ẩm thực Việt, cuộc "hôn phối" giữa trà với mắm là vô tiền khoáng hậu. Nhờ vậy lớp "thượng đế" truyền đời mới có cơ hội thụ hưởng những "bản giao hưởng" trà - mắm khoáng tuyệt!
Chính vua Minh Mệnh cùng một số thân tướng tài đảm đã đứng ra làm chủ cuộc "hôn nhân" này, năm 1825, theo Nguyễn Phúc Tộc Đế Phả Tường Giải Đồ.
Đưa và rước "hai họ", sẵn có một số loại rượu thuốc Minh Mệnh sắc vàng óng ánh hoặc lung linh màu ngọc bích.
Duyên cớ nào?
Mới nghe, có thể bạn cho mắm không “môn đăng hộ đối” lắm với trà, bởi mắm thông thường ít nhiều tanh hôi. Nhưng không phải vậy, đây là loại danh mắm cá cơm than ở Phú Yên được làm thủ công, từng là mắm tiến vua thời Nguyễn.
Còn trà càng quý phái hơn, được chế biến công phu qua 8 công đoạn, mất hai ngày rưỡi/mẻ, tuyệt đối không qua nhiệt.
Và chuyện bắt trà “cưới” mắm của người xưa thật vi diệu. Theo ông Nguyễn Phúc Hảo, ở P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM, tiền nhân có những lý lẽ rất thuyết phục khi quyết định cuộc "hôn nhân" này. Cụ thể:
- Trà sẽ hỗ trợ những men vi sinh có lợi trong mắm phát triển tốt hơn đồng thời tiêu diệt những tạp khuẩn có hại cho đường ruột.
- Trà giúp quá trình trao đổi chất, tác động làm hệ tuần hoàn thông suốt hơn khi được dung nạp. Bởi trà có thể dung hòa độ “mặn thốn tim” của muối trong mắm, khử tanh hiệu quả, kích hoạt tuyến nước bọt hoạt động dào dạt tạo cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn (chỉ khát sinh tân). Nhờ có trà mà người ăn hấp thu dinh dưỡng của mắm trọn vẹn hơn.
- Trà giúp hệ bài tiết thực khách hoạt động thông suốt hơn.
- Trà chống những bệnh viêm răng, viêm họng đặc biệt chống bệnh hôi miệng rất thần kỳ.
- Khi liên minh trà - mắm - rượu thuốc (Minh Mệnh) tương tác nhịp nhàng sẽ giúp thận thanh lọc tốt hơn, phòng và trị được bệnh đau lưng công sở. Bởi những tác dụng vật lý lẫn hóa học trong tinh dầu trà giúp điều hòa năng lượng mà thận cung ứng cho cơ thể. Trong đó, quan trọng nhất là lượng máu chạy đến nuôi hệ thần kinh tủy sống.
Nhưng trăm nghe không bằng một thấy, nên chúng tôi đã nhờ gia đình ông Hảo tái hiện lại cuộc "hôn nhân" này.
Dạ tiệc hấp hôn
Tiệc mắm tối hôm đó gồm ba món: 2 loại mắm cái và mắm chưng. Trong đó, trà lúc ẩn lúc hiện. Món nào cũng ngon tuyệt!
Riêng món mắm cái cơm than mặn và mắm chưng, ông Hảo khuyên thực khách nên ăn suông không cần cặp với bất cứ loại rau đậu nào, nhằm giữ “hương sắc thanh tân” của món ăn.
Gia vị gần như tối giản: không đường, không bột ngọt chỉ có ít ớt hiểm và tiêu sọ giã phụ họa.
Tuy vậy, da thịt con mắm cái vẫn đầy đặn, thơm tho và ngọt thanh. Nhờ có nước cốt trà nên thịt mắm mềm dẻo chứ không bủn. Gia chủ cho biết loại mắm này có thể trữ từ 6 tháng đến một năm vẫn không hư, không rệu (ngấu).
Kỳ lạ, gọi là mắm mặn nhưng thịt mắm trội vị ngọt thanh dịu chứ không mặn tí nào. Đó là chất ngọt tự nhiên của đạm cá tươi và tác dụng khử mặn thần kỳ của tinh dầu trà. Cặp đôi trà - mắm giờ đây như rồng với phụng, tuy hai mà một, khiến những đôi đũa thực khách cứ “câu mồi” không ngơi nghỉ.
Đặc biệt, khi con mắm vừa qua khỏi vòm họng thực khách thì dư vị ngọt bùi lại trỗi lên và cảm giác thèm ăn lại trỗi dậy mạnh mẽ như sóng... tình.
Nhấp chút rượu Thái dương khai vị nữ, thơm thánh thót, trội vị chua thực khách nghe lâng lâng sướng! Ai đời rượu ngồi chung với mắm mà vẫn “đầm ấm” không hề chỏi nhau về mùi lẫn vị.
Tuyệt hảo hơn là món mắm chưng thập cẩm gồm ít mắm cái cá cơm than bằm sơ, thịt và tóp mỡ heo cỏ xắt nhỏ, một bộ lòng gà, nửa cái trứng gà với ít đọt và lá trà non ướp hương hoa lài... Chén mắm tươi hồng và phớt tím như má thiếu nữ đang xuân. Ông Hảo tiết lộ, lớp lòng đỏ trứng tươi mọng cũng nhờ tinh dầu trà.
Nhai chậm, khách sẽ nghe đủ vị ngọt, mặn, béo bùi, cay nồng ấm và dư vị chát đắng nhẹ của trà. Ấn tượng nhất là vị bùi thanh, không gây ớn ngán của gan gà khi giao hòa với tinh dầu trà. Quả là tuyệt kỹ y mỹ thực Việt!
Theo ông Hảo, món mắm chưng này là một trong những bí mật quân lương của nghĩa binh Tây Sơn và sau này là của đoàn quân Nam tiến chúa Nguyễn Hoàng. Dùng thường sẽ giúp người ăn thêm minh mẫn tinh thần và cơ thể khỏe hơn (thanh thượng ôn hạ). Đặc biệt, dù có no lắc lư khách cũng không cảm thấy buồn ngủ như ăn những món thông thường khác...
Tuyệt vời hơn, ăn uống mê say xong, vài ba giờ sau dư vị ngọt bùi vẫn còn lưu luyến nơi vòm họng thực khách.
Theo ông Nguyễn Phúc Hảo cách thức cho trà vào mắm cái cá cơm và chế biến món mắm chưng có trà như sau:
- Chọn trà làm theo phương pháp thủ công.
- Cho trà vào mắm ở 3 giai đoạn: sau ba ngày ủ mắm, tỷ lệ khoảng 5g trà/1kg mắm, trộn đều; khi mắm ra nước cốt, tỷ lệ khoảng 20g/1kg mắm; trải trà lên một vỉ tre rồi rót nước cốt mắm lên; khi mắm ăn được, lọc lại mắm với cách thức tương tự, lượng trà không hạn chế.
- Chuẩn bị nguyên liệu cho một chén mắm chưng trà: 2/10 chén mắm cái cơm than, băm sơ; 1/3 thịt nạc heo và ít mỡ loại ngon xắt nhỏ; 1 bộ lòng gà xắt nhỏ; nửa cái trứng gà ta có cả lòng trắng; ít tiêu sọ giã, ngò rí, ớt hiểm chín. Trộn đều và chưng cách thủy từ 20 - 30 phút.
Theo Tấn Tới
Thanh niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét