Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Mắm cá đồng


Xuất phát từ nhu cầu dự trữ thực phẩm, nghề làm mắm cá đồng đã có từ rất lâu. Đến nay, nghề truyền thống này vẫn tồn tại trong các hộ gia đình trên khắp mọi miền đất nước với các loại sản phẩm như: mắm cá sặc, cá lóc, cá trắm cỏ và rất nhiều loại cá.
Ở Cà Mau, làng nghề làm mắm tập trung nhiều nhất tại ấp 3, ấp 4, xã Khánh Hòa, huyện U Minh và ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình. Nguyên liệu là các loại cá đồng được người dân nuôi hay bắt từ tự nhiên. 
Cá được làm sạch, ướp muối từ 5-10 ngày, sau đó ướp thêm rượu, thính, nước đường và đem bảo quản. Sau 6 tháng là có thể ăn được (riêng mắm cá trắm cỏ thời gian ủ từ 1,5-2 năm).
 
  Mắm cá lóc.
Các món ăn chế biến từ mắm cá đồng được nhiều người ưa thích như: lẩu mắm, mắm kho hoặc ăn sống kèm với các loại rau, chuối chát, khế… Hiện nay, sản phẩm mắm cá đồng đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, giá bán ổn định với mức khá cao tùy theo chất lượng.
Tuy nhiên, nghề làm mắm hiện tại gặp không ít khó khăn. Chủ yếu là sản xuất theo kinh tế hộ gia đình với quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa cao, khối lượng chưa đủ lớn, đặc biệt là chưa có nhãn hiệu hàng hóa nên chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hạ tầng kỹ thuật tại các làng nghề nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ.
Để làng nghề truyền thống trong tỉnh nói chung, nghề làm mắm cá đồng nói riêng, phát triển lâu dài, cần đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng công trình xử lý môi trường tại các làng nghề, tham gia hội chợ triển lãm giới thiệu hàng hóa, đầu tư thiết bị đóng gói và bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét