Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Mía Kim Tân


Phố Cát ngày vào hội đông và vui đáo để. Người từ miền ngược kéo xuống, người từ miền xuôi cùng lên, ông già bà lão, nam thanh nữ tú, thiếu niên nhi đồng quanh vùng tụ về. Cả một vùng ngào ngạt mùi hương, mùi hoa thanh tịnh và quyến luyến. Dân gian đã ghi nhận bức tranh đông vui sống động:
Tháng Tám hội Gai
Tháng Hai hội Mía
Hội Gai còn gọi là hội đền Hàn thuộc xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc. Ngày hội đền cũng đúng vào mùa thu hoạch gai. Nhân dân ở đây thường trồng gai ở những triền đất cao ven sông Mã phía giáp ranh giữa hai huyện Vĩnh Lộc và Hà Trung.
Ngày hội phố Cát còn hấp dẫn người ta bởi một đặc sản với vị ngọt thơm ngon độc đáo là mía Kim Tân. Hội Mía chính là hội đền phố Cát. Mía Kim Tân đã gắn liền với lễ hội như anh em sinh đôi vậy.
Kim Tân thực ra là thị tứ của huyện Thạch Thành, nơi tập trung đông đúc dân cư bởi vậy cũng là trung tâm trao đổi mua bán. Mía được trồng tập trung ở vùng phía Bắc của huyện, vào mùa thu hoạch người ta thường đem ra đây mua bán bởi vậy khách thường quen gọi là mía Kim Tân cho tiện, lâu rồi thành quen, ghi dấu trong lòng người mến mộ.
Giống mía Kim Tân được truyền giữ qua tháng năm, nhiều đời, nhiều thế hệ. Thứ là đến chất đất, chất đất đỏ ở đồi màu mỡ giúp cây mía tích tụ được mật ngọt thơm. Thân mía không cao như mía dưới xuôi, ước chỉ chừng 1,8m trở lại. Thân mía tròn lẳn như cổ tay người con gái ở tuổi đương xuân, mặt ngoài có màu tím biếc, ăn vào cảm ngọt, mắt nhìn thấy ưa. Người đương thời không thể nào cắt nghĩa hết được vì sao cũng giống mía ấy đem trồng ở bất cứ nơi nào cũng không có được vị như mía Kim Tân. Cho hay cỏ cây cũng có sinh mệnh riêng kỳ bí như thiên nhiên. Biết là biết vậy chứ không thể nào cắt nghĩa cho rõ ngọn ngành được. Chính sự không rõ ràng này cũng tạo nên cái duyên mặn mà ăn khách.
Ăn mía Kim Tân không nhiêu khê như mía khác, chỉ cần rửa sạch lau khô rồi dùng răng cắn chứ không phải dùng dao để róc, để tiện. Vả lại ăn như thế mới thú. Cầm ngang khúc mía cắn phập đôi hàm răng khỏe mạnh vào ruột mía mềm để cho mật mía chảy thành dòng trong thanh quản mới sướng. Ăn đến đâu biết đến đấy. Mía Kim Tân lóng ngọt mà mắt mía cũng mềm và ngọt. Càng nhai kỹ càng ngọt, nhai đến khi nào bã chỉ còn lại một chút nhỏ xíu mềm như bông. Khi nhả ra thấy bã mía nở bung như bông bụt thật thú vị. Mía Kim Tân mềm, giàu dinh dưõng ăn lại bổ và rất lành, người mới ốm dậy hay người sốt cao ăn mía Kim Tân mau khỏi bệnh và chóng phục hồi sức khỏe. Mía Kim Tân còn dùng để chữa bệnh nên mọi người còn gọi là mía thuốc là vì vậy.

Xưa kia mía Kim Tân được xem là của ngon vật lạ để tiến vua. Để chọn cho được mía tiến người ta phải về làng Ba Bùi (gọi là Ba Bùi vì làng này được ghép từ ba làng Bùi) để lựa cây có mắt nhặt, thân mỡ màng, ruột trắng ngà thơm ngọt. Là con mắt tinh đời, mắt thợ mới chọn được cây mía không chê vào đâu được. Không hiểu vua chúa, công tằng tôn nữ nơi lầu son gác tía có thẩm cho được sự ngọt ngon của đất trời, của lòng người kết tinh trong mía. Dẫu là không thì đã thành lệ rồi cũng cứ phải cung tiến.
Giờ thì chẳng phải cung tiến nhưng hễ ai đi hội phố Cát đều không quên mua cho người thân, cho cháu con vài bó mía làm quà. Một số khách sạn thành phố Thanh Hóa cũng triệt để khai thác mặt hấp dẫn của đặc sản này. Hơn thế họ còn biết ướp thêm một hai bông bưởi để vào tủ lạnh làm đồ tráng miệng sau bữa ăn. Cầu kỳ hơn họ còn đem hấp mía cho nóng thơm rồi đựng trong túi bóng chỉ đem ra khi khách cần dùng để giữ lấy hương vị. Nhìn những lóng mía Kim Tân được róc tỉa công phu tròn trịa, bằng chăn chắn, màu óng vàng lấm tấm sắc mật, hương thơm quyến rũ chẳng dại gì lại bỏ qua cơ hội được thưởng thức để rồi tấm tắc khen hoài rằng: mía Kim Tân độc đáo có một không hai. Đáng “đồng tiền bát gạo” ăn để nhớ, để được nhận vào mình những gì là tinh túy của trời đất và con người ban tặng.
 Hữu Ngôn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét