Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Món ăn – bài thuốc dân gian trị ho


Theo Đông y, ho gồm hai loại là ho ngoại cảm và nội thương. Ho ngoại cảm phần nhiều do phong hàn và phong nhiệt qua bì mao (da lông) hay mũi đi vào phổi gây ra, ho nội thương thì phân biệt do tỳ hư, thận hư, phế hư gây ra.
Điều trị chứng ho trước tiên cần tìm rõ nguyên nhân, phân biệt rõ chứng hư thực (ngoại cảm là chứng thực, nội thương thuộc chứng hư), thì việc chữa bệnh mới mang lại hiệu quả. Chúng tôi giới thiệu một số món là bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng ho:
Canh cuống cà tím: Cuống cà tím phơi khô vừa đủ, cho vào nồi thêm nước sắc, dùng cho ho mãn tính.

Khoai môn trộn mật ong: Khoai môn vừa đủ xay nhuyễn, thêm mật ong một ít, dùng nước đun sôi trộn lẫn, uống ngay lúc nóng, dùng cho ho mạn tính.

Trà gừng đường mật nha: Nước gừng tươi ½ muỗng, đường mạch nha 1 muỗng, đổ vào trong ly pha với nước sôi, rất thích hợp cho người cao tuổi ho mạn tính.

Canh mè nhân hạt mơ: Mè 12g, hạnh nhân (nhân hạt mơ) 10g, hai thứ cùng giã nhuyễn cho vào chén, uống với nước đun sôi để nguội, ngày 2 lần, dùng cho chứng ho lâu ngày.

Nấm mèo đen tiềm đường phèn: Nấm mèo đen 15g, đường phèn 15g, nấm mèo đen rửa sạch để ráo, đường phèn giã nhuyễn, hai thứ cùng cho vào nồi tiềm cách thủy, dùng cho chứng ho lâu ngày.

Chè đậu phộng — đại táo — bạch quảBạch quả 30g, táo đen 30g, đậu phộng 30g, tất cả cho vào nồi thêm nước nấu. Nêm đường phèn, dùng cho chứng ho lâu ngày.

Chuối tiềm đường phèn: Chuối 1-2 quả, lột vỏ, đường phèn một ít, cho vào nồi thêm nước để tiềm. Ngày 1-2 lần, dùng liền vài ngày, dùng cho chứng ho lâu ngày.
Chè bạch quả — long nhãn: Long nhãn 12g, bạch quả 10g, đường trắng 15g, tất cả cho vào nồi thêm nước nấu, dùng cho ho khàn tiếng.

Lê tiềm mật ongLê 1 quả, rửa sạch cả vỏ, thái nhuyễn, cho vào nồi thêm nước và đường phèn để tiềm, dùng cho chứng ho khàn tiếng.

Hồng khô nấu mật ong: Hồng phơi khô 3 quả, cho vào nồi thêm nước nấu chín, nêm một ít mật ong, tiếp tục nấu sôi, uống ngay lúc nóng, dùng cho chứng ho do cảm gây ra.

Củ mài tiềm nước mía:
 Củ mài tươi vừa đủ, gọt vỏ rửa sạch, thái nhỏ giã nhuyễn; mía gọt vỏ, rửa sạch, chẻ nhỏ, cán lấy ½ ly nước. Hai thứ trộn đều, tiềm uống. Ngày 2 lần, dùng chứng ho đàm do cảm gây ra.

Lê nấu gừng tươi
Lê 1 quả, rửa sạch thái nhuyễn, gừng tươi 5 lát, hai thứ cùng cho vào nồi thêm nước nấu, uống ấm, dùng cho chứng ho nặng do cảm gây ra.

Quả trám tiềm đường phèn:
 Quả trám (cà na) 20 quả, cho vào chén thêm đường phèn rồi tiềm cách thuỷ. Dùng liền 3 lần cho ho gà.

Cà rốt — quả hồng tiềm đường phèn
Quả hồng khô 2 quả, cà rốt 50g, hai thứ riêng biệt thái nhuyễn, cùng cho vào 1 tô thêm đường phèn 15g, tiềm chín. Ngày 1 lần, dùng cho ho gà.

Hạt bí đao hãm đường đen:
 Hạt bí đao 15g, thêm đường đen vừa đủ, giã nhuyễn, hãm nước sôi uống. Ngày 2 lần, dùng cho ho gà.
Mè đen rang nước gừngGừng tươi vừa đủ, giã nhuyễn vắt lấy nước (bỏ bã), mè đen 250g, rang chung; hoặc dùng mật ong 20g, đường phèn 20g, cùng mè đen trộn đều. Mỗi lần dùng 1 muỗng, dùng sáng và chiều, cho người cao tuổi ho suyễn.

Cà pháo nấu mật ong: 
Cà pháo sống 50g, rửa sạch, cho vào nồi thêm nước nấu, bỏ bã, nêm mật ong vừa đủ, tiếp tục nấu sôi, uống lúc ấm. Ngày 2 lần, rất thích hợp cho người cao tuổi bị ho.
Quả óc chó nấu rượu: Hạch đào nhân (quả óc chó) 100g, giã nhuyễn, đường trắng 50g, rượu đế 150ml, tất cả cho vào nồi nấu sôi bằng lửa mạnh, chuyển lửa nhỏ nấu giây lát, uống ấm. Ngày 1-2 lần, ngày 1 thang, dùng liền 10 ngày, chữa chứng ho hư hàn (ho lâu ngày do lạnh).

Lê tiềm mật ong:
 Lê 1 quả, rửa sạch bỏ hột, đổ vào mật ong, đậy kín, tiềm chín. Dùng trước khi đi ngủ, tốt cho chứng ho do hư hỏa gây ra.
Lương y Bàng Cẩm

Bách bộ chữa ho
.
Bách bộ còn có tên là dây đẹt ác, dây ba mươi. Là một loại cây leo, dài 6-8m, có khi hơn. Lá thường mọc đối, có cuống, hình trái tim. Trên mặt lá, ngoài gân chính có 6-8 gân phụ chạy dọc từ cuống lá đến đầu lá, có những gân ngang nhỏ và rõ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm 1-2 hoa lớn màu vàng đỏ. Bao hoa gồm 4 phiến. Nhị có tua ngắn. Quả nang có 4 hạt.
Cây bách bộ mọc hoang ở khắp nơi. Dùng củ để làm thuốc, củ càng lâu năm càng tốt. Vào mùa thu hoặc vào đầu đông hằng năm, hoặc vào lúc đầu xuân, chồi cây chưa hoạt động, trước khi thu hoạch, cắt bỏ dây thân, đào toàn bộ củ lên, rửa sạch phơi khô. Củ bách bộ đầu trên hơi phình to, đầu dưới thuôn nhỏ dần, có xếp vết nhăn teo có rãnh dọc sâu bên ngoài màu vàng trắng hoặc sám vàng. Chất cứng giòn chắc, ít ngọt, đắng nhiều, mùi thơm ngát, vỏ ngoài đỏ hay nâu sẫm là tốt.
Cây bách bộ.
Theo y học cổ truyền, bách bộ có vị ngọt, đắng, không độc, có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, sát trùng. Thường dùng trị ho, giun đũa, giun kim,...
Trẻ em ho do nhiễm lạnh: 30g bách bộ (sao), 30g ma hoàng bỏ đốt, hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, sao, nghiền nhỏ sắc kỹ lấy nước hòa với bách bộ và ma hoàng hoàn thành viên như hạt bồ kết. Mỗi lần uống 2 - 3 viên với nước ấm
Chữa ho tự nhiên không dứt: Bách bộ tươi hơ trên lửa nướng cho khô, mỗi lần lấy nước một ít ngậm nuốt nước.
Vị thuốc bách bộ.
Chữa ho do cảm mạo, ngứa họng, đờm ít: Bách bộ 16g, kinh giới 12g, bạch tiền 12g, cát cánh 12g. Sắc uống ngày một thang. Uống trong 5 ngày.
Trị ho gà: Bách bộ 12g, bạch tiền 12g, cam thảo 4g, sắc uống với đường, mỗi ngày chia làm 3 lần uống liên tục 3 - 4 ngày.
Ngoài ra bách bộ còn là một vị thuốc tẩy giun rất hiệu quả. Theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi có ghi:
- Dùng bách bộ sắc uống 10g mỗi ngày. Uống vào lúc sáng sớm, khi đói, uống trong 5 ngày có tác dụng tẩy giun.
- Bách bộ tươi 40g (bằng 20g bách bộ khô), nước 200ml, sắc đun sôi trong nửa giờ, cô lại còn khoảng 30ml. Dùng nước thuốc thụt giữ 20 phút. Điều trị như vậy trong thời gian 10-12 ngày là khỏi bệnh giun kim.
Chú ý: Người có tì vị hư nhược không nên dùng.          
Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét