Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Một góc miền Tây du ký: Theo người tình về Sa Đéc

(TT&VH Cuối tuần) - 20 năm trước, khi đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud lặn lội về cái thị trấn nhiệt đới nhỏ bé, êm đềm này, chắc những dòng văn ấy cũng ám ảnh ông. Annaud cùng đoàn làm phim Người tình đã đổ không biết bao nhiêu tiền của, thời gian và công sức để đạt được sự chân thực về bối cảnh lịch sử cho bộ phim, để, như lời nhà văn Sơn Nam, khi đưa Người tình lên màn ảnh, đạo diễn không chỉ kể lại một mối tình sẽ còn làm rung động nhiều thế hệ, mà ông còn có một trọng trách "để 50 năm sau, khi người ta muốn biết về đất Nam Bộ giữa 2 cuộc chiến tranh, người ta sẽ xem phim của Jean-Jaques Annaud". 

Sa Đéc nằm trong cuộc tìm kiếm quá khứ ấy. Thị trấn nhỏ miền Tây này từng là một phần trong quãng đời của nữ nhà văn Duras – nhân vật Donadieu trong tiểu thuyết. Từ đây, cô gái trẻ Donadieu (Jane March đóng) trong chiếc váy cũ mỏng đầy vết mạng và đôi giày thêu cũ rách leo lên chiếc xe đò đầy đất đỏ cùng những người đàn ông đàn bà bản xứ rong ruổi về Sài Gòn, nơi cô đang trọ học. Cô gái trẻ đã gặp người đàn ông Hoa kiều giàu có khi họ cùng lên một chuyến phà. Và rồi Sa Đéc cũng nơi cô chứng kiến đám cưới của anh với người vợ do gia đình sắp đặt. Sa Đéc là nơi khởi đầu sự gặp gỡ định mệnh của họ và cũng là nơi chứng kiến sự chia tay đau đớn của hai người. 


Nhà người tình

10 ngàn, 30 đô và một đêm ngủ nhà người tình 

Trên thực tế, Annaud chọn quay chỉ một cảnh duy nhất tại Sa Đéc, là cảnh đám rước dâu của "người tình" Huỳnh Thủy Lê với người vợ do gia đình sắp đặt. Ngôi nhà cổ được cho là nhà của Huỳnh Thủy Lê trong phim, kỳ thực chỉ là nhà được thuê để quay phim. Ngôi nhà này nằm sát bờ sông, phía bên kia chợ Sa Đéc. Thú vị là, từ chỗ "đóng giả" nhà người tình, ngôi nhà đóng phim này đã nghiễm nhiên thành điểm đến của rất nhiều du khách phương Tây suốt một thời gian dài sau khi bộ phim được công chiếu vào năm 1992. Sở dĩ có chuyện nhầm lẫn này bởi tại khi ấy, ngôi nhà thật của Huỳnh Thủy Lê lại đang được sử dụng làm cơ quan công quyền và đoàn phim đã bị từ chối khi muốn sử dụng nó làm bối cảnh cho bộ phim. Sa Đéc đã để lỡ một nhịp với "chiến dịch PR" thuộc loại "từ trên trời rơi xuống“ rất giá trị này. Mãi tới năm 2006, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mới được bàn giao lại cho Công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp, để trở thành điểm tham quan mà hầu như du khách nào qua Sa Đéc cũng phải ghé qua.


Người tình và vợ
Nằm bên bờ sông, gần kề chợ Sa Đéc, trên đường Nguyễn Huệ, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1917 theo phong cách kiến trúc Pháp kết hợp văn hóa phương Đông với mái ngói âm dương, kiểu cửa gỗ hai lớp rất độc đáo (một lớp cửa chỉ đóng vào buổi trưa, có chấn song lớn, để đón gió từ sông thổi vào). Trong quá khứ, ngôi nhà nằm trong cả khu phố thuộc sở hữu của gia đình Huỳnh Thủy Lê, tuy nhiên hiện nay phần lớn thuộc về rất nhiều chủ khác. Điều thú vị là, dù trải qua bao biến động lịch sử, thậm chí đổi cả chức năng sử dụng trong một thời gian khá dài, nhưng phần chính của ngôi nhà hầu như vẫn nguyên vẹn. Toàn bộ gian thờ, tượng thờ và cửa võng vẫn còn nguyên. Ngay cả cái sập gỗ chạm trai cũng yên vị chỗ cũ, tuy có bị cạy gần hết các mảnh chạm. Tường của hai gian buồng vốn được chạm trổ và dát vàng thật, nay dĩ nhiên không còn. Hiện hai gian buồng được cải tạo sơ sài làm chỗ cho khách trọ. Khách ở đây chỉ là những người phương Tây, muốn tìm cảm giác quá khứ ở xứ thuộc địa thuở nào, chứ với giá 20-30USD cho căn phòng trơ khấc có cái giường gỗ và chiếc quạt treo tường (!) thì du khách Việt chắc chẳng ma nào muốn thử cảm giác lãng mạn ấy… Trên tường nhà, quá khứ còn lưu trên những bức hình được chụp lại từ bộ phim Người tình và một bộ hình của gia đình Huỳnh Thủy Lê. Theo sự sắp đặt của người cha và để cứu vãn gia đình trong lúc suy sụp, ông Huỳnh đã kết hôn với con gái một điền chủ giàu có trong vùng, bà cũng là một hoa khôi của miền Tây. Theo lời kể của cô hướng dẫn viên du lịch thì một trong số năm người con của ông Huỳnh (tất cả đều du học tại Pháp và định cư tại nước ngoài) mấy năm trước có về lại Việt Nam, ghé thăm lại ngôi nhà này và đó là lần trở về duy nhất.

Hàng thật và hàng photoshop

Lại nói chuyện quá khứ được lưu giữ một cách tự nhiên ở Sa Đéc không dễ thấy ở những vùng đất khác. Ngoài ngôi nhà “người tình“, trên đường Trần Hưng Đạo còn đình Gạo được xây từ thế kỷ 1. Cũng trên đường này, chùa Ông Quách, chùa Bà và đình Vĩnh Phước hợp thành một quần thể kiến trúc tín ngưỡng Việt-Hoa chạy từ cầu Cái Sơn đến cầu sắt quay. Trong chánh điện Phước Hưng tự xây dựng cũng từ thế kỷ 19, còn pho tượng đất sét không nung hơn 100 năm tuổi…Từng là một vùng đất sung túc nhất Nam bộ xưa, những gia đình giàu có để lại đây dấu ấn của họ là những ngôi nhà xưa, phố cổ được xây cất từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tập trung ở bờ sông Sa Đéc, đến nay vẫn nhiều dấu tích. Trong làn sóng xây dựng mới (phá hết cái cũ), thị xã ven sông này vẫn giữ được trong nó sự tiếp nối của hàng trăm năm trước và đó có lẽ chính là sự thu hút lặng lẽ nhưng bền bỉ của Sa Đéc…

Phòng ở giá 20 USD

Trở lại với ngôi nhà “người tình“, thú vị là, nhà ven sông, cạnh chợ, vậy mà ngồi trong nhà trông ra đường thấy yên ắng lạ thường, tiếng chợ chỉ nghe lao xao. Nhưng ngồi trong nhà cũng chỉ vài phút là… chẳng biết làm gì. Với 10 ngàn đồng tiền vé tham quan, còn đòi hỏi gì nữa: đi loanh quanh, ngắm nhìn mấy đồ cũ còn sót lại, nghe cô hướng dẫn viên tua đi tua lại câu chuyện người tình… Chợt nhớ mấy quán cà phê ở thành phố du lịch Malacca (Malaysia), biết giữ chân khách bằng không gian cà phê thuộc địa (Malacca từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha), bằng những thư viện sách và sách ảnh nho nhỏ, bằng những tour thăm thú Malacca. Để mơ màng hình dung cái cảm giác ngồi đọc một cuốn sách, xem lại một bộ phim về miền Tây, về sông nước và con người Nam bộ, nghe giới thiệu những tour khám phá, nhấm nháp ly cà phê Việt Nam, trong ngôi nhà của “người tình“ bên dòng sông Sa Đéc…, sao mà lãng đãng, mà thơ mộng.

Tất nhiên những chuyện mơ đó là không có. Trong ngôi nhà “người tình“ này, đến một cuốn sách Người tình cũng chả có (hiệu sách bán nhiều lắm, mới nhất, Nxb Hội Nhà văn và công ty Nhã Nam xuất bản bản dịch của Lê Ngọc Mai, giá 34.000 đồng). Người ta chả làm gì để níu giữ chân khách.

Chuyện ở Sa Đéc làm tôi nhớ lại cái công ty du lịch không chèo kéo khách, thậm chí còn khuyên chúng tôi thôi đừng đi tour ấy, vì chả có gì để xem… đã kể lúc trước, một công ty kinh doanh trung trực vào loại “hàng hiếm” không chỉ ở Việt Nam ấy, là công ty du lịch Vĩnh Long, văn phòng khang trang nằm ngay bến tàu du lịch miệt vườn. Vĩnh Long nổi tiếng nhất khu du lịch sinh thái Vinh Sang có nhà hàng ăn uống và mấy trò vui cho trẻ nít như trượt cỏ, cưỡi đà điểu, câu cá sấu…Cô nhân viên công ty du lịch bảo giờ này nước xuống, tàu không đi được bao nhiêu, vườn mùa này cũng hết trái. Và khuyên chúng tôi chọn thời điểm khác để đi cho khỏi… tốn tiền! Chuyện ở Sa Đéc cũng làm tôi nhớ chợ nổi Cái Răng, Phong Điền xứ Cần Thơ. Đấy là “chợ nổi xịn”, là họp chợ trên sông buổi sáng mai, một cái chợ đặc trưng vùng sông nước, để phân biệt với “chợ nổi rởm”, “chợ nổi du lịch” mà bạn luôn được chèo kéo mỗi lần tới Bangkok, Thái Lan. “Chợ rởm” sinh ra để đón khách du lịch, lúc nào cũng nhộn nhịp, hàng hóa chất đầy trên các ghe thuyền bơi qua bơi lại, đẹp như tranh vẽ, đi chợ này khách du lịch tiêu tiền đến sướng tay. “Chợ xịn” sinh ra để sống đúng đời sống của nó, khách du lịch muốn đi chợ, phải dậy từ 5 giờ sáng, đón tàu ở bến Ninh Kiều, chợ chỉ họp tới 8-9 giờ là tan, thường là nơi bán sỉ trái cây, rau củ nên khách du lịch chỉ đi xem là chính.

Các nhà văn hóa đề cao hàng thật, nhưng khách du lịch thì cần hàng…photoshop.

Thủy Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét