Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Một số Lễ hội dân gian tiêu biểu trong tháng Giêng



Hội Gò Đống Đa- Hà Nội (5/1 Âm lịch)
 
            Hàng năm cứ vào ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch nhân dân thường tổ chức lễ hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây, trong lễ hội có tục rước rồng lửa là nét truyền thống độc đáo của người Hà Nội. Đám rước kiệu thần đi từ đình Khương Thượng về Gò Đống Đa trong một rừng tán, lọng, kiệu rực rỡ màu sắc cùng chiêng, trống, thanh la... Đặc biệt nhất là cuộc thi "Rước rồng lửa”: con rồng được bện bằng rơm, mo nang và giấy bồi sặc sỡ. Hình ảnh con rồng cháy cùng một tốp thanh niên mặc võ phục biểu diễn côn, quyền xung quanh như tái hiện lại cuộc chiến đấu xưa. Trận đánh của quân Tây Sơn đêm 4 rạng ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) diễn ra với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng, do Đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy. Trận này diệt tan đồn Khương Thượng của quân nhà Thanh. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào Thăng Long.
          Sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là "Kình nghê quán" (gò tô chôn xác kình ghê - 2 loài cá dữ ngoài biển) nhằm biểu dương chiến công của quân và dân nước nhà cũng như để cảnh cáo các lực lượng xâm lược. 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên các gò cây cối mọc um tùm nên có tên là Đống Đa. Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ nhiều nơi thấy nhiều hài cốt, lại cho thu vào một hố cao lên nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13, tức là gò còn lại hiện nay. Còn 12 gò khác đã bị phạt đi trong thời gian người Pháp mở rộng Hà Nội năm1890. Chiến thắng Đống Đa cùng với Chiến thắng Ngọc Hồi - Đầm Mực dưới sự chỉ huy của Quang Trung đã phá tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long.
          Sau màn rước lửa tái hiện trận đánh xưa là lễ dâng hương của các đoàn vào tế lễ, kể lại chiến công năm Kỷ Dậu, ca ngợi thiên tài quân sự của anh hùng dân tộc Quang Trung. Người dự hội còn tham gia nhiều trò chơi vui, đua tài trên bãi rộng trước gò như thi đánh cờ người, võ vật, chọi gà...
          Lễ hội Gò Đống Đa ngày 5 tháng Giêng âm lịch, còn được nhân dân Bình Khê (Bình Định) nay thuộc An Khê (Gia Lai) tổ chức với tên gọi Ngày trẩy hội Tây SơnLịch sử đã được tái hiện lại với câu chuyện 3 anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chọn nơi chôn rau cắt rốn để khởi binh. Từ ngày đầu cuộc khởi nghĩa năm 1771 của đội quân áo vải cờ đào bách chiến bách thắng, đến đỉnh cao chiến thắng của Hoàng đế Quang Trung mùa xuân năm Kỷ Dậu. Trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của 20 vạn quân Thanh. Trong lễ hội còn có tiết mục nhạc võ biểu diễn trống trận Tây Sơn - một nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của nhà Tây Sơn, đưa ta về với không khí trận mạc xưa.
 
 Lễ hội chùa Hương - Hà Nội (6/1 Âm lịch)
 
          Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội. Xã gần sáu thôn: Tiên Mai, Phú Yên, Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ và Hạ Đoàn.
          Ngày mồng 6 tháng Giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Mở đầu đội múa Lân sẽ múa một màn chào mừng du khách và các Phật tử từ khắp nơi. Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni múa rất dẻo và đẹp mắt qua những động tác ít thấy ở mọi nơi. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ có nghiêng về "thiền". Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là "chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngổn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.
          Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.
 
Hội Đền Sóc - Hà Nội (6/1 Âm lịch)
 
                Hội Gióng - Đền Sóc diễn ra trong ba ngày hội chính: mồng 6, mồng 7 và mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội nhằm tôn vinh người anh hùng dân tộc Thánh Gióng, người đã có công đánh đuổi giặc Ân, mang lại sự thái bình cho đất Việt. Bảy thôn làng, đại diện cho bảy xã thuộc Tổng Đa Phúc xưa (nay là huyện Sóc Sơn), nhận vinh dự chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính.
                Thôn Phù Linh, xã Phù Linh, dâng lễ vật: dò hoa tre - lộc thánh cùng với màn trống cổ động mở màn lễ hội. Thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược chịu trách nhiệm tái hiện hình tượng voi chiến chở lương thảo cho quân sĩ của Thánh Gióng lễ hội. Voi chiến là biểu tượng của sức mạnh, của sự bền bỉ. Năm thôn làng còn lại cũng thành kính dâng nhiều lễ vật quý trong ngày hội trọng đại này: Làng Đan, xã Tân Minh với lễ vật trầu cau; xã Đức Hoà với lễ vật ngà voi; xã Xuân Giang với lễ vật cỏ voi; xã Bắc Phú với lễ vật kiệu tướng vào chầu; xã Tân Minh với kiệu cầu húc tiến lễ. Công việc chuẩn bị lễ vật thường được tiến hành nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trước khi diễn ra lễ hội. Dường như mọi người dân nơi đây đều cảm nhận không khí thiêng liêng của lễ hội. Mỗi công việc chuẩn bị của họ đều tiến hành với một ước mong thành kính: Đức Thánh Gióng phù hộ dân chúng trong vùng có một cuộc sống no ấm, bình yên, hạnh phúc.
                Hội Gióng - đền Sóc mang đến cho người dân địa phương cũng như khách thập phương niềm vui và niềm tin vào những điều tốt đẹp đang đến với mình trong dịp đầu xuân.
 
Lễ Hội Yên Tử - Quảng Ninh (10/1 Âm lịch)
 
            Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân. Đêm khai hội là đêm nhộn nhịp nhất với nhiều nghi thức quan trọng như múa bài bông (điệu múa cổ từ thời Trần xuât phát từ những làn điệu ca trù). Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức ở chùa Trình dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi, tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Núi Yên Tử cao 1.068 m là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triềuvùng đông Bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi... Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòngPhật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.
 
 Lễ Khai ấn Đền Trần - Nam Định (14/1 Âm lịch)
 
          Hang năm đến, đêm 14 tháng Giêng âm lịch khách thập phương nô nức về dự hội lễ khai ấn Đền Trần. Đền Trần là khu đền thờ các vị vua đời Trần nằm trên địa phận xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, cách thành phố Nam Định khoảng 9 km.  Tương truyền sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công. Kể từ đó, cứ vào ngày này đúng giờ Tý (23 giờ), các vua Trần lại “khai ấn” đánh dấu sự trở lại quốc sự sau khi nghỉ Tết âm lịch.
          Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần từ lâu đã là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc biệt mang tính nhân văn sâu sắc, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đến với Lễ khai ấn đền Trầndu khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà quan trọng hơn được chiêm ngưỡng một thời đại đầy oanh liệt về võ công, văn trị-đó cũng chính là không gian, là điều kiện tốt để Lễ khai ấn đầu xuân có sức sống lâu bền cùng thời gian.
 
Hội Lim - Bắc Ninh (14-15/1 Âm lịch)
         
          Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Bắt đầu từ tối ngày 12 tháng Giêng đã diễn ra đêm hội hát thiquan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
          Chính hội là ngày 13, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Trong các nhà thờ họ Nguyễn, họ Đỗ ở làng Đình Cả, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ.
          Có giả thuyết cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim.  Hội Lim chính là hội chùa làng lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục.
          Lễ hội diễn ra khắp các làng xã trong tổng Nội Duệ, trung tâm là núi Hồng Vân, với nghi thức tế lễ rước xách uy nghiêm, hùng tráng và nhiều trò vui, đặc sắc mà hấp dẫn nhất là đánh cờ người, tổ tôm điếm, thi dệt vải, thi làm cỗ và đón bạn, ca hát Quan họ.
 
Lễ hội chùa Côn Sơn - Hải Dương (15/1 Âm lịch)
 
          Lễ hội chùa Côn Sơn chính thức bắt đầu từ ngày 15 tháng Giêng tới hết ngày 22 tháng Giêng, tuy nhiên hiện nay lễ hội này thường bắt đầu từ ngày 10 đến hết tháng Giêng. Phần lễ dâng hương sẽ được tổ chức trong 3 ngày liên tục để nhân dân dâng lễ Tổ Đường, lễ Mộc Dục (tắm tượng)... Kỷ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo Đại Vương, Nguyễn Trãi và ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang, nhân dân từ mọi miền đất nước hành hương về trẩy hội, tưởng niệm các bậc vĩ nhân và trở thành lễ hội không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc.
          Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương) là chốn thiêng từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của hai danh nhân kiệt xuất, Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) và Anh hùng, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442). Nơi đây cũng là chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ Huyền Quang (1254-1334) từng tu hành, viên tịch nơi đất này.
 
Hội xuân Núi Bà - Tây Ninh (18-19/1 Âm lịch)
 
          Quần thể di tích núi Bà Ðen, cách thị xã Tây Ninh 11 km, trải rộng trên diện tích hơn 24 km2 với cấu tạo địa chất gra-nít, gra-nô-đi-ô-nít  gồm ba ngọn núi: núi Bà 986 m, núi Phụng 372 m và núi Heo 335 m. Các hang động trong khu vực núi Bà Ðen qua hàng trăm năm đã được xây dựng, cải biến thành những nơi linh thiêng thờ thần, thờ Phật như: hang Gió, chùa Hang, động Thanh Long, động Ông Hổ, Ông Tà, Ba Cô, Thiên Thai.
          Hàng năm, vào dịp đầu xuân, quần thể khu danh thắng, di tích núi Bà Ðen thu hút hàng triệu lượt  khách trong nước và ngoài nước đến hành hương, tham quan, du ngoạn và dự lễ hội Xuân núi Bà. Lễ hội thường kéo dài hết tháng Giêng âm lịch nhưng chính lễ Vía Bà là đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng. Ngoài ra, còn một lễ Vía vào ngày mồng 6-5 âm lịch. Trước ngày chính lễ, những vị trụ trì Ðiện Bà tiến hành lễ "Mộc Dục" (Tắm Thánh) vào lúc nửa đêm, tức là lễ tắm Bà với ba lần khăn lau xông hương sen, lài, sứ, quế... do các lễ sĩ dâng lên. Lễ sĩ là những thiếu nữ được chia thành cặp trong các bộ xiêm y đẹp lộng lẫy, chân bước nhẹ, nhịp nhàng "đăng đài" theo bộ "chữ Tâm" trong tiếng nhạc lễ qua các làn điệu Xuân, Ðảo Nam Bộ. Một trong những huyền thoại được dân gian lưu truyền qua các thế hệ và góp phần tạo nên một vùng văn hóa tín ngưỡng linh thiêng là sự tích Bà Ðen hay Lý Thị Thiên Hương. Dù có nhiều dị bản khác nhau nhưng nội dung huyền tích đều là sự tôn vinh, tưởng nhớ của nhân dân về phẩm chất đạo đức của những người phụ nữ Việt Nam thủy chung, can đảm, kiên cường, không khuất phục trước các thế lực bạo tàn, xấu xa. Lễ hội núi Bà Ðen không chỉ là sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Gửi cho bạn bè

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét