Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Một số lễ hội tiêu biểu ở Kiên Giang


Kiên Giang là mảnh đất đa dạng về địa hình và phong phú về di sản văn hóa. Hàng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội của người Kinh, người  Hoa và người Khmer. Sau đây là một số lễ hội tiêu biểu…

Lễ hội Nguyễn Trung Trực

Là lễ hội có qui mô lớn được tổ chức hàng năm vào các ngày 26,27,28 tháng 8 âm lịch. Lễ hội thu hút đông nhân dân trong khu vực về dâng hương tưởng nhớ đến anh hùng của dân tộc. Lễ hội được chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có rước sắc thần, lễ dâng hương, lễ cúng tế tại đình. Phần hội gồm họat động văn hóa-nghệ thuật và những trò chơi đặc sắc.

Lễ hội kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các Hà Tiên

Lễ hội được tổ chức vào Tết Nguyên tiêu rằm tháng giêng hàng năm, Tại Lăng Mạc Cửu, thị xã Hà Tiên. Tao Đàn Chiêu Anh Các là một hình thức sinh hoạt câu lạc bộ văn thơ, được hình thành từ năm 1736, do Sĩ Lâm Mạc Thiên Tích thành lập, gồm có các hoạt động: sáng tác, xướng họa, bình phẩm thơ văn. Trong đó có tác phẩm tuyệt tác là tập thơ “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” bằng chữ Nôm.

Lễ giỗ 4 nhà sư liệt sĩ

Lễ giỗ 4 vị sư liệt sĩ vào ngày 10 tháng 6 dương lịch hàng năm. Tại tháp 4 sư, nằm ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành. Nơi đây được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là 4 vị người Khmer: Danh Hùng, Danh Hom, Danh Tấp, Danh Hoi, đã hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình, chống Mỹ và bọn tay sai vào năm 1974 tại Rạch Giá. Đây là lễ hội truyền thống cách mạng lớn nhất của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

Lễ mừng năm mới (Lễ Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer)
Lễ Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer gọi là lễ chịu tuổi tức là Tết của người Khmer. Được tổ chức vào ngày 13 đến 15 tháng 4 dương lịch. Ngoài những nghi lễ truyền thống như: lễ rước Mahaskan (đại dịch thiên văn), lễ dâng hương hoa quả, lễ đắp núi cát, đắp núi lúa, gạo, lễ tắm tượng Phật, lễ cầu siêu cho ông bà quá cố. Bên cạnh đó lễ hội có những trò chơi dân gian như: bịt mắt dập nồi, thả vịt trên sông, thả thuyền rược bắt, múa hát room-vông suốt trong ba ngày lễ.

Lễ Đôl-ta
Lễ Đôl-ta cũng của người Khmer, theo hệ phái Nam Tông cũng giống như lễ Vu Lan báo hiếu của phật giáo Bắc Tông. Lễ hội được tổ chức vào ngày 30 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông, bà, cha, mẹ những người đă có công sinh thành. Lễ thường tổ chức tại chùa.

Lễ Oóc-om-bok
Lễ hội Ok om bok còn gọi là lễ cúng trăng. Được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Các vật cúng trong lễ hội là cốm dẹp, khoai, đậu, dừa,... Đồng bào phật tử tập hợp lại xung quanh sân chánh điện, chờ khi mặt trăng lên tới đỉnh là mọi người đều khấn vái để tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng. Người Khmer coi mặt trăng như là một vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp cho họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ Phật đản

Lễ Phật đản của hệ phái Nam tông là lễ tam hợp, có ý nghĩa kỷ niệm 3 ngày trọng đại nhất của đức Phật thích Ca Mâu Ni. Ba ngày ấy là kỷ niệm ngày Phật đản sinh, ngày đức Phật thành đạo và ngày đức Phật nhập niết bàn. Trong Phật giáo Nam tông Khmer, lễ Phật đản là một lễ rất quan trọng. Lễ được tổ chức một ngày để nghe các vị sư đọc kinh, nghe thuyết pháp giảng đạo.

Lễ vía các vị thần
Người Hoa thường tụ họp trong từng bang. Các bang này gồm những người có cùng quê quán, dân tộc như: bang Triều Châu, bang Phúc Kiến, bang Quảng Đông,... Mỗi bang đều xây dựng chùa thờ một vị thần của quê hương mình. Bang Quảng Đông thờ nữ thần Thiên Hậu, bang Triều Châu thờ Bắc Đế, bang Phúc Kiến thờ Ông Bổn. Mỗi vị có ngày vía khác nhau, vào ngày vía thần bang mình, từng bang tổ chức cúng tế ngay trong chùa của bang và mời các bang khác đến tham dự. Lễ vía các vị thần là dịp để người đồng hương gặp gỡ sau một năm làm ăn vất vả.

Lễ Kỳ yên

Còn gọi là lễ cầu an, được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hàng năm ở các chùa. Lễ diễn ra trong ba ngày với nhiều lễ nghi cổ truyền như: Hát bội, trò chơi dân gian, thi tìm hiểu danh lam thắng cảnh,... Kết thúc lễ hội là nghi lễ “tống ôn” với ý nghĩa tống khứ những điều xấu, điều xui rũi đi xa để mọi người được hưởng lấy những sự tốt đẹp và sự may mắn trong một năm.

Thế Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét