Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Mùa Xuân lên động Nang Ni


Mỗi mùa Xuân về, trên các bản làng của đồng bào Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An) không thể thiếu vắng tiếng hát nhuôn, suối; đây đó người ta sẽ xen vào một vài đoạn hát "nhuôn" được lấy trong truyện thơ "Lai Khủn Tưởng- Khủn Tinh":

Phạ khảy chiểng lồ má pỉ mờ. Bọc phờ ma phăng nặm hương hừa pú phả.
Tạm dịch: Mở trời xuân, cõi xinh tươi. Hoa thơm muôn sắc trải ngời non xanh.
Vào một mùa xuân như thế, chàng Khủn Tinh trong câu chuyện huyền thoại trên đây đang sống trong một cái động nhỏ, vui vẻ và hạnh phúc bên nàng vượn Nang Ni xinh đẹp cùng con trai bé bỏng thì bị hai người vợ trẻ đến bắt phải về nhà... Theo như lời kể trong “Lai Khủn Tưởng - Khủn Tinh" thì Nang Ni cùng theo Khủn Tinh về nhà, rồi sau do mắc mẹo hai người vợ trước của Khủn Tinh nên phải bỏ con chạy trốn lên núi đá. Vậy nhưng trong không gian thực tại của động Nang Ni, ngàn vạn năm đã trôi qua, hôm nay du khách vẫn được chứng kiến giây phút chia tay của mối duyên tình huyền thoại giữa Khủn Tinh và Nang Ni.

Động Nang Ni nằm trong quần thể ba hang động đẹp của khu vực lễ hội Mường Ham (xã Châu Cường, Quỳ Hợp), trước đây còn được gọi là lễ hội hang Pựn Pang - Nang Ni. Động Nang Ni nằm ở vị trí cao nhất, nếu đi lên động theo lối gần nhất cũng phải leo chừng hai trăm mét. Nếu du khách ngần ngại về độ dốc thì có thể lên động theo lối khác và phải đi xa hơn chút ít. Lối lên động chưa thể gọi là phong quang nhưng bù lại, du khách sẽ được nhìn ngắm các khóm lau rừng, các loại cây và hoa lạ mắt lớn nhỏ đủ kiểu với nhiều tư thế mọc khác nhau trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ... Cửa động Nang Ni khá hẹp, có thể so sánh với cửa ra vào của một ngôi nhà sàn. Diện tích bên trong của động cũng chỉ hơn diện tích bên trong ngôi nhà sàn của người Thái chút ít. Cảnh sắc trong động được chiếu sáng nhờ ở hai cửa thông lên trần, ánh nắng buổi sáng rọi vào cửa này, còn về buổi chiều nắng lại sẽ rọi vào cửa kia. Trong động, ngoài các dải nhũ đá tạo sự liên tưởng đến các bức rèm, bức mành, cột chống v.v... ngoài ra còn có một số phiến đá và hình khối mang dáng của chim chóc, đại bàng, muông thú... vừa đủ để cho du khách mặc sức tưởng tượng.

Thế nhưng, điều làm nên sự kỳ diệu và nổi tiếng của động Nang Ni chính là hình tượng ghi lại giây phút chia tay của chàng Khủn Tinh và nàng vượn Nang Ni. Trên thế gian này, sự chia tay của các cặp tình nhân xưa nay luôn làm cho lòng người xúc động; giây phút chia ly của những trái tim yêu đương vẫn cứ làm cho bao nhiêu trái tim khác phải thổn thức theo... Huống hồ du khách lại thấy hiện hữu ngay trước mắt mình cả một cuộc chia ly hoá đá!

Cách cửa vào động chỉ hơn chục bước chân, chếch về bên phải, ngước nhìn lên, du khách sẽ thấy các trụ đá mang hình tượng của Khủn Tinh và Nang Ni với kích thước nhỉnh hơn người thật. Họ đứng chia tay nhau ngay cạnh một hốc đá ăn sâu vào vách động khiến người Thái liên tưởng ngay đến gian thờ cúng (chong hòng) - không bao giờ được thiếu vắng trong một ngôi nhà sàn. Khủn Tinh đứng ngoài, quay lưng ra phía cửa. Nang Ni đứng phía trong, quay mặt ra, trên lưng đang địu con. Trên nền đá, sát ngay sau Khủn Tinh là hình tượng một cái ghế mây nhỏ (người Thái hay gọi là tằng vái), phía sau Nang Ni cũng có một tằng vái y như thế. Có vẻ như họ vừa mới rời ghế đứng lên và đang nhìn nhau trong giây phút chia tay, Nang Ni còn chưa kịp trao con nhỏ cho Khủn Tinh thì... tất cả đều hoá đá. Họ không nỡ chia tay, cứ mãi đứng bên nhau như thế. Ngày qua ngày ánh mặt trời hết rọi cửa bên đông rồi lại sang cửa bên tây để soi sáng cho cuộc chia tay không thành của họ. Người dân trong vùng cho rằng, nhờ có cuộc chia tay không thành đó mà khung cảnh không gian xung quanh động Nang Ni mãi mãi mang dáng vẻ tươi trẻ của mùa xuân.
(Nguồn: Báo Nghệ An)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét