Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Nguồn gốc của người Hoa ở Bình Thuận và Phan Thiết

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của các nước, do nhiều mâu thuẫn trong nội bộ của Vương Triều, giữa Triều đại này với Triều đại khác, nên mỗi lần thay đổi Triều đại, sợ bị trả thù, một số thân bằng quyến thuộc của Triều đại trước bỏ trốn, đổi họ hay lánh thân sang các nước láng giềng. Ở nước ta cũng có hiện tượng đó trong nhiều thời kỳ lịch sử dân tộc. Ở Trung Quốc hiện tượng đó càng phổ biến, và vì sao người Hoa có mặt ở nước ta từ rất sớm, qua các thời kỳ, cũng trong tình trạng như đã nói ở trên.
Từ thế kỷ XVI trở về trước, người Hoa di cư nhiều đến các tỉnh phía Bắc. Ở phía Nam từ thế kỷ XVII trở về sau, nhiều nhất là ở thế kỷ XVII – XVIII.
Năm Kỷ Mùi 1679 một số bộ phận người Hoa dưới nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, khi nhà Thanh lên nắm quyền và thành lập Triều đại mới ở Trung Quốc. Thời điểm này được coi là thời điểm di cư của người Hoa sang các tỉnh phía Nam nhiều nhất. Quá trình hình thành và biến động của những nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam là một quá trình diễn ra trong lâu dài, liên tục và gắn liền với nhiều đợt di cư trong lịch sử. Dưới thời kỳ cai trị của Triều đại Mãn Thanh, do biến động lớn về chính trị nhiều lãnh chúa, thương gia, thợ thủ công lần lượt di cư bằng đường biển và được sự cho phép của chúa Nguyễn (Nguyễn Phước Tần) họ ở lại định cư ở các tỉnh Định Tường, Gia Định, Biên Hòa và Bình Thuận. Hình thức di cư của người Hoa rất đa dạng, bên cạnh hình thức di cư tự nhiên, khá thường xuyên và phổ biến còn có nhiều hình thức khác, chẳng hạn như đã đến một tỉnh khác và từ tỉnh đó di cư sang các địa phương khác. Người Hoa đến Bình Thuận có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau của Trung Quốc, chủ yếu là các tỉnh ven biển Hoa Nam như Quảng Đông và Phúc Kiến.
Do đến Bình Thuận bằng đường biển nên họ đã tìm các cửa biển để tìm cách định cư và sinh sống. Các cửa biển đầu tiên họ đến định cư là cửa biển của Phan Thiết, cửa biển Phố Hài, cửa biển Sông Cái (Phan Rí Thành – Bắc Bình). Ban đầu là một số nhóm người, ngày càng tăng dần lên theo thời gian. Đến nay (năm 1998) người Hoa ở Bình Thuận có 12.106 người, riêng thị xã Phan Thiết có 3.106 người. Người Hoa sống khắp nơi trong tỉnh, nhưng tập trung đông nhất là ở huyện Bắc Bình. Nơi đây có ngôi chùa bà Thiên Hậu xây dựng năm 1725 và được coi là cổ nhất trong số các thiết chế của người Hoa ở Bình Thuận.

Ở Phan Thiết người Hoa định cư ở cửa biển Phố Hài (Phú Hải ngày nay) và trải dài theo dọc sông Phố Hài đến tận Phú Long và dần dần hình thành ở đây một cửa biển buôn bán sầm uất với dân bản địa là người Việt và người Chăm trong khu vực. Một thời gian sau họ lại có quan hệ buôn bán với các thương thuyền nước ngoài. Thời gian đầu mới định cư họ sống bằng nghề nông, một bộ phận làm nghề biển và buôn bán nhỏ. Ở Phố Hài dân số người Hoa ngày một tăng do một số người khác từ Trung Hoa tiếp tục đến định cư. Trước tình hình đó, họ đã chuyển dần từ Phố Hài vào lập làng mới và sống xen kẽ với người Việt ở các phường Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo, Đức Long mãi đến ngày nay. Người Hoa đến Phan Thiết dễ dàng hòa nhập với các cộng đồng cư dân địa phương, quen dần với điều kiện sống mới. Họ sống liên kết dưới hình thức “Bang” rất chặt chẽ. Tên gọi của “Bang” mang tên các địa phương như bang Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam.
Người Hoa xa xứ và sống rất lâu đời với người Việt, hòa nhập vào cộng đồng người Việt ở môi trường sinh sống mới chịu tác động của điều kiện tự nhiên, trong hoàn cảnh phải sống chung với các tộc người khác nhau (ở Phan Thiết lúc đó có người Việt và người Chăm), tiếp xúc với các truyền thống văn hóa khác, rõ ràng người Hoa phải thay đổi một bộ phận quan trọng trong truyền thống riêng để thích ứng với hoàn cảnh, nhưng vẫn giữ những nét, cốt cách riêng như ngôn ngữ, tâm lý, quan niệm về nhân sinh, nếp sinh hoạt… của truyền thống vă hóa Trung Hoa. Đó là quy luật tiếp biến tự nhiên của văn hóa, là sự hòa nhập giữa nền văn hóa Hoa – Việt. Song sự hòa nhập ấy không phải là sự đồng hóa đánh mất phong tục tập quán riêng. Người Hoa vẫn bộc lộ bản sắc không làm mất mình trong sự hòa nhập với cư dân bản địa khi họ xa tổ quốc. Tục thờ Bà Thiên Hậu, Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) một tín ngưỡng dân dã được người Hoa mang theo khi di cư là một trong những nét riêng, làm nên “bản sắc Hoa” đó.
Cũng như người Việt, quá trình mở nước về phía Nam, đi đến đâu người Việt cũng lập ấp, lập làng ổn định cuộc sống và nghĩ ngay đến việc xây Đình làng để thờ Thành Hoàng và các bậc tiền bối, tổ tiên. Người Hoa cũng vậy, khi ổn định cuộc sống họ bắt đầu xây dựng các thiết chế tín ngưỡng của họ. Năm 1725 họ xây dựng chùa Bà Thiên Hậu thuộc làng Phước Thiện Xuân để thờ Bà Thiên Hậu (chùa này trong kháng chiến chống Pháp đã bị bom Pháp phá hủy). Cũng thời gian này người Hoa ở Phan Rí Thành xây dựng chùa Bà Thiên Hậu. Chùa hiện nay vẫn còn và giữ nguyên được kết cấu kiến trúc, trang trí nghệ thuật từ ngày xây dựng đến nay. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí nói về Bình Thuận ghi rằng: “Đền thờ Thiên Hậu, người Phúc Kiến Trung Quốc nguyên là con gái họ Ôn, có tài gọi gió, mưa, từng bay ra biển cứu giúp người bị nạn. Thần được các Triều Tống, Minh phong tặng, Triều Thanh phong là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”. Nhân vật này cũng được các vua Triều Nguyễn phong sắc, hiện vẫn còn thờ ở Chùa”.
Khi người Hoa từ Phố Hài đến Phan Thiết họ lần lượt xây dựng “Chùa Ông” vào năm 1778, thực ra đây là ngôi đền thờ Quan Công và các năm tiếp theo sau đó ở bốn bang xây dựng các Hội quán để thờ các bậc Tiền Hiền, Tiền Bối và tổ tiên của mỗi bang. Trên thự tế, người Hoa đã để lại trên đất Bình Thuận và Phan Thiết những dấu ấn về văn hóa Trung Hoa. Những dấu ấn đã ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tâm linh của người Việt, như chùa của người Hoa nhưng người Việt vẫn đến thờ cúng và làm một số các nghi thức khác và coi đó như chỗ để gởi gắm niềm tin của mình vào thế tâm linh.
Sở VHTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét