Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Ngưu bàng


Tên khoa học là Arctium lappa L.
Quả ngưu bàng thường gọi là ngưu bàng tử có vị cay, đắng, tính hàn có tác dụng trừ phong, tán nhiệt, thông phổi làm mọc ban chẩn, tiêu thũng, giải độc, sát trùng. Rễ cây có vị đắng, cay, tính hàn có tác dụng lợi tiểu (loại được axit uric), khử lọc, làm ra mồ hôi, lợi mật, nhuận tràng, chống giang mai, trị đái tháo đường, diệt trùng và chống nọc độc.
Cây ngưu bàng đã được sử dụng ở nước ta từ lâu. Trong Bản thảo Nam dược, lương y Nguyễn Hoành đã nói đến việc sử dụng lá ngưu bàng non gọi là rau cẩm bình nấu canh ăn rất tốt, hạt (quả) chữa phong lở, mày đay, sình bụng.
Trong y học phương Đông, quả của ngưu bàng dùng làm thuốc lợi tiểu, giải nhiệt, trị được phù thũng, đau họng, sưng họng, phế viêm, cảm cúm, tinh hồng nhiệt. Đối với mụn nhọt đã có mủ và viêm tuyến lâm ba, dùng quả cây có tác dụng thúc mủ nhanh, với đậu chẩn cũng làm cho chóng mọc bằng cách dùng 6-10g một ngày, dưới dạng thuốc sắc uống, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Rễ ngưu bàng cũng dùng trị mụn nhọt, cụm nhọt, áp xe, nấm da, hắc lào, eczema, loét mất trương lục, viêm hạch, vết thương có mủ, dùng dưới dạng nước sắc với tỉ lệ 40g một lít nước. Bên ngoài dùng lá tươi giã đắp trị nọc độc rắn cắn, đắp trị bệnh về phổi mãn tính, cúm kéo dài và các chứng đau khác hoặc dùng tươi nấu nước rửa bên ngoài.
Tây y dùng rễ cây hái vào mùa xuân làm thuốc thông tiểu, trị chứng ra mồ hôi, tẩy máu dùng trong các bệnh tê thấp, đau và sưng khớp, bệnh ngoài da. Ngoài ra, còn dùng cho người bị đái ra đường vì cao rễ ngưu bàng có tác dụng hạ glucoza trong máu. Cuống và thân cây dùng làm thức ăn làm tăng lượng glycogen trong gan.
Có thể dùng rễ cây với liều ổn định lâu dài để chữa mụn nhọt với liều 0,60g cao thuốc một lần, mỗi ngày dùng 3 lần. Ngoài ra, người Châu Âu còn dùng lá non và thân cây, có khi dùng cả rễ đem giã nhỏ rồi đắp vào nơi rắn độc, sâu bọ, ong, muỗi và rết cắn, có lẽ do tác dụng của men oxydaza có nhiều trong lá và thân.
Ngoan Ngoan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét