Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Nguyên tiêu ở Hà Tiên


Tên gọi Hà Tiên xuất hiện cách đây hơn 300 năm, khi vị đứng đầu vùng đất này xin được sáp nhập vào nước Đại Việt và chúa Nguyễn công nhận đây là một đơn vị hành chánh cấp “trấn” rồi phong cho Mạc Cửu làm tổng binh cai quản.

Trấn Hà Tiên xưa kia có địa giới bao gồm  tất cả các tỉnh phía Tây sông Hậu. Vào triều Minh Mạng, Hà Tiên chỉ còn là một tỉnh trong Nam kỳ lục tỉnh; đến cuối thế kỷ thứ 19, khi chính quyền thực dân Pháp chia Nam kỳ thành 24 tỉnh thì Hà Tiên chỉ còn là tên gọi của một tỉnh nhỏ bao gồm thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương và huyện đảo Phú Quốc. Đến năm 1956, chính quyền Sài Gòn sáp nhập tỉnh Hà Tiên vào tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên chỉ còn là 1 huyện. Đối với chính quyền cách mạng, năm 1951, Hà Tiên được sáp nhập với Long Châu Hậu thành tỉnh Long Châu Hà, đến băm 1954 lại tách ra thành tỉnh riêng, đầu năm 1957 sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên chỉ còn là huyện, rồi vào năm 1971 nhập với Châu Đốc thành tỉnh Châu Hà và sau đó là Long Châu Hà (lần thứ hai). Năm 1976 Hà Tiên trở về với tỉnh Kiên Giang. Năm 1998, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành lập thị xã Hà Tiên, phần đất còn lại là huyện Hà Tiên, nay đổi tên là huyện Kiên Lương.

Hà Tiên luôn huyền hoặc với các câu chuyện của một thời mở đất. Hà Tiên còn có những lễ hội hết sức đáng yêu như Thanh minh, Vu lan..., mà có lẽ mang chất thơ hơn cả là lễ hội Nguyên tiêu. Có người cho rằng lễ hội này bắt nguồn từ đêm Nguyên tiêu xưa, khi mà nhà thơ Mạc Thiên Tích (Tứ) dựng cờ khai hội Tao đàn vào mùa xuân năm Bính Thìn 1736. Ngày nay, đêm Nguyên tiêu còn là dịp để chính quyền, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ tổ chức kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh các và Ngày Thơ Việt Nam.

Vào những năm 1990, đêm xuống, trăng lên, các văn nhân thi sĩ đương đại thả thuyền trên Đông Hồ ngâm thơ, vịnh nguyệt. “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức cho biết: “Ay là hồ ở trước trấn thự, phía Nam khóa thủy khẩu của hải cảng Hà Tiên chặt chẽ để giữ địa khí, bề ngang 5 trượng, sâu 10 thước ta. Phía Bắc tiếp với hạ lưu sông Vĩnh Tế. Lòng hồ mênh mông rộng 71 trượng, gọi là hồ Hà Tiên, còn gọi là Đông Hồ, vì hồ ở về phía Đông vậy. Giữa hồ có nổi cồn cát non, phía Đông và phía Tây nước sâu trên dưới 6 thước ta, thuyền bè ở biển ở sông đến đậu chen nhau, người buôn tụ hội đông đảo. Cảnh trăng nước mênh mang; trong 10 cảnh ở Hà Tiên đây là cảnh “Đông Hồ ấn nguyệt” (trăng in Đông Hồ)”. Cảnh đó, cách đây hơn 300 năm, nhà thơ Mạc Thiên Tích đã viết: “Đáy nước chân mây in một sắc; Ả Hằng nàng Tố ló đôi phương...”. Cứ tưởng tượng cảnh trăng rằm in bóng vàng trên mặt nước lăng im của Đông Hồ cũng đã thấy đẹp lắm rồi. Nhưng phải tận mắt chứng kiến cảnh trăng lồng bóng nước Đông Hồ người ta mới biết thế nào là ấn vàng kỳ ảo trên mặt nước bao la. Hiện tượng thiên nhiên đó diễn ra vào lúc 8 - 9 giờ tối các ngày rằm, 16 âm lịch hàng tháng. Trên mặt hồ rộng bao la không chút sóng gợn, mặt trăng sáng vằng vặc, vành vạnh in hình lên. Cái vầng sáng to rộng ấy từ từ thu nhỏ lại như chiếc chén vàng đẹp kỳ ảo in lên mặt nước trong vòng vài ba phút là từ từ tan biến... Ngày nay, lễ hội này được chuyển về núi Lăng (Bình San).

Về núi Lăng, “Gia Định thành thông chí” chép: “Ở phía Tây trấn lỵ 1 dặm, dài 2 dặm, cao hơn 5 trượng, các ngọn chồng chất khoanh cuộn nối góc bể. Thế núi chon von, vòng quanh làm bình phong, mặt sau cho trấn. Ngoài có suối sâu chảy bao quanh về hướng Nam rồi đổ ra biển. Phía bắc giáp Mương Sâu nối liền với Bạch Tháp rồi chảy ra Đông Hồ, làm hào của trấn thành. “Bình Sơn điệp thúy” (núi Bình trùng biếc) là một trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên”. Trên lưng núi có lăng mộ của vị Khai trấn quốc công Mạc Cửu, vị Tổng binh đại đô đốc, nguyên soái Tao đàn Chiêu Anh Các, nhà thơ tài hoa Mạc Thiên Tích. Đêm lễ hội tưng bừng diễn ra trong ánh điện sáng choang cùng không biết bao nhiêu người tụ hội đông vui. Trong đêm, người ta nhắc nhờ đến công lao Mạc Thiên Tích, người “chiêu tập các nhà văn học tài nghệ, do đó văn nhân tỉnh Phúc Kiến (...), văn nhân tỉnh Quảng Đông (...); người phủ Gia Định (...); đạo sĩ tỉnh Phúc Kiến (...) nối gót nhau đến. Mạc Thiên Tích lập ra Chiêu Anh các, mua sắm sách vở, thường ngày ông cùng các nhà Nho luận bàn kinh sách, lại có thơ vịnh 10 cảnh ở Hà Tiên, được rất nhiều người hưởng ứng họa theo, từ đó văn phong mới nổi tiếng cả một dọi biển” (Gia Định thành thông chí).

Trước đây, tập tục hái lộc vào đêm rằm tháng giêng hết sức độc đáo mà có lẽ chỉ có Hà Tiên mới có. Sau những rộn rã của lễ tưởng nhớ công ơn người khai trấn mở cõi Mạc Cửu, sau những lắng đọng với những vần thơ, câu hát ngợi ca đất nước non sông, mọi người nôn nao cất bước đến chùa Tam Bảo, chùa Phù Dung. Bái lễ Phật cầu xin an khang, thịnh vượng trong năm mới xong, người ta bủa ra khắp các con đường, hái lộc đầu xuân. Tập tục này nay chỉ còn tượng trưng trong chừng mực nào đó nhằm bảo vệ cây xanh. (Nét đẹp bảo vệ cây xanh thể hiện bằng việc sáng ngày rằm tháng giêng, chính quyền địa phương tổ chức long trọng Tết trồng cây trên triền núi Bình San). Trong khi các cụ già về nhà thưởng thức chén trà xuân thì các nam thanh nữ tú thong thả sánh vai nhau đi suốt sáng trên các con đường lặng im của một thị xã ngập tràn không khí thanh bình.

Trời gần sáng, văng vẳng tiếng chuông chùa như nhắc nhở người ta một ngày mới bắt đầu. Đó là tiếng chuông sớm của chùa Tiêu (chùa Tam Bảo) mà Mạc Thiên Tứ đã viết thành bài thơ “Tiêu tự hiểu chung”. Chùa Tam Bảo trong nội ô thị xã, hiện nay còn ngôi mộ của Thái Bà Bà - mẹ của Tổng binh Mạc Cửu. Bà là người mộ đạo Phật nên Mạc Cửu đã cất chùa cho bà đến tụng kinh, niệm Phật. Trong một buổi ngồi trước bàn Phật, bà tự nhiên “hóa” nên chùa có tên là chùa Tiêu. Trong khuôn viên chùa hiện nay còn lưu lại dấu tích của thành quách xưa làm cho du khách bồi hồi nhớ lại một thời binh lửa của trấn Hà Tiên.

Kiên Giang có một Hà Tiên. Việt Nam có một Hà Tiên, điểm nhấn cuối trời tây vừa đẹp vừa xinh, vừa mang đậm chất văn hóa huyền hoặc, nên thơ. Có lẽ nhà thơ Huy Cận có lý khi đến Hà Tiên và đề nghị vui sửa lại mấy chữ trong hai câu thơ của thi-tướng Huỳnh Văn Nghệ: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” thành “Từ độ mang thơ đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. 

Bài, ảnh: CÚC TẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét