Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Những đặc sản nổi tiếng tại Mỹ Tho

Tiền Giang không chỉ nổi tiếng với món hủ tiếu Mỹ Tho mà còn có nhiều đặc sản khác nữa như: bánh bèo, mắm còng, sam biển và hương vị ngọt ngào của các loại trái cây cả bốn mùa.Hủ tiếu Mỹ Tho 

Hủ tíu là món ăn quen thuộc của người Hoa, du nhập vào đất Mỹ Tho từ hàng trăm năm nay. Nhưng được "Mỹ Tho hóa" theo cách riêng, trở thành món ăn ngon có tiếng của địa phương. 
Hủ tíu Mỹ Tho làm bằng bánh bột gạo chan nước súp (nấu bằng xương hầm, khô mực nướng, tôm khô cùng một số gia vị đặc trưng) bên trên mặt bày miếng sườn non, con tôm bổ đôi cùng với thịt và lòng, ăn với nước tương và rau giá. 
Ai đến Mỹ Tho cũng phải một lần thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho, món ăn đặc trưng nhất của thành phố nhỏ bé bên dòng sông Tiền, đã nổi tiếng khắp nơi. Hủ tiếu Mỹ Tho hấp dẫn nhờ cách chế biến nước lèo, sợi hủ tiếu rất đặc biệt, không quá dai cũng không quá bở, không quá to như bánh phở mà cũng không quá nhỏ như bún...Ngoài ra, hủ tiếu bò viên nơi đây cũng rất lạ, chỉ ăn một lần là nhớ mãi. Hãy đến góc đường Lê Đại hành - Lê Lợi để tìm sự thú vị trong nghệ thuật ẩm thực...
Bún gỏi già Mỹ Tho
Bún gỏi già thực ra cũng hao hao giống bún mắm thôi. Nói là giống, nhưng vị của nó khác nhau xa. Bún mắm và bún gỏi già có chung nguyên liệu là mắm cá, (hình như là mắm cá linh thì phải). Bún gỏi già phải nấu chung với me, mới cho ra vị nước lèo chua chua ngọt ngọt ăn không ngán là vì vậy. Đặc biệt, nó chỉ ăn chung với tép là ngon nhất. Tép bạc, tép lột, hay tôm sú lột đều được cả. Những con tép đỏ au, được lột vỏ kỹ càng trông hấp dẫn làm sao.
Bún gỏi già chua chua ngọt ngọt ăn ghém với rau muống và bông chuối bào... Nhưng mà nó ngon nhờ hẹ đấy. Nếu không có cọng hẹ nào thì cái tô bún của bạn coi như tiêu. Thêm nữa phải có nước chấm đặc biệt nó là nước cốt mắm cá linh nguyên chất, rất thơm và có vị ngọt đậm đà. Bạn không cần nêm nếm gì vào tô mà vẫn cảm thấy vừa miệng.... Nếu có khi nào về Mỹ Tho, thì các bạn nên thử qua.
Bánh bèo

Nghỉ đêm ở thành phố Mỹ Tho, sẽ có một món ăn hấp dẫn khác, bán vào buổi tối, ở góc "Chợ Hàng Bông". Món bánh bèo! Chỉ là một gánh hàng, vài chiếc ghế con con, vậy mà lúc nào nơi đây cũng chật cứng. Bánh bèo không lớn như của người miền Bắc, tròn, nhỏ, được xếp chồng lên nhau, thêm đậu xanh nấu, bánh phồng tôm xắc nhỏ, thịt thái sợi, ăn với nước mắm tỏi ớt...


Mắm còng xứ rẫy Gò Công
Nhà nào ở miệt rẫy cũng đều biết làm món mắm còng. Bà con làm để ăn, tặng bạn bè thân hữu. Nhà nào có dư thì đem ra chợ bán kiếm thêm chút đỉnh. Ðến mùa còng lột, người ta hay chọn bắt những con vừa lớn vừa có mầu sắc đỏ tươi để làm mắm. Còn các loại còng khác ít ai bắt, có chăng chỉ để nuôi đàn vịt tàu đẻ mà thôi. 
Bánh giá chợ Giồng
Ở huyện Gò Công Tây, món bánh giá chợ Giồng là đặc sản trứ danh với cách chế biến rất đổi công phu. Đấu tiên là chọn gạo, đậu xanh loại ngon đem xay thành bột, hòa vào trứng gà, bột mì, gia vị. Khi chiên bánh đặt thêm vào thịt, tôm, giá đã băm, đậu phộng, mỗi thứ một ít. Bánh còn nóng hổi, tỏa mùi thơm phức ăn kèm rau sống và nước mắm tỏi ớt thì thật là tuyệt vời.
Sam biển Gò Công - Tiền Giang
Ngoài các loại cá tôm thiên nhiên ưu đãi, ở vùng biển xã Vàm Láng, Tân Thành, huyện Gò Công Ðông (Tiền Giang) có đặc sản khá hiếm: sam biển. Với hình thù lạ mắt: vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính độ gang tay, tám chân càng nhỏ dưới bụng, phần đầu là mũi nhọn ba cạnh rất linh hoạt dài cỡ 20 cm. Khoảng từ tháng 10 cho tới tháng 2 âm lịch, sam bắt cặp phối giống và sau đó sam cái mang bụng đầy trứng nhỏ như hạt tiêu đợi ngày sinh nở. Gió chướng thổi về, người dân ven biển chúng tôi sáng sớm đi dọc bờ thỉnh thoảng vẫn bắt được những cặp sam tấp mé.
Có dịp về Gò Công để thưởng thức món sam trứng, bạn sẽ có một ấn tượng khó quên!
Các loại trái cây

Ngoài những đặc sản trên, Tiền Giang còn nổi tiếng với những loại trái cây đặc trưng, thường được mua về làm quà biếu. Phổ biến nhất là: sầu riêng, vú sữa Lò Rèn, sapôchê, xoài cát Hòa Lộc, bưởi long, cam sành... 
(Nguồn: Theo tiengiang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét