Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Những cây cầu nối lịch sử và hiện tại của Thủ đô

Ngoài giá trị giao thông, cầu Long Biên còn là chứng tích lịch sử, một chiếc cầu vắt ngang hai thế kỷ 19 và 20 mà đương thời được coi là một trong những cầu thép lớn nhất thế giới.
Cầu Long Biên - Cây câu đầu tiên bắc qua sông Hồng

Cầu Long Biên trước đây có tên là cầu Paul Doumer - tên của viên Toàn quyền Pháp đã đề xuất việc xây dựng cây cầu này. Nhưng dân gian thường gọi cây cầu này là cầu Bồ Đề vì bắc sang làng Bồ Đề hoặc cầu Gia Lâm vì bắc sang huyện Gia Lâm.

Cầu Long Biên là tên mới đặt sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đây là cầu thép được khởi công xây dựng vào tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié thiết kế và thi công, giá trị 10,5 triệu France. Cầu chính qua sông dài 1.682m và cầu dẫn dài 896m, gồm 19 nhịp đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng). Cầu chia thành chín khung khổng lồ, mỗi khung dài 61m. Giữa là đường xe lửa, hai bên là đường đi bộ.
Cầu được khánh thành tháng 2/1902. Vào dịp này, vua Thành Thái cũng “ngự giá Bắc tuần” để dự lễ thông cầu.
Xây cầu này, thực dân Pháp đã hoàn thành tuyến đường sắt quan trọng nhất Đông Dương lúc đó, nối cửa biển Hải Phòng với vùng Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời nối Hà Nội với Đồng Đăng (Lạng Sơn). Vào năm 1922-1923, cầu được mở rộng phần cho xe ôtô song hành với đường sắt.
Đến nay, cầu cơ bản không thay đổi về kết cấu, trừ những đoạn bị tàn phá trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đã 14 lần bom Mỹ phá hỏng 1.500m cầu, đánh gục chín nhịp và bốn trụ hư hỏng nặng. Sau hiệp định Paris, qua 41 ngày đêm sửa chữa, ngày 4/3/1973, chuyến tàu đầu tiên lại vượt sông Hồng.
Ngoài giá trị giao thông, cầu Long Biên còn là chứng tích lịch sử, một chiếc cầu vắt ngang hai thế kỷ 19 và 20 mà đương thời được coi là một trong những cầu thép lớn nhất thế giới.
Cầu Thăng Long - Biểu tượng của mối tình hữu nghị Việt-Xô
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974, với sự giúp đỡ của Nhà nước Liên Xô. Cầu Thăng Long bắc ngang qua hai làng Đông Ngạc và Võng La - nơi dòng sông Hồng hẹp nhất.
Phần cầu chính dài 1.688m, có hai tầng. Tầng trên dành cho các loại xe cơ giới với hai đường nhỏ (khoảng 1m) chạy song song làm chỗ đi lại cho nhân viên sửa chữa cầu. Tầng dưới rộng 19,5m ở giữa là đường dành cho xe lửa, hai bên là lối đi của người đi bộ và xe thô sơ, mỗi bên rộng 1,5m.
Cầu này có 15 nhịp được đặt trên 14 trụ và hai mố cao 14m. Nếu tính cả phần cầu dẫn trên hai bờ thì đường dành cho xe lửa dài 5.503m, đường dành cho xe cơ giới dài 3.116m, cho xe thô sơ và người đi bộ dài 2.650m. Tổng chiều dài hơn 11.000m, trụ cầu có đường kính 18m sâu dưới mặt đất từ 40-60m, nhịp cầu dài 112m, rộng 10m và nặng năm tấn. Đây là chiếc cầu rất lớn, việc thi công phải do bốn xí nghiệp cầu, một xí nghiệp cơ giới (thuộc Liên hiệp cầu Thăng Long) thực hiện.
Ngày 19/5/1985, cầu khánh thành, vượt kế hoạch bảy tháng, trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nội và đội ngũ xây dựng cầu đường Việt Nam.
Cầu Chương Dương - Kỹ sư và công nhân Hà Nội tự thiết kế và thi công
Cầu Chương Dương được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/1983. Sau một năm chín tháng thi công, cầu khánh thành ngày 30/6/1985, vượt tiến độ 12 tháng.
Cầu Chương Dương được xây cách cầu Long Biên 654m về phía hạ lưu sông Hồng, nối phường Phúc Tân thuộc quận Hoàn Kiếm tới xã Bồ Đề thuộc quận Long Biên.
Cầu Chương Dương là loại cầu lớn, vĩnh cửu, có kết cấu bảo đảm an toàn cho các xe trọng tải lớn qua cầu với tốc độ cao. Cầu có kết cấu dầm thép, mặt cầu bằng bêtông cốt thép. Cầu dài hơn 1.213m, rộng 19,76m, gồm bốn làn xe, hai làn giữa dùng cho xe tải nặng 30 tấn hoặc bánh xích 80 tấn, hai làn bên dùng cho xe tải sáu tấn. Cầu gồm chín nhịp dầm dẫn, 11 dầm chính, 21 mố trụ.
Cầu Chương Dương có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô. Cây cầu này do kỹ sư và công nhân Hà Nội tự thiết kế và thi công, thể hiện khả năng tự làm chủ, sáng tạo, đánh dấu sự phát triển mới của ngành cầu đường nước nhà.
Cầu Thanh Trì - Cây cầu dài rộng nhất Việt Nam
Cầu Thanh trì là cây cầu lớn nhất trong các cây cầu bắc qua sông Hồng, bắt đầu từ điểm cắt Quốc lộ 1A tại Pháp Vân, quận Hoàng Mai, điểm cuối cắt Quốc lộ 5 tại Sài Đồng, quận Long Biên.
Cầu Thanh Trì được khởi công ngày 30/11/2002; hợp long ngày 28/8/2006, thử tải ngày 28/12/2006; thông xe ngày 2/2/2007.
Cầu Thanh Trì có trọng tải H3o-XB80 tức là xe tải bánh lốp có tải trọng 30 tấn, cũng như xe bánh xích có tải trọng 80 tấn qua được cầu.
Tổng chiều dài bao gồm đường dẫn và cầu dài hơn 12.000m, cầu chính qua sông Hồng dài 3.084m, rộng 33,10m với sáu làn xe (bốn làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 100km/h.
Kết cấu bên dưới gồm 52 trụ và hai mố trên nền móng có tổng số 1.339 cọc khoan nhồi đường kính các loại 1m; 1,5m; 2m.
Đây là một trong những cây cầu bêtông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu với nhiều ứng dụng công nghệ mới.
Cầu Thanh Trì do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long. Hai công ty Nhật Bản là Obayashi và Sumitomo trúng thầu thi công.
Cầu đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả kinh tế xã hội cao.
Cầu Vĩnh Tuy - Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội
Cầu Vĩnh Tuy được khởi công xây dựng ngày 3/2/2005 và thông xe kỹ thuật vào ngày 2/9/2009. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng có điểm đầu phía bờ Nam là phường Vĩnh Tuy-Thanh Lương cách ngã ba dốc Minh Khai 275m về phía cầu Mai Động quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Điểm cuối phía bờ Bắc là phường Sài Đồng vượt qua đường sắt Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 5 tại km 2+630, nút giao với tuyến chính cùng ba nhánh đường kết nối Quốc lộ 5 và đường nội bộ dân khu công nghiệp Sài Đồng thuộc quận Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy được xác định xây dựng theo hình thức BT (doanh nghiệp và thành phố Hà Nội cùng ứng vốn). Tổng mức đầu tư là 3.597 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp 1.829 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách.
Cầu Vĩnh Tuy có tổng chiều dài toàn tuyến là 5.830m, trong đó phần cầu chính vượt sông dài 3.778 m. Cầu được kết cấu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực gồm 77 nhịp, phần cầu chính được bố trí chuỗi nhịp dài 990m, đặt trên hai mố và 76 trụ, trong đó sáu nhịp thông thuyền giữa sông dài 135m/nhịp. Quy mô mặt cắt ngang rộng 19,25m. Mặt cắt ngang của các tuyến đường chính hai đầu cầu rộng 60m (đây cũng là khổ cầu bê tông lớn nhất hiện nay tại Việt Nam).
Cầu được bố trí cho hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn xe hỗn hợp. Đường trên tuyến cũng được xây dựng hoàn chỉnh cho bốn làn xe cơ giới, hai làn xe buýt và hai làn xe hỗn hợp.
 (TTXVN/Vietnam+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét