Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Độc đáo ẩm thực “ống tre” của các dân tộc M'nông, Mạ ở Đắk Nông



dsaffff
Đồng bào M’nông, Mạ có canh nấu bằng ống tre. Đấy là món canh bổ dưỡng được nấu với nhiều loại rau củ, cá suối, bột bắp và lá nhíp là vị chủ đạo. Để nấu canh ống, người ta phải chọn lựa ống kỹ càng. Nếu chọn cây non sẽ không ngon vì nhựa cây sẽ cho nhựa hăng đắng. Nếu chọn cây quá già, lửa sẽ làm nứt cây, canh sẽ chảy ra ngoài. Khi nấu không được dựng ống thẳng đứng mà phải để nghiêng ống lồ ô trên lửa và phải quay tròn để canh chín đều. Nguyên liệu gồm rau, măng, dọc mùng, thịt rừng hoặc cá suối, ít con mối và chú dế bầu hoặc vài con dế dũi... tất cả cho vào ống nứa tươi và cho lên bếp đun chín. Khi nấu vừa chín tới, người ta lấy cái gai mây cho vào ống, một tay thọc nhẹ nhàng cho đến khi các món trong ống nhừ ra, quyện vào nhau thành một chất dẻo. Khi đó, muối, ớt được bỏ vào, thọc đều, có thể bỏ thêm một ít rau thơm và mì chính. Người M’nông lấy đọt cây riềng rừng cho vào ống nứa nấu thụt với thịt chim, sóc ăn rất ngon. Món canh thụt ngon nhất của người M’nông được nấu từ các loại trái, lá rừng như cà trắng, bồ ngót, lá lót, dây lạc tiên, măng rừng, đọt mây, đọt đoác... và cá suối nhưng quan trọng nhất phải có lá nhíp. Nó deo dẻo, có đủ các vị đắng, cay, ngọt, bùi, béo. Theo đồng bào miền núi, lá nhíp không chỉ thơm ngon, béo bổ, người mất sức, bị đau yếu ăn vào sẽ khỏe, trẻ con bị còi ăn lá nhíp sẽ mau lớn mà còn là thức ăn ưa thích của tê giác, voi, nai, vọc...

Cơm lam là món ăn được nhiều người ưa thích. Trước khi nấu, đồng bào thường ngâm cho gạo mềm và sau đó cho vào ống nứa, lấy lá chuối nút lại và đặt trên bếp. Người ta ngồi bên bếp lửa cầm ống nứa trở qua trở lại thì ống nứa bắt đầu sôi lên và chín tới. Trước khi mang ra đãi khách, các ống cơm lam đều được chẻ bỏ bớt phần cật nứa bên ngoài cho sạch sẽ, chỉ để lại phần lõi bên trong. Người ăn có thể cầm cả ống cơm lam tách phần nứa còn bám vào để lấy cơm ăn hoặc có khi chủ nhà cắt thành từng khúc để mời khách. Tuy nhiên, khi ăn cơm lam, khách tự bóc lấy sẽ thú vị hơn. Bóc làm sao cho còn lớp vỏ lụa trắng mỏng mảnh của cây nứa thì mới cảm nhận hết chất thơm ngon, dẻo ngọt của xôi nếp.

Vào mùa lễ hội thịt trâu, thịt bò và thịt các loài thú đi săn về ăn không hết. Ngoài việc sử dụng thịt tươi để nấu nướng thông thường, đồng bào còn có cách chế biến, dự trữ thịt. Đồng bào thường xẻ thịt ra từng thanh dài và treo lên bếp cho đến khi thịt khô thì đem cất vào các ống nứa có nắp đậy. Khi có khách đến thăm, người ta sẽ mang ra nướng qua rồi cắt thành từng khúc ngắn để nấu với rau, với gạo hay sắn bào. Đối với đồng bào, da các loài thú như trâu, nai, lợn rừng cũng là những món đặc sản. Người ta lấy da, để nguyên cả lông, thái từng miếng dài phơi thật khô rồi treo lên giàn bếp để dành. Khi cần ăn, lấy xuống đốt cháy rồi đập cho mềm, cạo sạch lông và phần ám khói, thái nhỏ bỏ vào nồi nấu. Lúc da chín mềm, người ta bỏ vào các loại gia vị, rau rừng. Thịt nấu trong ống cũng có hương vị hấp dẫn, nhất là bộ lòng trâu, bò, heo, dê làm sạch cho vào ống nấu, thịt cứng săn lại, khô, thơm ngào ngạt, không hề có mùi tanh hôi.

Cá nấu trong ống nứa cũng là món phổ biến của nhiều tộc người trong lễ tết. Trước tết độ một tuần, đồng bào thường tổ chức đánh cá tập thể ở những con sông lớn bằng cách ngâm các loại vỏ cây làm cho cá bị say nổi lên mặt nước để xúc hoặc đắp bờ, mở lối thoát cho nước cạn rồi bắt cá. Ở các suối nhỏ, phụ nữ và trẻ em xúc bằng vợt. Cá thường được nướng chín rồi xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra, cá còn được nướng trong ống cho đến khi cá khô như được phơi rồi để dành ăn dần.

Trong các dịp lễ hội, nhất là lễ cưới, ngoài việc ủ rượu cần, đồng bào còn làm nhiều ống cơm rượu để đãi khách. Cơm rượu được làm bằng nếp huyết hay nếp than. Khi nấu cơm nếp trộn men vào rồi cho vào ống tre để vài ngày cho lên men thành cơm rượu. Cơm rượu ống tre có vị thơm, ngọt, ăn nhiều có thể say nhẹ như người uống rượu.

Lễ tết nói chung hay lễ mừng mùa bội thu, ăn cơm gạo mới nói riêng đều được bà con chuẩn bị một cách chu đáo. Họ đi xúc cá, đánh ếch, cá, đặt bẫy, bắt chim thú rừng và mang về chế biến bằng cách nướng thịt, cá, chim, ếch để dành thật nhiều. Bữa ăn trong ngày lễ tết luôn khác với bữa ăn ngày thường, đồng bào tránh gặp lại các món quen thuộc hằng ngày như canh bí, canh bầu mà thay vào đó là những thức ăn đặc sản như thịt, cá, gà, lợn. Chủ nhà phải mời bà con làng xóm đông đủ, phải có ché rượu ủ gạo thật ngon cùng nhau thưởng thức để bù đắp thời gian thiếu ăn phải lặn lội vào rừng tìm củ mài, trái dẻ...
Nguồn:websitedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét