Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Ốc Gạo

Theo xe đò Saigon - Vĩnh Long dong ruổi trên quốc lộ 4 (nay là 1A) : qua các địa danh Bến Lức -Tân An, đến ngã ba Trung Lương rẻ mặt về Cai Lậy, Cái Bè, An Hữu rồi dừng lại tại bến Bắc Mỹ Thuận; Bên kia là đất Vĩnh Long.
Là người Lục Tỉnh ai cũng có lần bước xuống Bắc Mỹ Thuận để lên Saigon về miệt trên; Còn dân Saigon Đồng Nai miệt ngoài, muốn về miền Hậu Giang phải quá giang qua Bắc Mỹ Thuận.
Vĩnh Long vì vậy là điểm hẹn, điểm gặp nhau của bao con người, của khách thương hồ xuôi ngược, tao nhân mặc khách. Để rồi khi dời chân từ giã Vĩnh Long khách còn mang theo cái "dư vị Vĩnh Long".
Cái cảnh náo nhiệt trên bến Bắc làm cho du khách nhớ mãi : nào người mua, kẻ bán, tiếng mời chào của các cô gái, các bà cụ thật vui và lạ. Nào trái cây, chim muôn, rắn chuột và đặc biệt là những bao chứa đầy ốc gạo.
-Ốc gạo Tân Phong mùa này ngọt lắm !
Hai bà bạn hàng, lể ốc gạo, vừa nhai nhõm nhẽm vừa nói chuyện và khen con ốc gạo Tân Phong, gây chú ý cho khách phương xa về con ốc.

Ốc là con gì ?
Con ốc là loại sinh vật nhuyễn thể có vỏ cứng. Ốc xứ mình ở đâu cũng có và không biết tổ tiên mình biết ăn ốc từ lúc nào ?
Lần vào ca dao tục ngữ để xem người xưa ăn ốc, bắt ốc và nhìn con ốc với nhãn quan ra sao ?
-Ăn ốc, bốc vỏ 
- Muốn ăn cua rốc, ốc nhồi
Có con thì gả cho người Đồng Chiêm 
Con ốc nhồi ở miền Bắc to như ốc bươu, trong Nam không có
-Ao sâu thì lắm ốc nhồi,
Có chồng lịch sự, nửa (của) người, nửa (của) ta. 
Trong Nam có nhiều loại ốc từ ốc hút, ốc dừa, ốc lát, ốc bươu, ốc len, ốc gạo . .v . .v . . .
Tùy loại ốc mà có cách nấu, cách luộc, cách xào . . . khác nhau và cách ăn khác nhau. Ốc to nhỏ đủ loại : từ bằng đầu đũa đến bự bằng trái cau, trái chanh.
Con ốc được che kín bởi vỏ nên khó biết to hay nhỏ, ốm hay mập. 
Vậy làm sao biết mà lựa ?
Thế mới có câu trong dân gian "ăn ốc nói mò".
Mấy bà già xưa rất rành con ốc, cho rằng con ốc từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch thì mập và ngon, nhứt là tiết mồng 5 tháng 5 ta.
Trước tiên nói về con ốc hút và ốc dừa (ốc lát). 
Ốc hút muốn ăn phải cắn đít hay dùng đồng xu có lỗ để bẻ đít con ốc rồi hút vào miệng ốc. Thịt không ngọt, có nhớt chỉ để bán cho trẻ con. Con ốc hút cỡ đầu tay út, thân có xoáy tròn như cái đinh ốc (cây đinh vặn giống con ốc nên gọi tên là đinh ốc)
Còn ốc dừa hay ốc lát, bằng đầu tay út, dùng kim tây hay gai bưới lể lấy ruột, ăn có vị béo, ngọt.
Ở chợ quê, người ta dùng lon sữa bò để lường mà bán, hoặc có người dùng mủng vùa.
-Ăn ốc bóc vỏ. 
-Kẻ ăn óc, người đổ vỏ.
Cái thú của người ăn ốc là tự bốc vỏ, tự tay lể con ốc, vừa bỏ vào miệng chưa nhai thì phải lể con khác; bỏ năm ba con mà nhai chẳng thấy con ốc ở đâu vì nó nhỏ quá.
An ốc ghiền giống như cái thú ngủ ngồi, ngủ gục, rất đã.
Con ốc bươu, ốc len ở miền Vĩnh Long thì bự hơn, có nhiều vào mùa nước nổi. Thịt nhiều nhưng cứng không thơm và không béo, nhiều người chê là ăn bị chột bụng.
Xưa người mình dùng vỏ ốc để thổi như thổi tù và sừng trâu. Đó là loại ốc to, cái miệng loe phình như cái loa, thân xoắn cong, phần đít nhỏ.

- Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn 
( Bà Huyện Thanh Quan)
- Tàu lui ốc thổi vang vầy
Xa em vì bởi quan thầy đổi đi 
Ăn ốc của người mình xưa có lẽ do sự ngẫu nhiên rồi thành thói quen, tới nay vẫn còn thích ăn ốc và nhìn con ốc như là một phần của đời sống, tình cảm của con người.
- Tôm tép nhảy, ốc nhồi cũng nhảy 
- Má ơi đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau má nhờ 
Người xưa còn dùng hình ảnh con ốc để chỉ cái đẹp cái xấu, đến cái nết ăn, nết ở của đàn bà con gái :
- Mắt ốc bươu (mắt lồi to)
- Mắt ốc nhồi, môi đen xì
- Lạt như nước ốc.
- Ốc mượn hồn

Trở lại Vĩnh Long và nói về con ốc gạo cù lao Tân Phong chắc sẽ làm gợi nhớ, gợi thương cho nhiều người Vĩnh Long.
Vĩnh Long là đất xưa của miệt vườn, thủ phủ xưa của Lục Tỉnh, giống như ĐaKao là đất xưa của Saigon, Bến Nghé nên được nhiều người biết đến.
Vĩnh Long, tới nay còn nghe nhiều người kêu là Vãng Long ! ( Vãng : chữ Nôm. Vĩnh : chữ Hán)
Vĩnh Long là xứ cù lao, vì cả tỉnh nằm giữa hai con sông Tiền (phía Bắc) và sông Hậu (phía Nam), thuở xưa thuộc Dinh Long Hồ, là Tây Đô của Chúa Nguyễn.
Nay về Vĩnh Long còn nghe các ông già xưa kể chuyện hồi đó , khoảng đâu vào năm 1760, đất này của Chân Lạp, nhờ quan Tham Mưu Nguyễn Cư Trinh giúp Nặc Tôn lên ngôi, nên họ nhường lại cho ta !
Chính Nguyễn Cư Trinh đặt dinh Long Hồ tại Vĩnh Long như ta biết ngày nay.
Đất Vĩnh Long là địa linh nên phát sanh nhơn kiệt, nổi tiếng “danh trấn giang hồ" nhưng có người chịu oan khiên như Ông Trương Vĩnh Ký và Ông Phan Thanh Giãn (quê Bến Tre). Cũng có bao thế hệ Thừa Tướng sanh ra từ Long Hồ như : Thủ Tướng Trần Văn Hữu, Thủ Tướng. Nguyễn Văn Lộc, Thủ Tướng Trần Văn Hương, Thủ Tướng Phạm Hùng, Thủ Tướng Võ Văn Kiệt do lịch sử đẩy đưa từ thời Tây đến thời Quốc Gia rồi thời Cộng Sản ngày nay.
Do vậy con ốc gạo Tân Phong càng nổi tiếng thêm nhờ cái tên Vĩnh Long từ xưa đã có tiếng như cồn.
Xuống cù lao Tân Phong, nghe người ở đây kể chuyện cái cù lao nầy đầy tự hào, gồm trên 1300 nóc gia, sống trên thuận dưới hòa như bà con ruột thịt. Bởi lẽ họ quanh quẩn trên cái cù lao dài độ 3 cây số ngang chưa đầy một cây số rưỡi, bằng nghề xúc ốc gạo.
Hồi năm 1967, cái cù lao nầy thuộc quận Chợ Lách, một trong 7 quận trù phú của Vĩnh Long là : Châu Thành –Trà Ôn –Vũng Liêm – Bình Minh – Tam Bình- Minh Đức – Chợ Lách.
Người Tân Phong rất mến khách phương xa nên thích làm món ốc để vừa đãi vừa khoe cách luộc con ốc gạo.
Trúc rổ ốc gạo vào “ản” nước vo cơm, ngâm một hồi lâu cho nó nhả đồ dơ ra (nếu không, ăn sẽ bị Tào Tháo rượt chạy không kịp) rồi vớt ra để ráo.
Bắt chảo lên bếp, để lửa lâu một hồi , đổ ốc vào chảo đậy vun cho kín, lâu chừng độ một vài hơi thuốc thì con ốc đã hả miệng. Trút ra thau, thế là có một món ốc gạo luộc nóng hổi, thơm bát ngát. Bước ra vườn bẻ gai bưởi làm kim lể ốc, chấm nước mấm gừng chanh chua ngọt, vừa nhai chủ nhà vừa cắt nghĩa tại sao phải có gừng và khen con ốc to nhiều thịt, giòn nhờ cái cách luộc chuyên nghiệp của người Tân Phong. Nếu sơ ý luộc lâu, con ốc sẽ teo lại, dai nhách mất ngọt. 
Chủ khách khề khà với ly ruợu đế, nói chuyện xung quanh con ốc và con người cù lao Tân Phong mà tự hào.
Hằng năm vào tháng 3 ta, thì ốc gạo con ở đây nhiều vô kể, 3 tháng sau là nó lớn bự rồi – chủ nhà kể, là bắt đầu vào mùa ốc gạo.
Ở đây người ta gọi là đi xúc ốc gạo. Dân xúc ốc gạo ai nấy mạnh khỏe, ở trần trùi trụi, lặn tận đáy sông, dùng vợt đan bằng dây gai để xúc ốc.
Trồi lên lặn xuống, mỗi lần xúc độ 10 lít ốc gạo, xúc cả đêm thì đầy ghe. Gần sáng chèo qua Cái Bè bán cho kịp đưa đi Saigon Chợ Lớn.
Dân cù lao này sống nhờ con ốc gạo, nghe người ta kể lại có năm thâu về gần bạc triệu., thời thập niên 60, quả quá sức tưởng tượng. Họ sắm máy phát điện riêng để coi TV, để thấp đèn trong các ngày giỗ, ngày cưới, ngày Tết

Con ốc gạo còn cho ta nhiều món ngon đáo để nữa.
Ruột ốc sau khi lể ra khỏi vỏ sẽ làm món gỏi cuốn rau sống bánh tráng, ăn với nước mắm chanh gừng là món cao cấp mà người ở đây thường làm để đãi khách Saigon, gọi là "ăn cho biết" (Có người còn cuốn với dừa khô nạo).
Điệu nghệ hơn là mấy nhà có tiền hay làm món cháo ốc gạo.
Ruột ốc gạo, lể ra độ một tô, bỏ vô chảo xào xơ xơ với mở, tỏi, hành cho thơm, trúc vào nồi cháo, là đã có nồi cháo ốc gạo ngon lành, ngọt liệm, thơm lừng.
Tiêu chuẩn chia đều mỗi người một tô, cháo nóng dùng để "chữa lửa" thì thôi hết chỗ nào tả . . . 
Con ốc gạo Tân Phong ăn như thế.
Rồi nó theo xe đò vượt Bắc Mỹ Thuận, lên Saigon Chợ Lớn giúp cho nhiều thế hệ phụ nữ, phụ chồng nuôi con, chỉ nhờ có gánh ốc gạo.
Món ốc gạo làm gỏi trộn với đu đủ hay làm món bún ốc bán ở các chợ Saigon là món ngon mà biết bao cô gái Saigon từng ăn, ưa thích và ghiền.
Thời buổi văn minh, các nhà hàng đã chế món ốc gạo chấy mỡ tỏi, ốc gạo um nước dừa, chưa ăn mà nghe chảy nước miếng rồi.
Nghe nói ở miệt xứ Quảng, có ốc gạo Sơn Trà cũng ngon nổi tiếng. Nước sông Trà Giang trong xanh nên con ốc ở đây nhỏ nhưng bù lại có mùi thơm như ốc hương.
Còn ngoài Bắc nghe nói có con ốc nhồi, nghe thì nghe vậy thôi chớ trong Nam không biết nó ngon cỡ nào.

Thế rồi khách phải rời Vĩnh Long, trở lại Bắc Mỹ Thuận về Saigon. Dừng chân đôi phút trên bến đò kiếm cái gì gọi là "quà Vĩnh Long" cho người Saigon.
Xâu chim về Saigon chắc quý lắm.
Chim bày bán có : le le, ốc cao, vỏ vẻ, chàng nghịch, mỏ nhác, cái tên nghe lạ nhưng có mặt tại đây từ lâu lắm rồi, từ ngày Tây làm cái Bắc nầy, mà theo mấy bà ở đây kể lại là chim được bắt từ Ba Càng quận Bình Minh.
Dạo qua chỗ bán trái cây, thôi đủ thứ, đặc biệt với khách phương xa là sầu riêng, măng cụt, vú sữa, đặc sản của miền Nam, miệt ngoài không có.
Trái vú sữa chín, căng phồng, lán bóng, tròn lẳng như con gái Nha Mơn nổi tiếng đẹp, nhìn mà bắt thèm . . .
Mua một chục, mấy cô đưa khách 14 trái và còn nói thêm rằng ở miệt Sa Đéc tới 18, còn trong vườn ngày xưa một chục tới 24 trái "lận".
Đối với khách miệt Saigon và miệt ngoài thì quả là điều mới lạ, còn đối với đồng bào miền Bắc thì là điều chưa hề nghe nói đến “cái chục có đầu” nầy.

Hiện nay có gần 3 triệu người Việt vì thời cuộc mà "bấm bụng" ra đi, xa phương cầu thực trong đó chắc có nhiều bà con Vĩnh Long.
Nay ở đâu đó, chân trời góc biển, có người đã về thăm quê, có người chưa về thăm Vĩnh Long lần nào !
Dầu có hay không, nay nghe kể chuyện xứ Long Hồ, chuyện con ốc gạo cù lao Tân Phong chắc sẽ làm bạn chạnh lòng.
Thôi thì chúng ta hãy cùng nhau về thăm lại quê hương Vĩnh Long dầu chỉ là một thoáng trong "tâm tưởng" cũng lấy làm mãn nguyện rồi. . .


Tặng người Vĩnh Long

Nam Sơn Trần Văn Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét