Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Ớt không chỉ giúp ngon miệng


Lợi ích sáng giá nhất của ớt là khả năng kháng viêm, giảm đau và ngăn ngừa sự hình thành những cục máu đông

Có lẽ trên thế giới chưa có một loại thực phẩm nào được mệnh danh là “Đông gặp Tây” như ớt. Theo nhiều tài liệu, nhân loại đã biết nếm vị cay của ớt từ khoảng 7.000 năm trước.

Tạo cảm giác khoan khoái

Ớt đỏ rất giàu vitamin C và provitamin A (beta-carotene). Ngoài ra, ớt cũng là nguồn cung cấp vitamin nhóm B mà đặc biệt là vitamin B6. Trái ớt cũng chứa một hàm lượng cao kali, sắt và magnesium. “Con cưng” của ớt chính là chất capsaicin (tên hóa học là 8- methyl-N- vanillyl-6-nonenamide), chất này tập trung nhiều nhất ở gần cuống.

Cảm giác cay mà chúng ta có được là do chất capsaicin kích thích não sản sinh những chất “ma túy nội sinh” (endorphines) tạo ra một cảm giác cay nóng và khoan khoái.

Với thành phần toàn là những chất hóa học có đặc tính “ăn tiền”, bữa ăn có ớt sẽ giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, tăng khả năng chống ôxy hóa. Lợi ích sáng giá nhất của ớt là khả năng kháng viêm, giảm đau và ngăn ngừa sự hình thành những cục máu đông.

Ớt là một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người ViệtẢnh: N.Phương

Khi phát hiện tại Thái Lan (nước có người tiêu thụ ớt cao) số người bị những rủi ro về nghẽn mạch do sự hình thành các cục máu đông rất thấp, các nhà nghiên cứu mới “ngược thời gian tìm về quá khứ” và phát hiện rằng người Thái đã ăn ớt rất nhiều và rất điều độ, nhờ đó mà hưởng được những lợi ích trên.

Ngày nay, các nhà khoa học cũng đã xác định rằng chính chất capsaicin đã có khả năng tiêu tố fibrin, nhờ đó làm giảm khả năng hình thành những cục máu đông.

Giảm đau, kháng ung thư

Những nghiên cứu gần đây cũng nhấn mạnh đến đặc tính kháng ung thư của ớt. Capsaicin trong ớt sẽ kết hợp với những proteins trong ti thể của những tế bào ung thư và làm chúng bị chết. Điểm hay nhất là capsaicin không tấn công vào ti thể của những tế bào khỏe mạnh vì giữa cấu trúc của tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh có những điểm rất khác nhau về sinh hóa.

Capsaicin có trong ớt cũng được ứng dụng để chế tạo những thuốc giảm đau, capsaicin làm giảm tác dụng của chất “P”, chất “P” có nhiệm vụ đưa tin đau từ da đến cột sống. Bằng cách “chặn đường” chất “P”, capsaicin có tác dụng như một chất giảm đau có tác dụng lâu và đã điều trị hiệu quả cho khoảng 75% bệnh nhân.

Ớt sử dụng hàng ngàn năm nay, vì vậy, ăn ớt “lai rai” trong các bữa ăn sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều ớt cay trong cùng một lúc được cho là dẫn tới nguy cơ ung thư dạ dày (nhiều nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện tại Ấn Độ và Mexico).

Tại Úc, nhiều cuộc nghiên cứu đã kết luận rằng ớt được bán “đại trà” dễ có khả năng bị nhiễm một loại độc chất gọi là aflatoxin có khả năng gây ung thư gan. Ớt tươi và được trồng tại gia thì hoàn toàn yên tâm vì khó có thể bị nhiễm độc.
Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường (Úc

Tên khoa học là Capsicum frutescens L. Quả có vị cay, tính nóng có tác dụng ôn trung tán hàn, kiện vị tiêu thực.
Quả ớt dùng trị tiêu chảy hắc loạn, tích trệ, sốt rét. Nếu quả dùng trong thì kích thích chung và lợi tiểu; dùng ngoài làm thuốc chuyển máu và gây xung huyết. Rễ có tác dụng hoạt huyết, tán thũng. Lá ớt có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi tiểu. trị sốt, chữa trúng phong bất tỉnh và phù thũng.
Thành phần hóa học: Vỏ ớt chứa alcaloid chính là capsaicine (0,2%) và sắc tố carotenoid là capsanthine (0,4), adenine, betaine và choline. Quả chín đỏ chứa một lượng lớn vitamin C lên tới 200-400 mg%.
Ở Thái lan, quả ớt được dùng làm thuốc long đờm trị giun ký sinh cho trẻ em và thuốc hạ nhiệt. Ở Trung quốc, quả dùng trị tỳ vị hư lạnh, dạ dày và ruột trướng khí, ăn uống không tiêu. Rễ dùng ngoài trị nẻ da. Lá trị thủy thũng. Hạt trị phong thấp.
Trong Tây y, thường chỉ định dùng trong chứng khó tiêu do mất trương lực, lên men ruột, tiêu chảy, kiết lỵ, nôn mửa không cầm được, xuất huyết tử cung, thấp khớp, thống phong, thủy thũng, viêm thanh quản. Dùng ngoài chữa ho co cứng, một số chứng bại liệt, đau dây thần kinh do khớp, đau lưng, thống phong.
Cách dùng: Quả dùng uống trong với liều thấp. Có thể dùng bột với lượng từ 0,30g-1g trong 1 ngày, dạng viên, hoặc dùng cồn thuốc tươi (1 phần ớt, 2 phần cồn 33, hoặc duifng 1-4g hàng ngày trong một pixiô, hoặc dùng nấu ăn). Nếu dùng ngoài, dùng cồn thuốc tươi để bó hoặc dùng bông mỡ sinh nhiệt trong chứng đau thần kinh do thấp khớp hay ngộ lạnh.
Lá cây giã nát vắt lấy nước cốt uống trị sốt, trúng phong bất tỉnh và trị rắn cắn (dùng bã đắp ngoài). Lá sao vàng sắc uống trị phù thũng, mỗi ngày dùng từ 20-30g.
Ngoan Ngoan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét