Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Phá pa vắng hảm


Trần Vân Hạc
“Phá pa vắng hảm”, tiếng Thái là phá cá ở vũng cấm, đây là một mỹ tục của người Thái Tây Bắc, vừa có ý nghĩa bảo vệ nguồn thủy sản, vừa là ngày hội của cả cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Với người Thái Tây Bắc, cá vừa là món ăn quí, vừa là đồ dẫn cưới không thể thiếu. Người Thái có câu: “Pay kin pa, ma kin lảu” – tức là đi ăn cá, về uống rượu để nói lên tầm quan trọng của cá trong đời sống sinh hoạt. Sau mỗi buổi lao động, có được: ‘Khẩu đón, tón pa khao” – tức là gạo trắng, miếng cá bạc là niềm vui chân chính của người lao động.
Theo truyền thuyết của người Thái, ngay từ khi sinh ra loài người đã có 330 giống cá dưới nước. Đây là một giai thoại gắn liền với văn hóa của cư dân lúa nước. Người Thái Tây Bắc rất coi trọng cá, vì cá không chỉ là nguồn thực phẩm quí, mà còn đem lại sự may mắn. Cá có thể được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon bổ dưỡng như cá xấy, cá nướng, cá ướp chua… Trong các đám cưới bao giờ cũng có món “pa pỉnh”, “pa pỉnh tộp”, “pa giảng” – tức là cá nướng, cá xấy đựng trong những giỏ nan hồng xinh xắn buộc từng đôi lại với nhau, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, góp phần xe duyên cho bao đôi lứa.
Người Thái Tây Bắc có rất nhiều cách bắt cá nhưng vui nhất là những cuộc bắt cá tập thể: “Hô pa” – hò cá, “xé pa” – chọc cá, “phá pa” – phá cá… đặc biệt là “phá pa vắng hảm” – phá cá ở vũng cấm.
“Hô pa” – hò cá: Cách bắt cá này chỉ cần từ năm đến mười người dàn thành hàng ngang, dùng gậy gỗ tươi bóc vỏ để có mầu trắng làm cho cá sợ. Mọi người vừa chọc cây xuống nước vừa hò hét xua cá vào nơi đặt vó đón đầu.
“Xé pa” – chọc cá:
Cách thức giống như “hô pa” nhưng đông người tham gia hơn, vui và bắt được nhiều cá hơn. Người dùng gậy chọc đuổi cá, người vác đá ném cho cá sợ chạy vào nơi đặt vó.
“Phá pa” – phá cá:
Cách này phải huy động cả bản xuống suối đuổi cá với một sự phân công lao động hợp lý: Nam giới dùng chài hoặc dùng tay không bắt cá trong các hốc đá, nữ giới dùng vợt xúc, còn trẻ em và  người già dùng vó đón nơi nước nông hơn. Không khí náo nhiệt, núi ngàn vang động tiếng reo hò.
“Phá pa vắng hảm” – phá cá ở vũng cấm:
Trước hết vũng cấm thường là những nơi suối sâu hay một quãng sông thuận lợi cho cá ở, được bản ra lệnh cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức từ hai đến ba năm cho cá sinh sôi phát triển và được cộng đồng tôn trọng, nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Vũng cấm được đánh dấu bằng cách cắm một tấm phên đan mắt cáo gọi là “ta leo”. Khi thấy lượng cá nhiều, trưởng bản mới cho phép và tổ chức đi đánh bắt cá tập thể.
Xưa kia vũng cấm là độc quyền của phìa tạo, còn ngày nay là quyền lợi chung của tất cả mọi người. Đây cũng là một hình thức “phá pa” nhưng ở nơi rất nhiều cá, lại tập trung số lượng người rất lớn đã chờ đợi bao năm nên vô cùng náo nhiệt, được coi như ngày hội của bản mường. Với các chàng trai bản thì đây là một dịp vô cùng quan trọng, được trổ tài để dành thêm tình cảm của người thương, bởi người con trai dân tộc Thái không chỉ phải giỏi làm nương, tài hoa trong tiếng khèn điệu pí, mà còn phải giỏi săn bắt thú rừng, đánh bắt cá… Sự lôi cuốn của ngày hội phá cá lớn đến mức khó ai có thể cưỡng lại được. Bởi thế người Thái có câu so sánh vô cùng tinh tế : “`Ăn nưng chụ van na, ăn nưng phá pa vắng hảm” – có nghĩa là: Một đường người tình nhờ làm ruộng, một đường  phá cá ở vũng cấm, biết đi đường nào? Thế mới biết sức lôi cuốn của ngày hội phá cá ở vũng cấm to lớn đến nhường nào. Chàng trai phân vân bởi bỏ bên nào cũng không đành lòng, dùng dằng khó quyết.
Điều thú vị là người đi qua đường cũng được tham gia và được chia công bằng như những thành viên trong bản. Tất cả mọi người đều háo hức  nhiệt tình tham gia bắt cá theo khả năng của mình và được hưởng thành quả theo nguyên tắc cùng làm cùng hưởng. Tiếng hò reo âm vang mấy núi làm cho niềm vui được nhân lên gấp bội, sự vui mừng mỗi khi bắt được những con cá to chẳng khác nào không khí hội xuân. Những con cá nhỏ đều được thả để chúng tiếp tục lớn lên,duy trì nòi giống. Sau cuộc bắt cá, vũng cấm lại đóng lại để cho cá sinh sôi, phát triển.
Những ai đã được chứng kiến ngày hội “phá pa vắng hảm” đều liên tưởng tới sức mạnh của cộng đồng trong thuở sơ khai để khai phá đất đai, trị thủy và chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân.
Ngày nay khi con người đang tàn phá thiên nhiên một cách thiếu ý thức, người ta đánh bắt cá bằng chất độc, bằng xung điện, bằng chất nổ… Nguồn thủy sản bị tiêu diệt từ những mầm sống nhỏ nhất, thì mỹ tục “phá pa vắng hảm” của nười Thái Tây Bắc thật là đáng quí, cần khôi phục và phát huy, bởi đó là thái độ sống biết trân trọng tự nhiên, hòa đồng với tự nhiên mang tầm văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét