Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Phố Hàng Thiếc


Phố Hàng Thiếc dài 136m, nối từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Nón. Là một phố nghề có từ lâu đời trong 36 phố phường của Hà Nội. Trong phố đa số là nhà cổ, gác nhỏ theo kiểu "chồng diêm."
Xưa kia phố thuộc thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương; nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Đây là phố của thợ thủ công chuyên làm những cây đèn thắp dầu lạc, cây nén, lư hương, ấm pha chè, khay đựng đồ uống chè, bao chè, chóp nón... bằng thiếc sau phát triển sang cả hàng bằng sắt tây. Vì thế mà người Pháp gọi là Rue des Ferblanties (Phố thợ làm hàng sắt tây), nhưng phố vẫn được gọi theo tên cũ là phố Hàng Thiếc.

Trải qua bao năm tháng phố Hàng Thiếc vẫn không thay đổi bao nhiêu, ngày ngày vẫn râm ran tiếng búa gõ vào những mảnh thiếc, mảnh tôn trắng lấp lánh, gò nên những sản phẩm thiết thực trong đời sống hàng ngày.
Và mỗi dịp tết Trung thu thì Hàng Thiếc lại nhộn nhịp thêm vì nhà nào cũng cắt sắt tây vụn ra làm các thứ đồ chơi cho trẻ em như ôtô, xe lửa, tàu thủy, máy bay, đèn quả đào có cô tiên, đèn bướm vỗ cánh, thỏ đánh trống.
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Phú Ðính, một trong những gia đình ngụ cư ở phố Hàng Thiếc còn theo nghề của cha ông. Ðến nay, hai con trai của ông đang nối nghiệp cha và là những người thợ có đôi tay vàng. Ông Ðính cho biết, tiền công làm nghề gò, hàn tôn này rẻ lắm nên những người mở hàng ở phố này chỉ buôn bán. Họ chỉ nhận đơn đặt hàng và đưa về làng quê thuê thợ gia công.
Khi đồ nhựa phát triển, ông Ðính cũng như những người làm nghề ở phố Hàng Thiếc cũng một dạo mất ăn mất ngủ vì lo sợ nghề gò, hàn tôn sẽ không còn đất sống. Qua nhiều biến động, hiện nay, thị trường lại có nhu cầu về các mặt hàng tôn. Thật bất ngờ khi chúng tôi được biết những chiếc thùng, xô, chậu, gầu múc nước bằng tôn chất đầy ăm ắp trong các cửa hàng sẽ đổ về các tỉnh thành trong cả nước, những người thợ lành nghề của phố vẫn tồn tại được với nghề.
Trong cuốn sách "Phố cổ Hà Nội," nhà văn Mỹ Lady Borton có đoạn miêu tả những thanh âm ở phố Hàng Thiếc: “... tiếng búa chát chúa đập kim loại vang lên từ sáng sớm cho đến tối mịt. Thợ thủ công Việt Nam đã duy trì nghề truyền thống đến tận ngày nay..."
Ngày nay người ta thấy rõ những nhu cầu thiết yếu, các mặt hàng gia dụng có ích có tác động tốt đến việc gìn giữ và phát triển truyền thống lâu đời của nghề thủ công.
Tuy số người giữ được nghề của ông cha ngày càng hiếm nhưng vẫn minh chứng cho một sức sống trường tồn của phố nghề Hà Nội. Chính họ là những người góp phần giữ gìn nét văn hóa cổ của Hà Nội, làm nên chất riêng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét