Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Phong lan chữa suy nhược và yếu sinh lý


Lan phi điệp không chỉ đẹp mà còn giúp chữa chứng suy nhược cơ thể hay thần kinh, đau họng, thiểu năng sinh dục ở nam giới. Loài lan này rở rộ vào tháng 3 đến tháng 5.
Hoa lan phi điệp nở thành những chùm xinh xắn màu trắng pha hồng, cánh môi cuộn thành hình phễu có đốm màu tím sẫm ở họng, luôn thu hút hàng đàn ong mật. Ở trạng thái mọc tự nhiên, nó mang tên hoàng thảo dẹt, hoàng thảo cẳng gà, huỳnh thảo, co vàng sào (Thái). Nếu được trồng trên những cành gỗ mục, treo ngoài gió để làm cảnh, nó lại được gọi là lan phi điệp hay phi điệp kép.

Hằng năm, nhân dân ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Lâm Đồng... thường thu hái, chế biến lan phi điệp và đem bán cho các cửa hàng thu mua dược liệu. Cả cây hái về, cắt bỏ rễ và lá, rửa sạch, ngâm nước, ủ cho mềm, bóc bỏ lớp màng mỏng bên ngoài rồi phơi hoặc sấy khô. Dược liệu là những đoạn thân hơi dẹt, có rãnh dọc, chia nhiều đốt gần sít nhau, phía cuống thuôn hẹp, phía ngọn dày hơn, chất chắc dai, màu vàng tươi.

Cây được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là thạch hộc hay kẹp thảo. Dược liệu đã chế biến có vị ngọt nhạt, hơi mặn, tính lạnh, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, sinh tân dịch, chỉ khát. Thạch hộc được dùng chữa hư lao, sốt nóng, khô cổ, ho, đau họng, khát nước thuộc chứng âm hư, nóng trong, đau lưng, chân tay nhức mỏi, ra mồ hôi trộm, thiểu năng sinh dục ở nam giới, di tinh, đau dạ dày, viêm ruột.

Khi dùng, đồ chín, tẩm rượu, thái nhỏ rồi hãm, sắc, tán bột hoặc làm viên uống. Liều dùng hằng ngày 8-16 g. Nếu dược liệu nhiều, có thể đem đập giập, cắt nhỏ, nấu với 3-4 lần nước, rồi cô thành cao lỏng (cứ 5 kg dược liệu được 1 lít cao). Ngày uống 4-8 ml chia làm hai lần.
Hồng Hạnh (Theo SK & ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét