Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Quả la hán trị bệnh hô hấp


La hán là quả của cây có tên khoa học Momordica grosvenori Swingle thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Quả này còn tên gọi khác như la hán quả, giả khổ qua, quang quả mộc miết… thuộc vào loại quả đặc sản của vùng Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Ngoài ra còn thấy La hán tại Quảng Đông hoặc Giang Tây, Trung Quốc. La hán giàu dược tính nên được dùng làm thuốc với tên gọi La hán quả đã được ghi đầu tiên trong sách “Lĩnh Nam thái dược lục”.
La hán tên dược liệu là Fructus Siraitiae Grosvenorii; quả được thu hái vào tháng 9 – 10 hằng năm, phơi hay sấy khô cất dùng dần. Khi sử dụng làm thuốc nên chọn quả lớn tròn, cứng chắc, lắc không kêu, vỏ có màu nâu vàng mới là loại tốt.
Đông y cho rằng quả La hán vị ngọt, tính mát, không độc đi vào hai kinh phế và đại trường (Quảng Tây Trung dược chí nói quy kinh phế và tỳ). Có công năng nhuận phế, lợi hầu, hóa đàm chỉ khát, nhuận tràng thông tiện. Do đó được sử dụng để trị ho phế nhiệt và đàm hỏa nội kết, viêm hầu họng, đại tiện bí kết (trị đàm hỏa ho, ho gà, huyết táo)… Để tham khảo và ứng dụng, xin giới thiệu những phương trị liệu tiêu biểu có La hán.
* Chữa viêm họng: Lấy quả La hán thái hãm với nước sôi, uống thay nước trong ngày.
* Chữa chứng viêm thanh quản (mất tiếng): La hán 1 quả, thái miếng sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít.
* Chữa ho gà: La hán 1 quả, hồng khô 25g, sắc lấy nước uống; hoặc La hán 1 quả, phổi heo bóp hết bọt 40g, hầm cùng nhừ, nêm gia vị ăn.
* Chữa ho đờm vàng quánh: La hán 20g, tang bạch bì 12g, sắc lấy nước uống trong ngày.
* Bổ phế (hỗ trợ trong trị lao): La hán 60g, thịt nạc lợn 100g, hai thứ thái lát cho hầm cùng, nêm gia vị đủ, ăn cùng cơm.
* Chữa táo bón: Dùng la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét