Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Rắn nấu cháo đậu xanh

Chỉ có người miền sông nước mới tận hưởng được món quà hào phóng của thiên nhiên miền nước sông ban cho như tôm, cua, rùa, rắn, nghêu, sò, ốc, hến… Trong các đặc sản đó, rắn là món ăn nhiều bổ dưỡng, là loại thuốc quí chữa được nhiều bệnh như tim mạch, thấp khớp…Rắn Lục và rắn Trung (loài rắn có hai đầu) trị u bướu, ung thư…
Rắn tuy là món ăn quý hiếm nhưng ở miệt đồng bằng, người nông dân muốn ăn rắn thì tìm bắt tương đối dễ dàng. Chỉ cần một cái lưới bén giăng ngang con rạch nhỏ, cắm cây cần câu có móc con trùn hổ trộn cám rang dưới mé kinh, hay đặt lờ gần miệng cống của cái ao sau nhà cũng có thể bắt được một chú rắn Ri cá mấp ú, một chị Ri dông hay Bông súng no tròn. Còn mấy chàng Hổ đất, Hổ mây, Hổ hành hay Hổ ngựa là loại rắn độc thì khó bắt hơn, nhưng những người có chút ít “tay nghề” vẫn bắt được dễ dàng.
Khi làm rắn, điều đầu tiên là phải cắt đầu và chôn sâu dưới đất kẻo gà bươi hoặc trẻ nhỏ lấy chơi đùa, chẳng may nọc rắn dính vào chỗ đứt tay có thể gây chết người như chơi. Muốn uống huyết rắn trị thấp khớp thì pha vào chút rượu trắng, quậy đều và uống sống. Thân rắn phải cạo sạch lớp vảy ngoài bằng cách trụng nước sôi hoặc hơ lửa.
Những món ăn làm từ rắn có thể chia làm hai nhóm: món khô và món nước. Món khô gồm:
Rắn xào lá cách: Thân rắn bằm nhuyễn rồi ướp tiêu, tỏi, đường, bột ngọt. Xào thịt chín mềm, lá cách non xắt nhuyễn bỏ vào đảo cho thơm thịt rồi nhắc xuống, ăn với bánh tráng dừa nướng giòn.

 Rắn nướng trui: Bắt được con rắn trên đồng, không có gia vị người ta trui con rắn trong lửa rơm, cạo cho tróc vẩy ngoài rồi nướng cho đến khi mỡ rắn chảy xèo xèo, da vàng hượm, nứt nở lộ ra lớp thịt trắng nõn, thơm lừng, hơi nóng còn bay nghi ngút, bẻ chia mỗi người một khúc chấm muối tiêu mà ăn, ngon không thua gì cá lóc nướng trui. Nếu rắn nướng tại nhà thì cách làm bài bản hơn. Rắn được dần xương (dùng bề lưng của dao mà dần) thật mềm, ướp đầy đủ gia vị rồi nướng, nướng trên than đượm, thỉnh thoảng rưới thêm mỡ, hành như nướng cá cho đến khi vàng, chín là được. Món này ăn với bánh tráng cuộn rau sống.

Món nước, có rắn nấu cháo đậu xanh là “ấn tượng” hơn cả. Thân rắn làm sạch chặt khúc, bỏ vào nồi cháo đậu xanh đang sôi sùng sục, cháo nhừ thì thịt rắn cũng vừa mềm, vớt thịt ra để nguội, nêm nếm nồi cháo cho ngon ngọt rồi xé nhỏ thịt rắn, chấy với hành tỏi thật thơm đổ trở lại nồi cháo, riu riu lửa cho cháo luôn giữ độ nóng vừa phải. Nếu thích ăn béo thì vắt thêm nước cốt dừa. Vị cháo béo ngậy nhờ đậu xanh và nước cốt dừa, da rắn dòn dòn, thơm phức, thịt rắn ngọt hơn thịt gà, mùi gừng, mùi tiêu bốc lên nồng nàn. Người ăn phải chịu khó đi múc cháo còn nóng hừng hực trên nồi mới đảm bảo được độ nóng sốt. Người bị cảm cúm ăn chén cháo rắn đậu xanh, mồ hôi nhễ nhại, có khi khỏi cần dùng thuốc cũng hết bệnh.

Rắn Ri cá, Bông súng hầm với măng mạnh tông hoặc đu đủ cũng rất hấp dẫn. Đu đủ hầm với rắn làm cho thịt mau mềm, miếng đu đủ cũng ngọt lịm. Món hầm đặc biệt này vừa ngon miệng vừa có độ đạm cao, nhiều dinh dưỡng.
Thức ăn về rắn còn “biến tấu” nhiều món khác nữa như phơi khô, nấu cà ri, xào hành, xào sả ớt…Mỗi món có một mùi vị khác nhau nhưng cánh đàn ông không nên quên hũ rượu rắn vì đó là món thuốc hay, thuốc quí nên uống một ly “mắt trâu” trước mỗi bữa ăn để bồi bổ khí huyết, còn phụ nữ chẳng may bị bệnh hiểm thì nhờ người bắt cho được 7 loại rắn (trong đó phải có rắn Lục) đốt thành than hoặc ngâm rượu, uống thường xuyên sẽ thấy giảm bệnh rất nhiều.
Ăn thịt rắn! Uống rượu rắn! Nghe qua, người yếu bóng vía le lưỡi, lắc đầu, sợ hãi con vật nhỏ nhoi mà mang trong mình chất độc giết người nhưng thật ra chất nọc của nó, thân xác của nó đã phục vụ cho con người rất nhiều trong việc chữa bệnh và bồi bổ cơ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét