Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Sự Tích Lễ Đắp Núi Cát

Đây là cuộc lễ quan trọng nhất của ngày vào năm mới. Ngày xưa, người ta có thể đắp núi cát kể từ ngày 1 tháng 5 ( tháng Chétt) đến cuối tháng gọi là BUÔN PHNOM KSACH, tùy theo hoàn cảnh thuận tiện của mình. Các ngọn núi này là biểu tượng của tất cả những ngọn núi lớn của khoa thiên văn học Ấn Độ thuộc đạo Bà La Môn mà ngọn núi chính giữa là ngọn Tudi ( Méru) - trục của thế giới. Các ngọn khác án theo bốn phương tám hướng, mỗi ngọn đều có tên riêng. Đó là theo truyền bá của đạo Bà La Môn trước khi Phật Giáo được đồng bào Khmer thờ phụng và cổ tục này được gìn giữ từ đời này qua đời khác.

Đối với đạo Phật thì ngọn núi cát tượng trưng cho ngôi tháp PREAH CHOLAMONI CHÉT ĐÂY ở TAVAKTƯNG là từng trời thứ 3 ( theo đạo Phật thì Trời có 16 từng), nơi cất giữ mớ tóc của Đức Phật Thích Ca cắt bỏ lúc trốn nhà tầm đạo. Theo Phật sử thì trong đêm thái tử Si Đạt Ta lén ra khỏi hoàng thành với người hầu tên Sa Nặc, khi cỡi ngựa bay qua sông "AKNÔMA NATI" ngài dừng lại vái rằng nếu sau này ngài đắc đạo thì mớ tóc của ngài cắt bỏ sẽ bay đi mất, còn trái lại nó sẽ rớt xuống đất. Vái xong ngày cầm gươm cắt tóc quăng lên không. Trên trời, có 2 vị chư thiên cầm cái ô vàng hứng tóc đem cất trong ngôi tháp. Do đó sau này người ta đắp núi cát là để tưởng nhớ đến tích này.

Vì sử sách truyền lại ghi cả 2 nguồn gốc nên người Việt gốc Khmer không thể quả quyết rằng thuyết nào đúng vì sự tích nào cũng có lý cả. Họ tin tưởng rằng: cứ mỗi một hột cát do tín đồ đắp lên thành núi sẽ giải thoát được một kẻ có tội thế gian. Thế nên họ rất hăng hái thi hành nhiệm vụ, những mong đức Phật thấy sự khổ cực của mình mà ban phước lành cho.

Đối với người tin đạo Bà La Môn thì đắp núi cát là cử hành lễ PRADAKA HINA để bắt chước theo đoàn chư thàn đi theo vi thiên tôn - con Ngọc Đế Indra, đi vòng quanh ngọn núi Tudi, và mong mỏi các đấng thiên liêng xua đuổi ma quỷ ám ảnh linh hồn mình.

Lê Hương ( 1969) Sự Tích Lễ Đắp Núi Cát. Người Việt Gốc Miên.
Khoa Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét