Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Sự Tích Lễ Chol Chnam Thmay, của đồng bào Khmer

Chịu ảnh hưởng của đạo Bà la Môn và của đạo Phật hệ phái Tiểu Thừa, người Khmer ăn Tết khác hơn người Việt, người Trung Quốc hay người Tây Âu. Ngày tết của đồng bào Khmer được gọi là "Chol Chnam Thmey". 

Theo khoa thiên văn truyền từ Ấn Độ sang thì người Khmer tính ngày đầu năm bằng hai lối vào:

CHOL: tính theo sự vận chuyển của Mặt Trăng và đánh dấu việc thay đổi 12 con thú tượng trưng của 12 con giáp trong một kỳ ( người Khmer cũng lấy hình tượng 12 con như người Việt để tính năm nhưng chỉ khác là họ lấy hình tượng con Thỏ thay cho con Mèo và con Bò thay vì con Trâu như người Việt).

CHNAM: tính theo sự vận chuyển của Mặt Trời và đánh dấu bước đầu năm mới.

Thường CHOL được tính vào đầu tháng CHÉTT là tháng 5 âm lịch của người Việt, nhằm khoảng giữa tháng 4 dương lịch còn CHNAM thì thay đổi tùy theo Trăng tròng và khuyết nhằm ngày 12, 13 hay 14 âm lịch.

Giờ vào năm mới của người Khmer không giống giờ của người Âu hay Á là cứ vào nữa đêm lúc không giờ là giao thừa mà giờ cứ thay đổi luôn. Năm 1966, giờ giao thừa nhằm 9 giờ đêm ngày 13 tháng 4, năm 1967 giao thừa vào 5 giờ 21 phút sáng ngày 14 tháng 4.

Giữ gìn đúng theo tập quán nghìn xưa, người Khmer cứ ăn tết vào những ngày khác nhau như thế, luôn luôn được tổ chức ở những ngôi chùa thờ Phật và nhờ những quyển Đại Lịch để bói xem năm mới tốt hay xấu. Điều này là do tin vào huyền thoại Bà la Môn về vị thần Bốn Mặt như sau:

Từ thuở Ngọc Đế Indra tạo nên Trời Đất, có một vị Quốc Vương sanh được một vị Hoàng Tử thông minh đỉnh ngộ tên là Thommbal.

Vừa mới lên năm, Hoàng Tử Thommbal đã bắt đầu học. Người học đâu nhớ đấy, học một biết hai. Đến năm bảy tuổi, Hoàng Tử thông thuộc cả bộ sách thiên văn, bói toán, luật lệ, khinh điển của chư vị thần linh.

Nhà Vua rất hài lòng về đứa con quý, truyền bá quan xây cất một dinh thự giữa khu vườn rộng để Hoàng Tử thuyết pháp. Ngày đầu tiên ở tư dinh, ngài mời đồng bào đến nghe ngài thuyết giảng về lời khuyên của Chư Thiên về trong việc giữ gìn hạnh phúc ở đời. Hoàng Tử được đồng bào hoan nghinh nhiệt liệt vì đấy là lần đầu tiên người trần gian được nghe giảng đạo lý. Những ngày tiếp theo, Hoàng Tử đem những điều học hỏi truyền bá khắp dân gian. Người đời bấy giờ gọi Hoàng Tử là nhà hiền triết, tiếng Bắc Phạn ( Sanscrit) gọi là DHARMAPLA tức là nhà gìn giữ pháp luật.

Tiếng khen nhà hiền triết Thommabal - vị đông cung Thái Tử mới bảy tuổi đã quá thông kim cổ bay tối thiên đình. Vị thần KABINH MAHAPRUM là vị thần có bốn mặt chuyên xuống trần thuyết pháp dạy đời nghe qua liền nổi lòng ghen tức. Thần tìm cách hại Thommabal để củng cố địa vị lung lai của mình. Nghĩ xong thần liền bay xuống dinh và gọi ông hoàng tí hon ra mà rằng:

"- Ta là Kabinh Mahaprum, chắc thái tử thường nghe tiếng. Ta không ngờ thái tử thông minh đến thế, đã thu phục được rất nhiều người hâm mộ. Nhưng ta chưa hẵn tin tài thái tử nên mới tìm thái tử để thử xem có đúng như lời đồn hay không? Ta sẽ đánh cuộc với thái tử bằng cách hỏi thái tử ba câu hỏi. Giao hẹn trong bảy ngày ta sẽ xuống nghe câu hỏi. Nếu thái tử đáp đúng ta sẽ cắt đầu trước mặt thái tử. Còn trái lại thái tử phải dâng đầu cho ta."

Thommabal không thể chối từ và hơn nữa ngài cũng tự tin ở vốn kiến thức của mình nên ngài nhận lời.

Vị thần hài lòng và nói tiếp:

" - Ta hỏi thái tử:
Câu thứ nhất: Buổi sáng cái duyên* con người ở đâu?
Câu thứ hai: Buổi trưa cái duyên con người ở đâu?
Câu thứ ba: Buổi tối cái duyên con người ở đâu?"
(* Duyên là vẻ đẹp, nét thanh tao của con người. Người khmer rất chú trọng đến nét duyên dáng của mình - Lê Hương).
Nói xong thần cỡi mây về trời.

Hoàng Tử Thommabal suy nghĩ suốt ngày không ra lời giải. Ngày đi quanh quẩn trong vườn từ sáng đến trưa cho đến hết ngày thứ năm vẫn chưa nghĩ ra câu trả lời nên Hoang tử đâm ra hoảng sợ. Ngài nghĩ, chờ đến ngày thứ bảy, thần Kabinh Mahaprum xuống hỏi mà ngài không trả lời được thì chắc chắn là ngài phải mất đầu. Sáng hôm thứ sáu, ngày trốn khỏi dinh và chạy càng vô rừng. Chạy suốt sáng, bụng đói, chân mỏi ngày ngồi dựa gốc cây Thốt Nốt nghỉ mệt. Lúc ấy trên ngọn cây có 2 con linh điểu chuyên ăn thịt sống tên là "SÁT ANGRY" đang nói chuyện với nhau. Con chim mái hỏi chồng:

" -Ngày mai chúng ta sẽ đi ăn ở đâu?"

Chim trống đáp:

" - ngày mai là đúng ngày thần Kabinh Mahaprum hẹn với Hoàng Tử Thommabal. Chắc chắn là Hoàng Tử sẽ bị ngài cắt đầu; chúng ta sẽ ăn thịt hoàng tử"

Chim mái hỏi:" tại sao Hoàng tủ bị giết? "

Chim trống trả lời:" Vì thầm hởi 3 câu mà hoàng tử không đáp được thì tự nhiên phải mất đầu"

Chim mái ngạc nhiên liền hỏi: " Vậy 3 câu hỏi đó là ba câu gì mà người thông thái như hoàng tử không không giải đáp nổi?"

Chim trống đáp: " thần hỏi: buổi sáng, buổi trưa, buổi tối cái duyên con người ở đâu?"

Chim mái tò mò:" vậy ông có biết không?"

Chim trống cười quàng quạc:

" Có gì mà không biết? này, buổi sáng cái duyên con người ở mặt, nên người ta rửa ráy sạch sẽ sau khi thức dậy. Buổi trưa cái duyên con người ở ngực nên người ta tắm mát. Buổi tối cái duyên người ta ở chân nên người ta rửa chân buổi tối trước khi đi ngủ." 

Hoàng tử Thommabal nghe chim nói mừng rỡ khôn cùng, lật đật trở về dinh.

hôm sau, đúng hen, thần Kabinh Mahaprum cầm gươm vàng bay xuống. Hoàng tử Thommabal quỳ lạy nghinh tiếp và trả lời ba câu hỏi của thàn đúng như lời chim Sát Angry nói.

Vị thần thua cuộc, ngửa mặt lên trời gọi bảy đứa con gái của thần đến và truyền rằng:

"Cha thua trí hoàng tử này và theo lời hứa, cha phải tự cắt đầu tức khắc. Các con hãy nghe lời cha dặn: đem đầu cha để trong một ngôi tháp, đừng cho người trần chạm đến vì nếu bỏ đầu xuống biển thì biển cạn khô. Quăng lên trời thì không có mưa. Để trên mặt đất thì đất khô cứng."

Phán xong thần rút gươm vàng tự cắt đầu mình trao cho đứa con gái lớn tên TUNGSA. Thân mình thần hóa thành luồng khói xanh bay vút lên cao.

Vị nữ thần để đầu trên cái ô * vàng, cùng sáu cô em đưa vào ngôi tháp xây trong cái hang thủy tinh gọi là "DHAMMAKHANTOLINADI" trên đỉnh núi KALASS, trong khu rừng yên tĩnh nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn. ( cái ô ở đây giống như cái hộp hay cái thố của đồng bào khmer chứ không phải là cái ô tức là cây dù như tiếng miền bắc).

Từ đó về sau, mỗi năm một lần, đúng ngày thần Kabinh Mahaprum tự sát, bảy cô con gái của thần xuống trần, vào tháp bưng đầu lâu bốn mặt của cha đến núi Tudi , đi theo hướng Mặt Trời vòng quanh chân núi 3 lần trong 60 phút. Mỗi năm một cô gái bưng một lần theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ. Ví như ngày vào năm mới tính nhằm Chúa Nhật thì đó là do cô con gái lớn tên là TUNGSA hướng dẫn, cỡi trên thần điểu Garuda. Ảnh hưởng của những vị tiên nữ này sẽ đem lại niềm hạnh phúc hay sự buồn rầu suốt năm tùy theo tâm tánh của mỗi vị.

Cùng đi theo đoàn có một vị thiên tôn con của Ngọc Đế Indra hướng dẫn một toán chư thần gọi là TEP NIKAR AMADEK tổng số là một triệu lần mười muôn người. Các chư thần mặc áo rất đẹp, ướp nước hoa thơm ngát.

Đi ba vòng chân núi xong, vị nữ thần đem đầu cha vào tháp. Sau đấy, tất cả chư thần và vị thiên tôn xuống hồ ANOTTAKTAK tắm rửa. Hồ này là một trong bảy cái hồ của dãy Hy Mã Lap Sơn có một mảnh đá kim cương phun nước mát dịu. Mảnh đá này chính là miệng của con Bò tót thần tên là USACHHRAJA. Trong lúc ấy, vị thần điêu khắc của thượng giới là VISSAKARMA dựng một ngôi đền lấy tên là DHAMMA SUB HÂGA SALA và mời chư thần vào hưởng mọi điều vui sướng, an nhàn, trường sanh bất tử." 

-------------------------------------------------------

Ngày đó là ngày bắt đầu "vào năm mới" của người Khmer. Theo sử sách thì thì do cuôịc lễ rước đầu lâu, các nhà thiên văn, bói toán mới tiên đoán trước được thiên hạ được hưởng cảnh thái bình, hạnh phúc hoặc loạn lạc, đau thương.

Các vị thiên tôn con của Ngọc Đế Indra đi theo đám rước đều thay đổi mỗi năm một vị chiếu theo số 12 con giáp trong một kỷ. Qua 12 năm thì vị thứ nhất trở lại. Mỗi vị ăn thực vật, cỡi thú, ăm mặc và sử dụng khí giới khác nhau. Người ta luận theo những điều ấy mà luận đoán điều hung kiết cho năm mới. Ví như năm 1965, vị thần ra đời là REAKABÓSTÉVEA là vị thần chuyên uống máu ( không dùng hoa quả, ngũ cốc) là điềm trong nước có cảnh giết chóc, máu đổ thịt rơi. Thần mặc sắc phục đen là điềm buồn rầu chia ly. Tay mặt thần cầm cung, tay trái cầm chĩa ba là là loại khí giớ bằng kim khí, ứng vào họa chiến tranh biến đổi từng giai đoạn. Thần cỡi Heo là con thú ngu ngốc, dơ dáy nhất, ứng vào đường lối không sáng suốt. Trên mão thần có viên ngọc MÔRA soi sáng và ở phía sau hai lổ tai thần có 2 cái bông Sen là điềm Phật Giáo được thịnh hành, rọi khắp nhân gian.

Năm 1966, vị thiên tôn tên Monntia Têvia, mặc y phục màu xanh lợt, đeo ngọc "Piktu", gắn bông sứ trên mép tai, tay mặt cầm chỉa ba, tay trái cầm gươm, cỡi Lừa và uống sữa.

Năm 1967, vin thiên tôn tên là Kếtminh Têvia mặc y phục trắng, đeo ngọc "BốtsaraKham" màu vàng, gắn hoa "ChanKôn Lanây" trên mép tai, tay mặt cầm gươm, tay trái cầm miếng đá mài gươm, cỡi Trâu và ăn chuối.

Đối với người Khmer, ngày lễ đầu năm là ngày lễ về tôn giáo, là một dịp tẩy sạch những bợn nhơ trong năm cũ để bước vào cuộc đời mới thanh khiết, vui tươi hơn năm qua.

Suốt bốn ngày đầu, mọi người phải don dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, lau chùi tất cả vật dụng và đốt tất cả các ngọn đèn, thắp hương thơm, cắm hoa tươi, treo bông kết hoa để đón thỉnh chư thần Tevôđa đến. Theo thần thoại Bà La Môn thì thần Têvôđa là vị thần coi sóc thiên hạ, giúp đỡ người tốt, cứu kẻ nguy khó. Trong bốn ngày này, người ta kiêng cử mọi điều rất ky lưỡng. Vợ chồng không gần nhau, không giết hại loài vật trên mặt đất hoặc bay trên không hoặc lội dưới nước. Không mua bán món gì, Không tính toán chuyện gì cả. Trong các cuộc tiếp xúc với nhau, người ta tránh cãi cọ, gây gỗ, đánh lộn, nguyền rủa, nói láo, bêu xấu, không nặng lời người giúp việc, kể dưới mình để giữ gìn sự yên ổn mấy ngày đầu năm hầu được hưởng điều vui vẻ cả năm. 

Trong chùa, quá quý Sư Sãi quét chánh điện, phòng thuyết pháp, dọn dẹp bàn phật, dẫy các đống mối đùn lên. Công tác này thường được các Phật tử gánh vác gọi là làm công quả.

Ngoài sân chùa người ta đắp tám ngon núi cát, bốn góc núi có làm hàng rào Tre ghép sơ sài gọi là vòng thành hoặc đắp tám ngọn núi vòng quanh ngôi chùa. 

Nếu đắp ở giữa sân thì ngọn ở giữa tượng trưng cho núi Tudi ( Méru) phải lớn và cao hơn bảy ngọn kia. Bảy ngon núi nhỏ tượng trưng cho bảy ngon núi vây quanh thần Sơn Trục tudi ( theo huyền thoại Bà La Môn, núi Tudi là trục của thế giới). Ngọn núi ở giữa sân có bốn cửa ở bố góc xay vào bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, xung quanh để tám bàn thờ các vị thần xoay về tám hướng và một bàn thờ thứ chín để ngay ở phương Đông thờ thần PREAH YOMORAC tức là đức Diêm Vương YÂMA. Nếu là núi đắp xung quanh chùa thì 8 ngọn núi phải bằng nhau. Dưới ánh nắng như thiêu tiết tháng 4, hàng đoàn người vui cười hễ hả, kéo nhau quảy gánh gánh cát vào chùa đắp núi cho thêm công đức.

Theo Lê Hương (1968)

Khoa Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét