Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Tắc kè Bảy Núi

Phát hiện tắc kè được dân nhậu xếp vào nhóm món ăn “đại bổ” và kháo nhau rằng ăn tắc kè làm tăng cường sinh lực, nhiều người dân vùng Bảy Núi đã đầu tư chuồng trại, tổ chức nuôi loài bò sát “giàu sang” này.

Ông Huỳnh Ngọc Bích (ngụ tổ 5, ấp Phú Hoà, xã An Phú, Tịnh Biên) là người đầu tiên dám nghĩ đến chuyện nuôi tắc kè thương mại. Mấy năm trước tình cờ thấy mấy cái trứng to bằng ngón tay cái trong hốc nhà nở ra thành tắc kè con nên ông Bích tò mò bắt nuôi chơi.
Nhiều ngày ông Bích quên cho ăn uống đến khi kiểm tra lại thấy tắc kè vẫn sống. Ngạc nhiên trước sức sống mạnh mẽ của loài bò sát này ông Bích đã xây chuồng, tìm mua tắc kè khoẻ mạnh thả nuôi. Bảy năm trước vùng Thất Sơn hầu như nhà nào cũng có tắc kè xuất hiện nên chuyện ông Bích nuôi tắc kè được xem là… chuyện quái.
Ông Bích rào lưới sắt xung quanh chuồng nuôi, đặt các bộng cây, xây hốc đá cho tắc kè ẩn nấp. Dọc theo chuồng nuôi ông mắc các bóng đèn, tối đến bật lên dụ côn trùng bu đậu cho tắc kè săn mồi. Mồi tắc kè là sâu bọ, cào cào, châu chấu... Tắc kè nhìn xù xì mốc thếch nhưng chúng là bò sát sạch, không ăn mồi chết và ruồi nhặng.
Sức sống mạnh, thích nghi nhanh nên tắc kè nuôi trong chuồng rất ít bệnh tật, chết bậy. Chúng thường đẻ vào các mùa khô, mỗi năm đẻ 2 – 3 lần, mỗi lần từ 5 – 8 trứng. Tắc kè mẹ không cần ấp trứng, đẻ xong chúng bỏ đi, trứng tự nở. Tắc kè con nuôi khoảng một năm nặng trên 100g bán với giá vài chục ngàn đồng.
Mô hình nuôi tắc kè hoang dã của ông Bích đã được chi cục Kiểm lâm An Giang đánh giá cao nên cấp giấy phép hoạt động và trợ vốn giúp ông Bích mở rộng “cơ ngơi” nuôi tắc kè. Nhờ đó ban đầu chỉ vài trăm con đến nay số lượng tắc kè đã lên đến hàng ngàn con.
Tắc kè giống ông Bích bán ra thị trường với giá từ 15.000 – 30.000đ/con tuỳ theo kích cỡ. Còn tắc kè thịt (từ 30.000 – 40.000đ/con), dân Sài Gòn đặt hàng liên tục với số lượng rất lớn, nuôi không kịp bán.
Từ hiệu quả nuôi tắc kè kinh tế của ông Bích nhiều hộ dân vùng Bảy Núi đã tính tới chuyện đầu tư nuôi tắc kè. Trong đó có ông Nguyễn Văn Côi (xã Núi Voi, Tịnh Biên) đầu tư vốn khá lớn vào việc nuôi tắc kè. Đến nay ông Côi đã cung ứng hàng ngàn con tắc kè cho thị trường và hiện trong chuồng còn nuôi giữ gần 500 con tắc kè thịt, giống.
Ông Phạm Hồng Ựng (ấp Nhứt, xã An Phú, Tịnh Biên) mạnh tay hơn khi dám phá bỏ 3,5 công đất vườn cho thu nhập ổn định để xây chuồng nuôi tắc kè và các loài thú hoang dã khác.
Không những thả trong chuồng, ông Ựng còn thả nuôi tắc kè trong các kẹt tủ, kẹt nhà… Ông Ựng cho biết, nếu nuôi lâu tắc kè rất ít bỏ đi. Ông Ựng nhẩm tính nếu thả nuôi 30 – 50 con tắc kè giống thì mỗi năm có thể thu 150 tắc kè con. Sau 7 – 8 tháng thì bán được, trừ hết chi phí còn lãi hơn 5 triệu đồng.
Hiện ông Ựng đang làm thủ tục vay ngân hàng để xây dựng chuồng trại nuôi tắc kè quy mô lớn rồi gầy dựng thương hiệu tắc kè Bảy Núi.
Được biết, tại Bảy Núi, món cháo tắc kè và tắc kè nướng luôn được người dân và khách du lịch ưa chuộng. Một nồi cháo tắc kè 10 người ăn các quán ăn, nhà hàng, khách sạn bán từ 500.000 – 800.000đ, tắc kè nướng con 50.000đ. Một số nơi cũng làm khô tắc kè bán 50.000đ/con.
Theo ông Ựng thịt tắc kè màu trắng thơm ngon hơn thịt gà, thịt tắc kè bổ nhất là cái đuôi nên tắc kè bị đứt đuôi giá giảm hơn phân nửa.
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét