Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tết cổ truyền của dân tộc Khơ Mú


Cũng như người Kinh, đông bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái ăn tết cổ truyền Mạz chiêng theo tết Nguyên đán, vào khoảng 27-28 tháng chạp là thời gian đồng bào tích cực làm các công việc chuẩn bị cho ngày tết như; củi lửa, các nguyên liệu gói bánh chưng, lương thực thực phẩm, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa và đặc biệt hơn là phải chuẩn bị một con lợn cúng tổ tiên, ma nhà trong dịp tết.
Phong tục đón tết của người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn khá độc đáo và đặc sắc. Điểm nổi bật trong ngôi nhà của đồng bào trong dịp tết đó là hai bàn thờ; bàn thờ ma nhà và bàn thờ thổ công được trang hoàng lộng lẫy, sặc sỡ với các loại giấy màu đỏ được trang trí khắp khu vực bàn thờ trong những ngày tết.
Giấy đỏ theo quan niệm của người dân là biểu tượng cho hạnh phúc và may mắn. Theo tập quán, trước ngày 30 tết nhà nào cũng phải dựng bàn thờ này đón tổ tiên về chơi xuân ăn tết và kết thúc ngày 15 tháng riêng dỡ bỏ để tiễn tổ tiên.
    
Theo tập quán truyền thống đêm 30 tết, sau giao thừa, nhà nào cũng mổ một con gà trống thiến để xem chân gà với quan niệm dự đoán những điều may rủi cho năm mới của gia đình. Những người cao tuổi nhất trong nhà sẽ đảm nhiệm việc thăm chân gà với những nguyên tắc xem chân gà truyền thống, đồng bào xem để cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Cùng với các phong tục trong ngày đầu năm, sau giao thừa các cụ già trong gia đình thường nghe trong lúc đi ngủ từ đêm giao thừa đến sáng xem con vật gì sẽ kêu trước. Người dân cho rằng sau đêm giao thừa, nếu con gà kêu trước thì năm đó sẽ mất mùa vì gà lúc nào cũng ăn. Nếu lợn hay chó kêu trước, đồng bào quan niệm năm đó sẽ được mùa và no đủ vì chó thì sang, lợn thì sung túc. Nếu năm đó con mèo kêu trước thì sẽ có nhiều chuột đến phá nương rẫy của đồng bào.
Tục lấy nước vào buổi sáng là một tập quán độc đáo, cách ứng xử của người dân với môi trường và các quan niệm về vai trò nước trong cuộc sống. Sáng sớm tinh mơ ngày mồng một tết, bà chủ gia đình là người dậy thật sớm và địu ống bương ra khe lấy nước mới. Theo quan niệm dân gian, trong năm mới người dân phải dùng nước mới để lấy may. Bà chủ nhà địu nước mới về trước tiên cho mỗi người trong gia đình uống một ngụm nước nhỏ để lấy may, sau đó mọi người đều rửa mặt và chân tay bằng nước mới.
Nếu gia đình nào không đi lấy nước mới trong ngày đầu năm, người ta cho rằng cả năm đó gia đình ấy sẽ không gặp may mắn, năm mới làm ăn không tốt đẹp như năm cũ.
Trong ngày mồng một đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú. Người có vía dữ hoặc là nữ giới đến xông nhà ‘thì cả năm đó gặp xui xẻo. Chính vì vậy mà người xông nhà thường được người dân lựa chọn và chuẩn bị trước cho gia đình và nhất thiết người xông nhà đó phải là nam giới.
Cũng với quan niệm như vậy, trong ngày mồng một đầu năm, đồng bào kiêng những người làng này sang làng khác chơi hay chúc tết vào ngày đầu năm, đồng bào cho rằng nếu đi sang làng khác vào ngày đầu năm thì mọi của cải trong làng sẽ đi theo mà làm cho bản làng mình sẽ đói kém trong suốt năm đó.
            Trong ngày tết cổ truyền, mỗi gia đình đều phải mổ một con lợn dù to hay nhỏ để cúng tổ tiên, lợn cúng tổ tiên và ma nhà của đồng bào Khơ Mú không mổ trước tết mà tùy thuộc vào từng gia đình và những kiêng kị mà họ sẽ mổ lợn cúng vào ngày mồng một, mồng hai hay mồng ba tết. Khi mổ lợn, gia chủ mời dân làng tới dự và ăn tết cùng gia đình. Đây là dịp gia chủ cảm ơn bà con lối xóm trong một năm đã giúp đỡ gia đình và là dịp để mời dân làng uống rượu.
                     
                             Mâm cỗ ngày tết của người Khơ Mú
                      
Sau ngày mồng một, dân làng đi chúc tết nhau và tới dự lễ mổ lợn cúng và ăn tết tại các gia đình, theo tập quán con cháu cùng bố mẹ đi chúc tết và mừng thọ ông bà, đáp lại ông bà thường mừng mỗi cháu một đôi bánh chưng lấy may cùng với các lời chúc phúc, dặn dò con cháu luôn luôn ngoan ngoãn nghe lời người lớn và ông bà. Do vậy, trong ngày tết, đồng bào Khơ Mú thường làm rất nhiều bánh chưng để mừng tuổi con cháu, bánh chưng của đồng bào thường được gói từ sau ngày mồng một tết sau khi đã mổ lợn cúng để lấy thịt lợn làm nhân bánh. Đồng bào ăn tết cho tới rằm tháng giêng nên bánh chưng được gói liên tục nếu trong nhà hết bánh. 
Trong dịp tết cổ truyền là dịp để đồng bào Khơ Mú thăm hỏi chúc phúc cho nhau, cũng là dịp nghỉ ngơi để giao lưu gặp gỡ, mọi người cùng vui mừng năm mới, uống rượu đánh chiêng trống, tổ chức các hội xòe, múa các điệu múa truyền thống và tổ chức các sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống.
Đồng bào ăn tết cổ truyền cho tới rằm tháng giêng mới kết thúc, vào ngày này (15 tháng giêng âm lịch) gia đình làm lễ “đuổi ma” về rừng và kết thúc tết cổ truyền Mạz chiêng, bàn thờ được dỡ bỏ và từ hôm sau mọi người lại bắt đầu các công việc thường ngày bận rộn với nương rẫy, ruộng vườn.
Vào ngày kết thúc lễ tết cổ truyền, người dân kiêng đi chơi, kiêng ra đường với quan niệm đây là ngày các gia đình thả ma về rừng, tiễn biệt các cụ tổ tiên sau khi đã mời về ăn tết, do đó người dân sợ ra đường vì cho rằng sẽ gặp ma sau khi đã kết thúc những ngày chơi xuân ăn tết tại trần gian.
Và còn rất nhiều phong tục tập quán hay, đẹp trong ngày tết cổ truyền của đồng bào Khơ Mú không thể giới thiệu hết. Tết Mạz chiêng như lời gợi mở để du khách đến vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú khám phá vẻ đẹp và những điều thú vị trong ngày tết cổ truyền và các phong tục tập quán của người dân nơi đây.

Tết vùng cao: Giao thừa đoán vận


TTO - Không chỉ kiêng người lạ xâm phạm bếp thiêng trong nhà, đồng bào Khơ Mú còn có những điều kiêng kỵ gắn liền với phong tục, tập quán sinh hoạt hằng ngày, nhất là dịp lễ tết

Tết vùng cao: Giao thừa đoán vận - Ảnh 1.
Một trò chơi dân gian ngày tết của các dân tộc thiểu số ở Sa Pa, Lào Cai - Ảnh: NGỌC BẰNG
Phong tục của chúng tôi: ở bếp thứ nhất nấu thức ăn là nơi chủ nhà và khách ngồi hút thuốc, uống trà. Riêng hai bếp còn lại là nơi thiêng, người lạ không được vào để tránh kinh động tổ tiên và góc riêng của gia chủ
Ông VÌ VĂN SÂN (78 tuổi, ở Nghĩa Sơn)
Người Khơ Mú cư trú ở các tỉnh Tây Bắc, Bắc Trung Bộ chỉ hơn 70.000 người. Vốn có nguồn gốc di dân từ Lào và không có chữ viết riêng, người Khơ Mú ở Việt Nam vẫn giữ cho mình bản sắc văn hóa độc đáo được truyền đời qua tiếng nói vào tập tục sinh hoạt hằng ngày.
Bốn góc nhà, ba góc bếp
Đi qua từng thôn bản nhỏ ở xã Nghĩa Sơn, anh cán bộ Đoàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) chỉ chúng tôi xem những nếp nhà sàn kèm lời thuyết minh: Đây là bản của người Thái, đây là thôn của người Khơ Mú. 
Nếu để ý sẽ thấy dù cũng là nhà sàn nhưng nhà sàn của người Thái và người Khơ Mú có những nét riêng không lẫn vào đâu được.
Theo nghệ nhân Vì Văn Sang (74 tuổi, người Khơ Mú), nhà ở truyền thống của người Khơ Mú vốn là kiểu nhà nửa sàn nửa đất và thường được làm ở triền đồi cao ven nương rẫy để tránh thú rừng. 
"Ngày xưa người Khơ Mú chúng tôi làm nhà sàn rất thấp, chỉ sau này mới có điều kiện làm nhà sàn cao như bây giờ" - ông Sang nói.
Không như một số dân tộc sử dụng phần gầm sàn làm nơi sinh hoạt hay chứa nông cụ, nông sản, người Khơ Mú coi phần gầm sàn là nơi thiêng nhất trong ngôi nhà, thậm chí ngày thường không dám xâm phạm, trừ việc quét dọn trước mỗi đầu năm mới. 
Chỉ đến cách đây 5-6 năm, người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn mới "phá niêm" và gầm sàn trở thành nơi ngồi hóng mát, uống trà và tiếp khách.
Đầu hồi nhà sàn của người Khơ Mú có hình con ốc sên, vừa có tác dụng trang trí, cầu mong sự giàu có, vừa nhằm dọa tà ma không cho đến gần. 
Đặc biệt, bên trong ngôi nhà sàn của người Khơ Mú có đến ba bếp lửa nằm ở ba vị trí khác nhau tạo nên nét đặt trưng "bốn góc nhà, ba góc bếp" không thể tìm thấy ở các dân tộc khác. 
Lên hết bậc cầu thang ở phía đầu hồi là cửa chính vào ngôi nhà sàn. Bên cánh trái gian đầu tiên là một bếp lớn dùng để nấu thức ăn hằng ngày.
Ở trung tâm gian giữa, nơi cửa chính nhìn vào là bếp thứ hai, đặt ngay dưới trang thờ ông bà tổ tiên. Bếp này được người Khơ Mú xem là bếp thờ, bếp thiêng và chỉ nổi lửa vài lần trong năm vào dịp tết hoặc cúng lễ. 
Trong cùng bên trái của gian thứ ba là một bếp nữa. Chỗ ngủ của chủ nhà được đặt bên phải gian thứ ba này.
Tết vùng cao: Giao thừa đoán vận - Ảnh 3.
Một nhà sàn ba bếp của người Khơ Mú ở Văn Chấn, Yên Bái - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
Tiên tri đoán vận
Không chỉ kiêng người lạ xâm phạm bếp thiêng trong nhà, đồng bào Khơ Mú còn có những điều kiêng kỵ gắn liền với phong tục, tập quán sinh hoạt hằng ngày, nhất là dịp lễ tết. 
Người Khơ Mú ở Văn Chấn, Yên Bái có đến bảy dòng họ và ngoài những tục lệ chung còn có những quy ước bất thành văn phù hợp với dòng họ mình.
Lịch mùa vụ của người Khơ Mú bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch nên thường vào tháng chạp mọi người có thời gian nghỉ ngơi và bắt đầu chuẩn bị quần áo, lợn gà... sẵn sàng vui tết.
Chiều 30 tết, người già trong làng tìm đến nhà và không quên dặn nhau nhớ để ý xem sau thời khắc giao thừa nghe con vật gì cất tiếng đầu tiên để đoán thời vận. 
Người Khơ Mú quan niệm nếu con gà gáy đúng canh ba thì cả năm gặp điều may mắn, còn gà gáy sớm hơn báo hiệu điều chẳng lành như gặp hỏa hoạn hoặc trong làng sẽ có người... chửa hoang.
"Nếu chim cú kêu là báo điều không may, con mèo gào thét sẽ có hổ beo về, còn nếu con nít khóc thì y như rằng năm đó gia đình mất mùa, đói kém" - ông Vì Văn Sang nói. 
Theo ông, người Khơ Mú rất giàu kinh nghiệm "trông đất trông trời" và thường ít khi nào sai. Chẳng hạn, lên nương thấy con cua bò là báo hiệu sắp có lũ lụt, thấy kiến tha con ra khỏi hang là điềm báo mưa gió triền miên.
Với tập tục dân gian gắn với ngày tết, người Khơ Mú cũng có những nét riêng khác hẳn với các dân tộc khác như tục lấy nước đầu năm mới. 
Nghệ nhân Vì Văn Sang kể: "Ngày xưa không có đồng hồ nên chúng tôi phải canh lúc gà gáy là đi múc nước. Mỗi nhà cử một người mang theo một cái túi, khi ra tới nguồn nước thì nhắm mắt nhặt một hòn sỏi bỏ vào túi mới múc nước mang về. 
Nếu nhặt được hòn sỏi trắng thì may mắn cả năm, còn gặp hòn sỏi đen thì coi như kém may. Nước vừa múc về sẽ chia cho mọi người trong nhà cùng uống, gọi là uống nước mới".
Thú vui ngày tết
Về thú vui ngày tết, người Khơ Mú có những thú vui "không đụng hàng" thể hiện khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên.
Ví dụ, người chơi trò "múa ngửa chui dây" phải vừa múa vừa ngửa người di chuyển qua những sợi dây căng ngang cao thấp khác nhau, tượng trưng cho việc băng rừng vượt núi.
Còn trò "chọi trâu không sừng" thì nhằm khoe tài chống chọi với thú dữ. Hai người chơi khom lưng chạm trán vào nhau thể hiện tinh thần thượng võ trước khi lùi ra xa lấy đà rồi dùng đầu, vai húc ngã đối thủ. 
Hay như điệu múa "cá lượn" cũng có nguồn gốc bắt chước hình ảnh đôi cá trống mái tung tăng nô đùa dưới suối trong làn nước mát lành ngày xuân.
Dù đã ở cái tuổi "cổ lai hi" nhưng khi kể chúng tôi nghe ký ức về những thú vui ngày tết thời trai trẻ, đôi mắt cụ Vì Văn Sân (78 tuổi, ở Nghĩa Sơn) vẫn ngời lên những niềm vui khôn tả. 
"Hồi đó trong thôn ai cũng biết múa hát và bảo nhau rằng không múa thì không ra ngô, không ra khoai. Người già múa cho trẻ con xem để trẻ học theo. Tiếc là bây giờ người trẻ biết múa cứ ít dần!" - cụ Sân nói.
Cúng mẹ lúa và nhớ ơn con trâu
tet vung cao 1
Cửa chính vào nhà sàn của người Khơ Mú. Bên cánh trái của gian đầu tiên là một bếp lớn (bếp thứ nhất) dùng để nấu thức ăn hằng ngày và tiếp khách - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
Trước khi đón tết, vào tháng chạp dân làng Khơ Mú tổ chức lễ "đón mẹ lúa". Một mâm lễ chung được bày ra trên nương, người cao niên đại diện dân làng thắp hương khấn tạ ơn thần linh ban cho thóc đầy bồ, heo gà đầy chuồng.
Một con trâu được tắm sạch sẽ dắt ra trước kho lúa, người ta sẽ nói "Trâu ơi, tao cảm ơn mày, tao chẳng có gì, chỉ có cái hoa đẹp nhất, tấm áo đẹp nhất nên đem tặng mày" rồi lấy hoa giắt vào sừng, lấy vải đắp lên mình trâu.


NGUYỄN TRIỀU - QUANG THẾ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét