Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tết trâu và lễ Kỳ Yên


Trong những ngày Tết, các bạn trẻ ở thành phố về quê chơi có khi thấy đàn trâu được thả thong dong ngoài bãi cỏ, trên đôi sừng nhọn dán lá vàng bạc trông rất ngộ nghĩnh. Thuở nhỏ, tôi đem thắc mắc ấy hỏi cha thì được người giải thích cặn kẻ như sau:
Từ xa xưa, dân ta lấy nông nghiệp làm căn bản, tạo dựng cuộc sống no ấm đủ đầy cũng nhờ vào ruộng lúa. Dãi dầu một nắng hai sương trong việc cày bừa, cấy trồng, thu hoạch phải kể đến công lớn con trâu giúp sức, đồng cam cộng khổ. Biết bao lời thơ, áng văn nói về con trâu như một biểu tượng thân thiết sau lũy tre làng. Có ai không nhớ câu ca dao quen thuộc chứa đựng tình cảm gần gũi giữa người và trâu:
"Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Trâu đây ta đó ai mà quản công
Bao giờ cây lúa đầy bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn"
Con trâu đã hòa nhập vào đời sống văn hóa dân gian từ ngàn xưa cho tới bây giờ. Bao la vùng nông thôn đất nước ta, những cảnh cày bừa trên ruộng đồng, đàn cò trắng, cây đa, mái đình, lũy tre tạo nên bức tranh sinh động, yên bình, đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Còn gì êm ả, hạnh phúc hơn khi trên cánh đồng là cảnh:
"Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa"
Hay sự ví von phóng khoáng, vui đùa giữa chị em trong lao động đồng áng:
"Của chua ai thấy cũng thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày"
"Chồng em nào phải trâu cày
Mà cho chị mượn cà ngày lẫn đêm" (!)
Chiều về, bọn trẻ ngồi vắt vẻo lưng trâu cười đùa hò hát vô tư:
"Ví dầu ví dẩu ví  dâu
Ví qua ví lại, ví trâu vô chuồng..."
Vui Tết, nhưng người nông dân không quên con vật cục mịch, hiền lành mà có ích ấy. Chiều mùng 3 Tết lo tắm rửa trâu sạch sẽ rồi cắt cỏ non tươi, gánh nước trong cho nó ăn uống no nê, tối đến đốt thêm mẽ un xua muỗi cạnh chuồng. Sớm ngày mùng 4, chủ nhà làm lễ tạ ơn "ông chuồng bà chuồng" phù hộ trâu được khỏe mạnh suốt năm. Lễ vật cúng gồm có: một thúng gạo, bánh tét, trái cây, rượu trà... và thắp nhang khấn vái nghiêm chỉnh. Xong rồi dẫn trâu ra chuồng, nếu là trâu đực thì nắm hàm đổ một ly rượu vào miệng, trâu cái thì cho uống nước trà. Kế đó lấy lá vàng bạc dán mỗi sừng trâu một lá thay lời chúc Tết cho trâu. Vậy rồi thả đi ăn bình thường. Trong 12 con giáp, hỏi có con vật nào được con người lo cho ăn Tết... mỗi đầu năm mới  như con trâu không?
Vẫn theo tục lệ, nhà nào có nuôi trẻ giúp việc chăn trâu cũng phải thưởng công cho nó một thúng gạo trắng, cặp bánh tét, bộ quần áo mới và tiền lì xì. Đứa nhỏ được nghỉ Tết đến sau mùng 7 hạ nêu mới trở lại nhà chủ tiếp tục công việc cùng con trâu thân quen. Trải bao đời, bao thế hệ thăng trầm cuộc sống, người nông dân vẫn luôn thương quí con trâu với đức tính cần cù giúp người lo việc đồng áng, làm ra những hạt lúa vàng, tạo ấm no làng xóm. Tập tục "Tết trâu" cho đến bây giờ vẫn tồn tại, duy trì.
Sau Tết Nguyên đán, thường từ mùng 10 tới 20 tháng giêng âm lịch, các làng xóm thôn quê rộn rịp chuẩn bị tổ chức lễ cúng Kỳ Yên (còn gọi là Cầu an). Đây là tập tục cổ xưa với sự tập hợp cộng đồng cùng cúng bái tổ tiên, đất đai với mong ước chung là sang năm mới mọi người được sống hòa thuận, làm ăn thịnh vượng, sức khỏe tràn đầy. Ở vùng dân cư đông đúc, lễ cúng lớn hơn trăm nóc gia. Những xóm nhỏ cheo leo giữa đồng, đôi khi chưa được hai chục hộ cũng làm lễ Kỳ Yên cho ấm áp. Vài người lớn tuổi có uy tín, đạo đức, thay mặt bà con đứng ra xin phép chính quyền địa phương rồi kêu gọi góp tiền, góp công tùy theo hảo tâm, không bắt buộc, tuy nhiên việc chung này ít ai từ chối đóng góp. Địa điểm thường chọn nơi công cộng, bãi đất trống, ngã ba... để dựng cột, lợp mái tôn hoặc lá đơn sơ. Thanh niên sốt sắng chạy mượn bàn ghế, sắp xếp bàn cúng... Sáng sớm phân công người làm bếp, nấu chè, đồ xôi, người đi chợ mua bánh trái, hoa quả, nhang đènnnnvề bày biện trông giản dị mà thành kính. Mọi người tranh thủ đến ngồi quanh bàn trà, chuyện trò hỏi thăm nhau việc gia đình, góp ý chuyện kinh nghiệm làm ăn, sản xuất rất thân mật. Không khí thân tình giống họ hàng cùng dự đám giỗ. Các mối mâu thuẫn nhân đấy cũng được cởi mở, thông cảm hơn, thấm đậm câu tình làng nghĩa xóm. "Nhất cận thân, nhị cận lân". Lũ trẻ như còn tiếc nhớ những ngày Tết qua nhanh nên nhân cơ hội này tụ tập bày trò chơi lô tô, bầu cua tha hồ hò hét, đùa giỡn trước sân, thỉnh thoảng chạy vào xin mấy chiếc bánh chia nhau ăn...
Lễ cúng vào chập tối do những ông bà lão an cư lâu năm chủ trì. Sự thành tâm thể hiện ở bộ áo dài, khăn xếp chỉnh tề, ánh mắt trầm tư cùng lời khấn vái lâm râm "...đất nước, tổ tiên phù hộ con cháu xóm làng mạnh khỏe, mùa màng thuận lợi, yên ổn làm ăn...". Trong làn khói hương nghi ngút, bà con tuần tự cúng vái, chung một tâm nguyện đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Có những địa phương tổ chức lễ Kỳ Yên rất lớn, rước gánh hát bội, đờn ca tài tử về biểu diễn, thu hút nhiều khách xa đến tham gia. Buổi tối đèn đuốc sáng choang, cỗ bàn ăn uống nhộn nhịp, vui chơi phấn khởi kéo dài suốt hai, ba ngày đêm.
Lễ Kỳ Yên là thời khắc giao cảm thiêng liêng, đem đến cho mọi người sự an tâm, tin tưởng vào một năm mới thịnh vượng, ấm no. Tập tục tốt đẹp mang tính cộng đồng, tâm linh nguồn cội này, bây giờ vẫn còn duy trì ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang...
Nguyễn Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét