Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Thăng trầm làng kim hoàn cổ nhất đất Thăng Long


Từ xa xưa, làng Định Công Thượng đã được coi là một trung tâm phục vụ vàng bạc lớn nhất Kinh thành Thăng Long. Nhưng trải qua những biến cố thăng trầm, làng nghề nức tiếng một thời của người Thăng Long xưa đã mai một. Hiện cả làng chỉ còn một vài nghệ nhân nặng lòng giữ nghề cha ông.
“Thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”
Nằm bên bờ sông Tô Lịch, xưa kia, làng cổ Định Công còn được gọi với tên “Định Công kim hoàn” như nhắc nhở đời con cháu mai sau biết về làng nghề nổi tiếng của mình. Bây giờ, người Hà Nội vẫn còn truyền tụng câu ca: “Lĩnh hoa Yên Thái/ Đồ gốm Bát Tràng/Thợ vàng Định Công/ Thợ đồng Ngũ Xã” hay “Làng anh đất thợ kim hoàn/ Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay”... 

Sắp đến , cơ sở nhà ông Trường nhận được nhiều đơn đặt hàng làm Theo các cụ già trong làng, tổ nghề liên quan đến ba anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền (sinh thời khoảng năm 571- 603). Có thể nói, đây là một trong những làng nghề kim hoàn cổ nhất của đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi. Trong làng có Đền thờ Tổ nghề Kim Hoàn cạnh ngôi đình thờ thành hoàng Đông Hý Đông Hải Dực Vũ Đại Vương. Ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, những người thợ kim hoàn Định Công dù làm ăn buôn bán thành danh nơi đâu lại tề tựu về cố hương tưởng nhớ biết ơn tổ nghề.
Ngày nay, trong cơn lốc đô thị hoá mạnh mẽ, làng cổ Định Công – Hoàng Mai (Hà Nội) không còn là một làng quê đơn thuần. Nó đã trở thành phố phường sầm uất. Trong cuộc sống mưu sinh nơi đô thành lầm bụi, Định Công đón nhiều khách thập phương từ nơi khác đến, song có lẽ ít người biết, nơi đây từng là làng nghề nổi tiếng kinh kỳ Thăng Long về nghề Kim hoàn. Nhiều chủ vàng lớn trên phố cổ Hàng Bạc có gốc tích từ làng Định Công và họ đã từng dựng miếu thờ tổ nghề tại đó.
Khổ luyện giữ nghề…
Dư âm của một thời vàng son ấy giờ chỉ còn tìm thấy qua những di tích với một vài nghệ nhân đang gắng sức giữ lửa nghề. Cán bộ văn hoá phường Định Công- bà Mai Thị Thanh Hà, cho biết: Ngày trước, ngoài kim hoàn, ở địa phương còn có nghề làm giầy da, tương ớt… Trải qua những năm tháng thăng trầm, hầu hết những nghề này đã mai một. Nghề kim hoàn, ở Định Công vẫn còn hai nghệ nhân là ông Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu. Họ vẫn duy trì mở lớp đào tạo tại nhà cho những thanh niên nhiều nơi về học.
Anh Quách Phan Tuấn Anh, sinh năm 1981 con trai duy nhất của ông Trường nối nghiệp cha, tâm sự: Tốt nghiệp đại học, Tuấn Anh đi làm cho ngoài thời gian thì về phụ giúp cha giữ nghề Đậu bạc. Nghề kim hoàn có 3 mảng chính: trơn, chạm, đậu. Trong đó, Định Công có thế mạnh nổi bật Đậu bạc. Tất nhiên, nghệ nhân nào cũng có thể thành thạo cả 3 mảng.

Để có tay nghề thành thạo như hôm nay, Tuấn Anh phải mất nhiều năm khổ luyện. Anh nói, quy trình Đậu bạc truyền thống của làng trải qua nhiều công đoạn tỷ mỉ như nấu, cán, kéo, se và ghép... Ai không chịu khó, kiên trì khó có thể học được.
Từ những miếng bạc lớn nguyên chất dùng bễ nấu thành các thanh bạc nhỏ. Khi miếng bạc bỏ vào nấu đến khi chảy ra, đổ vào chão chảy thành dạng thanh mất khoảng 5- 10 phút/1 thanh. Trong quá trình nấu, công việc khó nhất của các nghệ nhân là phải giữ nhiệt đều, liên tục để nhiệt luôn mạnh. Nếu nhiệt không đều bạc sẽ bị đông bề mặt, không chảy được, nổi gân...
Những thanh bạc sẽ được đưa qua máy cán để nó nhỏ dần hơn. Đến đây, những thanh bạc sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như làm khung, tạo xương cho sản phẩm hoặc số còn lại đưa qua bàn kéo cho sợi bạc nhỏ hơn nữa. Sợi bạc nhỏ nhất có thể chỉ còn khoảng 3mm.
Những sợi bạc nhỏ, nghệ nhân sẽ se, tết lại với nhau thành những sợi chỉ se bạc. Sợi chỉ se là nguyên liệu chính tạo ra các hoa văn, họa tiết cho sản phẩm đậu bạc như bông hoa, các linh vật... Mỗi nghệ nhân, tuỳ vào tay nghề của mình để ghép nhiều hoặc ít hoa văn, họa tiết thành một sản phẩm đậu bạc thô. Để sản phẩm đậu bạc hoàn thành, các nghệ nhân phải dùng dũa làm sạch, nhẵn bóng bề mặt…
Trong những công đoạn trên, có thể nói khó khăn lớn nhất là dựng hình gắn kết các hoa văn hoạ tiết tạo hình, chế tác sản phẩm. Từ khi làm những sản phẩm đơn giản, một nghệ nhân có thể phải mất cả chục năm nữa mới chế tác được sản phẩm tinh xảo...
Lắm nỗi gian nan
Ông Nguyễn Văn Tuyến- Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết: Hiện nay, cả phường có khoảng 4 vạn dân thì có tới 3 vạn dân là người có gia đình gốc ở địa phương. Số dân còn lại khoảng 1 vạn dân là những hộ gia đình sống trong khu đô thị mới. Những hộ gia đình sinh sống trong khu đô thị mới hầu hết là do người từ nơi khác nhập về.
Phường Định Công trước kia là một xã thuộc huyện Thanh Trì, mới nên phường thuộc quận Hoàng Mai được mấy năm. Người dân trên địa bàn phường Định Công từ bao đời nay vẫn sinh sống bằng những nghề truyền thống. Vào đầu thế kỷ XIX cả làng có khoảng 50-60% gia đình giữ nghề. Tuy nhiên, khi bước vào nền kinh tế mở cửa các gia đình lần lượt bỏ nghề làm việc khác. Đến nay, làng nghề chỉ còn gia đình nhà ông Trường và ông Hiểu đang gìn giữ, phát triển nghề.
Mặc dù người lưu giữ nghề vốn đã ít là vậy nhưng, việc phát triển nghề vẫn đang còn lắm gian nan. Tuấn Anh cho biết, ban đầu mới theo nghề, anh chỉ nghĩ làng có thế mạnh nghề nổi tiếng mà quá ít người theo học. Đến khi tôi đi kêu gọi được một số người học nghề rồi nhưng, bài toán nan giải đặt ra trước mắt là làm sao có đầu ra cho sản phẩm. Có đầu ra cho sản phẩm, học viên có thu nhập cao mới thôi thúc họ yêu nghề và theo nghề trọn vẹn…
Nhà tôi có 3 thợ sản xuất là những người con tâm huyết trong làng tuổi đời dưới 30 và 3 thợ gia công làm thêm. Những thợ gia công cũng được đào tạo từ nhà ông Trường đã thành thạo ra mở cửa hàng riêng. Để đào tạo ra một thợ có thể tự đứng làm riêng rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào chính bản thân họ. Ngoài năng lực nghề, thợ kim hoàn cần phải có khả năng kinh doanh, nắm thị hiếu, tâm lý khách hàng, tạo thương hiệu... Nếu không bán được sản phẩm thì các nghệ nhân dù yêu nghề đến mấy cũng chán nản mà từ bỏ.
Hơn nữa, mặc dù thị trường trong nước có nhu cầu nhiều nhưng, do đặc thù nghề thủ công, sản xuất đơn chiếc nên tính hiệu quả không cao. Đã vậy, lại không dễ gì tăng giá sản phẩm bởi khách hàng biết đến sản phẩm đậu bạc ở nước ta rất ít; thậm chí nhiều khách hàng trong nước còn lầm tưởng đậu bạc là chạm bạc. Trong khi chạm bạc sử dụng nhiều đến các công cụ như đục, dũa… thì đậu bạc đòi hỏi tính tinh xảo, tỷ mỉ hơn nhiều…
Sản phẩm của gia đình ông từ lâu đã được xuất ngoại. Khách hàng đến với sản phẩm của cơ sở nhà ông Trường, ông Hiểu hầu hết là người nước ngoài.
Từ tháng 6- 7/2007, gia đình ông Trường được mời sang Hàn Quốc 1 tháng và gia đình ông Hiểu được mời sang Pháp 1 tuần giới thiệu sản phẩm. Để phát triển nghề, Tuấn Anh cho rằng, chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để khách hiểu biết, tin tưởng nhiều hơn chất lượng sản phẩm đậu bạc. Đặc biệt, làng nghề cần được các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa. Vì hiện  nay, hai gia đình ở làng đang giữ nghề nhưng đều mang tính tự phát…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét