Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Thành cổ Tà Cơn


Ở Bình Định, sông Côn được coi là “Dòng sông vương triều” bởi nó gắn liền với các cuộc khởi nghĩa vang dội của những người áo vải. Thượng nguồn sông Côn miền Tây Sơn thượng đạo chính là nơi lưu giữ nhiều huyền thoại về anh em nhà Tây Sơn và một trong những điều thu hút nhất đó là câu chuyện về thành cổ Tà Cơn thuộc làng Kon Blo, nằm sâu trong cánh rừng ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến nay khu tường thành cổ kính được ghép bằng đá phiến này đã phủ đầy rong rêu và gần như đã ngủ vùi trong huyền thoại.
Có truyền thuyết kể lại rằng: “Ngày xưa trong làng có nàng Hơ-bia xinh đẹp và thông minh sẵn có nên thần núi đem lòng yêu mến và muốn lấy nàng làm vợ. Do diện mạo của thần núi quá xấu xí nên nàng Hơ-bia không đồng ý nên bị đội quân của thần núi kéo đến. Nhờ có trí thông minh, nàng Hơ-bia bày ra 3 “chiêu” hóc búa để thử thách thần núi, đó là lấy nước đổ vào gùi làm sao cho nước đừng chảy; lấy vỏ chuối đem trồng cho mọc thành cây; cuối cùng là đưa con gà ra chặt đầu đem phơi khô mà gà vẫn sống. Nếu thần núi làm được thì nàng sẽ chấp nhận làm vợ. Kết quả cả ba điều thần núi đều làm được và rồi hai người thành vợ thành chồng, cùng nhau xây nên thành Tà Cơn này”.

Đó là truyền thuyết, còn nhiều người dân tại địa phương lại cho rằng “thành cổ Tà Cơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng nên từ thời kỳ đầu cuộc khởi nghĩa”. Khi 3 anh em nhà Nguyễn phất cờ khởi nghĩa, được người dân Ba Na đi theo rất đông, nên có khả năng đã cùng dựng nên thành đá này để làm cứ điểm hoạt động. Tương truyền, ngày trước thành cổ có một miệng hang rất lớn, là nơi trú đóng của những người nông dân theo phong trào Tây Sơn, lấy nơi đây làm căn cứ địa để chuẩn bị cho những cuộc khởi nghĩa với chiến thắng lừng lẫy, vang dội trong sử sách. Sau này, hang núi ấy được người dân trong vùng sử dụng, đưa gia súc vào để tránh mưa bão. Qua thời gian, nay miệng hang đã bị sụp đổ và lấp kín, thành Tà Cơn chỉ còn lại những vách đá cao ngất phủ rêu phong, ôm lượn quanh núi trơ trọi với thời gian.

Từ làng Kon Blo đi gần 4km mới đến được chân núi Vĩnh Sơn. Từ đây, muốn đến được thành Tà Cơn chỉ còn một cách là đi theo con đường mòn nằm vắt vẻo giữa rừng nguyên sinh, lối đi nằm dưới những gốc cây cổ thụ to đến 4 – 5 người ôm. Con đường cao dần, cao dần giữa lòng rừng nguyên sinh hun hút, cho đến lúc nghe được tiếng thác đổ và quay sang hướng Đông thì có những nấc thang bằng đá cao chót vót, đấy là lưng thành. Đi tiếp một vòng thì vô số những tảng đá lớn nằm chất chồng lẫn nhau và cuối cùng thì thành cổ Tà Cơn cũng sừng sững hiện ra trước mặt.
Từ trên đỉnh thành nhìn xuống là những hố sâu rợn ngợp. Những phiến đá khổng lồ nhiều cạnh vuông vắn trơn nhẵn được xếp chồng lên nhau tạo cảm giác kỳ thú, bí hiểm. Phía đầu thành có một hang đá sâu hoắm và tối đen, đó chính là con đường bí mật dẫn đến thung lũng dưới chân thành, nơi chứa đựng những bí ẩn chưa ai khám phá được.

Tường thành là những khối đá sa thạch lớn, hình trụ được xếp ngay ngắn chồng lên nhau cao tới 20 - 30m. Khoảng nối giữa hai phiến đá khít chặt, rất giống với lối xây dựng quen thuộc trong các kiến trúc đền đài ở đất nước Campuchia thời kỳ Angkor. Rải rác đây đó là những gốc cổ thụ khổng lồ nhả rễ ôm kín lấy tường thành, cũng giống như những cây nuốt đền trong các di tích Angkor. Bức tường đá sừng sững, bao quanh núi tạo nên vẻ kì vĩ của khu thành cổ. Tà Cơn vẫn là một bí ẩn của lịch sử chưa được đánh thức.

Đường đến thành cổ Tà Cơn: 
Từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo quốc lộ 1A về phía bắc khoảng 649km đến thành phố Qui Nhơn. Từ đây đi theo quốc lộ 19 khoảng 80km đến Đồng Vắt sau đó rẽ phải đi theo tỉnh lộ 637 khoảng 70km đến làng Kon Blo - Vĩnh Sơn – Vĩnh Thạnh. Đến đây du khách sẽ được người dân địa phương chỉ đường đến thành cổ Tà Cơn.


                                                                                                      Phạm Phương biên tập
(Nguồn: TITC)

Bí ẩn thành đá Tà Kơn

Tồn tại giữa mênh mông rừng già xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) hàng trăm năm qua nhưng thành đá Tà Kơn vẫn còn nhiều bí ẩn.

Truyền thuyết
Theo già làng Đinh Chương (ở làng Kon Blò, xã Vĩnh Sơn), Tà Kơn trong ngôn ngữ Ba Na có nghĩa là “chồng lên nhau”, ý muốn nói đến những hòn đá được xếp chồng lên nhau một cách rất lạ không ai hiểu được. Quá trình xây thành, giữ thành Tà Kơn được kể lại bằng hơ mon (hát kể sử thi Ba Na) đắm màu huyền thoại. Một truyền thuyết cho rằng Tà Kơn xưa kia vốn là nhà của 3 anh em, gồm 2 vị vua Trum, Trăm và nàng công chúa xinh đẹp, thông minh tên Bia Tơni.
 Bí ẩn thành đá Tà Kơn 1
Tường thành Tà Kơn là những phiến đá khổng lồ xếp chồng lên nhau thành hàng thẳng đứng - Ảnh: Hoàng Trọng
Một truyền thuyết khác về nguồn gốc của thành Tà Kơn gắn liền với nàng Hơ Bia xinh đẹp. Thần núi muốn cưới Hơ Bia làm vợ. Nhưng thần có khuôn mặt bằng đá, dưới cằm có yếm như yếm bò cái trông rất xấu xí nên Hơ Bia không hài lòng, yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng thì sẽ chấp nhận lời cầu hôn. Thần núi đều vượt qua tất cả những lần thử tài nên hai người thành vợ chồng và cùng nhau xây dựng thành Tà Kơn.
Bên cạnh truyền thuyết của người Ba Na, có ý kiến cho rằng thành Tà Kơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng nên. Khi 3 anh em nhà Tây Sơn chiêu binh mãi mã, người Ba Na hưởng ứng rất mạnh mẽ và họ đã cùng nhau dựng nên thành Tà Kơn làm cứ điểm bí mật. Gần Tà Kơn còn có nhiều di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn như Hòn Còng (huyện K’bang, Gia Lai), núi ông Bình, núi ông Nhạc (theo tên của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc), núi Phát Lương, Vườn cam Nguyễn Huệ…
 Bí ẩn thành đá Tà Kơn 3
Một đoạn thành bị đổ, đá nằm ngổn ngang
Thâm u huyền bí
Đường đến thành Tà Kơn là một lối mòn nhỏ, luồn lách trong những cánh rừng nguyên sinh thâm u, huyền bí. Có những đoạn bị cây rừng che kín phía trên khiến người ta có cảm giác như đang đi trong hang động nằm dưới đất sâu. Theo anh Đinh Khuất (con trai già làng Đinh Chương), đường đến Tà Kơn bây giờ cũng chính là con đường mà ngày xưa tổ tiên của người Ba Na vận chuyển đá, vật liệu… để xây thành. Vừa đi, anh Khuất vừa giới thiệu về những dấu tích mà tổ tiên mình đã để lại.
 Bí ẩn thành đá Tà Kơn 1
Anh Đinh Khuất, người dẫn đường đến thành Tà Kơn
 

Ấn tượng đầu tiên là bức tường thành cao gần 20 m, dài hàng trăm mét gồm những phiến đá to bằng mặt bàn, có hình lục lăng, hình trụ chữ nhật... xếp chồng lên nhau theo một hàng thẳng đứng. Gần tường thành có những tảng đá to riêng lẻ xếp chồng lên nhau như những cây cột khổng lồ

Khi người Ba Na xây thành Tà Kơn, họ không được phép đi bộ đến nơi làm việc mà phải đu mình theo một cái dây dài và cao đến hàng trăm mét, từ núi Kon Hray băng qua suối Trú để đến Văn Len. Đây chính là nơi nghỉ chân, chuẩn bị dụng cụ để bắt đầu ngày làm việc mới. Từ Văn Len nhìn xuống suối Trú sẽ thấy thác Dá Bda, nơi công chúa Bia Tơni thường tắm. “Mỗi khi Bia Tơni tắm, mặt trời trên đỉnh núi tỏa sáng, mặt nước dưới suối rực rỡ những sắc cầu vồng. Ngay thác nước có cây cau nhưng chỉ sinh đúng 1 buồng cau có hình dạng hệt như Bia Tơni xinh đẹp” - anh Khuất hào hứng kể lại.
Đi bộ trong rừng gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được thành Tà Kơn. Ấn tượng đầu tiên là bức tường thành cao gần 20 m, dài hàng trăm mét gồm những phiến đá to bằng mặt bàn, có hình lục lăng, hình trụ chữ nhật… xếp chồng lên nhau theo một hàng thẳng đứng. Gần tường thành có những tảng đá to riêng lẻ xếp chồng lên nhau như những cây cột khổng lồ. Có một đoạn thành bị sập, đá đổ xuống ngổn ngang trên mặt đất. Ngay đầu tường thành có một hang đá sâu thẳm, tối om. Theo lời anh Khuất thì đó là con đường bí mật dẫn đến thung lũng dưới chân thành nơi có nhà ở của 2 vua Trum, Trăm.
Anh Đinh Khuất kể: “Khi đi xây thành Tà Kơn, người làng Kon Blò mang theo đao, rựa nhưng phải mài bằng đá do anh em Trum, Trăm đưa ra thì mới sắc bén lạ thường, chặt đá như chặt củi. Một hôm, có người trong làng nghĩ đao, rựa của mình có khả năng chặt đá mới đem chặt thử hòn đá trước nhà nhưng cây rựa bị gãy làm đôi. Người đời sau đến thành Tà Kơn tìm đá mài của 2 vua Trum, Trăm nhưng chẳng ai tìm được”.
TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho rằng Tà Kơn là sản phẩm của tự nhiên vì con người không thể xây dựng một thành đá hùng vĩ như thế. “Bảo tàng Bình Định và các cơ quan chức năng đang phối hợp lập hồ sơ đề nghị công nhận Tà Kơn là di tích cấp huyện. Chúng ta phải đánh thức Tà Kơn cho mọi người biết đến chứ không thể để một di tích đẹp như thế ngủ mãi trong rừng sâu” - TS Đinh Bá Hòa nói.
Hoàng Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét