Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Thống phong - Bệnh của nhà giàu?


Goutte còn gọi là thống phong, là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa acid uric. Bệnh được mô tả từ thời Hy Lạp cổ, ở thế kỷ 4 trước Công nguyên, Hippocrate đã mô tả và gọi đó là “bệnh của những ông vua”.
Ngưu tất.
Ngưu tất.
Goutte còn gọi là thống phong, là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa acid uric. Bệnh được mô tả từ thời Hy Lạp cổ, ở thế kỷ 4 trước Công nguyên, Hippocrate đã mô tả và gọi đó là “bệnh của những ông vua”.

Cùng với xu hướng phát triển của xã hội, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh goutte đang có chiều hướng tăng lên do nhiều nguyên nhân và không còn là “bệnh của riêng người giàu” nữa.

Bệnh có đặc điểm là viêm khớp (do lắng đọng acid uric), điển hình là viêm một khớp, 70% thường hay gặp ở khớp ngón chân cái.

Ngoài ra còn có các đặc điểm khác như các đợt viêm khớp cấp, cơn đau khớp thường sưng, nóng, đỏ, đau... Đau khớp đã trở thành nỗi kinh hoàng ở những người mắc bệnh goutte.

Đau khớp thường kéo dài 1-2 ngày, giảm dần sau 7-10 ngày.

Bệnh tái phát nhiều lần. Thường những lần sau, thời gian đau càng kéo dài, lâu khỏi hơn, nhiều khớp bị đau hơn...

Trong các đợt bệnh cấp, người bệnh thường mệt mỏi, sốt nhẹ, đi lại khó khăn, tính tình cáu gắt thất thường...

Tuổi mắc bệnh thường gặp ở lứa tuổi 35-45. 95% thường gặp ở nam giới khỏe mạnh.

Người ta thấy một số các yếu tố được coi là yếu tố thuận lợi của bệnh như stress: căng thẳng thần kinh, tức giận, lo lắng quá mức... có thể gặp sau một chấn thương vào khớp, sau phẫu thuật, uống rượu, nhiễm khuẩn... hoặc sau một bữa ăn nhiều thịt. Còn có thể gặp do nguyên nhân dùng một số thuốc như vitamin C, aspirin, lợi tiểu, thuốc chống lao pirazinamid...

Bệnh có nhiều biến chứng như biến dạng khớp, sỏi thận, suy thận...

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám bệnh.

Bệnh nhân đã mắc bệnh goutte thường có thể mắc một số bệnh kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, bệnh mạch não... Hoặc ngược lại, các bệnh nhân mắc bệnh trên cũng dễ mắc bệnh goutte.

Bệnh goutte có thể điều trị tốt bằng:
Có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

Sử dụng thuốc nhằm 2 mục đích, cắt cơn goutte cấp và phòng ngừa viêm khớp tái phát, sỏi thận, suy thận...

Điều trị cần liên tục, kéo dài để hạ và duy trì acid uric máu ở mức bình thường.

Người bệnh nên biết rằng: kết quả điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết và sự tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân.

Để dự phòng và hạn chế tiến triển của bệnh, người bệnh cần:

Định kỳ kiểm tra sức khỏe, sử dụng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc... Điều trị kịp thời các bệnh nhiễm khuẩn, các bệnh rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Thay đổi hành vi sinh hoạt:
Nên hạn chế các yếu tố thuận lợi gây cơn goutte cấp: tránh căng thẳng thần kinh, tránh gắng sức, lo lắng thái quá...

Nếu béo bệu thì nên tập thể dục thể thao để tránh dư cân. Duy trì chế độ luyện tập đều đặn, vừa sức.

Ngâm chân nước nóng hằng ngày là có ích, tuy nhiên không nên ngâm chân trong giai đoạn cấp, không dùng nước quá nóng.

Chế độ ăn uống:
Ăn vừa phải chất đạm, chỉ cần đủ cung cấp cho cơ thể. Nhu cầu người lớn chỉ cần 1g đạm/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Không nên ăn nhiều thịt, số lượng đạm ăn vào không nên quá nhu cầu của cơ thể.

Để giảm acid uric máu, nên hạn chế ăn tim gan, thận động vật, trứng cá, cá trích, cá đối, đậu nành, súp lơ, rau cần, đậu phụ, lạc... vì đây là những thực phẩm có nhiều chất purin có thể làm tăng acid uric máu. Không uống rượu, hạn chế uống bia. Nên tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi. Nên uống nhiều nước, đặc biệt là các nước khoáng có ga. Bicarbonat có tác dụng kiềm hóa máu và nước tiểu, làm tăng đào thải acid uric.

Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, nên có chế độ tập luyện thích hợp kết hợp với vật lý trị liệu phục hồi chức năng để tránh teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp.

Theo y học cổ truyền, thống phong là do tà khí lưu trệ ở gân mạch. Khí huyết ứ trệ kinh lạc gây ra. Thống phong có nhiều thể bệnh, mỗi thể bệnh có bài thuốc chữa như sau:

Thể đàm thấp bế tắc kinh lạc:
 

Triệu chứng: Da thịt đau nhức, chóng mặt buồn nôn, xương khớp đau nhức tê cứng, nóng lạnh, rêu lưỡi bệu.

Bài thuốc: Đại táo 12 quả, quế chi 12g, thược dược 12g, hoàng kỳ 12g, sinh khương 2g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể huyết ứ tắc:
Triệu chứng: Tay chân da thịt đau như kim châm, đau một chỗ nhất định, ban đêm đau nhiều, co rút, miệng khô táo, lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết.

Bài thuốc: Hương phụ chế 12g, đương quy 12g, ngưu tất 12g, chích thảo 4g, hồng hoa 12g, ngũ hương 6g, chính địa long 6g, khương hoạt 12g, ngũ linh chi 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể can thận âm hư: 
Triệu chứng da thịt xương khớp đau nhức như bị đánh, chóng mặt hoa mắt, ù tai, lòng bàn chân bàn tay, mỏ ác nóng, họng khô, lưỡi đỏ.

Bài thuốc: Bạch thược 12g, tỏa dương 8g, can thương 4g, quy bản 24g, trần bì 6g, hoàng bá 16g, thục địa 16g, tri mẫu 8g. Sắc uống ngày một thang. 

Trần Nga (Theo KTNT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét