Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tín ngưỡng cùa người Hoa ở Bà Rịa Vũng Tàu


Tín ngưỡng cùa người Hoa ở Bà Rịa Vũng TàuBà Rịa-Vũng Tàu là nơi giàu tiềm năng về du lịch, trong đó các di tích lịch sử văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng bên cạnh các di tích truyền thống của người Việt như đình, đền, chùa, miếu… còn có một số loại hình di tích điển hình của người Hoa, tạo nên sự phong phú về văn hóa tín ngưỡng cho vùng đất phương Nam.
Nhu cầu về văn hóa tinh thần gắn với mỗi con người, cộng đồng dân tộc, các bậc tiền nhân đi khai phá những vùng đất mới trước hết là để mang lại các lợi ích về kinh tế. Sau khi những điều kiện về vật chất được thỏa mãn thì nhu cầu về tinh thần là không thể thiếu được. Là một dân tộc cần cù, chịu khó làm ăn, người Hoa đã di cư khắp nơi trên thế giới. Với biệt tài làm kinh tế, họ đã vượt qua những khó khăn ban đầu và tạo dựng được cơ nghiệp. Do đặc điểm nghề nghiệp gắn với việc buôn bán nên người Hoa thường chọn những nơi đô thị, giao thông thuận lợi phát triển thương mại và sinh sống.
Những di tích văn hóa của người Hoa tập trung chủ yếu ở thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, nơi có nền kinh tế hàng hóa phát triển.  Sau khi ổn định họ xây dựng chùa, miếu hay hội quán với quy mô vừa, nhỏ, nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng Hoa kiều. Một số di tích lớn kết hợp mục đích phục vụ khách du lịch đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…Do sự giao lưu và hội nhập giữa các nền văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa cũng có những đặc trưng giống tín ngưỡng của người Việt. Các di tích được dựng nên để thờ các vị công thần, thần bảo hộ cuộc sống, vừa là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.
Miếu Bà Ngũ Bang, Sùng Chính (Vũng Tàu), Chùa Bà (Bà Rịa) được xây dựng thờ phụng nữ thần Thiên Hậu, nét văn hóa tâm linh truyền thống của dân tộc Trung Quốc. Thiên Hậu là một nữ thần có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng của người Hoa, Thiên Hậu là Hoàng Hậu của trời. Bà còn được gọi là Thiên Thượng Thánh Mẫu (mẹ thánh của trời). Việc thờ cúng nữ thần này có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến, sau đó lan ra khắp Trung Quốc. Nữ thần Thiên Hậu là vị thần bảo hộ cho các thủy thủ, các đoàn tàu buôn của người Hoa. Trước khi nhổ neo lên đường, thủy thủ và khách đều đem lễ vật cúng Bà trên bờ, hoặc đến chùa thắp nhang cầu mong với hy vọng có một chuyến đi an toàn, may mắn.
Về thần tích của Bà, sách “Phong thần diễn nghĩa” cho biết “Thiên Hậu là một cô gái sinh ở đảo My Châu gần Hưng Hóa, người này thì nói sống ở thế kỷ thứ VII, người khác lại nói ở thế kỷ X. Bà đặc biệt sùng kính Quan Âm và không chịu lấy chồng. Bốn người anh của bà đều buôn bán trên biển, mỗi người có một con tàu do họ tự cầm lái. Một buổi chiều, khi những người anh đi xa, bà bị bất tỉnh. Sau những cố gắng, người ta đã làm cho bà sống lại, nhưng bà than phiền mình được gọi về quá sớm. Lúc đó không ai hiểu được bà muốn nói gì. Vài hôm sau, ba người anh trở về tay không, một trận bão đã đánh vào những con tàu của họ, họ tưởng mình sẽ chết, nhưng có một cô gái hiện ra đưa họ tới nơi ẩn nấp, chỉ có người anh cả không được cứu thoát. Lúc đó người ta mới hiểu được những lời của bà, chính bà đã đi cứu những người anh gặp nạn, Ít lâu sau bà mất.”
Năm 1228, người dân Hàng Châu (Trung Quốc) sau một đêm mơ thấy phép lạ đã dựng cho bà một ngôi đền thờ trên bờ biển. Bà liên tiếp phù trợ, cứu vớt những người gặp nạn trên biển: bão to, đắm tàu, cướp…Do công đức với dân, với nước bà được các triều vua phong tặng  tước hiệu. Danh hiệu Thiên Hậu được vua Khang Hy sắc phong vào năm thứ 23 (1684).
Miếu Bà Ngũ Bang hay còn được gọi  là Miếu Bà được xây dựng  năm 1968, tại đường Bình Giã, phường 8, thành phố Vũng Tàu. Miếu do cộng đồng người Hoa ở 5 bang của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc): Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam , Hẹ, Quảng Châu đóng góp tiền của xây dựng nên. Tọa lạc trên một khuôn viên rộng 8000m2, miếu có các công trình chính: cổng, chính điện, nhà báo bổn đường, điện thuận dương hoan… Cổng miếu được xây dựng bằng bê tông, cốt thép với những trụ cổng to, trên làm mái ngói ống. Chính điện nằm trên khu đất cao, rộng rãi, phía trước trông ra hồ sen có đắp  tượng tám vị Bát tiên sinh động, phù hợp với thuật phong thủy của người Trung Hoa. Với kiến trúc hiện đại, khá nặng nề, khu giếng trời ở giữa lòng nhà đã tạo nhiều không khí, ánh sáng và độ  thoáng cho công trình. Đỡ mái là bộ khung nhà được làm  bằng xi măng, cốt thép với hệ thống cột có số lượng nhiều và kích thước rất lớn, kê chân trên tảng đá hình tròn. Toàn bộ hệ thống cột được đắp nổi hình rồng cách điệu rất sinh động. Vị trí trang trọng nhất chính điện thờ bà Thiên Hậu. Ngoài ra, còn có bàn thờ Thần Tài, Kim Hoa, Long Môn, Quan Thánh.
Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc tại đường Lê Thành Duy, phường Phước Hiệp, thị xã Bà Rịa. Chùa do hội tương tế người Hoa tại thị xã đứng ra xây dựng vào năm 1960 nhằm thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng người Hoa. Đây là ngôi chùa có quy mô nhỏ, không có cổng, toàn bộ chùa chỉ có một căn chính điện diện tích chừng 50m2, tường xây bằng xi măng, mái lợp tôn. Tạo ấn tượng nhất là hệ thống những câu đối chữ Hán được trang trí rất nhiều.
Chùa Tàu Bãi Dâu: Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ khá sớm và đã từng được coi là quốc giáo. Hệ thống chùa người Hoa thờ Phật tại Bà Rịa-Vũng Tàu có khá nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là  chùa Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát còn gọi là chùa Tàu Bãi Dâu.
Chùa do ông Huỳnh Siêu, một thương gia ngành dệt ở Sài Gòn xây dựng từ năm 1970-1972. Lúc đó, chùa chỉ có quy mô nhỏ, mái lợp tôn. Đến năm 1993, được sự đóng góp của cộng đồng người Hoa trong và ngoài nước, chùa được xây dựng lại khang trang, bề thế hơn. Với diện tích trên 5000m2, kiến trúc chùa gồm nhiều công trình lớn như: cổng tam quan, tượng Quan Âm bồ tát, chính điện, nhà bát giác, nhà lục giác, gác chuông, khu ăn uống, sinh hoạt…
Cổng tam quan được xây dựng bằng gạch, mái chồng diêm. Các đầu đao đắp hình rồng cách điệu. Giữa nóc mái trang trí hình lưỡng long tranh châu. Các cột trụ xây cao đi qua cổng tam quan, nổi bật là pho tượng Quan âm bồ tát cao 18m, xung quang là các hồ sen nhân tạo.  Kiến trúc chính điện khá hiện đại kiểu ba gian hai chái, nóc mái được dựng cao gồm hai tầng. Nâng đỡ cho toàn bộ tòa nhà là ba hàng cột lớn phía trước và hai bên. Bài trí trong điện thờ khá đơn giản với ba pho tượng Phật Thích Ca. Các công trình phụ khác như nhà bát giác, lục giác tạo cảnh quan sinh động cho ngôi chùa.

Chùa Ông, khu phố 1, thị xã Bà Rịa thờ Quan Thánh, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc vì lòng trung cang, nghĩa khí, chánh trực. Chùa do người Hoa xây dựng cách đây trên 100 năm bằng vách ván, ngói âm dương. Đến năm 1956-1961, chùa được trùng tu lại. Đây là ngôi chùa có quy mô nhỏ, kiến trúc khá đơn giản gồm hai phần, khu chính điện và nhà khách nối liền nhau. Ngôi chùa độc đáo ở chỗ vật liệu chính để xây dựng chùa là đá núi của địa phương. Phong cách trang trí của người Hoa tạo ấn tượng bởi hệ thống các cột, cánh cửa, ban thờ, hoành phi chạm trổ công phu, sơn màu đỏ rực rỡ. Chính điện hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng lớn rất đẹp như: Quan Thánh, Châu Xương, Quan Bình, Dương Thiên Quân…
Sự hiện diện của các di tích do người Hoa xây dựng đã khẳng định sự tồn tại và vai trò đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa trong lịch sử phát triển của địa phương. Các di tích này ngoài giá trị làm phong phú thêm hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh nếu  khai thác tốt, những di tích này sẽ là điểm tham quan hấp dẫn.
BBT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét