Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Trảy hội chùa Hang – Tuyên Quang



chuahang.jpg
Chùa Hang hay còn gọi là chùa Hương Nghiêm, được xây dựng năm Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1537). Đây là một di tích cổ được xây dựng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Sau những ngày lao động vất vả, mệt nhọc người dân tới lễ chùa để cầu mong mọi điều tốt lành, may mắn, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên.
Lễ hội chùa Hang được người dân xã An Khang tổ chức long trọng vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ông Lê Trung Mỵ, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: cùng với việc tổ chức long trọng các lễ hội đình Giếng Tanh, đền Minh Cầm, UBND huyện Yên Sơn đã khôi phục lễ hội chùa Hang theo nghi thức truyền thống, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; là hoạt động văn hoá mở đầu cho một năm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của huyện.
Chùa Hang là nơi có phong cảnh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình. Gần đó là di tích chiến thắng Bình Ca, di tích Thành nhà Bầu hợp thành tua du lịch hấp dẫn, không chỉ có giá trị trong việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu văn hoá dân tộc, lịch sử cách mạng, mà còn có giá trị trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
Năm nay, phần lễ cầu an và lễ rước nước được tổ chức long trọng, phần hội có nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, biểu diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, các trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, đẩy gậy…
Chùa Hang được đặt trong hang đá thiên tạo khá lớn, nằm gọn trong lòng núi với hai mái vòm đá và nhiều nhũ đá rủ xuống. Trên đỉnh ngọn núi khá bằng phẳng có nhiều cổ thụ. Hang đá này đã có từ nghìn đời nay, với nhiều nhũ đá đủ mọi hình thù, đặc biệt có nhũ đá hình cổ thụ, tạo cho hang đá một vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn. Trước kia, hang có giếng thiên tạo sâu 8 đến 9 mét, gần giếng có dòng suối ngầm rộng khoảng 3 mét chảy ra sông Lô. Hang có nhiều lối đi lên đỉnh núi, lối xuống suối ngầm, có giếng sâu trong mát với vẻ đẹp huyền bí. Ngoài cửa hang có một dãy núi hình con rồng. Ở giữa hang có phiến đá to hình thuyền với chiều dài 8,7 mét, chiều rộng 4 mét. Trải qua nhiều thời gian, đến nay chùa Hang chỉ còn một tấm bia cổ được khắc trên vách đá trước cửa chùa; trong chùa còn có hai pho tượng Bồ Tát cổ bằng đồng, gốm giá đọc văn tế, hương án thời Nguyễn còn nguyên vẹn và một chiếc mâm đồng có hoa văn, cũng từ thời Nguyễn.
Di tích chùa Hang còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Vào ngày 3/2/01941 (tức ngày mùng 8 tết năm Tân Tỵ), đúng ngày hội chùa, chi bộ Mỏ than - chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành rải truyền đơn tại lễ hội để tuyên truyền cách mạng trong nhân dân. Với vị trí kín đáo, thuận đường đi lại, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Hang được chọn là nơi cất giấu, lắp ráp và sửa chữa hai chiếc máy bay đầu tiên của quân đội ta trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng. Liên tục từ năm 1951 đến 1976, chùa Hang được chọn làm kho chứa vũ khí, đạn dược của Trạm vận tải và Trung đoàn 331 phục vụ chiến trường...
Với những giá trị về mặt văn hoá và lịch sử, chùa Hang đã được công nhận là di tích cấp tỉnh và đang được huyện Yên Sơn tu bổ, bảo tồn, nâng cấp tuyến đường vào để sớm đưa di tích vào tuyến tham quan chính thức trong quần thể các di tích của huyện.
Vietbao (Theo: vietnamtourism)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét