Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Tự làm giảm cơn tăng huyết áp


Lương y Võ Hạnh Thu
Theo y học cổ truyền, triệu chứng tăng huyết áp là một tình trạng khí nghịch do tình chí hoặc do yếu tố lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) gây ra. Giải quyết triệu chứng này đồng nghĩa với việc giáng khí, làm cho khí đang lưu chuyển ngược lên đầu sẽ hướng xuống phía dưới và tỏa ra lớp da ngoài của cơ thể.
Tuy nhiên có một điều mà ít người quan tâm là với một số động tác đơn giản của y học dân gian, người ta có thể làm giảm cơn tăng huyết áp đang phát triển để khống chế phần lớn những tác hại của nó hoặc ít ra có thể ngăn chặn những diễn biến xấu hơn trong khi bệnh nhân chờ được chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên môn cần thiết.
Những động tác cụ thể:
Vuốt ấm hai vành tai
Dùng ngón cái và ngón trỏ của mỗi bàn tay vuốt dọc vành tai cùng bên, từ trên xuống dưới khoảng 9, 10 lần. Vành tai và cột sống có những điểm phản xạ tương ứng với nhau, do đó vuốt ấm vành tai cũng là tác động vào cột sống lưng, vừa có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm, vừa kích thích sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí do kinh bàng quang phân bố dọc hai bên sống lưng (nếu có người thứ hai bên cạnh có thể nhờ người này trực tiếp ngồi sau lưng dùng bàn bay tay phải vuốt dọc sống lưng từ trên gáy xuống đến tận thắt lưng để gia tăng thêm tác dụng).
Vuốt dọc hai bên mũi
Mỗi bàn tay vuốt một bên mũi, vuốt đều hai bên cùng một lúc. Dùng ngón tay trỏ vuốt từ ấn đường (điểm giữa hai đầu chân mày) xuống dọc theo hai bên mũi qua khóe miệng đến tận chót cằm. Vuốt chậm, nhẹ và làm không dưới 15 lần.
Kích thích huyệt ấn đường có tác dụng làm phóng thích chất endorphine nội sinh có thể làm cho an thần, hạ huyết áp và giáng khí. Vuốt dọc theo hai bên mũi xuống cằm là tác động vào hai kinh dương minh. Học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền cho rằng kinh dương minh là kinh dương, tập trung nhiều huyết khí, huyết; có chức năng quan trọng nhất trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Động tác này làm gia tăng sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí, gây ấm người và làm nhẹ áp lực lên thành mạch.
Vuốt dọc hai chân mày
Dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ ấn đường đi dài theo xương chân mày ra thái dương đến tận mí tóc ở phía ngoài đuôi mắt. Vuốt mỗi bên khoảng 10 lần. Vùng chân mày và hai cánh tay có những điểm phản xạ tương ứng nhau, do đó động tác này ngoài việc giải tỏa sự sung huyết tại những huyệt vị thường bị tắc nghẽn ở vùng trán còn làm cho khí huyết lưu thông ra hai cánh tay và bàn tay để giúp nhẹ áp lực ở đầu.
Ngồi hoặc nằm thư giãn
Ngồi thoải mái, lưng tựa ghế hoặc nằm xuống thư giãn hít thở điều hoà, tư tưởng tập trung vào mười đầu ngón chân. Động tác này phải kéo dài hơn 10 phút. Mỗi khi cảm nhận được những dấu hiệu huyết áp tăng cao như căng, nặng ở vùng thái dương, đau đầu, mờ mắt, mắt đỏ..., người bệnh nên ngồi xuống, tập trung tinh thần thực hành lần lượt 4 động tác trên. Bình tĩnh và tự tin là yếu tố cần thiết trong quá trình thực hiện các động tác. Sau khoảng 15 phút thực hành, bệnh nhân có thể cảm thấy bớt đi cảm giác khó chịu ở vùng đầu, nhịp đập của tim sẽ chậm lại, tay chân sẽ ấm lên. Đó là lúc huyết áp đã hạ bớt.

Ngâm chân phòng chống cao huyết áp
.
Ngâm chân trong nước ấm, nước khoáng hoặc dịch thuốc là một liệu pháp phòng chống bệnh độc đáo của y học cổ truyền. Đối với bệnh cao huyết áp, biện pháp này có giá trị dự phòng và hỗ trợ trị liệu hiệu quả. Sau đây là một số công thức và cách dùng thông dụng.
Một số công thức nước ngâm
- Từ thạch, thạch quyết minh, đẳng sâm, hoàng kì, đương quy, tang chi, chỉ xác, ô dược, mạn kinh tử, bạch tật lê, bạch thược, đỗ trọng, ngưu tất, mỗi vị 6g, độc hoạt 18g, sắc lấy nước ngâm chân trong 60 phút.
- Câu đằng 20g và một chút băng phiến, sắc lấy nước ngâm chân 2 lần trong ngày, mỗi lần 30 – 45 phút, 10 ngày là một liệu trình.
- Câu đằng 30g, cúc hoa 15g, hạ khô thảo 15g, quyết minh tử 30g, ngưu tất 20g, bạch truật 20g, bạch cương tàm 20g, hồng hoa 15g, sắc lấy nước ngâm chân trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần.
- Hạ khô thảo 30g, câu đằng 20g, tang diệp 15g, cúc hoa 20g, sắc lấy nước ngâm chân mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút.
- Ngô thù du 15g, hoàng bách 20g, tri mẫu 20g, sinh địa 20g, ngưu tất 20g, sinh mẫu lệ 40g, sắc lấy nước ngâm chân, mỗi ngày 2 lần.
- Tang chi 20g, tang diệp 15g, sung uý tử 20g, sắc lấy nước ngâm chân 2 lần trong ngày, mỗi lần 45 phút.
- Có thể dùng nước ấm bình thường hoặc nước khoáng nóng.
Cách ngâm chân
Dụng cụ: Tốt nhất là dùng chậu ngâm điện (loại nhập từ Trung Quốc, có bán tại các siêu thị), loại chậu này tiện lợi cho việc giữ nhiệt độ một cách tự động, ít phải chế thêm nước nóng rồi lại phải thử độ nóng làm cách quãng việc ngâm chân. Nếu không có thì nên dùng chậu gỗ vì loại chậu này giữ được nhiệt lâu, không độc và an toàn.
Nhiệt độ nước ngâm: Tuỳ theo tính chất địa lí, khí hậu, lứa tuổi, tình trạng bệnh lí, phản ứng của từng cá thể… mà lựa chọn nhiệt độ nước ngâm cho phù hợp. Nói chung, về cơ bản, nên chọn nhiệt độ trung bình từ 38 đến 43 độ C. Cơ sở xác định là, sau khi ngâm chân cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và huyết áp được cải thiện rõ rệt.
Tư thế: Chọn tư thế ngồi trên ghế tựa, chậu ngâm có độ cao từ 20 cm trở lên, độ rộng có thể chứa đủ hai chân là được.
Thời gian ngâm chân: Mỗi ngày nên ngâm 2 lần, tốt nhất là vào lúc 10 giờ sáng và tối trước khi đi ngủ. Ngoài việc điều chỉnh huyết áp, việc ngâm chân vào buổi tối sẽ giúp giấc ngủ ngon và sâu hơn. Dân gian có câu: “Sau ăn 300 bước, trước ngủ một chậu ngâm”. Tuỳ theo công thức thuốc ngâm, tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khoẻ, khí hậu thời tiết, tính chất công tác… nói chung thời gian ngâm chân mỗi lần chừng 30 phút là phù hợp. Những người huyết áp quá cao, khó điều chỉnh thì có thể kéo dài thời gian ngâm. Mùa đông nên ngâm dài hơn mùa hè. Tiêu chí đánh giá thời gian ngâm hợp lí là: Sau khi ngâm chân cảm thấy dễ chịu, tình trạng huyết áp được cải thiện.
Biện pháp kết hợp khi ngâm chân
Trong khi ngâm nên kết hợp day bấm một số huyệt vị và thư giãn. Day bấm huyệt, xong thực hành thư giãn.
Các huyệt vị cần day bấm là: Bách hội (là điểm giao nhau ở đỉnh đầu của đường nối đỉnh hai vành tai khi gấp tai lại và đường trục giữa cơ thể, ấn có cảm giác ê tức); ấn đường (là điểm giữa của đoạn nối hai đầu trong lông mày) và Dũng tuyền (là điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân). Nên dùng ngón cái hoặc ngón tay giữa để day bấm, mỗi huyệt chừng 2 phút, sao cho đạt cảm giác tức nặng là được.
Thực hành thư giãn: Tựa người vào thành ghế, toàn thân thả lỏng, mắt nhắm hờ, tập trung sự chú ý vào một điểm nhất định trên cơ thể, tốt nhất là vào Đan điền (vùng dưới rốn một chút). Thở đều, chậm và thật nhẹ đến mức để một vài sợi bông trước mũi mà không thấy lay động. Trước tiên, từ từ thở ra, bụng lõm vào rồi lại từ từ hít vào, bụng phình ra, nín thở một lát rồi lại từ từ thở ra, cứ luân phiên thở như vậy chừng 5 phút. Tiếp đó nghỉ 5 phút rồi lại lặp lại quy trình thở lần thứ hai.
Những điều cần chú ý
- Ngâm chân là liệu pháp mang tính hỗ trợ và phối hợp, những người huyết áp cao đang dùng thuốc không nên ngừng đột ngột, muốn ngừng hoặc giảm liều thuốc phải có ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Trong khi tiến hành ngâm chân, tư tưởng hết sức thoải mái, bình thản, cần tránh căng thẳng hoặc suy nghĩ lo âu.
- Nên chọn nơi ngâm chân yên tĩnh, thoáng khí, không bị xáo trộn bởi ngoại cảnh.
- Phải kiên trì và đều đặn, tránh ngâm ngắt quãng.
- Nếu đang bị mắc các bệnh lí cấp tính có sốt do viêm nhiễm và bị bệnh xuất huyết thì không nên thực hành liệu pháp ngâm chânn
Ths. Hoàng Khánh Toàn
(Chủ nhiệm Khoa Y học dân tộc Bệnh viện TƯ quân đội 108

Người bị cao huyết áp nên uống trà
.

Trà (chế biên từ lá chè) là một loại nước uống có nhiều chất tanin, với vị chát đặc hiệu. Tanin có tác dụng tốt đối với niêm mạc đường tiêu hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có ích ở ruột hoạt động.
Trong chè xanh có cafein (2,5% - 4%), giúp kích thích hưng phấn đối với hệ thần kinh trung ương, hoạt động của tim mạch, thận và hệ tiêu hoá. Trong chè xanh còn chứa flavonoids, cafein, protid, vitamine PP, vitamine C.
Những chất có trong lá chè tươi hoặc đã phơi khô có khả năng kích thích tế bào sản sinh interferon, nên ngăn ngừa được các bệnh do virus và ngăn ngừa ung thư.
Cafein, ngoài tác dụng kích thích tế bào sinh interferon còn có tác dụng bảo vệ các tế bào chống đột biến, góp phần phòng chống ung thư.
Một số tác giả cho rằng, chỉ cần uống bốn tách trà mỗi ngày là có thể ngừa được nguy cơ tim mạch và ung thư, nhờ chất chống oxy hoá flavonoids. Một số hợp chất trong chè có thể phòng ngừa tăng cholesterol máu, hạn chế chứng máu đông.
Chè xanh có nhiều tác dụng tốt, nhất là tác dụng giảm xơ vữa động mạch, giảm cholesterol trong máu. Chè xanh rất thích hợp cho người cao huyết áp./.
(Theo Phụ nữ)


Dinh dưỡng cho người cao huyết áp
.
(Dân trí) - Biểu hiện của tình trạng huyết áp tăng cao thường là choáng váng, đau đầu, ù tai mất ngủ… Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, ăn uống khoa học cũng trợ giúp rất nhiều trong việc phòng trị căn bệnh này.



1. Hạn chế rượu bia



Khi bị bệnh cao huyết áp nên tránh xa rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác: nam giới không quá 3 ly rượu/ngày, nữ giới không quá 2 ly/ngày.
   
2. Kiểm soát cân nặng

Thừa cân, béo phì là kẻ thù số 1 gây ra các bệnh về tim và động mạch. Đặc biệt, khi có tiền sử cao huyết áp, cần chú ý chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát trọng lượng.
   
3. Tránh xa muối

Thường các bác sĩ điều trị cao huyết áp sẽ khuyên bệnh nhân hạn chế muối (tối đa 6gr muối/ngày) và tránh xa các loại thực phẩm chứa nhiều natri như: thịt hun khói, đồ hộp, đồ đông lạnh, các món ăn được chế biến quá cầu kỳ, nhiều gia vị, đặc biệt là pho mát.

Ngoài ra, hãy dè chừng với lượng muối có trong bột ngũ cốc và bánh bích quy. Tuyệt đối không nên dùng các loại thực phẩm này trong bữa sáng.

4. “Kết thân” với dầu thực vật

Khi bị bệnh cao huyết áp, nhất thiết phải tránh xa các loại chất béo bão hoà (còn gọi là chất béo no). Hãy dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật trong bữa ăn hàng ngày để bảo vệ sức khoẻ của bạn và cả gia đình. Nói lời tạm biệt với các loại bơ, dầu mỡ động vật và kết thân với dầu thực vật!
   
5. Hạn chế ăn thịt

Khi mắc chứng cao huyết áp, bạn nên chọn các loại thịt nạc; hạn chế thịt bò, thịt lợn và thịt cừu; thay vào đó là cá và thịt gia cầm!

6. Ưu tiên ngũ cốc nguyên cám

Trong tất cả các nguồn thực phẩm tinh bột, hãy ưu tiên ngũ cốc nguyên cám. Loại thực phẩm này không những cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hơn các loại thực phẩm cùng chức năng mà còn cung cấp lượng chất xơ đáng kể cho cơ thể.

7. Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ

Nên chọn cách làm chín thực phẩm dùng càng ít dầu mỡ càng tốt như luộc, hấp, nướng.

8. “Bỏ phiếu” cho thực phẩm đã tách béo

Đừng do dự khi lựa chọn các loại thực phẩm đã tách béo, tách kem trong số vô vàn các loại thực phẩm đóng hộp, ăn liền khác. Bởi đây là lựa chọn tối ưu nhất khi bị cao huyết áp.
   
9. Vận động nhiều hơn

Một bài tập thể dục thích hợp tốt cho sức khoẻ của tất cả mọi người, không loại trừ bệnh nhân cao huyết áp. Tuy nhiên, hãy chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, đạp xe và bơi lội, tránh các bài tập quá sức!

10. Ăn nhiều hoa quả

Một điều không có gì mới mẻ nhưng sẽ không bao giờ là cũ, đó là, rau quả luôn là “đồng minh” với sức khoẻ của con người. Bạn cần bổ sung đầy đủ loại thực phẩm này mỗi ngày, nhất là đối với bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp.

Hãy chọn các loại rau quả giàu kali như dưa hấu, cam, bưởi, dâu, cần tây, cải bó xôi… Ngoài ra, cơm dừa - món khoái khẩu của chị em cũng chứa rất nhiều kali.
Huyền Thu
Theo Doctissmo
Cải tiến cách ăn uống để chống bệnh tăng huyết áp
.

Ai cũng biết rằng, để phòng cũng như đề chữa bệnh tăng huyết áp, thì cách ăn uống hợp lý có tầm quan trọng lớn nhất. Trọng tâm tất nhiên là ăn giảm muới, ăn đúng mức cho khởi béo, bớt rượu. Nhưng còn một số điều nên theo dưới đây để chống tăng huyết áp tốt hơn.
Các thức ăn thông dụng có thể được xếp loại thành 5 nhóm như sau:
1. CÁC CHẦT BÉO (CÒN GỌI LÀ LIPID)
Mỡ và dầu đều là thức ăn cho rất nhiều calo: 900 calo mỗi lạng mỡ lợn, mỡ bò hay dầu lạc, dầu vừng. Vì vậy, muốn giảm cân nặng, chống béo, cần hạn chế ăn cả mỡ dầu, để giảm bớt calo đưa vào cơ thể.
Tuy nhiên, nói về tác hại đối với hệ tim mạch thì các loại dầy và mỡ rất khác nhau. Có những chất béo chứa nhiều axít beó bão hòa làm tăng cholesterol "xấu" nên gây xơ vữa động mạch nhiều hơn. Mỡ bò, mỡ cừu chứa tới 90% là axít bão hòa. Dầu dưà và dầu cọ cũng có hại như vậy, tuy chúng được làm từ thực vật.
Có nhiều thức ăn cũng béo nhưng chứa tương đối ít axít bão hòa (dưới 40%), đó là những dầu thảo mộc như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô. Đặc biệt, dầu ô-liu đã góp phần giảm tỷ lệ bệnh tim ở vùng dân cư Địa Trung Hải, nên rất được ưa chuộng. Những thức ăn này không gây những mảng vữa xơ trong lòng động mạch chủ nên không có hại cho hệ tim mạch, thậm chí người ta còn thấy chúng "dọn sạch" bớt các mảng vữa xơ đi. Đó là những thức ăn nên dùng. Dầu lạc ở vị trí trung gian có 70% axít bão hòa cũng tương đối tốt.
Về cholesterol, ai cũng biết là một chất béo có hại cho hệ tim mạch, nhưng cũng phải công nhận rằng nó cũng lại rất cần cho đồi sống. Kiêng cholesterol quá đáng cũng không tốt cho sức khoẻ. Hơn nữa, chỉ có ¼ cholesterol trong máu là do ăn vào, còn ¾ kia do các tế bào tự tổng hợp ra. Dù kiêng kỹ đến đâu, cũng không thể ảnh hưởng đến ¾ đó được.
Lòng đỏ trứng gà, vịt chứa khá nhiều cholesterol, mỗi quá trứng trung bình 17gr chứa tới 220mg cholesterol và nhiều chất mỡ, chủ yếu là axít bão hòa. Như vậy, người huyết áp cao, mỗi tuần có thể ăn 2 - 3 lòng đỏ trứng, không cần phải "kiêng tuyệt đối" như người ta vẫn tưởng trước đây. Lòng trắng trứng không chứa chất béo, nên không phải kiêng. Sữa bò cũng như sữa dê, sữa trâu cũng có khá nhiều cholesterol (110 mg/lít) và axít bão hòa (36g/lít), không nên uống nhiều quá. Sữa đã loại bớt chất béo (sữa gầy) có thể dùng thoải mái hơn. Bơ lại càng nên tránh vì quá nhiều cholesterol (280mg/100gr) và axít bão hòa (77gr/100gr). Sữa chua có ít chất mỡ hơn sữa tươi và ít cholesterol hơn.
Gần đây, người ta nhận thấy rằng mỡ trong thịt gà và trong cá cũng ít axít béo bão hòa, nên có tể ăn tốt, không phải kiêng như đối với mỡ bò, mỡ lợn, mỡ sữa.
Để dễ nhớ, có thể tóm tắt như sau về các thức ăn nhiều chất béo:
Nên ăn: Các dầu thực vật, trừ dầu dừa và dầu cọ (thị trường nuớc ta có nhiều dầu cọ, nên chú ý khi mua). Tốt nhất là các dầu ô-liu, dầu quì (hướng dương), dầu ngô (bắp), dầu đậu nành, dầu vừng (mè), rồi đến, dầu cám, dầu lạc (phộng).
Nên kiêng: Các mỡ động vật, nhất là mỡ lấy từ sữa như bơ, rồi đến mỡ cừu, mỡ bò, mỡ lợn (heo) có thể dùng ít. Về dầu thực vật, nên kiêng 2 thứ là dầu dừa và dầu cọ. Riêng mỡ cá và các loại chim như gà, vịt. có tác giả cho rằng không có hại, có thể ăn bình thường.
2. CÁC CHẦT ĐƯỜNG BỘT (GỌI CHUNG LÀ GLUCID)
Đây là những nguồn năng lượng chính của cơ thể, cần ăn đủ theo yêu cầu. Ắn nhiều quá sẽ sinh béo, tăng cân, nhưng ít quá thì không đủ nhiên liệu để sống và làm việc, dẫn đến gầy sút, suy dinh dưỡng, làm mồi cho nhiều bệnh khác.
Nhưng các loại đường thì nên hạn chế vì có thể gây hại cho răng, cho tụy, nhất là ở người tiểu đường. Đường gluco ăn cũng có hại như đường kính, không hiểu tại sao người ta lại cứ cho là bổ! Mật ong cũng nên hạn chế như các loại đường khác. Các loại hoa quả quá ngọt như na, mít, vải cũng nên dùng có mức độ. Các chất bột trong ngũ cốc là nguồn năng lượng tốt hơn. Vào trong máu, chúng cũng biến thành đường, nhưng chậm hơn, có thể có thì giờ tiêu thụ mà không bị tràn ngập như các loại đường nhanh kể trên. Gạo rất tốt mà lại phù hợp với thói quen người Việt Nam. Các lương thực khác có thể tùy sở thích mà thay thế là bột mì, ngô, khoai, sắn v.v.
3. CÁC CHẦT ĐẠM
Thịt và cá, người tăng huyết áp không cần hạn chế, nhưng cá tốt hơn thịt đối với hệ tim mạch vì có những chất bảo vệ tim hiệu quả hơn. Cả 2 thức ăn đều không gây béo, trừ khi có lẫn nhiều mỡ.
Các đạm thực vật cũng rất tốt, nhất là đạm trong đậu nành, trong lạc và các loại đỗ. Gạo cũng chứa nhiều đạm tốt.
4. RAU VÀ QUẢ
Rau và quả là những thức ăn rất tốt cho người bị tăng huyết áp cũng như bị các bệnh tim mạch khác.
Một laø, chúng chứa nhiều kali và hầu như không có natri, hai điều này rất có lợi cho người tăng huyết áp.
Hai là, rau quả chứa nhiều vitamin thiên nhiên, tốt hơn các vitamin tổng hợp. Chúng lại còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, góp phần giữ cho các tế bào được trẻ trung lâu hơn.
Ba là, chúng đem lại cho cơ thể nhiều chất xơ, cần thiết cho hoạt động tiêu hóa, và có thể còn góp phần tống cholesterol ra ngoài cơ thể.
Bốn là, chúng cung cấp rất ít calo, chống được béo, giảm được trọng lượng.
Nước ta bốn mùa đều saün rau quả, cần tận hưởng sự ưu đãi đó của thiên nhiên.
5. CÁC MUỐI KHOÁNG
Các muối khoáng trừ Natri, đều có lợi cho sức khỏe chung: Kali, Magiê, Calci.
Tóm lại, các bữa ăn ở gia đình cần luôn đổi món, chế biến sạch sẽ, gia vị vừa phải, không khí tình cảm. là rất tốt để giữ sức khỏe nói chung và phòng bệnh tim mạch nói riêng. Không cần phải mua các thuốc "bổ", chưa chắc đã có lợi gì hơn, mà phí tiền là cái chắc!
[GS. Vũ Đình Hải]
[Ẩm thực. NauNgon.com]

.
Trái cây thông dụng chữa trị cao huyết áp

.
TP – Trái cây cũng là  “thuốc” chữa bệnh tăng huyết áp rất tốt. Tuy nhiên, bệnh tăng huyết áp có nhiều dạng và mỗi loại trái cây chỉ thích ứng với một số dạng cao huyết áp nhất định. , bệnh tăng huyết áp có nhiều dạng và mỗi loại trái cây chỉ thích ứng với một số dạng cao huyết áp nhất định.
Muốn sử dụng có hiệu quả, cần căn cứ vào những triệu chứng cụ thể, để lựa chọn loại trái cây thích hợp. Cụ thể như sau:
Quả quít: Nước quít có nhiều vitamin C (25-40mg trong 100g), citric acid, các chất đường và hàng chục hoạt chất sinh học khác thiết yếu đối với cơ thể.
Với những người bị tăng huyết áp do viêm gan mạn tính, trái quít có tác dụng tăng cường khả năng giải độc của gan, xúc tiến quá trình chuyển hóa cholesterol và dự phòng xơ vữa động mạch.
Sau mỗi bữa cơm, ăn thêm 1 trái quít không những có tác dụng kích thích tiêu hóa, mà còn có thể tiêu trừ tình trạng rối loạn tiêu hóa do huyết áp tăng cao.
Ô mai: Đối với những người cao huyết áp dẫn đến váng đầu, chóng mặt và khó ngủ, buổi tối trước khi nằm ngủ nên dùng 3 trái ô mai, hãm nước sôi, pha thêm đường vào uống.
Có tác dụng hạ huyết áp, giúp ngủ ngon và làm giảm các triệu chứng “bốc hỏa” – gây váng đầu, chóng mặt.
Lưu ý: Hiện nay, ở các cửa hàng Đông Nam dược ít khi có bán vị ô mai. Bạn có thể đến cửa hàng ô mai, mua loại ô mai mơ mặn,  thay thế.
Táo tây (apple): Có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu và chống xơ vữa động mạch. Một nghiên cứu gần đây cho biết: táo tây có tác dụng điều hòa huyết áp tốt đối với những người thích ăn mặn.
Dưa bở: Có tác dụng hạ huyết áp, thanh nhiệt, tiêu đờm và trừ phiền. Có thể sử dụng như một loại “thuốc” đối với những người bị tăng huyết áp, kèm theo các chứng trạng: đầy tức ở vùng ngực, chóng mặt, hoa mắt (theo Đông y, các triệu chứng đó là do đàm nhiệt gây nên).
Cũng có thể áp dụng bài thuốc: Dây dưa bở, dây dưa chuột, dây dưa hấu, mỗi thứ đều 15g khô, đem sắc kỹ với nước, chia 2 lần uống vào đầu buổi sáng và đầu buổi chiều trong ngày.
Dưa hấu: Có thể sử dụng để chữa tăng huyết áp, đặc biệt là đối với những người tạng nhiệt, đại bí kết, tiểu tiện sẻn đỏ. Hàng ngày có thể dùng vỏ  dưa hấu khô 15g ( hoặc vỏ tươi 50g), hạt muồng 9g, đun nước uống thay trà hàng ngày.
Chuối tiêu: Có tác dụng hạ huyết áp và làm giảm cholesterol máu. Người bị tăng huyết áp hàng ngày nên ăn chuối tiêu 3 lần, mỗi lần 1-2 quả. Ăn liên tục khoảng  một tháng, huyết áp sẽ giảm xuống rõ ràng.
Các nghiên cứu đã phát hiện thấy: tác dụng hạ huyết áp đó có liên quan đến hàm lượng chất kali chứa trong quả chuối và tỉ lệ bị tai biến mạch máu não do huyết áp lên cao ở những người thường xuyên ăn chuối thấp hơn ở những người không ăn chuối khoảng 23,6%.
Để làm giảm cholesterol máu, hàng ngày nên lấy vỏ chuối (chú ý lấy cả cuống) 30-60g sắc uống; liên tục trong 10-12 ngày, hàm lượng cholesterol có thể đã giảm xuống thấy rõ.
Quả dứa: Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong trái dứa có một số loại enzym (men) có tác dụng xúc tiến phân giải các chất đạm, cải thiện tuần hoàn máu và tiêu thũng.
Người bị tăng huyết áp thường xuyên ăn dứa hoặc uống nước dứa có tác dụng điều hòa huyết áp, dự phòng phù thũng do tăng huyết áp và ngăn chặn sự hình thành các huyết khối gây nghẽn tắc mạch máu.
Quả hồng: Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, quả hồng có tác dụng chống xơ vữa động mạch và làm giảm huyết áp.
Hàng ngày có thể dùng quả hồng tươi ép lấy nước cốt, hòa với sữa hoặc nước cơm uống, ngày uống 3 lần  mỗi lần nửa chén. Có tác dụng hạ huyết áp và phòng “trúng phong” (tai biến mạch máu não) do tăng huyết áp.
Đối với những người trong vườn có trồng cây hồng hàng ngày có thể dùng 10-15g lá hồng khô sắc uống thay trà. Từ thời xưa người Nhật có tập quán dùng “trà lá hồng” để dưỡng sinh và phòng trị bệnh tật.
Theo các nghiên cứu hiện đại, lá hồng có tác dụng diệt khuẩn, hạ huyết áp, tăng độ bền thành mạch máu, phòng ngừa xơ vữa động mạch; dùng để chống mất ngủ, giảm béo, chữa bệnh bệnh tim và động mạch vành tim, tiểu đường…
Theo kết quả  nghiên cứu của Viện u bướu Trung Quốc, lá hồng còn có tác dụng phòng chống ung thư: hàng ngày dùng 15g lá hồng uống thay trà có tác dụng trị liệu tương đối tốt đối với bệnh ung thư thực quản.
Có thể tự chế “trà lá hồng” theo cách như sau: Từ khoảng trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, hái lá hồng về, buộc thành từng chuỗi, đem nhúng vào nước nóng 85oC  trong 15 phút, lấy ra nhúng vào nước lạnh, sau đó đem hong khô trong bóng mát (không phơi nắng), khi lá hồng khô thì vò vụn là được “trà lá hồng”; khi uống có thể hãm với nước sôi như pha trà.
Lương y Huyên Thả

Dưa hấu hạ huyết áp

TTO - Theo một nghiên cứu mới của các nhà thực phẩm học từ ĐH Bang Florida (Mỹ), dưa hấu có thể là một vũ khí tự nhiên hữu hiệu chống lại hiện tượng tiền cao huyết áp, tiền thân bệnh tim mạch.
Dưa hấu là vũ khí tự nhiên hiệu quả chống lại hiện tượng tiền cao huyết áp
Kết quả cho thấy, khi tiêm amino acid L-citrulline/L-arginine (phải có chỉ định của bác sĩ) chiết xuất từ dưa hấu trong 6 tuần, có sự cải thiện chức năng động mạch, làm hạ huyết áp động mạch chủ trên tất cả các đối tượng có triệu chứng tiền cao huyết áp tham gia nghiên cứu (độ tuổi 51 - 57).
L-agrinine là một amino acid thiết yếu cần cho sự hình thành oxide nitric giúp điều hòa nhịp mạch và huyết áp khỏe mạnh. Tuy nhiên, bổ sung L-arginine vào chế độ ăn uống không là lựa chọn tốt cho người cao huyết áp, vì nó có thể gây buồn nôn, khó chịu đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.
Dưa hấu là nguồn thực phẩm tự nhiên giàu L-citruline. Trong cơ thể, L-citruline sẽ chuyển thành L-agrinine.
L-citrulline chiết xuất từ dưa hấu tự nhiên hay tổng hợp (dạng viên) sẽ phù hợp với những người có huyết áp và độ đông cứng động mạch tăng, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người mắc bệnh kinh niên như tiểu đường type 2. Liều tối ưu là từ 4-6g/ngày.
Ngoài lợi ích tim mạch của citrulline, dưa hấu cũng cung cấp nhiều vitamin A, B6, C, chất xơ, kali và lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh. Dưa hấu thậm chí còn làm giảm lượng đường trong huyết thanh.
Hiện tượng tiền cao huyết áp (Prehypertension) chỉ trường hợp những  người có huyết áp cao hơn bình thường, nhưng chưa đến mức “cao huyết áp” (theo phân loại của người Mỹ). Hiện tượng này xảy ra khi áp lực tâm thu là 120 - 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương là 80-89 mmHg.
Tâm thu là áp lực máu khi tim co bóp. Huyết áp tâm trương phản ánh áp lực máu khi tim ở trong thời gian thư giãn và mở rộng. Ở Mỹ, có đến 60% người trưởng thành mắc tiền cao huyết áp hoặc cao huyết áp.
NGUYỄN LÊ MINH (Theo Science Daily)

Cà tím trị tăng huyết áp

Cà có thể bung, luộc, nướng, xào, nấu, trộn... chung với các thứ khác mà không hề bị giảm chất lượng thực phẩm của nó.

Cà tím trị tăng huyết áp

Cà tím còn có tên cà dái dê, cà tím dài, cà dê. Không lẫn cà pháo cà dừa, cà bát vỏ tím. Tên Hán gọi cà với tên chung là Nuy qua. Tên khoa học: Solanum melongema, họ cà.

Trong các loại cà đặc biệt là cà tím dài là thực phẩm có từ 2000 năm trước Công nguyên ở nhiều vùng nhiệt đới Á Phi, nó được ưa chuộng vì chứa nhiều vitamin và ít calo. Cà có thể bung, luộc, nướng, xào, nấu, trộn... chung với các thứ khác mà không hề bị giảm chất lượng thực phẩm của nó.

Cà tím được dùng làm thức ăn phòng chữa bệnh nếu là quả chín tới. 

Theo Đông y cà tím đã được ghi trong bản thảo cương mục và các y văn cổ có tính năng cực hàn, thanh can, giáng hoả, lợi tiểu, nhuận tràng, chỉ huyết, hoá đàm, thanh nhiệt, giải độc.

Một số bài thuốc chữa bệnh có dùng cà tím: 

Cà tím xào mã đề: Cà tím 200g, mã đề 15g, hành 10g, gừng 5g, tỏi 10, dầu mè, nước tương (xì dầu) một lượng thích hợp. Cà rửa sạch, cắt miếng, mã đề làm sạch; hành cắt khúc, gừng cắt lát; tỏi bỏ vỏ, cắt khô. Để chảo nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi thơm; rồi bỏ cà, mã đề vào trộn đều, bỏ muối và một ít nước vào xào chín là được. Mỗi ngày ăn một lần. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạ áp huyết.

Canh gà, cà tím: Gà giò 1 con, cà tím 200g, sơn tra 15g, gừng 5g, hành 10g, dầu, muối một lượng thích hợp. Gà làm sạch, bỏ nội tạng; cà tím rửa sạch, cắt miếng, gừng cắt lát; hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm bỏ gà vào xào sơ. Tiếp đó, đổ nước vào, bỏ cà, sơn tra, muối vào, nấu sôi bằng lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm chừng 30 phút là được. Mỗi ngày ăn một lần, dùng thay thức ăn. Có tác dụng tiêu thực tan ứ, giảm mỡ, hạ huyết áp.

Giảm huyết áp bằng các món chay: Nhiều món chay dùng cà tím. Ví dụ: Cà tím nhồi om - cà tím dài 3 quả nhỏ. Nhân thịt chay 300g, sốt cà chua 15ml, dầu vừng 2 thìa, gia vị. Cà thái dọc làm 2 nửa bỏ ruột, ngâm nước muối, vớt ra vắt nhẹ cho ráo. Nhồi nhân thịt chay đã trộn gia vị, rán vàng phía nhồi nhân, xếp vào xoong. Tiếp đó xào hành, bột mì và sốt cà chua để om.

Giúp bỏ thuốc lá: Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Michigan (Mỹ) đã phát hiện trong cà tím cũng có nicotin và thấy trong thí nghiệm ăn 10g cà tím có hiệu quả tương tự như hút thuốc suốt 3 giờ. Vậy có lời khuyên khi thèm thuốc lá hãy ăn các món cà tím ngon lành mát bổ lại tránh được độc hại.

Phòng chữa xuất huyết đường tiêu hoá, hô hấp, tiết niệu: Ăn cà tím có nhiều vitamin P, C giúp làm vững chắc thành mạch chống chảy máu nói chung. Nếu được phối hợp với chanh, ngó sen, rau cần thì hiệu quả tăng cao, mạnh và nhanh hơn.

Chữa đái ra máu: Sắc quả cà tím cả cuống để uống. 

Phòng chống ban tía ở người già: Ở tuổi 60 - 70 người già thường bị trên mặt, tay có tình trạng ứ huyết nổi ban tía hay từng chấm, có khi phải nhìn kỹ mới thấy. Để khắc phục bệnh lý này nên ăn cà tím. Cà tím lại mềm nên người già dễ ăn, dễ tiêu.

Viêm phế quản cấp: Cà tím 500g, gừng tươi 4 lát, tỏi 3 củ. Cà cắt dọc dài. Gừng thái lát, tỏi nghiền trộn nước tương, dầu, muối, đường. Chưng cách thuỷ. Có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm nhiệt.

Viêm gan vàng da: Dùng mấy quả cà tím thái nhỏ trộn với gạo nấu thành món cơm - cà, ăn liên tục nhiều ngày.

Bảo vệ răng chắc, sạch, chống hôi miệng. Chế kem cà tím: Muối trộn cà tím với tỷ lệ 5 cà - 1 muối ngâm trong ít nhất 3 ngày với nước nóng xấp mặt, ép vỉ tre, để chỗ tối. Lấy cà ra để ráo nước phơi trong mát cho khô, bỏ vào chảo rang cháy, tán thành bột. Cất để dùng dần. Mỗi lần dùng lấy bàn chải nhúng ướt, dùng thìa sạch múc bột cà đổ lên bàn chải để đánh răng (kinh nghiệm của dân gian Nhật).

Người Mỹ dùng hỗn hợp cà muối chữa có hiệu quả các bệnh sâu răng, lợi viêm có mủ, bằng cách lấy tay sạch hoặc que bông tẩm bột chấm xát vào chỗ tổn thương. Để chữa bệnh này còn có thể chỉ dùng cuống của quả cà đốt tồn tính để chấm vào răng.

Bí đái: Dùng hạt sắc uống để lợi tiểu.

Táo bón: Dùng quả cà tím, hàng ngày lấy khoảng 100 - 200g nấu các món ăn đơn giản để ăn cùng cơm.

Kiêng kỵ: Theo sách cổ cà tím tính rất lạnh, không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Người tạng hàn, hay đi ngoài lỏng khi cần dùng nên thận trọng hơn. Không nên dùng khi quả cà dập nát! Ăn càng tươi càng tốt.
Theo Afamily

Một số món ăn giúp chữa được bệnh cao huyết áp
.
Cao huyết áp là bệnh thường hay gặp ở người cao tuổi, chiếm 10-15% dân số. Bệnh ít có biểu hiện lâm sàng nên nhiều người bệnh thường không biết mình bị cao huyết áp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị đột ngột biến chứng gây tàn phế và dễ dẫn tới tử vong.

Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều món ăn có thể giúp đề phòng được bệnh cao huyết áp.

Các món ăn từ cà tím chữa cao huyết áp

Cà tím còn có tên khoa học là Solanum melongema. Trong các loại cà, đặc biệt cà tím dài là thực phẩm có từ 2.000 năm trước Công nguyên ở nhiều vùng nhiệt đới Á Phi. Cà tím được ưa chuộng vì chứa nhiều vitamin và ít calo. Cà có thể bung, luộc, nướng, xào, nấu, trộn... chung với nhiều gia vị và thức ăn khác mà không hề bị giảm chất lượng thực phẩm.

Theo Đông y, cà tím, đã được ghi trong bản thảo cương mục và các y văn cổ, có tính năng cực hàn, thanh can, giáng hỏa, lợi tiểu, nhuận tràng, chỉ huyết, hóa đàm, thanh nhiệt, giải độc.

Cà tím được dùng làm thức ăn phòng chữa bệnh nếu là quả chín tới. Để phòng chữa xuất huyết đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, người dân nên ăn cà tím có nhiều vitamin P, C giúp làm vững chắc thành mạch chống chảy máu nói chung.

Nếu được phối hợp với chanh, ngó sen, rau cần thì hiệu quả tăng cao, mạnh và nhanh hơn. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh có dùng cà tím:

- Cà tím xào mã đề

Cà tím 200g, mã đề 15g, hành 10g, gừng 5g, tỏi 10g, dầu mè, nước tương (xì dầu) một lượng thích hợp. Cà rửa sạch, cắt miếng, mã đề làm sạch; Hành cắt khúc, gừng cắt lát; tỏi bỏ vỏ, cắt khô.

Để chảo nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi thơm rồi cho cà, mã đề vào trộn đều, bỏ muối và một ít nước vào xào chín là được. Mỗi ngày ăn một lần, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạ huyết áp.

- Canh gà, cà tím

Gà giò 1 con, cà tím 200g, sơn tra 15g, gừng 5g, hành 10g, dầu, muối một lượng thích hợp. Gà làm sạch, bỏ nội tạng, cà tím rửa sạch, cắt miếng, gừng cắt lát; hành cắt khúc.

Để nồi nóng đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm  rồi bỏ gà vào xào sơ. Tiếp đó, đổ nước vào, bỏ cà, sơn tra, muối vào, nấu sôi bằng lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm chừng 30 phút là được. Mỗi ngày ăn một lần, dùng thay thức ăn, có tác dụng giảm mỡ, hạ huyết áp.

- Cà tím nhồi om:

Cà tím dài 3 quả nhỏ, nhân thịt chay 300g, sốt cà chua 15ml, dầu vừng 2 thìa, gia vị. Cà thái dọc làm hai nửa, bỏ ruột, ngâm nước muối, vớt ra vắt nhẹ cho ráo. Nhồi nhân thịt chay đã trộn gia vị, rán vàng phía nhồi nhân, xếp vào xoong. Tiếp đó xào hành, bột mì và sốt cà chua để om.

Các món cháo chữa bệnh cao huyết áp

- Cháo song nhĩ hạ áp

Mộc nhĩ trắng 10g, mộc nhĩ đen 10g, gạo tẻ 50-100g, đường phèn vừa đủ. Ngâm mộc nhĩ cho nở ra, bỏ núm ở đế cuống, thái thành miếng nhỏ nấu với gạo tẻ thành cháo, khi chín cho đường phèn vào ăn hết trong ngày.

- Cháo mộc nhĩ đen và táo tầu

Mộc nhĩ đen ngâm nước cho nở ra, xé thành miếng nhỏ, táo tàu rửa sạch bằng nước sôi, lọc bỏ hạt, trộn với đường, ngâm 20 phút. Cho mộc nhĩ đen và gạo tẻ vào cùng để nấu thành cháo. Sau đó cho táo tàu và đường đỏ vào nấu tiếp 10 phút, ăn bữa sáng và bữa tối.

- Cháo sa sâm

Sắn dây tươi 50g, sa sâm 20g, mạch đông 20g, gạo tẻ 60g. Rửa sạch sắn dây tươi, thái thành lát mỏng, cho nước vào xay cùng với sa sâm và mạch đông, gạn lấy bột, phơi khô. Cho bột này vào cháo gạo để ăn trong một ngày. Có thể làm một lượng lớn loại bột trên để ăn dần.

- Cháo bột ngô, xa tiền tử

Bột ngô lượng vừa đủ, xa tiền tử 15g, gạo tẻ 60g. Xa tiền tử gói lại, đem nấu lấy nước, bỏ bã, có thể cho thêm lượng nước vừa phải vào nấu cháo với gạo tẻ. Bột ngô ngâm nước lạnh cho nở ra rồi cho vào cháo nấu chín nhừ để ăn hằng ngày.

- Cháo quyết minh tử hạ áp

Quyết minh tử đem sao cho đến khi hơi bốc mùi thơm, để nguội rồi nấu với hoa cúc bạch lấy nước, bỏ bã. Cho gạo tẻ vào nước đó nấu thành cháo, khi cháo chín cho đường phèn vào, nấu sôi lại là được.

Ăn mỗi ngày một lần, mỗi liệu trình kéo dài 5-7 ngày. Những bệnh nhân đang bị tiêu chảy tạm thời không nên dùng cháo này./.
Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét