Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

TỤC CƯỚI CHỒNG CỦA PHỤ NỮ CHÂU RO.


Người Châu Ro gắn bó với đất Bà Rịa – Vũng Tàu đã từ lâu, hiện có khoảng gần 9.000 người, chiếm phần lớn số cư dân thuộc 17 dân tộc ít người của tỉnh. Họ sống trong các cụm dân cư ở Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), Ngãi Giao, Kim Long, Bình Giã (huyện Châu Đức), Châu Pha (huyện Tân Thành). Du khách đến thăm các danh thắng ở các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc tìm hiểu thêm các phong tục tập quán của người Châu Ro, một trong những phong tục đó là TỤC CƯỚI CHỒNG CỦA PHỤ NỮ CHÂU RO.
Trai gái người Châu Ro lớn lên tự đi tìm bạn đời, tự do làm quen, tự do dắt nhau đi chơi trăng và tự do ăn ở, làm lụng bên nhà gái. Theo phong tục, đến một lúc nào đó cần thiết, cha mẹ, họ hàng Nhà Gái mang một con gà trống tơ mập, một chai rượu trắng kèm theo đồ vật của người con trai như áo, khố… sang gặp cha mẹ, họ hàng nhà trai và nói bóng gió:
-Con trâu nhà ông bà dẫm nát ruộng nhà tôi rồi, ông bà tính sao?
Đáp lại thịnh tình nhà gái, nhà trai nói:
-Ông Trời cột tay chân chúng nó rồi, ông bà cho con trâu nhà tôi được ăn cỏ chung với con trâu nhà ông bà.
Thế rồi người ta ngả mâm bày cỗ, ai ăn cứ ăn, ai uống cứ uống… Người ra vào đông như bầy mối, bầy ong. Người say nằm ngủ, người chưa uống đủ cứ uống thêm… cho đến khi tàn.
Lễ cưới chồng của người Châu Ro xưa là vậy. Từ đây người con trai chính thức là chồng của người con gái. Họ ăn ở với nhau cho đến khi sinh con đầu lòng thì cha mẹ vợ cho ra ở riêng.
Xét về mặt hôn nhân gia đình thì đồng bào Châu Ro xưa ở vào thời kỳ Mẫu hệ, con gái đi hỏi chồng, cưới chồng, về ở nhà vợ, không có tục  “dạm”, “hỏi”, “lễ cưới”, tục  “mai mối”. “Ông Tơ, Bà Nguyệt”, “Thách cưới”, tục xem ngày tháng, so tuổi…
Trong thời gian chung sống, vì một lý do nào đó như bỏ nhau vì xung khắc tính nết, chết… họ có thể “Đi bước nữa” nhưng không qua các bước như lần đầu kể trên. Nếu hai người bỏ nhau thì tài sản, kể cả bất động sản, con cái đều thuộc về người mẹ. Người cha ra đi hai bàn tay trắng. Nếu người vợ chết thì người chồng được quyền lấy chị, em của người vợ (với điều kiện những người này chưa có chồng), và ngược lại nhưng không thành luật tục bắt buộc như một số dân tộc ít người khác.
Ngày nay, lối sống mới cũng đã được người Châu Ro tiếp nhận, tục cưới xin trước kia chỉ còn là nét đẹp truyền thống trong “kho tàng” các phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét